Ngân sách Nhà nước, Trứng vàng và Nhà trống

29/10/2016 07:00
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Về lâu dài cái nên trao cho họ là một chiếc “cần câu” cơ chế và thậm chí là một sự dứt khoát về ngân sách để tạo động lực, chứ không phải cho mãi “con cá"?

Trong phiên thảo luận mới đây liên quan đến thu chi ngân sách năm 2016, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng khi chỉ có 13/63 tỉnh thành có nguồn thu đủ lớn để điều tiết về Trung ương.

Bộ Tài chính dự toán năm 2016, các địa phương thu không đủ chi sẽ được bổ sung khoảng 211.221 tỉ đồng.

Nguồn bổ sung khổng lồ này do 13 tỉnh thành nai lưng nộp về Trung ương là những con gà đẻ “trứng vàng” và chia sẻ cho 50 tỉnh thành khác ngồi chờ sung rụng, chẳng khác nào những ngôi “nhà trống”.

Chẳng biết những con “gà” kia có thể “đẻ” đến bao giờ thì sức cùng lực kiệt, và cũng chẳng hay những “ngôi nhà” trống hoác đến khi nào mới “kín” lại, chỉ biết rằng ngân sách phục vụ cho hoạt động của Trung ương và 50 tỉnh thành không thể dựa mãi vào 13 địa phương còn lại và nguồn vay nước ngoài.

Cần biết thêm, nguồn vay từ ODA ngày càng bị siết lại và dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường.

Ảnh biếm họa bội chi ngân sách Nhà nước (Ảnh: tienphong.vn).
Ảnh biếm họa bội chi ngân sách Nhà nước (Ảnh: tienphong.vn).

Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. [1]

Điều đáng nói là tình trạng “trứng vàng” và “nhà trống” tái diễn cả chục năm nay, ấy vậy nhưng hàng chục tỉnh thành đua nhau “vung tay quá trán” xây dựng những công trình đồ sộ, lãng phí gây bức xúc dư luận.

Đó là những tượng đài ngàn tỷ, những đền đài, miếu mạo nguy nga xây xong không biết thờ ai, những nhà máy bỏ không khắp đất nước, hàng ngàn chiếc xe công mua xong trùm mền nằm chơi… câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngân sách Nhà nước, Trứng vàng và Nhà trống ảnh 2

Quan lớn và vị thần công lý bịt mắt

Người viết chỉ đơn cử, năm 2015 dư luận cả nước xôn xao khi Sơn La – một tỉnh nghèo phải nhận cứu trợ thường xuyên từ Trung ương, trình ra đề án xây dựng tượng đài trị giá 1.400 tỷ đồng!

Số tiền này tương đương với nguồn trợ cấp mà Trung ương phải chi cho Đồng Tháp 1.174 tỷ đồng, Hậu Giang 1.254 tỷ đồng, và một loạt các tỉnh Tây Bắc trong đó có Sơn La. [2]

Chẳng biết những bất cập lớn như núi này các địa phương có tính đến, chẳng nhẽ không chột dạ khi cắp rổ ra Trung ương xin tiền về chỉ để xây những công trình kỳ vĩ trong khi đời sống người dân nhiều chỗ còn khốn khó đến từng bữa ăn.

Cơn lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã phơi rõ bộ mặt kinh tế địa phương, chỉ vài ba ngày ngập nước mà Trung ương phải cứu trợ hàng chục ngàn tấn gạo và cần đến sự chung tay chia sẻ của đồng bào hai đầu đất nước.

Để thấy rằng sự vô lý của những công trình ngàn tỷ mọc lên bên cạnh những căn “nhà trống” là không thể chấp nhận.

Nói vậy để thấy rằng những đồng tiền vay nước ngoài và thu thuế trong dân chẳng phải chuyện chơi.

Việc những nguồn ODA bắt đầu khó hơn với Việt Nam đã chứng tỏ khả năng trả nợ đã đạt trần, tài sản ròng của chúng ta đã ngấp nghé đạt ngưỡng khấu hao hết những khoản nợ mà chúng ta đang gánh.

Theo thông tin tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính chiều 25/10, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 – 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD.

Tuy nhiên việc dùng những đồng đô la đi vay sao cho hợp lý và hiệu quả vẫn là bài toán khó, bởi tham nhũng lãng phí vẫn chưa có dấu hiệu lép vế so với quyết tâm phòng chống của Trung ương.

Sự cồng kềnh của bộ máy biên chế Nhà nước cũng ngốn một phần không nhỏ nguồn ngân sách trong ki đó hiệu quả hiệu lực và năng suất lao động thuộc tốp thấp nhất thế giới.

Nền kinh tế khó phát triển nếu chỉ dựa vào nguồn vốn vay và thu thuế, vấn đề ở chỗ phải đầu tư những đồng tiền vay sao cho hiệu quả, chẳng những quay vòng được vốn mà còn có dư để trả lãi và tái đầu tư trở lại.

Điển hình trong số này phải nói đến nhà máy điện đạm Ninh Bình được đầu tư 11.000 tỷ đồng nhưng khi vào hoạt động đã thua lỗ 4 năm liên tục, hơn 1.000 tỷ đồng!

Rồi nhà máy lọc dầu Dung Quất – niềm hy vọng đầu tàu của miền Trung cũng lâm vào tình cảnh hụt vốn khó hiểu trong khi nắm trong tay cả “rừng” ưu đãi.

Trong bóng đá có hai trường phái, một là trường phái xây dựng lối chơi tập thể, trong đó vai trò của các cá nhân là ngang nhau, hai là trường phái xây dựng lối chơi xoay quanh một vài ngôi sao, cá nhân nổi bật, tất cả đều được quyết định bởi một vài cá nhân này và một khi ngôi sao trong đội hình dính chấn thương coi như đội bóng sụp đổ.

Ngân sách Nhà nước, Trứng vàng và Nhà trống ảnh 3

Ba vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế quốc dân

Một ngân sách ổn định, lành mạnh phải từ nguồn thu sản xuất kinh doanh từ chính các địa phương.

Đành rằng các địa phương nghèo, khó khăn thì vẫn phải trợ giúp, nhưng về lâu dài cái nên trao cho họ là một chiếc “cần câu” cơ chế và thậm chí là một sự dứt khoát về ngân sách để tạo động lực, chứ không phải là chỉ cho mãi “con cá”.

Bởi việc chia nhỏ những quả “trứng vàng” dinh dưỡng của những con “gà” đẻ có khác gì kéo các địa phương phát triển xuống, trong khi chưa chắc đã đẩy các địa phương kém phát triển lên.

Với nền kinh tế của một quốc gia cũng vậy, nguồn lực phải dựa và nhiều cột trụ chứ không chỉ có thu và vay.

Siết chặt chi tiêu công và chính sách thắt lưng buộc bụng không nên cho rằng là việc riêng của Trung ương, mà trước hết là nhiệm vụ trực tiếp của địa phương, bởi suy cho cùng Trung ương chỉ là nơi quản lý điều hành ở tầm vĩ mô.

Tiền thu thuế ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay ở bất cứ đâu trên đất nước này đều là tiền của dân và không có chuyện địa phương này è cổ ra làm để trợ cấp cho địa phương kia hết năm này qua tháng nọ trừ những lúc thiên tai dịch họa.

Vai trò trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương ở đâu khi ngân sách luôn trong tình trạng “viêm màng túi”, chẳng lẽ cứ bấu víu hoài cái lý do tiềm lực yếu, vị trí không thuận lợi, nếu không đưa được địa phương đi lên sao không xin nghỉ cho người khác lên thay…!

Ông bà ta có câu “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” vậy nên, đến khi nào những “căn nhà” vẫn còn trống hoác thì bao nhiêu con gà đẻ “trứng vàng” cũng không thể kham nổi.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://infonet.vn/nguon-vay-oda-khep-dan-viet-nam-phai-quan-ly-no-vay-the-nao-post212314.info

[2] http://www.thesaigontimes.vn/127760/Nhin-vao-thuc-te-80-dia-phuong-chua-the-tu-nuoi-minh.html

Trương Khắc Trà