"Không thể bắt ngành hàng không vừa phát triển vừa chờ các ngành vận tải khác"

06/12/2016 07:14
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia nghiên cứu giao thông và kinh tế, hàng không phát triển là điều rất đáng mừng và người dân đang được hưởng lợi từ sự phát triển ấy.

Các hãng hàng không có thể phải cắt giảm nhiều chuyến bay ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2017 theo yêu cầu của cơ quan quản lý bởi quan điểm cho rằng, sự phát triển ngành hàng không đang khiến ngành vận tải khác gặp khó.

Quan điểm điều hành "lạ"

Tại cuộc họp thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hôm 30/11, Bộ trưởng Giao thông vận tải - ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất có trách nhiệm của Cục Hàng không, khi cấp phép bay, cấp chuyến bay vượt công suất quá nhiều (năm 2016 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất vận chuyển 32 triệu lượt khách, trong khi công suất 25 triệu lượt).

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, hàng không đang là sự lựa chọn số một của người Việt Nam là điều vô cùng bất hợp lý.

Phí sân bay không được tăng và rẻ nhất khu vực, giá vé rẻ do các hãng hàng không khuyến mãi đang hút hết khách của ngành đường sắt.

“Nhiều khi coi đó là thành tích thì là điều lệch lạc. Do đó, các đơn vị liên quan phải điều tiết các phương thức vận tải khác nhau.

Hàng không tăng trưởng cao thì sẽ làm vỡ kế hoạch của các loại hình vận tải khác, đặc biệt là đường sắt,” Bộ trưởng Nghĩa khẳng định.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống việc dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp thị trường vận tải là không nên - ảnh nguồn VTV.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống việc dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp thị trường vận tải là không nên - ảnh nguồn VTV.

Trước quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm khoa Hàng không-Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, các hãng hàng không tăng chuyến do yêu cầu của thị trường, tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Qua việc người dân lựa chọn hàng không, đáng nhẽ Bộ Giao thông vận tải phải thấy đó là tín hiệu vui chứng tỏ hàng không nội địa được người dân tin tưởng.

"Không thể bắt ngành hàng không vừa phát triển vừa chờ các ngành vận tải khác" ảnh 2

Một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Cục Hàng không Việt Nam

Ở vị trí điều hành Bộ Giao thông vận tải cần khuyến khích sự phát triển của ngành hàng không, đồng thời có biện pháp để nâng cao chất lượng ngành đường sắt để đường sắt phát triển và cạnh tranh được với các ngành vận tải khác”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Bộ Giao thông vận tải có quan điểm điều hành như trên có thể hiểu mong muốn của Bộ đưa hàng không phát triển tốt hơn nữa, tương xứng phát triển của hạ tầng cảng, nhà ga.

Tuy nhiên, nếu đúng là Bộ đang tư duy theo cách ấy thì nên tập trung giải quyết vấn đề phát triển ​cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của ngành hàng không giai đoạn mới.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM (ảnh Hoàng Lực)
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM (ảnh Hoàng Lực)

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích, vận tải hàng không là một trong số ít ngành giữ được tốc độ tăng trưởng cao, liên tục khoảng 20%/năm trong hơn 10 năm qua, vượt xa những loại hình vận tải khác.

Sự phát triển ngành hàng không chứng tỏ nhu cầu sử dụng loại hình vận tải này của người dân đang tăng lên.

Trong khi đó ngành đường sắt bao nhiêu năm nay phát triển quá yếu kém. Yếu kém đó có nguyên nhân từ sự phát triển khách quan của ngành vận tải. Nhưng bên cạnh đó còn có nguyên nhân của sự trì trệ, chậm chuyển biến của chính ngành đường sắt.

“Hành khách không thể chờ ngành đường sắt phát triển. Người dân có quyền lựa chọn phương tiện vận tải phù hợp đáp ứng tốt nhu cầu đi lại ngay tại thời điểm họ cần.

Ngành hàng không những năm qua đã xã hội hóa vận tải, nâng cấp đường bay, nâng cấp sân bay. Cạnh tranh tốt và tạo thuận lợi cho người dân đi lại nên ngành hàng không phát triển là điều tất yếu”, PGS Tống nhận định.

Cốt lõi là phục vụ phát triển đất nước

Ở góc nhìn kinh tế, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia kinh tế nhận định, ngành giao thông vận tải phát triển là yếu tố sống còn với kinh tế đất nước. Điều đáng mừng là trong các loại hình vận tải hiện nay thì hàng không đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ.

“Hàng không hiện đã không còn thế độc quyền doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp hàng không tư nhân tham gia thị trường tạo sức cạnh tranh, từ đó giảm giá vé, tăng dịch vụ.

Khi hãng hàng không mới ra đời tất nhiên số lượng tàu bay sẽ tăng và áp lực lên cơ sở vật chất bền đỗ, đường băng, nhà ga tăng lên”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng: Không thể bắt ngành hàng không vừa phát triển vừa chờ các ngành vận tải khác - ảnh: H. Lực
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng: Không thể bắt ngành hàng không vừa phát triển vừa chờ các ngành vận tải khác - ảnh: H. Lực

Trong khi đó nhìn sang vận tải đường sắt hay đường biển dù lợi thế nhiều nhưng phát triển chậm dẫn đến tụt lại sau vận tải đường bộ và hàng không. 

Nhấn mạnh yếu tố cạnh tranh trong vận tải, PGS.TS Phạm Quý Thọ phân tích, thời điểm 20 năm trước khoảng năm 1996 vận chuyển đường sắt lên ngôi với lợi thế vận chuyển nhiều, hạ tầng đường sắt, nhà ga khá đầy đủ. 

Trong khi đó vận chuyển đường bộ chưa phát triển do hệ thống giao thông hạn chế, đi lại khó khăn, phương tiện vận tải chưa nhiều, vận tải đường bộ thời điểm đó chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Còn hàng không vẫn quá xa lạ với nhiều người.

Trong giai đoạn này, liên tục 10 năm (từ 1996-2006) vận tải đường bộ phát triển nhanh, vì hạ tầng đường bộ được nhà nước quan tâm, đầu tư. Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vận tải đường bộ tăng lên, số lượng phương tiện, chất lượng phương tiện nâng cao. Trong khi lúc này ngành đường sắt vẫn ì ạch với cách quản lý cũ.

PGS. Thọ phân tích: “Nếu tính trong khoảng 10 năm trở lại đây (2006-2016) trong khi cả đường bộ, đường hàng không đều có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là hàng không khi có sự tham gia của hãng hàng không tư nhân. 

Với số lượng đường bay tăng, chất lượng tàu bay, nhà ga sân bay nâng lên trong khi giá vé giảm đi nên hàng không dần trở thành phương tiện được người dân lựa chọn nhiều nhất là khi xuất hiện hàng không giá rẻ.

Trong lúc cả hàng không và đường bộ chuyển mình thì người ta thấy vận tải đường sắt dường như vẫn như cách đó 20 năm, có nghĩa là sự thay đổi, chuyển biến rất chậm.

Nhìn lại để thấy rõ ràng bản thân đường sắt không thực sự thay đổi để cạnh tranh với các ngành vận tải khác. Vì thế không thể bắt hàng không hay ngành vận tải khác phát triển chậm để chờ đường sắt”.

Mặt khác trong giao thông hiện đại, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, việc hàng không thay thế đường sắt trong vận tải đường xa là điều tất yếu, nhất là với các quốc gia có chiều dài đất nước như Việt Nam.

Theo phân tích của PGS.TS Phạm Quý Thọ, ngành đường sắt thay vì cạnh tranh vận tải hành khách đường dài thì nên tập chung vận tải tuyến đường trung bình và đường ngắn kết nối các trung tâm kinh tế giữa các tỉnh thành.

Đối với vận tải đường dài, đường sắt nên tập chung vào phân khúc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản công nghiệp.

“Vấn đề của ngành giao thông vận tải là phát triển để phục vụ nhu cầu đi lại người dân, cũng là phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Bản thân ngành vận tải có sự cạnh tranh và phụ thuộc nhiều vào thị trường, do đó nếu can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển ngành hàng không, gây ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.

Dù có phát triển hơn thì ngành đường sắt cũng không thể thay thế được hàng không”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết thêm.​​

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội máy bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó Cục Hàng không đưa ra quota đến năm 2020 Việt Nam có 230 máy bay

Trong khi đó kế hoạch được các hãng đặt ra đến năm 2020 Vietnam Airlines (gồm cả Vasco) đã lên kế hoạch mua sắm, đầu tư đội máy bay với 114 chiếc; Jetstar Pacific xây dựng đội máy bay 30 chiếc; Vietjet Air có kế hoạch nâng lên 100 chiếc.

Ngoài ra, nếu tính thêm Vietstar - hãng hàng không đang đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không - với 19 chiếc máy bay tầm trung, thì tổng lượng máy bay của 4 hãng hàng không nội địa dự kiến sẽ là 263 chiếc năm 2020.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như trên, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không trong nước sẽ đạt trung bình 20,3%/năm, đạt khoảng 102 triệu lượt khách vào năm 2020, vượt 24% so với Quy hoạch giao thông vận tải hàng không đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2009.

Mai Anh