Tị nạnh "13 tỉnh làm, nuôi 50 tỉnh", cẩn thận kẻo thấy cây mà chẳng thấy rừng

01/11/2016 06:35
Xuân Dương
(GDVN) - Tất nhiên, không thể để tồn tại tình trạng một số địa phương hoàn toàn không có khó khăn, nhưng năm nào cũng nhận tiền điều phối từ trung ương.

Câu chuyện điều tiết ngân sách luôn có những ý kiến trái chiều, địa phương nghèo thì muốn được trung ương bổ sung nhiều hơn, địa phương giàu thì muốn bị điều tiết về trung ương ít hơn.

Gần đây, một số lãnh đạo chủ chốt thành phố Hồ Chí Minh, một số tờ báo đã lên tiếng không tán thành chủ trương điều chỉnh phần giữ lại cho thành phố giai đoạn 2017-2020  từ 23% xuống còn 18%, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên giảm 2% tức là thành phố được giữ lại 21%.

Biếm họa lạm chi ngân sách trên vtc.vn
Biếm họa lạm chi ngân sách trên vtc.vn

Báo Nhân Dân điện tử ngày 22/10/2016 dẫn ý kiến các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh:

“Một số đại biểu tỏ ra lo ngại nếu bị cắt giảm đột ngột, ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu về ổn định an ninh trật tự, tội phạm, ma túy. Người dân vì thế sẽ không yên tâm đầu tư sinh kế, làm ăn, du lịch cũng từ đó mà giảm mạnh”. [1]

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “nếu bị giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại, thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn cách cắt giảm chi đầu tư cho phát triển hạ tầng”! [2]

Được biết không chỉ thành phố Hồ Chí Minh bị giảm tỷ lệ giữ lại mà Hà Nội cũng bị điều chỉnh tỷ lệ giữ lại tại địa phương từ 42% xuống 28%;  Đà Nẵng giảm từ 85% xuống 68%.

Như vậy trong khi thành phố Hồ Chí Minh bị giảm 5% thì Hà Nội là 14% và Đà Nẵng là 17%, tỷ lệ giảm của hai thành phố này gần gấp 3 lần thành phố Hồ Chí Minh.

Từ các ý kiến truyền thông đăng tải ở trên, có thể thấy vấn đề mà lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đặt ra cho trung ương là (nếu vẫn) bị cắt giảm 5% phần ngân sách giữ lại thì thành phố này sẽ đối phó bằng cách “giảm đầu tư hạ tầng”, và sẽ không “đáp ứng nhu cầu ổn định an ninh trật tự, tội phạm, ma túy”?

Tị nạnh "13 tỉnh làm, nuôi 50 tỉnh", cẩn thận kẻo thấy cây mà chẳng thấy rừng ảnh 2
Giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: baogiaothong.vn).

Khi thành phố Hồ Chí Minh chưa bị giảm kinh phí, tình hình an ninh trật tự như thế nào?

Xin điểm qua một số thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng:

Thanhnien.vn ngày 18/8/2015 viết: “Truy sát kinh hoàng ở Sài Gòn: 'Bọn nó chém từ trên đầu chém xuống hòng giết tôi”;

Vnexpress.net ngày 7/3/2016 viết: “Nam thanh niên bị chém đứt lìa tay sau cuộc truy sát” (tại quận Gò Vấp);

Thanhnien.vn ngày 21/10/2016 viết: “Bị người lạ mặt chém gần lìa cánh tay trên đường phố Sài Gòn”; …

Có sai không nếu cho rằng khi không bị cắt giảm 5% ngân sách thì lãnh đạo thành phố sẽ giữ được “ổn định an ninh trật tự, tội phạm, ma túy” theo tình trạng như hiện nay tức là các vụ đâm chém trên đường phố sẽ vẫn tiếp diễn?

Vậy đâu là nguyên nhân khiến tội phạm ma túy, trộm cướp, giết người tại thành phố này nhiều năm qua vẫn “ổn định”?

Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/6/2016 đã nêu câu trả lời: “6 tháng qua trên địa bàn thành phố, các vụ giết người tăng cao. Trong đó 70 - 80% là do mâu thuẫn cá nhân trong cuộc sống, đặc biệt là khi ăn nhậu”. [3]

Tị nạnh "13 tỉnh làm, nuôi 50 tỉnh", cẩn thận kẻo thấy cây mà chẳng thấy rừng ảnh 3

Ngân sách Nhà nước, Trứng vàng và Nhà trống

Hãy cùng nhau xem cư dân mạng bình luận về nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn:

“Vì sao người Sài Gòn lại khoái nhậu?”; [4]

“Nhậu” - nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn”; [5]

"Văn hóa nhậu" của người Sài Gòn…"; [6]

Vậy lý do mà các vị lãnh đạo cao nhất thành phố Hồ Chí Minh đưa ra về “an ninh trật tự, tội phạm, ma túy” có thực sự là do thiếu tiền hay do ý thức công dân, do cách thức lãnh đạo, năng lực của đội ngũ cán bộ bảo vệ pháp luật thành phố này có gì đó chưa đáp ứng nhu cầu?

Cho đến nay chưa thấy Hà Nội và Đà Nẵng có phản ứng như thành phố Hồ Chí Minh, phải chăng chỉ có thành phố Hồ Chí Minh là “bị thiệt” nên không thể không đề xuất ý kiến?

Còn nhớ thời kháng chiến chống Mỹ, người Việt bất kỳ ở đâu cũng thuộc lòng câu nói: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt, truyền thống ấy ngày nay liệu có còn nguyên vẹn?

Nếu nghĩ đến biển bị đầu độc, thiên tai, lụt lội hoành hành, ngư dân bốn tỉnh miền Trung đang trông chờ cứu trợ thì có nên mặc cả với trung ương, rằng thiếu tiền thì không bảo đảm “an ninh trật tự, tội phạm, ma túy”?

Tuy nhiên, người viết đồng tình với một số ý kiến, rằng không thể để tồn tại tình trạng một số địa phương hoàn toàn không có khó khăn, nhưng năm nào cũng nhận tiền điều phối từ trung ương.

Thậm chí người ta còn không biết xấu hổ khi đề xuất kinh phí hàng nghìn tỷ xây quảng trường, tượng đài, khi đề bạt vô tội vạ chức danh lãnh đạo cho bộ máy công quyền như tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Dương, hay tiêu xài đến nỗi hết tiền phải báo cáo xin bổ sung kinh phí như tại Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh này.

Một số địa phương nhận tiền điều tiết từ ngân sách trung ương nhưng lại tiêu xài tùy tiện khiến kiểm toán Nhà nước phải kiến nghị thu hồi tới 1.608 tỷ đồng (An Giang 563 tỷ đồng, Vĩnh Long 297 tỷ đồng, Thanh Hóa 289 tỷ đồng, Hưng Yên 109 tỷ đồng...). [7]

Đất nước không thể quay lại thời bao cấp, tất cả cùng đói như nhau, tư duy kinh tế mới là phải tạo những đặc khu, những vùng trọng điểm, những địa phương phát triển nhanh để hỗ trợ các địa phương khó khăn vươn lên, nhưng như thế không có nghĩa là 13 tỉnh, thành phố cứ phải nai lưng nuôi 50 tỉnh, thành còn lại.

Tị nạnh "13 tỉnh làm, nuôi 50 tỉnh", cẩn thận kẻo thấy cây mà chẳng thấy rừng ảnh 4

Việt Nam - giấc mơ 2035: Phần 3 - Vì sao tụt hậu?

Cũng không có nghĩa là khi được ưu tiên thì xem đó là của riêng, không cần quan tâm đến khó khăn chung của đất nước.

Nợ công tăng cao, ngân sách thiếu hụt có nhiều nguyên nhân, một trong các nguyên nhân là chính sách chia tách đơn vị hành chính địa phương cả nước. Một số tỉnh diện tích chưa đến 1.000 km vuông như Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Trong khi tỉnh Quảng Ninh có chiều dài mấy trăm cây số từ giáp Hải Dương đến tận Móng Cái thì chỉ cần một giờ xe chạy là có thể đi suốt chiều dài tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh hay Hà Nam!

Bộ máy công quyền các tỉnh nhỏ cũng đầy đủ sở, ban, ngành và đương nhiên số tiền phải chi cho lương công chức, phương tiện giao thông, trụ sở, đoàn thể… không kém bất kỳ tỉnh nào khác.

Không có chuyện ông Chủ tịch tỉnh bé thì dùng xe bé và lương thấp hơn ông Chủ tịch tỉnh to, cũng không có chuyện tỉnh bé thì trụ sở Ủy ban và Tỉnh ủy bé hơn tỉnh to…

Trở lại câu chuyện của thành phố Hồ Chí Minh, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ:

Tuy tỷ lệ có giảm đi, nhưng con số tuyệt đối lại tăng lên. Chưa kể như thành phố Hồ Chí Minh còn được Trung ương đầu tư 5 dự án ODA với số vốn gần 100.000 tỷ đồng, các dự án chống ngập, xây dựng 2 bệnh viện lớn trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đà Nẵng cũng tương tự như vậy. Thêm vào đó là nhiều nguồn thu như từ đất đai được để lại toàn bộ cho các địa phương”.

Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh phải công khai, minh bạch, giải thích rõ cho dư luận hiểu, tránh tình trạng “thấy cây mà không thấy rừng”. [8]

Từ nhận định của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới trong báo cáo tổng quan Việt Nam 2035, từ ý kiến của Thủ tướng có thể thấy một thực tế, tình trạng cát cứ đang là một rào cản cho sự phát triển cả nước, lãnh đạo địa phương nếu chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, chỉ thấy tỉnh mình, thành phố mình mà không quan tâm đến cả nước thì quốc gia, dân tộc có còn thống nhất, có tập trung được sức mạnh đối phó với thù trong, giặc ngoài?

Từ các đòi hỏi về in Sách giáo khoa riêng, tổ chức thi quốc gia tốt nghiệp Trung học Phổ thông riêng cho tới các phát biểu về ngân sách, các yêu cầu cứu trợ khẩn cấp mỗi khi có thiên tai… có thể thấy một số quan chức quả thật đang thấy cây mà không thấy rừng.

Tị nạnh "13 tỉnh làm, nuôi 50 tỉnh", cẩn thận kẻo thấy cây mà chẳng thấy rừng ảnh 5

Quan thiếu “gió tươi”, dân thừa ô nhiễm

Hoặc là họ muốn địa phương nhận được thật nhiều trợ cấp từ Nhà nước mà chẳng cần động não suy nghĩ, hoặc là họ đang muốn biến địa phương mình thành ốc đảo chứ không phải một đầu tàu kinh tế giúp đỡ các nơi khó khăn hơn mình.

Liệu Nhà nước đã nên ban hành một quy định, nếu tỉnh nào không nuôi nổi bộ máy công quyền tỉnh mình thì lãnh đạo phải từ chức, sau bao nhiêu năm mà ngân sách Nhà nước vẫn phải hỗ trợ thì chia tách, ghép thành đơn vị hành chính mới?

Ý kiến trên có thể cực đoan nhưng là cần thiết để đất nước không còn mang đặc trưng là đất nước ăn xin bởi 80% số tỉnh thành phải trông vào cứu trợ từ trung ương, chỉ có 20% tự nuôi nổi mình và cáng đáng cho các tỉnh khác.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/31046902-giam-ngan-sach-nhieu-he-luy-cho-%E2%80%9Cdau-tau-kinh-te%E2%80%9D.html

[2] http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/vu-truong-ngan-sach-trung-uong-van-uu-tien-chi-lon-cho-tp-hcm-3490373.html

[3]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nguoi-sai-gon-noi-gi-ve-siet-thoi-gian-nhau-dem-312161.html

[4] http://mtv.vn/mentv/20011/vi-sao-nguoi-sai-gon-lai-khoai-nhau.html

[5] http://tapchimonngon.com/van-hoa/goc-sai-thanh/3056-nhau-net-van-hoa-dac-trung-cua-sai-gon.html

[6] http://afamily.vn/xem-an-choi/van-hoa-nhau-cua-nguoi-sai-gon-2014021512427470.chn

[7] http://www.vietnamplus.vn/su-dung-sai-kinh-phi-2150-tinh-thanh-bi-doi-hon-1600-ty-dong/397224.vnp

[8]http://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-tuong-mong-tphcm-dong-cam-cong-kho-cung-ca-nuoc-20161030064038549.htm

Xuân Dương