Chuyên gia phản pháo chính sách “trên trời” của Cục Hàng không

25/12/2016 07:42
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Trần Đình Bá việc Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đưa tàu bay qua đêm về sân bay Cần Thơ là kiểu làm chính sách “trên trời” làm khó doanh nghiệp.

Đưa tàu bay đậu qua đêm về sân bay Cần Thơ

Ngày 23/12/2016 trên trang web Cục Hàng không Việt Nam đăng tải thông tin cho biết Cục này vừa có văn bản gửi các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco về việc nghiên cứu, báo cáo kế hoạch đậu lại tàu bay qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (sân bay Cần Thơ).

Nguyên nhân yêu cầu các hãng hàng không đưa tàu bay qua đêm tại sân bay Cần Thơ được Cục Hàng không Việt Nam lý giải do mật độ khai thác bay tiếp tục tăng cao, đặc biệt là tăng chuyến và mở mới các đường bay nội địa, số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam ngày càng nhiều, gây áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - ảnh nguồn Cục Hàng không
Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - ảnh nguồn Cục Hàng không

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, số lượng tàu bay các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco)  đậu lại qua đêm thường cao hơn số lượng được sân bay Tân Sơn Nhất điều phối. 

“Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không Việt Nam tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác, theo đó đưa tàu bay đậu lại qua đêm tại sân bay Cần Thơ (ngoài các cảng hàng không căn cứ hiện tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cát Bi). 

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không triển khai thực hiện và báo cáo Cục trước ngày 30/01/2017”, Cục Hàng không đưa ra yêu cầu.

Có thể thấy việc Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không đưa tàu bay qua đêm về sân bay Cần Thơ do sân bay Tân Sơn Nhất quá tải hiểu nôm na giống như việc do bến xe Mỹ Đình quá chật nên nhà xe phải tự tìm nơi đỗ xe qua đêm. Đến giờ chạy xem số chuyến quy định đưa xe về bến xe Mỹ Đình đón khách.

Tuy nhiên với đặc thù riêng của hàng không, việc yêu cầu các hãng hàng không đưa tàu bay qua đêm về “ngủ” tại sân bay Cần Thơ cách xa sân bay Tân Sơn Nhất liệu có phải giải pháp phù hợp. Quy định này ảnh hưởng đến các hãng hàng không ra sao?.

Ông Trần Đình Bá cho rằng việc Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đưa tàu bay qua đêm về sân bay Cần Thơ là kiểu làm chính sách “trên trời” làm khó cho các hãng hàng không - ảnh nguồn Infonet.
Ông Trần Đình Bá cho rằng việc Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đưa tàu bay qua đêm về sân bay Cần Thơ là kiểu làm chính sách “trên trời” làm khó cho các hãng hàng không - ảnh nguồn Infonet.

Liên quan đến vấn đề này trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Đình Bá – chuyên gia nghiên cứu hàng không độc lập nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn bất ngờ và thất vọng về tư duy của lãnh đạo ngành hàng không khi họ yêu cầu hãng hàng không đưa tàu bay qua đêm về “ngủ” tại sân bay Cần Thơ.

Điều này cho thấy tư duy yếu kém chưa hiểu về công nghệ hàng không nên đưa ra những quy định “trên trời “ có thế khiến nhiều hãng hàng không phải lãng phí, lao đao và dẫn đến phá sản”.

Ông Trần Đình Bá phân tích, phương tiện hàng không là máy bay không giống với ôtô hay tàu hỏa mà cho đi “ngủ đêm” tại các gara, ban ngày mới mang ra hoạt động. Máy bay mỗi lần cất hạ cánh là tốn thời gian, tốn nhiền liệu, phải chịu sự điều hành của đài chỉ huy. 

Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải đường băng do tần suất cất hạ cánh. Nếu đưa máy bay về sân bay Cần Thơ để ngủ qua đêm thì số lần cất hạ cánh sẽ tăng cấp số nhân. Hơn nữa từ Tân Sơn Nhất bay đến Cần thơ rồi quay về mất 400Km.

Chuyên gia phản pháo chính sách “trên trời” của Cục Hàng không ảnh 3

Nếu hàng không chậm phát triển, nhiều người dân cả đời không được đi máy bay

Chuyên gia phản pháo chính sách “trên trời” của Cục Hàng không ảnh 4

"Không thể bắt ngành hàng không vừa phát triển vừa chờ các ngành vận tải khác"

“Làm như yêu cầu của Cục Hàng không thì nhiều hãng hàng không sẽ sạt nghiệp vì hao phí nhiên liệu và thời gian bay trên trời. Mỗi lần cất hạ cánh là mỗi lần “sinh tử”, càng cất hạ cánh nhiều lần thì xác suất mất an toàn lại cao hơn, điều này làm khó các phi công và tốn phí sân bay”, ông Trần Đình Bá nói.

“Gây thiệt hại Cục Hàng không phải chịu trách nhiệm”

Theo ông Trần Đình Bá Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không đưa tàu bay qua đêm về sân bay Cần Thơ là cách làm chính sách “trên trời”. 

Cục Hàng không là cơ quan quản lý nhà nước mà quản lý hàng không vô tội vạ, đưa ra chính sách “trên trời” làm khó các hãng hàng không. Đây là “tối kiến” mà Cục Hàng không Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm nhà nước trước Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ và nhân dân.

Nói về việc yêu cầu đưa tàu bay qua đêm về sân bay Cần Thơ ảnh hưởng đến hãng hãng không, ông Bá cho biết, các hãng hàng không sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề đó là bay lòng vòng trên bầu trời lãng phí 30 phút bay, lại mang máy bay đi “ngủ đêm” quay về mất cả 1 giờ bay thì hãng hàng không chỉ còn cách phá sản vì lãng phí.

Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ về việc chấp hành Luật Hàng không dân dụng, cấp phép nhập máy bay, cấp phép từng chuyến bay và phải đảm bảo an toàn và quyền lợi của hành khách và các hãng hàng không, quy hoạch phát triển hàng không có tổ chức. 

“Mọi quyết định của Cục hàng không đưa ra làm ảnh hưởng, gây thiệt hại kinh tế cho các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo Luật Doanh nghiệp.

Nếu để xẩy ra mất an toàn hàng không thì cục hàng không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do ban hành sai luật, sai quy định an toàn”, ông Trần Đình Bá nhấn mạnh.

Mai Anh