LTS: Là một Phó hiệu trưởng của một trường Trung học phổ thông tại Quảng Ngãi, thầy Đỗ Tấn Ngọc đưa ra quan điểm của mình về vấn đề họp hành quá nhiều tại trường học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Gần đây trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có mấy bài đề cập đến chuyện họp hành quá nhiều, lãng phí, vô bổ của ngành giáo dục.
Các bài viết đó được nhìn nhận, đánh giá ở góc độ người giáo viên.
Là Ban Giám hiệu nhà trường, số lần hội họp của chúng tôi còn “kinh khủng” gấp nhiều lần so với các thầy, cô giáo bình thường.
Về Đảng, họp ban chấp hành đảng ủy, họp cấp ủy, họp chi bộ theo định kỳ hằng tháng, tham gia các cuộc họp của Thành ủy hằng tháng, hằng quý… chưa kể những cuộc họp đột xuất khác.
Không chỉ giáo viên mà Ban Giám hiệu cũng quá mệt mỏi vi họp hành. (Ảnh: Tuoitre.vn) |
Về hoạt động giáo dục, tham gia họp và chủ trì họp hội đồng (mỗi tháng 1 lần), họp liên tịch (mỗi tuần 1 lần), họp chuyên môn (mỗi tháng 2 lần), họp giáo viên chủ nhiệm, họp các ban ngành, đoàn thể, họp triển khai, tổ chức các công việc, hoạt động ngày khai giảng, chào mừng nhà giáo Việt Nam 20-11, sinh nhật Đoàn 26-3… gần như tháng nào cũng có từ 3 đến 4 cuộc họp như thế.
Còn họp, tập huấn theo giấy mời của cấp trên, theo công tác phối hợp thì nhiều vô kể, nào họp trực báo, nào họp khai mạc, tổng kết các cuộc thi, hội thi, nào họp chuyên môn, nào họp các hoạt động xã hội, giao thông, pháp luật, các loại phòng chống...
Nội dung nào cũng có thành phần Ban Giám hiệu. Các cán bộ trong nhà trường phải căng mắt lên, thay phiên nhau đi họp tối ngày, đủ chỗ, nhất là vào thời điểm gần hết năm.
Nếu trường mà Ban Giám hiệu chỉ có 2 người thôi, thì riêng chỉ chuyện họp ở trường và họp ở trên là lo liệu không xuể. Cấp trên bây giờ cũng nghiêm ngặt lắm, trường nào mà không có ai dự họp là bị phê bình, nhắc nhở ngay.
Nói thật, bây giờ, nhiều lúc, Ban Giám hiệu chúng tôi sợ họp, ngán ngẩm họp. Trung bình, mỗi tháng chúng tôi có đến mười mấy cuộc lớn, nhỏ, hết ở trường, lại cấp trên.
Họp hành nhiều khiến giáo viên ám ảnh, khiếp sợ |
Đúng là có nhiều nội dung, công việc của nhà trường, của địa phương, của ngành cần phải tổ chức để họp bàn, triển khai, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Ví dụ như ở đơn vị nhà trường, hằng tháng không thể thiếu cuộc họp hội đồng, họp nhóm, tổ chuyên môn theo định kỳ.
Các hoạt động, phong trào lớn của nhà trường cũng cần tổ chức họp để có kế hoạch, chuẩn bị, thống nhất, phối hợp, thực hiện đồng bộ, sâu rộng.
Ví dụ như ở cấp phòng Giáo dục và Sở Giáo dục cần tổ chức họp trực báo hằng quý để các đơn vị nắm bắt tình hình chung của ngành, địa phương; đề xuất, kiến nghị, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, ngoài khả năng, thẩm quyền xử lý của cơ sở giáo dục.
Những điểm mới về hoạt động chuyên môn, kiểm tra, đánh giá, thi cử ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy- học của thầy- trò, cả địa phương cần tổ chức họp, nhằm thảo luận, tìm kiếm những phương án khả thi, tốt nhất.
Chúng tôi không đồng tình với ý kiến phủ nhận hoàn toàn vai trò, giá trị, tính cần thiết của các cuộc hội họp.
Vấn đề ở đây, chúng ta cần phê phán, tỏ rõ thái độ đối với các họp không cần thiết, gây lãng phí về công sức, thời gian và tiền bạc của cá nhân và tập thể.
Năm ngoái, chúng tôi (Ban giám hiệu và công đoàn) từng đi dự họp, tập huấn 3 lần bên tỉnh chỉ với một nội dung Phòng, chống tác hại của thuốc lá khiến nhiều đơn vị rất bức xúc, chỉ cần 1 đối tượng đi họp 1 lần là đủ rồi.
Có người nói, kiểu họp, tập huấn như thế là cách để giải ngân cho nhanh, cho hết tiền dự án, ngân sách Nhà nước.
Nội dung họp, hội nghị, tập huấn sơ sài, trùng lặp, không có gì mới, năm trước báo cáo rồi, năm sau lại báo cáo tiếp ở ngành giáo dục nhan nhản, nhiều không sao kể xiết.
Người chủ trì, báo cáo luôn miệng nói, nó quan trọng, mới mẻ, cần thiết nhưng những người ngồi ở dưới thì uể oải, cố gồng mình lên đọc, nghe và chỉ trông hết buổi đi về.
Sao giáo viên nhìn Ban giám hiệu toàn sai phạm, tiêu cực như vậy? |
Vô bổ và lãng phí nhiều mặt không hề nhỏ trong hội họp của ngành giáo dục nói riêng, các ngành, lĩnh vực khác nói chung được cảnh báo từ lâu song lại chậm chấn chỉnh, khắc phục.
Mới đây, Báo Nông nghiệp Việt Nam, đưa ra một con số đáng suy ngẫm: Báo cáo tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết:
Trong tổng kinh phí 1.833 tỷ đồng chi cho 15 chương trình khoa học - công nghệ, có tới 248 tỷ đồng (chiếm 13,8%) là chi cho công tác hội nghị, hội thảo.”
Để nâng cao chất lượng các cuộc họp, giảm thiểu những cuộc họp không cần thiết, gây lãng phí thời gian, công sức và tốn kém tiền bạc ở ngành giáo dục, theo tôi, ngành giáo dục cần làm được một số việc sau đây.
Thứ nhất, phân công, phân nhiệm đối với cán bộ các cấp quản lý giáo dục một cách cụ thể, rạch ròi hơn nữa.
Đẩy lùi tình trạng đùn đẩy, né tránh trong công việc và công tâm, xử lý nghiêm đối với những cán bộ, tập thể có sai phạm, thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ.
Thứ hai, ở đơn vị nhà trường, vai trò thủ lĩnh, cách thức tổ chức, quản lý, điều hành, phân công của Ban Giám hiệu là vô cùng quan trọng.
Chuẩn bị nội dung họp chu đáo; kế hoạch khoa học, bài bản; phân công nhiệm vụ chi tiết, cụ thể, rõ ràng, trình bày ngắn gọn, đầy đủ…
Đây là những điều mà giáo viên rất mong đợi ở lãnh đạo nhà trường. Hướng tới tích hợp các nội dung cuộc họp lại với nhau (mỗi tháng tối đa chỉ có 2 cuộc họp) để giáo viên có thời dành đầu tư chuyên môn, thiết kế bài giảng, giáo dục đạo đức học sinh.
Thứ ba, ở cấp Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục, lãnh đạo và các bộ phận phụ trách cũng cần lên kế hoạch hội họp cho cả năm học, những cuộc họp không cần thiết, trùng lặp về nội dung, đối tượng dự họp… cần rà soát kiên quyết loại bỏ, đừng có tư tưởng “vẽ” ra hội họp để giải ngân, nhận tiền bồi dưỡng…
Tiến tới giảm tối đa họp trực tiếp chuyển sang hình thức họp trực tuyến và gửi văn bản qua đường mạng nội bộ, nếu làm được như thế, đỡ tốn nhiều thời gian, công sức và kinh phí của nhà nước, cá nhân mỗi khi tập trung về Sở, Phòng, tính sơ bộ lên đến cả hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng trên phạm vi cả nước.