LTS: Tình trạng bạo lực học đường vẫn đang là vấn đề nóng của ngành giáo dục.
Trước việc gần đây, nhiều trường hợp nữ học sinh bị đánh ngay trong trường học, cô giáo Phan Tuyết cho rằng cả gia đình và nhà trường đều đang xa rời con em của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Mấy ngày gần đây, dư luận đang xôn xao với clip lan truyền về cảnh một nữ học sinh lớp 10 tại Đô Lương - Nghệ An bị hai nữ sinh khác đánh dã man.
Cách đây không lâu, dư luận cũng từng dậy sóng vì cảnh bạo lực xảy ra ngay trong trường học, nạn nhân là một nữ học sinh lớp 7. Em bị đánh hội đồng chỉ vì lý do không nghe lời lớp trưởng.
Nhiều câu hỏi đặt ra: Lúc ấy thầy cô đang ở đâu? Mặc dù sự việc xảy ra hơn 2 tháng sau mới được phát hiện do clip được tung lên mạng.
Điều không thể tin được, em bị đánh dã man như thế, chắc chắn sẽ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần nhưng tuyệt nhiên gia đình nơi có những người thân gần gũi em nhất, cũng không hề hay biết.
Nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng gây bức xúc trong dư luận. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
Ở trường, thầy cô cũng bị bưng bít thông tin, mặc dù hôm ấy, có rất nhiều học sinh tham gia và chứng kiến.
Những thầy cô có tiết dạy sau đó, cũng không có bất cứ ai nhận ra sự bất thường nơi em? Nếu để ý một chút, chắc chắn sẽ thấy đầu tóc, mặt mũi, quần áo và tinh thần của em khác thường.
Bị bạo hành dã man nhưng gia đình không biết, nhà trường không hay. Đây không phải là hiện tượng cá biệt, đơn lẻ, nó phản ánh một thực tế khá phổ biến hiện nay: Gia đình và nhà trường đang xa dần các em. Vì đâu nên nỗi?
Ở nhà, nhiều cha mẹ suốt ngày đầu tắt mặt tối lo làm ăn mà thả nổi con cái. Nhiều phụ huynh có quan điểm, lo cho các con đi học, lo cho chúng ăn uống đầy đủ là tròn trách nhiệm mà quên đi rằng trẻ cần nhiều hơn thế.
Cái tuổi dở dở, ương ương, luôn thay đổi tâm tính, trẻ đang rất cần sự gần gũi, sẻ chia từ phía người lớn.
Nữ sinh lớp 10 ở Đô Lương - Nghệ An bị hai nữ sinh khác đánh đập dã man. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
Cha mẹ chưa tạo cho các em niềm tin cậy để chúng có thể tin tưởng, thổ lộ những nghĩ suy, những ước muốn, những nỗi niềm và cả những bất trắc mà chúng đang phải đối mặt.
Một số em học sinh khi được hỏi về lý do tại sao không kể cho ba mẹ nghe những chuyện buồn, chuyện bất bình mà mình gặp phải để người lớn có cách giải quyết tốt hơn?
Có em nói dứt khoát: "Rồi ba mẹ lại nổi giận, lại vặn vẹo đủ điều, rồi còn phán đoán, quy chụp: 'Mày phải thế nào chúng nó mới thế…', có mà mệt hơn…”.
Các em cô đơn ngay trong chính căn nhà của mình, không tìm thấy chỗ dựa vững chắc, tin cậy về tinh thần, nhiều em sống thu mình, ít giao tiếp ngay với cả những người ruột thịt thương yêu.
Còn ở trường học thì sao? Gánh nặng thành tích luôn trĩu nặng trên vai thầy cô giáo.
Vì thế, nhiều thầy cô luôn quan tâm đến việc tuần này ở lớp có em nào phạm lỗi? hay lớp chủ nhiệm đứng thứ hạng bao nhiêu?
Môn Giáo dục công dân có chống được vấn nạn bạo lực học đường? |
Mà thầy cô ít có sự quan tâm, tìm hiểu để nhận thấy được những điều bất thường các em đang phải chịu đựng.
Từ đó, có biện pháp giúp đỡ kịp thời hoặc dập tắt những tư tưởng xấu vừa mới manh nha.
Trường học nào chẳng có tổ giám thị, nhưng theo nhận xét của một số học sinh, phần lớn thầy cô ở đây đều thích dùng “hình phạt” khi trò mắc lỗi như trừ điểm thi đua của lớp, nêu tên dưới cờ, khiển trách hay cảnh cáo, nặng hơn thì trừ vào hạnh kiểm cá nhân.
Chứ ít có chuyện tìm hiểu ngọn ngành để giúp các em giải tỏa hiềm khích, rồi giúp đỡ, động viên để các em vượt qua…
Điều bất công ở chỗ, nếu xảy ra chuyện xích mích, bất đồng với bạn thì cả hai phía đều bị phạt lỗi bởi cái suy nghĩ; “Không có lửa làm sao có khói” luôn được đưa ra.
Vì thế, dù là hung thủ hay nạn nhân đều chọn giải pháp: im lặng là thượng sách.
Thầy cô chủ nhiệm trăm thứ việc phải lo, ngoài một núi công việc về chuyên môn, còn biết bao phong trào không thể bỏ được.
Tới trường, phần lớn thầy cô dạy xong tiết của mình, lại tất tả về nhà để còn tranh thủ lo“cơm áo gạo tiền”.
Cả tuần lo dạy, thứ bảy có tiết sinh hoạt tập thể với lớp, thầy cô chủ nhiệm chủ yếu là nghe và xử lý những tội trạng mà học sinh vi phạm trong tuần.
Nếu tỏ ra ân cần, nhẹ nhàng thì sợ trò “nhờn mặt” không coi ra gì và khó dạy dỗ.
Do vậy, chủ yếu là những lời giáo huấn nặng nề, những mệnh lệnh và hình phạt được đưa ra… Thử hỏi làm sao các em dám thổ lộ tâm tư và bày tỏ nỗi niềm?
Để giáo dục thành công một đứa trẻ, chỉ mệnh lệnh và hình phạt thôi chưa đủ. Cha mẹ và thầy cô hãy “luôn luôn biết lắng nghe và thấu hiểu”, để trở thành bến đỗ bình yên cho các con trong mọi trường hợp.