Hai câu chuyện buồn sau ngày vui Nhà giáo

22/11/2016 07:47
Đỗ Quyên
(GDVN) - Bên cạnh những câu chuyện vui của ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn còn không ít những chuyện buồn, làm cho ngày lễ tri ân nhà giáo có những nét thoáng buồn.

LTS: Chia sẻ những câu chuyện lượm nhặt sau ngày 20/11, tác giả Đỗ Quyên mong muốn nhà trường và phụ huynh cần thực sự quan tâm đến thầy cô, chứ không chỉ là hình thức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Ngày 20/11 đã qua nhưng dư âm thì vẫn còn mãi trong các câu chuyện kể của mọi người.

Trong những câu chuyện vui, cảm động vẫn còn không ít những chuyện buồn, làm cho ngày vui, ngày lễ tri ân nhà giáo có những nét chấm buồn thật đáng tiếc. 

Câu chuyện thứ nhất

Ngoài buổi lễ giao lưu trước sân trường cho học sinh toàn trường tham dự, học sinh lên tặng hoa chúc mừng tất cả thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên toàn trường. 

Các trường học còn tổ chức tọa đàm, liên hoan sau giờ hành chính để mọi người ăn uống, vui chơi và ca hát.
 
Trường sang đi quán, nhà hàng. Trường eo hẹp kinh phí thường chọn cách tổ chức tại trường. Thế rồi trong cuộc vui không thể thiếu tiếng hát. 

Hai câu chuyện buồn sau ngày vui Nhà giáo ảnh 1

Những chuyện lượm nhặt trong buổi dự lễ kỉ niệm 20/11

Những cái loa công suất lớn vốn để cho hàng ngàn học sinh nghe hàng ngày đã được trưng dụng để mọi người thi hát karaoke. 

Phần lớn, trường học nằm trong khu dân cư nên âm thanh hát hò của những “ca sĩ” bất đắc dĩ vượt ra ngoài và vang khá xa trong cả vùng làm không ít người có cảm giác khó chịu như bị tra tấn. 

Với suy nghĩ, cả năm mới có một lần nên một số người lại cứ vô tư hát, vô tư hò hét.
 
Mà không biết rằng những chiếc màng nhĩ đâu đó phải hứng chịu những âm thanh bất đắc dĩ trong cả khoảng thời gian dài. 

Nhiều người dân quanh vùng vô cùng khó chịu. Có người tế nhị góp ý thẳng với nhà trường để rút kinh nghiệm. Nhưng có người lại mang lên mạng xã hội than vãn, chê trách. 

Thế là “gạch đá” khắp nơi ném về ào ào, không ít những “anh hùng bàn phím” được dịp dùng những lời lẽ gay gắt chửi rủa thầy cô một cách nặng nề và “chuyện nọ xọ chuyện kia” xúc phạm đến tất cả giới giáo chức. 

Điều này đã gây nên một nét thoáng buồn trong ngày vui của các thầy cô giáo.

Câu chuyện thứ hai

Điều đáng nói nhất vẫn là chuyện tặng quà cho thầy cô. Có những món quà tuy đơn giản mà chứa nặng tấm lòng của người tặng.

Nhưng cũng có không ít những món quà tặng theo kiểu “ban phát, bố thí” đã làm phiền lòng không ít thầy cô giáo. 

Thầy cô mong muốn sự tôn trọng thật sự từ phụ huynh và học sinh, chứ không chỉ là hình thức. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Thầy cô mong muốn sự tôn trọng thật sự từ phụ huynh và học sinh, chứ không chỉ là hình thức. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Nhiều kiểu tặng quà gây phản cảm cho người chứng kiến lẫn người được tặng. Đó là những hình ảnh các cô cậu học trò trên tay cầm chiếc phong bì dáo dác tìm thầy cô trên sân trường. 

Có em cầm tờ tiền trăm ngàn phất phơ trên tay lên bỏ phịch trên bàn cô cùng lời nói “Mẹ con cho cô đấy”. 

Hay có học sinh lặc lè xách một túi quà để trực tiếp trên bàn giáo viên trước những ánh mắt tò mò, buồn rầu của nhiều học sinh khác…

Có học sinh thấy bạn tặng quà cho thầy cô nên về nhà đòi mẹ mua quà cho bằng được bằng cách đổ tội cho giáo viên “Cô con dặn mai nói mẹ mua quà tặng cho cô”. 

Hai câu chuyện buồn sau ngày vui Nhà giáo ảnh 3

Bông hoa dại và niềm vui của người thầy

Nhiều phụ huynh chẳng cần kiểm chứng tính chân thật lời nói của con trẻ đã vội tin ngay và mang câu chuyện thầy cô dặn học trò tặng quà đi rêu rao khắp xóm.

Không ít phụ huynh tặng quà thầy cô không phải xuất phát từ lòng tri ân, công lao dạy dỗ của thầy cô với con mình. 

Bởi thế, mang quà đi tặng, họ năn nỉ hết lời và nhất định không chịu đem về khi thầy cô chưa nhận. 

Nhưng món quà được thầy cô nhận rồi, các mẹ sẵn sàng mang đi kể bất cứ nơi đâu rằng “Thế là hôm nay mất toi mấy trăm bạc” hay “Chẳng người nào chê tiền, mấy thầy cô chỉ bày đặt chút thôi, cứ thử đưa xem có nhận không?”…

Thời đại công nghệ thông tin nên mạng xã hội được nhiều người chọn để chia sẻ. Có lẽ, bất cứ giáo viên nào đọc được những dòng tâm sự trên của các phụ huynh cũng đều cảm thấy đau lòng.

Để không còn những nét chấm buồn trong ngày lễ kỉ niệm của nhà giáo như câu chuyện kể thứ nhất, các trường học cũng cần lưu ý khi tổ chức các hoạt động tập thể. 

Các bậc phụ huynh cũng không nên tìm mọi cách tặng quà thầy cô để rồi lại hạ thấp những người mình vừa nói mang ơn hết lòng.

Đỗ Quyên