LTS: Câu chuyện về bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho công chức thành phố Hà Nội đang được nhiều người bàn tán. Trong đó, một vài quy định được cho là thiếu tính thực tế.
Qua vấn đề này, tác giả Trương Khắc Trà có đôi điều phản biện về công tác ban hành luật ở nước ta hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Sau nhiều sự việc không mấy đẹp đẽ về hành vi ứng xử của một vài cá nhân là cán bộ, công chức của Hà Nội, bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho công chức thành phố chuẩn bị ban hành.
Những ngày qua trên các mặt báo, diễn đàn mạng đã xôn xao về cái hợp lý, cái bất hợp lý của bộ quy tắc ấy.
Có thể đây chỉ là đòn thăm dò dư luận của cơ quan chủ trì soạn thảo, cố đấm ăn xôi, tranh thủ dư luận để có một bộ quy tắc thực sự đi bằng đôi chân chứ không phải bay bằng đôi cánh.
Trong khi đó, một khảo sát do trung tâm tin tức VTV24 thực hiện cho ra kết quả 70% phản đối, 30% đồng ý!
Nhiều chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ về tính khả thi. Liệu rằng sẽ có thêm một quy định chết ngay khi chưa sống được ngày nào?
Pháp luật nhìn dưới góc độ triết học đó là một hình thái ý thức xã hội, thuộc về lĩnh vực tinh thần, nó phản ánh tồn tại xã hội, thuộc lĩnh vực vật chất.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ý thức xã cũng có thể phản ánh kịp thời tồn tại xã hội, có nghĩa là pháp luật luôn có độ “lệch pha” nhất định với đời sống thực tiễn.
Người ta cũng dễ dàng chấp nhận một cách khoa học rằng pháp luật phải luôn luôn “update” những diễn biến sinh động của đời sống để bít những lỗ hổng tránh bị lợi dụng, cái mà người ta hay gọi là “lách luật”.
Bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức Hà Nội được cho là nhiều điểm bất hợp lý. (Ảnh minh họa: vtc.vn) |
Ở bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời đại nào cũng vậy, pháp luật không thể quy định được hết mọi vấn đề trong đời sống một cách tuyệt đối, nói như vậy để thấy rằng những lỗ hổng trong luật là điều đương nhiên!
Sẽ thật ấu trĩ nếu đòi hỏi một bộ luật nào đó “đổ nước không chảy” nhưng cũng thật quan ngại nếu luật pháp không thể đi vào cuộc sống.
Thể chế hóa chủ trương đường lối thành chính sách pháp luật để có thể áp dụng vào cuộc sống chưa bao giờ là công việc dễ dàng, điều đó đòi hỏi những bộ óc thực dụng.
Có người nói vui rằng ở Việt Nam học luật khó và khổ nhất thế giới! Vì hiếm có nơi nào luật mới làm xong chưa ban hành đã sai, ban hành năm ba bữa đã bị đào thải do quá nhiều điều phi thực tế… mà dư luận hay gọi là “tư duy máy lạnh”, “quy định trên trời…”
Rõ ràng, người ban hành những quy định ấy không mang bộ óc thực dụng mà sở hữu bộ óc lãng mạn, lãng mạn tới mức họ có thể bỏ qua thực tiễn đầy sinh động, họ bỏ qua những gì cần “quy” mà muốn “định” cái gì thì “định”.
Nhiều quy định chỉ mới nghe tên đã thấy bất hợp lý, chưa ban hành đã vấp phải làn sóng phản đối từ dư luận, không ban hành được thì thu lại, chẳng sao cả!
Nhưng câu hỏi kinh phí đâu để làm sai lại sửa, sửa chưa xong tiếp tục chỉnh cần phải được trả lời.
Cho đến nay, chưa ai thống kê xem thử việc ban hành những văn bản trên trời gây thiệt hại bao nhiêu tỷ.
Tiền có thể chưa thống kê hết nhưng một khi người dân mất niềm tin vào uy tín của pháp luật đó là mối nguy tiềm ẩn.
Năm 2013, dư luận được dịp xôn xao bàn tán, thậm chí trên các diễn đàn mạng xuất hiện hình ảnh chế cười ra nước mắt khi Bộ Y tế ban hành quy định “ngực lép không được lái xe, ngực càng to càng được lái xe lớn”.
Theo đó, “muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy từ 50 cm3 trở lên (giấy phép lái xe hạng A1, B1) thì phải có vòng ngực trung bình không dưới 72 cm…”[1].
Sức khỏe và khả năng điều khiển xe dĩ nhiên có liên quan, nhưng chắc chắn không đâu trên thế giới này tìm ra một đề tài nghiên cứu “mối quan hệ biện chứng giữa vòng ngực và điều khiển xe”!
Có người còn bảo, quy định kiểu ấy thì những chân dài, hoa hậu là phù hợp nhất với… nghề lái xe cỡ lớn, còn những ông đang lái xe siêu trường siêu trọng chắc phải tốn tiền sang Thái Lan bơm silicon cho đủ 72cm!
Khi vấp phải làn sóng phản ứng từ dư luận, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thời điểm đó phân bua “Đến thời điểm hiện tại chưa có dự thảo nào được đưa ra như một số báo chí thông tin thời gian qua” [2].
Lập tức Cục trưởng Cục Y tế Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) bật lại, “bản dự thảo đã được Bộ Y tế thông qua, thậm chí đại diện nhiều bên đã họp bàn tới hai lần và đã thống nhất” [3].
Sau khi quy định trên trời bị dư luận “tuýt còi” thì lập tức màn “đá bóng” trách nhiệm diễn ra, báo chí ghi nhận, người dân tỏ tường sự việc nhưng rồi cũng nhanh chóng chìm nghỉm dưới liên tiếp nhiều quy định tương tự.
Xin nêu lên một số vụ việc điển hình: Phạt 5 triệu đồng nếu nghe điện thoại di động ở trạm xăng; chỉ được bán thịt lợn trong vòng 8 giờ sau giết mổ; quan tài người chết không được lắp kính trên nắp;
ngành giáo dục thì lại rất quan tâm đến chính sách cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng thi vào đại học được cộng thêm điểm; ngành công an quy định giấy chứng minh nhân dân phải có tên cha mẹ.
Quy định chỉ được bán rượu, bia cho một người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá 1 đơn vị rượu/giờ, 3 đơn vị rượu/ngày đối với nam và ½ đơn vị rượu/giờ, 2 đơn vị rượu/ngày đối với nữ.
1 đơn vị rượu tương đương khoảng 2/3 chai bia 550ml hoặc một lon bia 330ml 5%, một cốc bia hơi 330ml, một ly nhỏ 100ml rượu vang 13,5%, một chén rượu mạnh 40-43%.
Nói nôm na là trong vòng 1 giờ, chủ quán chỉ đuợc bán cho nam giới 1 lon bia hoặc 1 chén con rượu, bán quá sẽ bị phạt!
Quy định “lạ” này một lần nữa dấy lên dư luận lo ngại hiện trạng “ngồi trên trời làm chính sách” như nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập.
Trở lại với bộ quy tắc dành cho công chức Hà Nội, chỉ đơn cử những quy định như nước hoa đậm mùi, son phấn lòe loẹt, xăm trổ… đều thuộc về cảm tính.
Có triết gia đã nói “vẻ đẹp của người phụ nữ không nằm ở đôi má hồng mà trong mắt của gã si tình”. Nếu người này cho rằng lòe loẹt, phản cảm nhưng người kia lại bảo là đẹp thì sao? Có tiêu chí nào để đong đếm mùi vị, cảm giác?
Cấm hút thuốc nơi công cộng tưởng chừng như đã thực hiện được nhưng rồi cũng vô hiệu lực, khắp các bến xe, ga tàu, công sở thậm chí bệnh viện người ta vẫn hút, cấm bia rượu nhưng con số tiêu thụ mỗi năm một tăng…
Đỉnh cao hơn, một vị lãnh đạo cấp cao của ngành giao thông vận tải còn mạnh dạn phát biểu “siết chặt hàng không cho đường sắt phát triển”!?[4].
Tư duy giật lùi cộng với những bộ óc lãng mạn không đúng chỗ khiến các văn bản chỉ đạo kiểu “trên trời dưới đất” đua nhau nở rộ.
Nhà nước cai trị xã hội bằng luật pháp vậy nên khi luật pháp “đi trên mây” có nghĩa là hiệu quả, hiệu lực của nhà nước đang bị phế bỏ.
Tài liệu tham khảo:
[1],[2],[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-nguc-lep-co-the-bi-cam-lai-oto-xe-may-2870080.html
[4]http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Siet-chat-hang-khong-de-duong-sat-phat-trien-la-khong-cong-bang-post173004.gd