Bông hoa dại và niềm vui của người thầy
Mỗi dịp 20/11, giáo viên lại nhận được ngập tràn lời chúc, ngập tràn hoa và quà từ các em học sinh và phụ huynh. Thế nhưng, đâu đó còn rất nhiều giáo viên cắm bản trên những miền sơn cước, họ chưa một lần nhận được món quà hay lời chúc nào từ phụ huynh và học sinh nhân dịp này.
Ở nơi núi rừng hẻo lánh, có những người thầy hàng ngày vẫn miệt mài truyền tri thức học sinh vùng cao (Ảnh: Thủy Phan) |
Thầy Đỗ Hồng Thái (SN 1982, quê ở xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), hiện đang là giáo viên cắm bản tại trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch.
Thầy tâm sự, thầy đã vào nghề được 11 năm và có 10 cắm bản tại xã Thượng Trạch,
Món quà vô giá của thầy là những học trò tình nghĩa, tử tế, sống có trách nhiệm |
một trong những xã miền núi xa xôi và khó khăn nhất ở Quảng Bình.
Tại vùng đất này, 100% dân là người dân tộc Ma-Coong, đời sống của họ còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, trình độ dân trí thấp. Vì vậy, hầu như các gia đình chưa chú trọng đến việc học tập của con em mình.
Gửi lại tuổi xuân nơi núi rừng xa thẳm, mong ước lớn nhất của những giáo viên như thầy là thấy các em học sinh được nên người, có cơ hội phát triển như bao đứa trẻ khác ở miền xuôi.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng gieo chữ ở giữa đại ngàn, cứ mỗi dịp 20/11 đến là thầy lại thấy buồn vì hơn 10 làm nghề giáo nhưng chưa một lần thầy nhận được lời chúc nào từ phụ huynh và học sinh.
Lớp học của thầy Đỗ Hồng Thái ở bản 51 (Ảnh: Thủy Phan) |
Dẫu thầy chỉ mong sao học sinh của mình ngoan ngoãn, biết nghe lời, nhưng khi thấy nhiều đồng nghiệp khác nhận đầy hoa và lời chúc, thầy lại thấy chạnh lòng và “thèm” được như vậy.
“Ở trên này, hầu hết phụ huynh và học sinh không biết ý nghĩa của ngày 20/11 là gì? Hơn 10 năm qua, chỉ có một dịp 20/11 duy nhất vào năm ngoái tôi nhận được hoa của học sinh.
Khi đó tôi dạy ở bản 51, một số học sinh trong lớp ngắt hoa xoan mang tới tặng. Tôi hỏi thì có đứa ngại không dám nói gì, đứa thì bảo tặng thầy nhân dịp 16/11 khiến tôi bật cười.Sự ngô nghê, trong sáng của các học sinh ở đây làm tôi cũng thấy được an ủi. Được học sinh ngắt hoa dại tặng thế là hạnh phúc lắm rồi”, thầy Thái chia sẻ.
Hành trình gian nan
Xã Thượng Trạch là vùng đất biệt lập so với các vùng khác bởi sự ngăn cách của những ngọn núi cao chót vót. Ở nơi đây, đất đai thì ít, đường đi vô cùng khó khăn, điện không, nước sạch không... chỉ có rừng núi là nhiều vô kể.
Các em học sinh ở xã Thượng Trạch (Ảnh: Thủy Phan) |
Do vậy, hầu hết các thầy cô ở đây đều từng phải “sống chết” để bám lấy nghề. Hiện tại, con đường 20 Quyết Thắng (đường duy nhất lên xã Thượng Trạch) đã được trải nhựa. Còn cách đây vài ba năm trở về trước, con đường vốn đã ngoằn ngoèo với những con dốc thăm thẳm, mỗi khi trời mưa xuống là lại trở nên lầy lội, sụt lún như lội giữa bùn lầy.
Thầy Thái cho biết: “Tôi nhớ mãi cái lần đi xe máy từ nhà lên vào năm 2008 tại cây số 54 đường 20 Quyết Thắng, vì đường quá lầy lội nên xe bị sụt lún xuống sâu dưới đất không cách nào kéo lên được.
Vừa mệt, vừa tủi thân, lúc đó tôi chỉ biết ngồi khóc, khóc đã rồi xe vẫn chưa thể lên nổi, đành ngồi yên một chỗ chờ có người đi qua thì nhờ họ kéo giúp”.
Có những bản làng ở xã Thượng Trạch, muốn đến được phải vượt qua con những con dốc như thế này (Ảnh: Thủy Phan) |
Theo thầy Thái, ở đây có những bản làng, muốn vào được phải đi bộ 7-8 cây số, leo qua những con dốc dựng đứng. Nhiều khi, đến ngày nghỉ dù mong được về nhà lắm nhưng nghĩ đến đường đi là lại thấy ngại.
Tuổi trẻ xa nhà, lại đến nơi rừng núi không điện, không có sóng điện thoại khiến thầy không khỏi nhớ nhà, nhớ người thân.
“Một ngày ở nơi đây tưởng dài như cả tháng trời, chỉ mong đến ngày nghỉ để được về nhà. Đã có những lúc tôi nghĩ mình không vượt qua được, nhưng vì yêu nghề, rồi mỗi lần nhìn thấy các em học sinh là tôi lại có động lực để đi tiếp”, thầy Thái chia sẻ.