LTS: Không chỉ học sinh sợ bị bạo hành mà ngay cả giáo viên cũng rất sợ. Nhiều giáo viên không dám áp dụng hình phạt cho học sinh dù em ấy rất hư vì sợ phụ huynh đến đánh, chửi rồi làm đơn thư lên các cấp lãnh đạo.
Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ những khó khăn trong sự nghiệp "trồng người" liên quan đến việc có mâu thuẫn giữa quan điểm giáo dục của thầy cô và phụ huynh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Thầy cô cũng sợ bạo hành. Chuyện cứ như bịa nhưng đó chính là sự thật trong môi trường giáo dục hiện nay. Bởi chỉ một chút sơ sẩy, thầy cô giáo có thể rước họa vào thân bất cứ lúc nào.
Dù biết vậy, nhưng vì sao không ít thầy cô giáo vẫn thường hay vi phạm mà dùng hình phạt nặng với học sinh?
Trừ một số thầy cô dùng bạo lực dã man với trò như đánh trò gây thương tích phải nhập viện, phạt trò quỳ trên bục giảng hàng mấy tiếng đồng hồ… những hành động ấy cần lên án để xóa bỏ.
Nhưng có những hình phạt tưởng như rất đơn giản như bắt đứng nghiêm trang tại chỗ vì nói chuyện, dùng một cây thước (thước dùng cho học sinh gạch đề mục) đánh khẽ vào tay khi trò viết bài sai, làm bài ẩu.
Cũng có khi thầy cô phạt viết bản kiểm điểm khi học sinh thường xuyên đi học trễ, không thuộc bài, hay có thể la mắng học sinh vì thái độ vô lễ hay răn đe vì tội đánh bạn, ăn cắp đồ…
Dù hình phạt đơn giản là thế thì thầy cô vẫn không được phép dùng bởi đã phạm vào điều cấm “Vi phạm đạo đức nhà giáo”.
Quy định không cho, phụ huynh cũng không đồng tình mà phản ứng gay gắt khi thấy con mình bị thầy cô xử phạt như thế.
Đã có rất nhiều thầy cô bị chính phụ huynh lên trường chửi rủa thậm tệ, có người hùng hổ xông thẳng vào trường đánh dằn mặt giáo viên trước biết bao học sinh cũng chỉ vì “Tại sao mày dám nặng lời với con ông?”.
Những lúc ấy, thầy cô giáo hoàn toàn nín nhịn và cam chịu mà không thể hé răng nửa lời.
Giáo viên cũng sợ bạo hành. (Ảnh minh họa trên báo Lao động thủ đô) |
Bởi họ biết, có nói ra cũng chẳng ai bảo vệ mình, không khéo còn bị chính cấp trên chất vấn theo kiểu “Thầy cô chửi mắng học sinh là sai trước, nếu quy ra, chính chúng ta đã vi phạm đạo đức nhà giáo nên phụ huynh họ mới phản ứng như vậy.
Tốt nhất là nên im lặng vì làm lớn chuyện, bao giờ chúng ta cũng là người chịu thiệt thòi nhất”.
Nếu tính ra, giáo viên bị chửi, bị đánh rồi thôi vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác. Bởi phút giây bị bạo hành ấy cũng qua nhanh, khốn khổ nhất có thầy cô vừa bị phụ huynh đánh, chửi còn bị đơn kiện thưa hết cấp này đến cấp kia.
Chỉ mỗi việc làm đơn giải trình từng cấp cũng mất biết bao thời gian và sức lực. Chưa hết, những thầy cô này còn phải làm kiểm điểm, bị đưa ra các cuộc họp liên tịch, chi bộ và hội đồng để mọi người mổ xẻ, phê bình làm gương cho nhiều giáo viên khác rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, mọi danh hiệu thi đua năm ấy bỗng chốc tuột khỏi tầm tay, mọi công sức đổ ra đã trở thành công cốc.
Cha mẹ hành xử thô bạo với thầy cô, học sinh cũng được thể mà nhờn mặt hơn. Có em còn ngang nhiên chửi thầy cô chỉ vì đã cho em ấy điểm 0 khi không thuộc bài hoặc đã nhắc nhở những lỗi lầm các em vừa mắc phải.
Có học sinh còn rất nhỏ nhưng đã biết giấu điện thoại trong người bật chế độ ghi âm, khi được hỏi bé nói “Mẹ dặn để xem cô có mắng chửi không?”
Nói giáo viên phải nhẹ nhàng, phải hiền dịu với trò nhưng với nhiều tình huống cô thầy không “tẩu hỏa nhập ma “ đã là khá rồi.
Chưa nói đến áp lực về chất lượng học tập của các em, của lớp. Một học sinh làm mất trật tự cả lớp sẽ phải ngừng học.
Các em thường xuyên không học bài, không chú ý nghe giảng lấy kiến thức nào để học, để lên lớp trong khi các em không được phép ở lại?
Gia đình và nhà trường đang đẩy con em mình ra xa Các bậc phụ huynh mải lo kinh tế mà bỏ bê con cái cho nhà trường. Trong khi, nhà trường lại chạy đua thành tích, lấy đâu thời gian gần gũi tâm sự với các em? |
Dư luận đôi khi thật nghiệt ngã, có khi họ chỉ đọc được một dòng tố cáo “Hôm nay đi học, con bị thầy cô giáo chửi và đánh”, bất kể là đánh như thế nào? Vì sao bị đánh? Là biết bao nhiêu lời mắng chửi, nhiếc móc của thiên hạ thi nhau dội xuống.
Cũng bởi áp lực của dư luận, nhiều giáo viên đã phải chịu kỉ luật dù sự việc chưa đáng thế.
Không ít giáo viên chán nản buông xuôi “Mình cũng vì học sinh nên mới nghiêm khắc như thế.
Răn dạy học trò với tâm thế của người cha, người mẹ nhưng phải gánh chịu nhiều rắc rối và áp lực”.
Thế rồi, các thầy cô thường tìm cho mình những giải pháp riêng. Người nín lặng để dạy nhanh hết tiết, người làm lơ như không biết việc gì, bỏ mặc các em “khôn nhờ dại chịu”… để tìm cho bản thân sự an toàn cần thiết.
Thầy cô ngày nay đang bất lực với học trò bởi chính kiểu thương con của các bậc phụ huynh là “cho ngọt cho bùi”.
Bởi thế, tình thương ấy đang hại chính các em và gây cho thầy cô giáo một gánh nặng rất lớn trong việc giáo dục nhân cách của học sinh.