Ngày 18/12, Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại thành phố Đà Nẵng) cho biết, hiện có 14 hồ chứa thủy điện (thuộc hệ thống EVN) trong khu vực đang xả lũ qua tràn.
Mưa lớn thì xả lớn, ngớt mưa thì ngừng xả
Đến sáng cùng ngày, tình hình ngập lụt tại các địa phương từ Thiên Thiên – Huế đến Ninh Thuận và Gia Lai, nước đã rút dần.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực đang chìm trong biển nước, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt.
Đợt mưa lũ vừa qua cũng ghi nhận một nghịch lý trong khâu vận hành quản lý các hồ chứa thủy điện.
Thủy điện vùng thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) xả lũ lưu lượng lớn khiến vùng hạ du thêm ngập lụt nặng. (Trong ảnh,: Thủy điện ĐắcMi 4 xả lũ). |
Đó là “mưa lũ lớn thì thủy điện xả tràn lưu lượng lớn, mưa lũ ngớt thì thủy điện cũng giảm xả theo”.
Tình trạng này đang khiến cho lũ lụt miền trung trở nên khốc liệt và tàn phá nặng nề hơn.
Câu chuyện xả lũ của các thủy điện đã được mổ xẻ tại nhiều kỳ họp quốc hội, tại nhiều hội nghị, hội thảo lớn nhưng kết quả vẫn là “xả lũ đúng quy trình”.
Học trò và những cái chết thương tâm trong lũ dữ(GDVN) - Nghành giáo dục các tỉnh miền Trung yêu cầu nhà trường, đơn vị chức năng triển khai phương án phòng tránh mưa lũ, đảm bảo tính mạng cho học sinh, giáo viên. |
Chính cái quy trình khó hiểu nói trên của các thủy điện thuộc EVN đang khiến người dân điêu đứng.
Nhiều gia đình đã mất hết tài sản dành dụm bao năm chỉ qua một đêm xả lũ.
Để chứng minh cho nghịch lý nói trên, xin dẫn ra đây bảng xả lũ do Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Cục phòng chống thiên tai) thống kê mà Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam có được.
Trong những ngày từ 15-17/12, khi mưa lũ đang vào đợt cao điểm, nước dâng cao gây ngập lụt tại nhiều địa phương từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa.
Có những nơi nước ngập sâu đến 3-5 mét. Nước trên các sông lớn như: Thu Bồn (Quảng Nam), Trà Khúc (Quảng Ngãi), Sông Ba (Phú Yên)... đều lên trên báo động 3 (mức báo động cao nhất, gây lũ lớn).
Cùng thời điểm này, các hồ chứa thủy điện lại vận hành xả lũ với lưu lượng lớn gấp nhiều lần mức bình thường.
Cụ thể, từ ngày 16 - 17/12, thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) xả lưu lượng: 2.527 m3/s, sau đó tăng lên 2.606 m3/s.
Các thủy điện lớn khác cũng xả là: Sông Ba Hạ: 2.800m3/s, sau đó tăng lên 5.300 m3./s. Những túi nước “khổng lồ” từ các thủy điện liên tiếp thả về vùng hạ du khiến mực nước lên nhanh chóng mặt.
Đến sáng ngày 18/12, khi nước lũ tại vùng hạ du đã bắt đầu rút dần, mưa cũng ngớt thì các hồ chứa thủy điện cũng hạn chế lượng nước xả.
Trong đó, thủy điện Sông Tranh 2 giảm xuống chỉ còn: 849 m3/s, sông Ba Hạ còn :4.500 m3/s.
Như vậy, trong khi vai trò của thủy điện được xem là điều tiết, cắt lũ cho vùng hạ du thì hàng loạt thủy điện ở miền Trung – Tây Nguyên đang làm điều ngược lại.
Lượng nước từ các thủy điện này xả về làm cho vùng hạ thêm ngập trầm trọng hơn.
Mà dẫn chứng rõ ràng nhất là thành phố Hội An, phố cổ nằm cuối vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn.
Hàng trăm năm qua, đô thị này ít khi phải hứng chịu những trận lũ dồn dập và kinh hoàng như năm năm trở lại đây.
Nguyên nhân cũng do một loạt thủy điện vùng thượng nguồn “xả lũ điều tiết đúng quy trình”.
Dân cần gạo cứu đói, EVN lỗ gần 1.000 tỷ đồng
Ngay vùng rốn lũ Đại Lộc (Quảng Nam), người dân vẫn chưa hết bàng hoàng sau nhiều năm chống chọi với những trận lũ quét do thủy điện “xả ga”.
Những ngôi làng nằm bên bờ sông Vu Gia, Thu Bồn được đầu tư gắn một hệ thống còi báo lũ. Khi tiếng còi hụ này vang lên thì người dân dù có bận trăm công ngàn việc cũng phải quẳng ghánh về nhà lo dọn dẹp đồ đạc, “chạy lũ thủy điện”.
Thủy điện ào ạt xả lũ, giáo viên, học sinh sơ tán chạy tránh sạt lở(GDVN) - Hàng loạt hồ chứa thủy lợi, thủy điện của các tỉnh miền Trung đang quá tải, phải xả lũ gây ngập lụt vùng hạ du, khiến nhiều trường học bị cô lập |
Lâu dần, tiếng còi hụ này trở thành nỗi ám ảnh của dân làng nơi đây.
Thống kê sau đợt lũ ngắn ngày vừa qua (từ 15-18/12) thì các tỉnh miền Trung bị thiệt hại hơn 608,44 tỷ đồng.
Nhiều địa phương phải đề nghị hỗ trợ gạo khẩn cấp để cứu đói cho người dân vùng lũ. Trong đó, Thừa Thiên – Huế đề nghị hỗ trợ 1.000 tấn gạo, Bình Định cần 100 tấn lương khô, Phú Yên cần 1.100 tấn gạo...
Trong tình cảnh người dân lâm vào cảnh mất nhà, đói rét, các thủy điện đã làm gì?
Theo báo cáo tài chính mới đây của Tập đoàn điện lực (EVN) thì trong trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị này lỗ gần 1.000 tỷ đồng.
Dù không thể phủ nhận những lợi ích từ các thủy điện mang lại nhưng chính sách quy hoạch thủy điện tràn lan đang gây ra những hệ lụy khôn lường.
Mà hậu quả nhãn tiền là những trận lũ thủy điện gây ra cho người dân các tỉnh như: Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên.. đang ghánh chịu.