LTS: Trước chủ đề học sinh phổ thông đang phải học quá nhiều môn, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài viết thể hiện ý kiến quan điểm của các thầy cô giáo.
Ở một góc nhìn khác, thầy giáo Nguyễn Cao phản ánh những nội dung giảng dạy không còn phù hợp với thực tế cũng như làm mất thời gian, sức lực của cả thầy và trò.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Dù không nói công khai, cũng chẳng có văn bản nào hướng dẫn nhưng nhà trường cũng như phụ huynh, học sinh vẫn luôn tồn tại suy nghĩ về môn học “chính” và môn học “phụ”.
Điều này cũng dễ nhận thấy trong việc mở các ngành học của các trường sư phạm, cách phân công người giảng dạy ở các trường phổ thông...
Vì được coi là những môn “phụ” nên nội dung môn học, cách bố trí giáo viên đứng lớp và cả cách phân bố thời khóa biểu của một số môn học cũng còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, có một nghịch lí là nhiều môn đang được giảng dạy rất “hời hợt” ở các trường phổ thông lại được bố trí tương đối nhiều so với một số môn học khác.
Ngày 17/12/2016, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết "Học sinh Việt Nam học một lúc 14 môn thì “còn gì là người?"” của phóng viên Thùy Linh, tiếp theo còn một số bài viết cũng về chủ đề này.
Mỗi bài viết đều có một kiến giải riêng. Tuy nhiên, tựu chung lại vẫn là sự quá tải đối với học sinh phổ thông hiện nay.
Theo khung biên chế hiện hành thì cấp Trung học cơ sở có 14 môn học và Trung học phổ thông có 13 môn học.
Những môn được xem là môn học chính và có số tiết nhiều là Văn (3-5 tiết/ tuần), Toán (3-4 tiết/ tuần) và Anh văn (3 tiết/ tuần)… Các môn còn lại có số tiết từ 1-2 tiết/ tuần.
Mỗi năm học được biên chế thành 37 tuần, trong đó có 35 tuần thực học. Khối lớp có số tiết học nhiều nhất là lớp 8, với 961 tiết/ năm; lớp 7 là 927 tiết/ năm học.
Khối lớp có số tiết ít nhất ở bậc phổ thông là lớp 10 và lớp 12 đều có số tiết là 821 tiết/ năm học.
Mỗi tuần, học 13-14 môn học/ 6 buổi chính khóa kể ra cũng khá nhiều nên phần lớn các em học 4-5 tiết/ buổi. Đó là chưa kể học sinh phải đi trái buổi để học thể dục và tham dự các hoạt động ngoại khóa.
Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến chuyện nhiều hay ít các môn học, bởi vì vấn đề này các chuyên gia giáo dục đã bàn luận và nhiều bài báo trước đã phân tích cụ thể.
Vì thế, chúng tôi chỉ đưa ra một số điểm mà hằng ngày chúng tôi đã và đang chứng kiến ở các trường phổ thông.
Chúng ta đều biết, mỗi một môn học đều có một vai trò và vị trí riêng và các môn học đó đều hướng tới mục đích là cung cấp tri thức, thẩm mĩ, sức khỏe, nhân cách cho người học.
Vì thế, việc bố trí khung phân phối chương trình cho từng môn học phù hợp là cần thiết.
Và, nhất là xem xét nội dung nào là bổ ích, nội dung nào đã không còn phù hợp hoặc không cần thiết và ít hiệu quả để để bố trí những bài học, những môn học có tính “cần thiết” hơn.
Theo thầy Nguyễn Cao, một số nội dung trong môn Công nghệ ở trường phổ thông cần được điều chỉnh. (Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Giải Phóng). |
Nếu có ai hỏi rằng môn Công nghệ có cần thiết không? Thì ai cũng sẽ nói rằng có, thậm chí là rất cần thiết bởi có nhiều nội dung gắn với cuộc sống hằng ngày.
Nhưng, nếu chúng ta xem nội dung các bài học thì có rất nhiều bài thực ra nên cắt bỏ bởi nó không còn phù hợp.
Ví dụ sách Công nghệ 6, chúng ta vẫn còn thấy những bài học xưa như trái đất, đó là: Cắt may, khâu vá, thêu thùa.
Thử hỏi, quần áo bây giờ còn mấy ai khâu vá, thêu thùa, bởi thực tế hàng hóa bây giờ được bán rất đa dạng.
Hơn nữa, những năm gần đây chẳng mấy ai còn phải mặc quần áo vá như mấy chục năm về trước và cũng chẳng còn mấy ai đủ can đảm ngồi mà thêu tranh để tặng nhau nữa…
Hơn nữa, giáo viên cũng có biết thêu thùa gì đâu nên cũng chỉ nói theo lí thuyết sách vở. Những tiết thực hành thì phần lớn thời gian cho học sinh ngồi chơi hoặc cho các em “làm ở nhà” rồi lên lớp giáo viên nhận xét.
Ngoài ra, cũng ở môn học này còn có một số bài học như chế biến món ăn như: Trộn dầu dấm rau xà lách; Nộm rau muống…
Những tiết học như thế này vừa tốn công cho học sinh chuẩn bị, mua bán mang đồ đến lớp và sau đó các em bôi trát dầu mỡ lên lớp học…
Ngoài những bất cập về nội dung sách giáo khoa thì phần lớn giáo viên Công nghệ ở cấp Trung học cơ sở hiện nay là giáo viên không có chuyên môn giảng dạy.
Bởi vì vẫn quan niệm đây là môn phụ nên Ban giám hiệu thường bố trí môn Công nghệ 6 thì phân công giáo viên Văn dạy; Công nghệ 7 là giáo viên Sinh; Công nghệ 8-9 thì phân giáo viên Vật lí…
Dù môn học không được chú trọng trong nhà trường từ việc đào tạo chuyên ngành ở các trường sư phạm đến việc phân công giáo viên giảng dạy ở các đơn vị trường học nhưng môn Công nghệ lại có số tiết tương đối nhiều.
Mỗi tuần có 2 tiết, trong khi những môn học được xem là cần thiết hơn như: Giáo dục công dân, Lịch sử thì mỗi tuần chỉ được biên chế 1-1,5 tiết!
Đối với môn Thể dục ai cũng biết nó rất cần thiết cho sức khỏe con người. Nhưng, với khung phân phối hiện nay thì từ lớp 6- 12, thậm chí là khi vào học đến hết kì thứ 5 của đại học, mỗi tuần luôn có 2 tiết thể dục.
Nhưng, với đặc trưng riêng nên các Ban giám hiệu không xếp 2 tiết liên tục mà phải xé nhỏ ra thành hai buổi học. Thành ra, chỉ có 2 tiết học mà các em phải đi 2 buổi trái với lịch học chính khóa.
Những em nhà gần thì không sao nhưng nhiều em xa trường 5-6 cây số mà đạp xe đi về cũng không phải là một chuyện đơn giản chút nào.
Đó là chưa kể nhiều môn Thể dục trở thành nỗi ám ảnh đối với các em có thể trạng yếu như môn nhảy cao, xà… có những nội dung người học phải trồng chuối trên xà kép rất nguy hiểm nên có nhiều em sợ không dám tập.
Vì thế mà có nhiều em bị khống chế kết quả học tập như một số trường hợp đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua.
Đối với các trường trung học phổ thông hiện nay vì áp lực thành tích mà nhiều môn được xem là “phụ” sẽ bị cắt ở học kì II, lớp 12 để dành thời gian cho các môn học “chính” và để hướng tới kết quả thi tốt nghiệp và đại học.
Mấy năm trước, khi chưa gộp lại kì thi Trung học quốc gia thì nhiều em chỉ học có 3 môn luyện thi đại học và “ngó thêm” vài môn thi tốt nghiệp. Đây là một thực trạng diễn ra trong suốt nhiều năm qua…
Vậy thì học một lúc 13- 14 môn học có thực sự là cần thiết. Nhiều môn học chúng ta đang thả nổi hay chính nội dung môn học không hấp dẫn và người học không cần phải chú tâm mà cũng không bao giờ phải lo… thiếu điểm.
Theo lộ trình, đến năm học 2018-2019 tới thì ngành giáo dục sẽ có bộ sách giáo khoa mới với một số môn học bắt buộc và một số môn tự chọn để giảm tải cho học sinh và cũng là để tăng khả năng, sự yêu thích của học sinh qua từng môn học.
Và, chúng ta sẽ cùng hi vọng sẽ có một bộ sách phù hợp cho học trò những năm sau này.
Nhớ lại năm thứ nhất đại học, những sinh viên Ngữ văn chúng tôi phải học môn… Môi trường và rất nhiều những môn học chẳng có gì liên quan đến chuyên ngành của người học.
Và, tất nhiên những môn học như vậy thì giữa người dạy và người học rất khó có sự hợp tác với nhau. Nên, việc bố trí những môn học không cần thiết vào giảng dạy thực sự là cực hình cho cả người dạy và người học.