Đã cố gắng hết sức mà trò vẫn không tiến bộ thì giáo viên phải làm gì?

21/12/2016 09:00
Đỗ Quyên
(GDVN) - Bây giờ, học sinh muốn ở lại lớp thật không dễ dàng. Dù giáo viên có kèm cặp, phụ đạo thêm, một số em vẫn không thể theo kịp các bạn và vẫn "phải" lên lớp đều.

LTS: Thầy cô giáo nào cũng mong học trò của mình học giỏi, thành tài. Tuy nhiên, nhiều học sinh có sức học yếu kém, dù kèm cặp thế nào cũng không tiến bộ.

Trong khi đó, chỉ tiêu nhà trường giao vẫn phải đảm bảo học sinh đủ chất lượng để lên lớp.

Đây là bài toán khó khiến nhiều giáo viên đang phải đau đầu suy nghĩ mà tác giả Đỗ Quyên phản ánh trong bài viết sau đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Ngày xưa đi học, vì muốn cho con cố gắng nhiều cha mẹ luôn hăm he con trẻ “Con mà lười học cuối năm sẽ phải ở lại lớp”. Bây giờ thì hoàn toàn ngược lại, muốn ở lại lớp không phải dễ chút nào.

Thế mới có chuyện nhiều nơi học sinh học tới lớp 6 vẫn không thể viết nổi tên mình

"Muốn con ở lại lớp, chị phải xin chuyển trường"

Đó là câu trả lời dứt khoát của một hiệu trưởng khi một phụ huynh (xin giấu tên) đến trường xin cho con được ở lại lớp 2 vì cháu đọc còn yếu quá.

Đây không phải là trường hợp duy nhất, có không ít học sinh muốn được lưu ban phải có giấy của bác sĩ chứng nhận là thiểu năng trí tuệ, phát triển chậm hay nhận thức kém…

Đã cố gắng hết sức mà trò vẫn không tiến bộ thì giáo viên phải làm gì? ảnh 1

Điều gì khiến học sinh lớp 6 rơi nước mắt vì không biết đọc, biết viết?

Biết bao thủ tục phiền hà như thế nên các trường thường chọn giải pháp cứ cho học sinh lên lớp rồi giao trách nhiệm kèm cặp cho giáo viên chủ nhiệm.

Tôi có nhiều đồng nghiệp dạy ở khắp nơi, trong số đó có không ít người dạy ở ngôi trường chuẩn quốc gia.

Tâm trạng chung của những giáo viên này là làm sao để tất cả học sinh của mình đều học tốt và cuối năm được lên lớp 100%.

Bởi áp lực chỉ tiêu lên lớp thẳng của những ngôi trường chuẩn như thế luôn ở mức cao và không cho phép học sinh ở lại nhiều. 

Giáo viên miệt mài bên những học sinh yếu

Thế rồi, hàng ngày lên lớp, những đồng nghiệp của tôi đã phải vắt sức của mình trong từng bài giảng, đã phải miệt mài bên những cô cậu học trò đã học yếu lại lười học. Thầy cô chỉ mong các em tiến bộ mỗi ngày nhưng đôi khi lực bất tòng tâm.

Các thầy cô giáo nỗ lực kèm cặp những mong học sinh sẽ tiến bộ. (Ảnh minh hoa, nguồn: zing.vn)
Các thầy cô giáo nỗ lực kèm cặp những mong học sinh sẽ tiến bộ. (Ảnh minh hoa, nguồn: zing.vn)

Giờ vào lớp buổi sáng 7 giờ kém 5 phút nhưng bao giờ giáo viên cũng có mặt từ 6 giờ 30 phút để cùng học trò quét dọn vệ sinh, kiểm tra đồ dùng sách vở, truy bài đầu giờ và hướng dẫn một số học sinh yếu đọc trước bài.

Buổi chiều, 2 giờ vào lớp nhưng 1 giờ một số thầy cô giáo đã có mặt tại lớp và tiếp tục những công việc giống buổi sáng.

Trong các tiết dạy, bao giờ giáo viên cũng đứng bên những học sinh yếu kém để hỗ trợ thêm cho các em khi cần.

Giờ ra chơi, giờ học một số môn năng khiếu (âm nhạc, mĩ thuật…) thay vì giáo viên chủ nhiệm được nghỉ xả hơi thì một số thầy cô giáo lại ngồi tại lớp để rèn đọc, rèn viết cho một số học sinh cá biệt.

Hình ảnh thầy trò cặm cụi bên nhau trong phòng học trống, đã trở nên quá quen thuộc ở các trường. Nhìn vào, ai cũng hiểu đó là những học trò cá biệt cần phải kèm cặp giúp đỡ tận tình của giáo viên.

Với những học sinh này, thầy cô còn thường xuyên liên hệ với phụ huynh để tư vấn một số biện pháp kèm thêm cho các em ở nhà. Dạy dỗ, quan tâm như vậy nhưng không phải em nào cũng tiến bộ.

Trong một lớp gần 40 học sinh cũng có khoảng vài em dù dạy dỗ kèm cặp thế nào cũng cứ ngu ngơ như chưa bao giờ được học.

Có giáo viên phân trần “Giá các em tiếp thu chậm, mình cố gắng giúp đỡ cũng chẳng quản công. Đằng này, có những em đã học yếu lại không chịu học, học trước quên sau nên thầy cô cũng không biết phải dạy thế nào các em mới tiến bộ?

Giáo viên đổ hết công sức như thế nhưng những học sinh này vẫn không thể học tốt hơn. 

Đã cố gắng hết sức mà trò vẫn không tiến bộ thì giáo viên phải làm gì? ảnh 3

Học trò phổ thông thực sự cần học bao nhiêu môn?

Thầy cô rơi vào hai tình huống đều nan giải

Thứ nhất, nếu để các em ở lại lớp sẽ khống chế vào chỉ tiêu thi đua của trường.

Bản thân những thầy cô giáo này cũng phải giải trình trước Ban giám hiệu.

Rồi biết bao rắc rối, bao điều tiếng sẽ ập đến như giảng dạy chưa tốt, chưa quan tâm đến các đối tượng học sinh, chưa có biện pháp, kế hoạch kèm cặp học sinh yếu một cách hiệu quả.

Có trường được Ban giám hiệu đồng cảm bởi họ ghi nhận giáo viên đã nỗ lực rất nhiều nhưng phần lớn lỗi thuộc về nhận thức của học sinh nên không có biện pháp chế tài thầy cô giáo.

Nhưng không ít trường, Ban giám hiệu dù biết cũng làm ngơ gây sức ép cho giáo viên bằng cách khống chế các danh hiệu thi đua của cá nhân, của cả lớp.

Nếu thật sự giáo viên dạy lơ là thì những điều tiếng ấy phải gánh chịu là thỏa đáng. Nhưng họ đã dạy dỗ hết mình như thế nhưng vẫn bị những điều tiếng kia bủa vây, liệu có công bằng không?

Thứ hai, nếu cho các em lên lớp sẽ là gánh nặng cho những thầy cô giáo khác còn trực tiếp làm hại chính các em. 

Học sinh một lớp gần 40 em, vài ba em có lực học kém phải ở lại lớp cũng là chuyện bình thường. Một trường học có dăm trăm em nếu ở lại vài ba chục em cũng có gì là không đúng? 

Giáo dục cũng như các ngành nghề khác, mục tiêu hướng tới là sản phẩm có chất lượng. Sao lại cứ lấy chỉ tiêu để khống chế? Để chạy cho đủ số lượng mà chất lượng lại chẳng ra sao?

Đỗ Quyên