Ngày 1/11, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và Giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng đội ngũ cộng sự của ông đã có cuộc trao đổi liên quan đến các vấn đề về Công nghệ giáo dục của ông mà Báo đã phản ánh.
Trung tâm Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm Giám đốc đã chính thức lên tiếng về vấn đề này trong bài viết: "Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đến dấu phẩy cũng không vô giá trị", đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/11.
Đây là tiếng nói chính thức của Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại về những thắc mắc liên quan đến các câu hỏi đặt ra về nội dung cũng như cơ sở pháp lý của việc triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.
Người viết rất hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trao đổi cầu thị và kịp thời của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng đội ngũ cộng sự, trong việc trả lời thắc mắc của dư luận về Công nghệ giáo dục.
Chúng tôi cũng hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam với vai trò cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, thí điểm, triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục sớm có câu trả lời dư luận.
Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, tập 2. Ảnh: giaoduc.net.vn. |
Đó là những câu hỏi, thắc mắc xung quanh căn cứ pháp lý triển khai đại trà "sách giáo khoa" này và thí điểm quy mô rộng các đầu sách khác thuộc Công nghệ giáo dục.
Tuy nhiên người viết nhận thấy những câu trả lời liên quan đến phần nội dung cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục từ Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn chưa đi thẳng vào các câu hỏi được bạn đọc đặt ra và có những thông tin mâu thuẫn nhau.
Để làm sáng rõ vấn đề, trong khuôn khổ bài viết này người viết xin nhắc lại các câu hỏi về nội dung cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, đồng thời nêu ra một số vấn đề mâu thuẫn và mong muốn nhận được câu trả lời cụ thể, đúng câu hỏi, có trách nhiệm và cầu thị từ phía Giáo sư và Trung tâm.
Những câu hỏi về nội dung cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vẫn chưa được trả lời
Bài viết đầu tiên chất vấn về sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại do tác giả Trần Hương Giang, một phụ huynh có con học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 28/9/2015 đặt ra 2 vấn đề:
- Ý nghĩa của nhiều từ ngữ trong sách không phù hợp với lứa tuổi Tiểu học. Đặc biệt nội dung một số câu chuyện không mang tính giáo dục, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển đạo đức, trí tuệ và hình thành nhân cách của trẻ.
- Nhiều nội dung mâu thuẫn với những điều mà Luật Giáo dục quy định. [1]
Sau đó phụ huynh Trần Hương Giang đã liệt kê rất chi tiết những ví dụ trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục để minh họa cho 2 vấn đề này, mong Giáo sư Hồ Ngọc Đại và các tác giả làm rõ.
Bài viết thứ hai của tác giả Trần Hương Giang ngày 3/11/2015 phản biện lại nội dung trả lời của một số giáo viên Trường Thực nghiệm liên quan đến bài viết đầu tiên [1], tác giả tiếp tục đặt câu hỏi:
- “Chiếm lĩnh ngữ âm” để làm gì? Trong khi nội dung tiếng Việt còn không hiểu nghĩa vậy thì làm sao có thể “chiếm lĩnh nội dung các môn học khác”?
- Khi đã không hiểu ý nghĩa thì “tư duy ngôn ngữ, năng lực phân tích..” phát triển bằng cách nào đây?
- Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có biết bao nhiêu lời hay, ý đẹp sao không đưa vào dạy các cháu mà lại phải dạy “Thu đủ bù chi”, “Bạt ngàn man dã”, “Cà rịch cà tàng”, “Hàng thịt nguýt hàng cá”, “Xập xí xập ngầu”...?
- Tiếng Việt phong phú là vậy, sao lại phải dạy các cháu “sàm sỡ”, “xoen xoét”, “ngoa ngoắt”, “ăn quỵt”, “xiết nợ”, “hùng hục”, “ốm đau quặt quẹo”, “ngáo ộp dọa trẻ”, “khuýp khùym khuỵp” ... ? [2]
Học mẫu giáo đã phải đăng ký mua sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại |
Bài viết thứ ba của tác giả Trần Hương Giang đăng ngày 4/12/2015 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nêu ra một số vấn đề về nội dung trong cuốn Tiếng Việt lớp 1, Công nghệ giáo dục và đề nghị Giáo sư Hồ Ngọc Đại và những người có trách nhiệm trả lời.
Sau hơn 1 năm kể từ khi tác giả Trần Hương Giang đặt câu hỏi, Trung tâm Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại mới chính thức lên tiếng, nhưng tiếc rằng đã không trả lời cụ thể các câu hỏi về nội dung cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục mà người hỏi đặt ra.
Ngược lại, Trung tâm Công nghệ giáo dục chỉ khẳng định một cách "chắc nịch" rằng: "Bất cứ một giải pháp nào trong sách Tiếng Việt 1 của GS. Hồ Ngọc Đại, ngay cả một dấu phẩy, đều có giá trị, vì ông làm 40 năm rồi."
Nói cách khác, người hỏi một đằng, người trả lời một nẻo.
Ngoài ra, câu trả lời này trong bài viết của Trung tâm Công nghệ giáo dục và những phát biểu trên truyền thông của Giáo sư Hồ Ngọc Đại về giáo dục và Công nghệ giáo dục của ông bộc lộ nhiều mâu thuẫn về mặt tư duy, người viết xin nêu ra và mong nhận được câu trả lời đúng trọng tâm câu hỏi từ phía Giáo sư Hồ Ngọc Đại và cộng sự.
Những biểu hiện mâu thuẫn tư duy
Thứ nhất, Trung tâm Công nghệ giáo dục mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm Giám đốc trả lời rằng:
"Trong khoa học có cái gọi là đối tượng. Cũng một đối tượng ấy, có nhiều góc nhìn, cách nhìn khác nhau. Đó là tính đa dạng của cách nhìn. Không có cái nào đúng, cái nào sai ở đây cả." [3]
Wikipedia định nghĩa: "Khoa học (tiếng Anh: science) là toàn bộ hoạt động có hệ thống nhằm xây dựng và tổ chức kiến thức dưới hình thức những lời giải thích và tiên đoán có thể kiểm tra được về vũ trụ."
Hiểu một cách đơn giản, khoa học phải là những giải thích và tiên đoán "có thể kiểm tra được" về vũ trụ (người viết in đậm để nhấn mạnh), tức là có định lượng, định tính, có hệ quy chiếu rõ ràng chứ sao lại không có đúng sai, hiểu thế nào cũng được?
Lập luận như Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì phải chăng cần gì phải học luật chính tả, muốn viết thế nào thì viết, vì làm gì có đúng sai mà là do cách nhìn?
Thứ hai, Trung tâm Công nghệ giáo dục, Giáo sư Hồ Ngọc Đại lập luận rằng:
"Cả ngàn năm nay, nền giáo dục Nho giáo buộc 5% dân số phải thuộc chữ nghĩa thánh hiền, những câu nói mà người thường không thể hiểu được, chỉ có trong sách vở.
Còn bây giờ là nền giáo dục cho 100% dân cư, cần phải nói những điều mà mọi người đều hiểu."
Dường như Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại đang đánh đồng 2 khái niệm với nhau: phạm vi phổ cập giáo dục với nội dung giáo dục?
Bởi lẽ nếu nhận thức là một quá trình đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, thì giáo dục cũng là một quá trình lịch sử từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.
Bất kỳ một khái niệm, một nội dung nào mới, cho dù là của giáo dục Nho giáo hay giáo dục hiện đại, cũng đều phải học mới biết. Những câu kinh điển của giáo dục Nho giáo như "tiên học lễ, hậu học văn" hay "tôn sư trọng đạo" cũng phải học mới biết, làm gì có ai tự nhiên biết?
Nói theo cách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì 95% không hiểu được "chữ nghĩa thánh hiền" là do họ không được đi học, chứ không phải đi học mà học không nổi!
Còn Giáo sư Hồ Ngọc Đại tự hào vì ông dạy những khái niệm "toán hiện đại, toán cao cấp" cho học sinh cấp 1, vốn là những thứ không mấy người hiểu có mâu thuẫn với cái ông gọi là "mọi người đều hiểu"?
Ngay cả Giáo sư toán học Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Viện trưởng Viện toán lý thuyết - Viện Toán học Toulouse - Cộng hòa Pháp, Giáo sư Đại Học Toulouse cũng phải thốt lên: Có là thần đồng toán học thời nay như Terrence Tao cũng không giỏi đến mức vậy!
Theo ông, nói một cách chính xác hơn, thì “toán hiện đại, cao cấp” của GS.Hồ Ngọc Đại chủ yếu là đưa một ngôn ngữ toán học trừu tượng vào cho học sinh cấp 1 học, chứ thực ra không có kiến thức “cao cấp” ở đó. [4]
Thú thực là không học qua sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, người viết không hiểu thế nào là "chiếm lĩnh ngữ âm", "chân không về nghĩa", nhưng không ảnh hưởng gì đến khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt.
Hơn nữa, không lẽ theo lập luận của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì những giá trị về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của giáo dục Nho giáo cần phải loại bỏ khỏi giáo dục hiện đại, chỉ vì ngày trước chỉ 5% dân cư được học?
"Tiên học lễ, hậu học văn”, “tôn sư trọng đạo”... không phải là một trong những truyền thống tốt đẹp của Nho giáo sao? Không lẽ cũng phải bỏ nốt?
Làm thế nào để sách của GS. Hồ Ngọc Đại vào được nhà trường? |
Thứ ba, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng: "Học công nghệ giáo dục, đảm bảo trẻ con biết tự và cơm ăn là có thể dạy được. Học gì biết nấy. Học đâu chắc đấy. Đọc thông viết thạo, đúng chính tả và không tái mù."
Người viết cho rằng đối với bậc tiểu học, đặc biệt là lớp 1 thì học sinh Việt Nam người Kinh cần học là "chữ" và "nghĩa" chứ không phải "phân tích ngữ âm" hay “chiếm lĩnh ngữ âm”.
Các cháu 6 tuổi đến trường đều nghe nói bình thường và đã có một vốn từ vựng nhất định.
Bởi vậy tôi hoài nghi rằng học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có thể giúp học sinh "học đâu chắc đấy", bởi chỉ học "tiếng" và "chữ" mà bỏ qua "nghĩa" (Giáo sư gọi là "chân không về nghĩa") thì phải chăng học sinh lớp 1 Công nghệ giáo dục nói mà không hiểu mình nói gì?
Mặt khác, giải pháp "chân không về nghĩa" được Giáo sư sáng tạo ra cho học sinh dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt tại sao lại áp dụng đại trà cho các học sinh người Kinh mà tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ?
Thứ tư, Trung tâm Công nghệ giáo dục, Giáo sư Hồ Ngọc Đại lập luận:
"Trẻ con học lớp 1 giống như là mình xây móng nhà vậy. Nó thô, nhưng vững chắc. Chẳng ai phải hoa hòe hoa sói với cái móng nhà cả.
Vì thế phải xem trẻ con nó nghĩ như thế nào, chứ không phải người lớn nghĩ trẻ con cần phải có những gì."
Dường như có sự đánh đồng 2 khái niệm "phương pháp sư phạm" và "nội dung giáo dục" ở đây.
Bởi lẽ xem trẻ con nó nghĩ như thế nào để truyền thụ cho các em tri thức, năng lực cần thiết, phù hợp với lứa tuổi hoàn toàn không mâu thuẫn với "người lớn nghĩ trẻ con cần phải có những gì".
Đó là 2 phương diện của một vấn đề: phương pháp sư phạm và nội dung giáo dục.
Người viết hoàn toàn đồng ý với quan điểm không sử dụng phương pháp áp đặt, nhưng nội dung giáo dục thì không thể tùy tiện.
Trong khi đó bản thân Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng là một nội dung áp đặt cho trẻ con đó thôi.
Những gì Giáo sư và Trung tâm Công nghệ giáo dục đang làm chẳng phải biểu hiện của "người lớn nghĩ trẻ con cần phải có những gì" - chiếm lĩnh ngữ âm, tách nghĩa khỏi tiếng đó sao?
Cái móng nhà “thô những vững chắc” thì không cần bàn, nhưng nó không liên quan gì đến học sinh lớp 1 đòi hỏi sự nắn nót, tỉ mỉ, kiên nhẫn, bởi với người Việt, nét chữ - nết người.
Vì vậy những gì đem ra dạy trẻ lớp 1 cần phải có sự chuẩn mực cả về ngữ - nghĩa lẫn sự phù hợp với lứa tuổi, nhận thức và bối cảnh xã hội. Không thể xem trẻ con lớp 1 như cái móng nhà, để ai đó thích đổ gì thì đổ.
Không thể đem cái “thô nhưng vững chắc” của móng nhà để bao biện cho sự cẩu thả trong việc dạy học con trẻ.
Mâu thuẫn về cơ sở pháp lý triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục giữa Giáo sư Hồ Ngọc Đại và khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Trung tâm Công nghệ giáo dục khẳng định:
"Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được Hội đồng nghiệm thu nhiều lần: 2 lần cấp quốc gia, 1 lần cấp Bộ, và lần nào cũng được xếp loại tốt, được đề nghị cho triển khai nhân rộng.
Cuốn Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, lớp 1, tập hai do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành ngày 4/1/2016 vẫn ghi rõ là "Tài liệu thí điểm". Ảnh: giaoduc.net.vn. |
Hồ sơ còn được lưu tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Và tất nhiên, hội đồng nghiệm thu là Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục lần thứ nhất là PGS.TS. Lương Ngọc Toản, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục lần thứ hai là GS.TS. Phạm Đình Thái."
Đầu tiên người viết đánh giá rất cao câu trả lời thẳng thắn, cụ thể, đúng câu hỏi này từ Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam để xác minh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ để làm rõ vấn đề.
Có điều, thông tin này mâu thuẫn với thực tế cũng như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội.
Thứ nhất, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành gần đây nhất, tháng 3/2016 vẫn ghi rõ là "tài liệu thí điểm", tức không phải sách giáo khoa.
Nếu đã là sách giáo khoa thì tại sao còn phải "thí điểm", và "thí điểm" đến bao giờ?
Trong buổi trao đổi với Giáo sư Hồ Ngọc Đại và cộng sự tại Trung tâm Công nghệ giáo dục, chúng tôi đã đặt câu hỏi về điều này, tuy nhiên không nhận được câu trả lời cụ thể.
Thứ hai, Trung tâm Công nghệ giáo dục khẳng định:
"Nói việc triển khai đại trà sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục trái với Chương trình năm 2000 là sai, vì lúc đó nó là đề tài nghiên cứu, là một giải pháp khoa học và được nhân ra bằng lợi ích giải pháp khoa học."
Cuốn Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, lớp 1, tập một do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành ngày 23/3/2016 vẫn ghi rõ là "Tài liệu thí điểm". Ảnh: giaoduc.net.vn. |
Điều này mâu thuẫn với chính những phát biểu của Giáo sư Hồ Ngọc Đại trên báo chí.
Giáo sư đã nhiều lần phủ định hoàn toàn Chương trình năm 2000, mà theo Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục (2009), Chương trình năm 2000 là cơ sở pháp lý để biên soạn sách giáo khoa đang dùng hiện nay.
Ví dụ, Báo Tuổi Trẻ ngày 1/10/2013 dẫn lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói:
“Khi chương trình của tôi phải ngừng lại nhường chỗ cho chương trình 2002, tôi tin rằng bộ sách của mình “thất thế” không phải về mặt khoa học mà là do những toan tính vụ lợi, mà đã vụ lợi thì một lúc nào đó sẽ hết lợi, bộ sách của tôi sẽ được ghi nhận. Sự thật đã là như thế.” [5]
Báo Nhân Dân ngày 24/9/2012 cho biết, Giáo sư phát biểu về chương trình hiện hành (Chương trình năm 2000) tại tọa đàm "SGK và chuẩn mực trong biên soạn":
Làm nóng cuộc tọa đàm với sự thẳng thắn “qui tội” những người làm chương trình không có tư duy đổi mới, Giáo sư Hồ Ngọc Đại ví von:
“Trước các “ông” làm quả bom 50kg giờ làm bom năm tấn, nhưng thực chất vẫn là quả bom thường chỉ khác về cường độ, song còn vẫn sử dụng nguyên lý cũ vì không dám nghĩ đến một “quả bom” nào khác. Nói đổi mới căn bản toàn diện nhưng sách giáo khoa không có đổi mới gì”. [6]
Trong chương trình Đối thoại chính sách cùng với Biên tập viên Quang Vinh và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trên VTV1 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015, Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói:
"Vấn đề cải cách SGK là buộc phải làm thôi. Vấn đề là ai làm? Tôi thì tôi không tin cái bộ phận hiện nay làm có thể thành công được.
Những người mà từng làm dự án ấy, họ mà tiếp tục làm thì không thể thành công được. Vì mỗi một người cái trình độ tư duy chỉ có thế thôi. Một cái tổ chức, trình độ tư duy của nó chỉ có thế thôi.
Anh không thể khác được. Không thể ra tư duy mới được. Nhất là những người đã định hình rồi. Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu. Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.
Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm. Cho nên tôi tin rằng Bộ trưởng mới sẽ có cách xử lý mới. Tôi tin là như thế."
Nội dung này bạn đọc quan tâm có thể theo dõi lại trên Youtube.
Cuốn Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, lớp 1, tập ba do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành ngày 25/3/2015 vẫn ghi rõ là "Tài liệu thí điểm". Ảnh: giaoduc.net.vn. |
Còn trên Báo Tiền Phong ngày 16/9/2013, Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể về việc đưa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vào trường học ở Lào Cai:
"...Khi tôi bày tỏ lo ngại về việc Quốc hội đã thông qua Luật GD, trong đó quy định cả nước dùng thống nhất một bộ SGK thì anh Sùng Chúng nói con em của Quốc hội hay con em của chúng tôi?..."
"...Sách CGD môn Tiếng Việt 2, 3, 4, 5 đều đã có rồi, nhưng chưa có cớ để đưa vào nhà trường (phần in đậm là để người viết nhấn mạnh). Hiện nay Hải Dương và Nam Định đã thực hiện thí điểm với sách Tiếng Việt lớp 2. ..." [7]
Hiện tại bộ sách Tiếng Việt lớp 2 Công nghệ giáo dục đang được thí điểm ít nhất trên 10 trường thuộc 6 tỉnh (số liệu từ năm 2013), theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ ngày 25 đến 30 tháng 7, 2016 tại Hà Nội, Trung tâm Công nghệ Giáo dục – NXBGDVN triển khai tập huấn 7 môn học với 18 đầu sách công nghệ giáo dục gồm: Toán (lớp 1,2,3,4), Tiếng Việt (lớp 2,3,4), Văn (lớp 2,3,4), Giáo dục Lối sống (lớp 1,2), Tiếng Anh (lớp 2,3), Mĩ thuật (lớp 1,2,3), Cuộc sống quanh ta (lớp 1). [8]
Nếu làm một cách đàng hoàng, đúng Luật Giáo dục thì tại sao Giáo sư Hồ Ngọc Đại lại nói "chưa có cớ để đưa vào nhà trường"? Cái "cớ" ông đang chờ đợi ở đây là gì?
Thứ ba, sau khi có ý kiến tranh luận của Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về phần trả lời câu hỏi những cuốn sách công nghệ giáo dục (của Giáo sư Hồ Ngọc Đại) được đưa vào giảng dạy ở trường tiểu học, có được Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định và kiến nghị Bộ trưởng cho sử dụng hay không?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn cho biết: “Về việc thí điểm dạy tiếng Việt tiểu học, chúng tôi xin nhận khuyết điểm. Việc thẩm định chúng tôi phải làm trong thời gian tới.
Còn sau khi thẩm định mà các nhà chuyên môn đánh giá thấy không hợp lý thì với trách nhiệm của mình, chúng tôi phải dừng”. [9]
Nếu những cuốn sách công nghệ giáo dục nói chung, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục nói riêng đã được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định, kiến nghị Bộ trưởng cho sử dụng như trả lời của Trung tâm Công nghệ giáo dục, thì tại sao Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại cam kết: "Việc thẩm định chúng tôi phải làm trong thời gian tới"?
Thứ tư, chuyện Giáo sư Hồ Ngọc Đại vốn dĩ là giáo viên dạy Toán, nghiên cứu về Toán, sau này làm luận án Tiến sĩ về tâm lý: "Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1", được viết sách giáo khoa Tiếng Việt, một chuyên ngành không liên quan gì tới sở trường và chuyên môn đào tạo của ông, thực đã là chuyện xưa nay hiếm. [10]
Tại sao mô hình Trường học mới thành công tại Colombia? |
Nay nếu câu trả lời của Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại là đúng, thì việc 2 ông Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là chuyên gia sinh học, không thấy công bố công trình nào về ngữ văn đi thẩm định sách ngữ văn, thì quả thực là vô tiền khoáng hậu!
Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã trả lời thẳng câu hỏi này là điều rất đáng hoan nghênh và người viết đánh giá cao điều đó.
Tuy nhiên câu trả lời ấy đúng hay sai, cần có Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đứng ra xác minh để dư luận hiểu rõ, bởi nó trái với phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội. Trong hai câu trả lời này, sẽ có một câu sai, một câu đúng.
Vì vậy nên chúng tôi xin nhắc lại một cách cụ thể, chi tiết những câu hỏi, vấn đề này để Giáo sư và đội ngũ cộng sự tiện tham khảo, trao đổi, ngõ hầu giải đáp những thắc mắc chính đáng từ phụ huynh học sinh, giáo viên và dư luận xã hội.
Chúng tôi cũng mong sớm nhận được câu trả lời từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về những câu hỏi nêu trên liên quan đến căn cứ pháp lý "thí điểm", triển khai đại trà sách công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Tài liệu tham khảo:
[5]http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20131001/cau-chuyen-ve-mot-bo-sach-giao-khoa/571280.html
[6]http://www.nhandan.com.vn/hangthang/chinh-tri/cuu-chien-binh-vui-ke/item/1091202-.html