Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội thảo: “Vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên” được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 6/12.
Theo ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Đà Nẵng, gần 10 năm qua, việc đầu tư hệ thống thủy điện dày đặc ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã gây nên những thiệt hại về môi trường, kinh tế - xã hội.
Thủy điện xả lũ gây ngập nặng vùng hạ du khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân bị hư hại. Ảnh: An Nguyên |
Trong đó, rõ ràng nhất là tình trạng ngập lụt vùng hạ du do các thủy điện vận hành xả lũ không đúng quy trình.
Nhiều hồ chứa xả lũ ào ạt, không báo trước khiến người dân trở tay không kịp, bị nước dâng lên cuốn trôi hết tài sản, đồ đạc.
Còn TS. Quách Thị Xuân – Trung tâm tư vấn phát triển bền vững (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) thì cho rằng, việc xây dựng các thủy điện đã phá hủy hàng ngàn hecta rừng tự nhiên.
Bốn thủy điện lớn ở miền Trung ào ạt xả lũ, hạ du ngập nặng(GDVN) - Bốn thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đồng loạt xả lũ với lưu lượng khiến vùng hạ nguồn càng chìm sâu trong biển nước. |
Cụ thể, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho thủy điện là gần 1.390 hecta (do lòng hồ chiếm chỗ).
Ngoài ra, hơn 9.292 hecta “biến mất” để phục vụ làm đất tái định cư và đất sản xuất cây lương thực hàng năm.
“Suy giảm rừng ở khu vực này đã kéo theo hàng loạt hệ lụy khác như: ảnh hưởng đến dòng chảy, lũ nguy hiểm hơn, thay đổi phù sa ở cả hai nhánh Vu Gia và Thu Bồn, gây xói lở bờ biển Hội An...”
Cũng theo TS. Xuân thì một vấn đề nhức nhối khác là việc trồng rừng thay thế như cam kết ban đầu của các thủy điện không được thực hiện.
TS. Xuân lấy dẫn chứng, tính đến cuối năm 2014, cả tỉnh Quảng Nam chỉ mới thực hiện trồng rừng thay thế vỏn vẹn 24/700 hecta (tương đương 3,4% kế hoạch năm).
Bốn nhà máy thủy điện “nợ” diện tích trồng lại rừng lớn nhất là: Sông Bung 2 (còn 426 hecta chưa trồng), Sông Tranh 2 (314 hecta), Sông Bung 4 (hơn 206 hecta) và Sông Bung 5 (106 hecta).
Ông Đặng Ngọc Quang, Cố vấn của tổ chức Mạng lưới sống ngòi Việt Nam (VRN) cho biết, những tổn thương mà thủy điện gây ra cho người dân vẫn chưa được hàn gắn.
Hầu hết các đại biểu đều thừa nhận, phát triển thủy điện là một bài toán đánh đổi. Tuy nhiên, sự đánh đổi này cần phải được nhìn nhận thận trọng.
“Sự phát triển của đất nước cần phải đảm bảo hài hòa nhiều yếu tố như: an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng và an ninh con người” ông Phước nói.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát triển thủy điện không bền vững là do cách quản lý. Trong đó, khâu quy hoạch thủy điện đã không tính đến sự tham gia của người dân, không để người dân giám sát từ lúc thi công đến lúc vận hành.
Trước thực trạng trên thì nhiều chuyên gia cho rằng, người dân cần được hỗ trợ để có thể “sống chung” với thủy điện.