Chát đắng tâm can, niềm tin tan vỡ vì...sáng kiến kinh nghiệm

24/12/2016 07:11
Nguyễn Cao
(GDVN) - Đọc xong sáng kiến này mà lòng tôi cảm thấy chát đắng vô cùng, niềm tin bị tan vỡ. Điều không thể ngờ là sáng kiến của tôi đã bị đồng nghiệp ăn cắp nguyên xi.

LTS: Câu chuyện về sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục đã được tranh luận rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều điểm đáng bàn.

Thầy giáo Nguyễn Cao bày tỏ nỗi buồn trước thực trạng hiện nay nhiều giáo viên sẵn sàng ăn cắp ý tưởng của nhau, thậm chí là copy nguyên xi sáng kiến kinh nghiệm của đồng nghiệp làm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Sáng kiến kinh nghiệm là sự tích lũy của người giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Từ những kinh nghiệm đúc kết của bản thân mà tác giả muốn chia sẻ tới đồng nghiệp để hướng tới một kết quả sau cùng là nâng cao chất lượng dạy và học ở nhà trường.

Song, thực tế trong quá trình thực hiện nhiều giáo viên đã ăn cắp ý tưởng của nhau, thậm chí là bê nguyên si sáng kiến của người khác để làm sản phẩm của mình.

Trong quá trình công tác của những năm qua, bản thân tôi cũng có nhiều lần viết sáng kiến kinh nghiệm và đạt được một số giải.

Việc viết một sáng kiến kinh nghiệm đối với tôi không hề là một việc làm dễ dàng chút nào. Bởi, từ việc tìm ý tưởng và cách thức trình bày một văn bản khoa học là cả một quá trình làm việc nghiêm túc và trách nhiệm của một người thầy.

Vì thế, bao giờ tôi cũng rất trân trọng những thành quả của mình khi đã hoàn thành. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khách quan và chủ quan thì những sáng kiến kinh nghiệm của tôi vẫn được truyền đi bằng nhiều con đường khác nhau.

Tình trạng ăn cắp sáng kiến kinh nghiệm vẫn diễn ra thường xuyên. (Ảnh minh họa trên tuoitre.vn)
Tình trạng ăn cắp sáng kiến kinh nghiệm vẫn diễn ra thường xuyên. (Ảnh minh họa trên tuoitre.vn)

Tôi tình cờ vào một website của một trường Trung học Phổ thông ở một tỉnh phía Bắc - Ngôi trường mà cách đây gần 20 năm về trước, tôi đã từng gắn bó quãng đời cấp 3 của mình.

Ngạc nhiên đến sững sờ là khi vào mục nghiên cứu khoa học của nhà trường tôi đọc một sáng kiến kinh nghiệm môn Ngữ văn - một đề tài mà tôi đã thực hiện tại nơi tôi công tác (một tỉnh phía Nam) cách đây mấy năm.

Phần lớn đề tài này đã được bê nguyên si không sai đến từng dấu phẩy. Và, còn buồn hơn nữa là nhiều đoạn người viết còn cường điệu quá trình giảng dạy của mình như một cách đánh bóng tên tuổi.

Đọc xong sáng kiến này mà lòng tôi cảm thấy chát đắng vô cùng, niềm tin bị tan vỡ. Thì ra người đồng nghiệp của tôi ở trong này đã có lần mượn đề tài của tôi để tham khảo - một điều quá đỗi bình thường khi cho đồng nghiệp mượn tài liệu để tham khảo.

Nhưng điều không thể ngờ là sáng kiến của tôi đã bị người đồng nghiệp của mình photo và gửi về cho người chị gái của mình.

Khoảng cách về địa lý, cứ nghĩ là xa nhưng lại vô cùng nhỏ bé trong thế giới mạng internet.

Khi mà chuyện của mọi người, mọi nhà đôi lúc đã là câu chuyện chung của thiên hạ và không gian về địa lí đã được xóa bỏ về khoảng cách thì mọi chuyện về cập nhật thông tin bỗng trở nên dễ dàng đến vô cùng.

Chát đắng tâm can, niềm tin tan vỡ vì...sáng kiến kinh nghiệm ảnh 2

Đâu là lý do khiến giáo viên “sợ” sáng kiến kinh nghiệm?

Ngày xưa, ông cha ta từng nói: “ăn vụng phải biết chùi mồm” nhưng đằng này khi đã “ăn vụng” của người khác mà cô giáo này vẫn thản nhiên đưa sáng kiến kinh nghiệm của mình lên website của trường và còn chụp chân dung đặt trước đề tài...

Buồn - đó là những gì hiện hữu trong tôi của nhiều ngày sau đó. Bởi người giáo viên “mượn” sáng kiến của tôi đã đạt giải B cấp tỉnh; buồn vì người giáo viên ấy là Tổ phó Tổ Xã hội của nhà trường phổ thông.

Buồn vì cô giáo ấy là cô giáo dạy Văn, đang ngày ngày dạy các em về lòng trung thực, về nhân cách và lẽ sống.

Và, buồn hơn nữa là người giáo viên này đã dối lừa được Ban giám hiệu nhà trường và Hội đồng khoa học của một tỉnh.

Trong chuyện này, thiết nghĩ Sở giáo dục và đào tạo, cũng như Ban giám hiệu nhà trường (nơi người đã ‘mượn” sáng kiến kinh nghiệm của tôi) không có lỗi.

Bởi quy định về viết sáng kiến kinh nghiệm đã nói rõ về việc không được phép lấy của người khác, không được sao chép dưới bất kì hình thức nào.

Mà, điều quan trọng là lòng trung thực của giáo viên bởi mỗi năm có tới hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm trong một tỉnh thì không thể nào kiểm soát hết được.

Chúng ta đều biết: từ năm 2015, thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ nên mỗi năm ngành giáo dục có thêm hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm.

Vì thế, không thể đơn vị nào cũng có thể kiểm soát được “nguồn gốc” của từng sáng kiến kinh nghiệm.

Bởi mỗi trường có hàng chục, thậm chí hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm thì chỉ vài thành viên Ban giám hiệu nhà trường rất khó có thể kiểm soát hết được nguồn gốc của từng đề tài.

Cho nên, điều còn lại là ý thức và lòng trung thực của mỗi người thầy mà thôi.

Chuyện sáng kiến kinh nghiệm đã được đề cập khá nhiều về tính khả thi, sự tốn kém và cả những thật - giả trong quá trình thực hiện.

Nhưng, suy cho cùng thì mỗi sáng kiến kinh nghiệm chân chính là sự đúc kết kinh nghiệm của bản thân trong quá trình giảng dạy của mỗi giáo viên.

Chát đắng tâm can, niềm tin tan vỡ vì...sáng kiến kinh nghiệm ảnh 3

Thực hư chuyện cán bộ, giáo viên “thoát” sáng kiến kinh nghiệm

Những sáng kiến kinh nghiệm có tính khả thi và được áp dụng trong thực tế giảng dạy là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, những sáng kiến kinh nghiệm như thế không nhiều, nếu không nói là “rất hiếm”.

Đứng trước áp lực và những qui định của ngành thì việc thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm trong một năm học là chuyện chúng ta phải làm.

Có điều, hình ảnh người thầy - hình ảnh được xã hội tôn vinh và hàng ngày những thầy cô đang dạy các em về lòng trung thực, về nhân cách sống, lẽ nào chúng ta lại chà đạp lên bài giảng của chính mình?

Lẽ nào chỉ vì thành tích của bản thân, vì một tiêu chí để xét thi đua mà nhiều người đã dối lừa người nhau.

Bài học về lòng trung thực chúng ta đã học từ những ngày còn đi học, đừng để lối sống thực dụng dẫm đạp lên nhân cách của chính mình.

Chúng ta là người thầy - nghề được xã hội tôn vinh, chúng ta không chỉ hơn học sinh về kiến thức mà phải hơn các em về  tấm lòng. Đó là điều không chỉ cần có mà là cần thiết của người thầy đứng trên bục giảng hôm nay.

Nguyễn Cao