LTS: Từ năm 2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay tại một số nơi công cộng, người ta vẫn thản nhiên hút thuốc, bất chấp sức khỏe của người khác.
Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng và toàn xã hội nên nghiêm khắc hơn trong việc thi hành những quy định trong Luật này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Việt Nam có hơn 40.000 người chết vì hút thuốc lá mỗi năm.
Mỗi ngày tại Việt Nam có trên 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông.
Đến năm 2030, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2030, có gần 10% dân số Việt Nam sẽ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
Vài số liệu dẫn ra đây cho thấy ảnh hưởng, tác hại ghê gớm của hút thuốc lá đối với sức khỏe giống nòi và nhiều vấn đề khác nữa.
Quy định xử phạt cấm hút thuốc lá có hiệu lực từ năm 2010, song từ đó đến nay tính khả thi của nó còn nhiều hạn chế, số vụ xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Từ ngày 1/5/2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực. Có thể nói, văn bản Luật lần này đã quy định rất đầy đủ, cụ thể các khía cạnh, đối tượng liên quan.
Quy định cụ thể nơi cấm hút thuốc hoàn toàn, đó là các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; phương tiện giao thông công cộng.
Ngoài ra, theo quy định, hành vi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 100.000 – 300.000 đồng, người bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Công dân có quyền yêu cầu không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút. (Ảnh minh họa: baophapluat.vn) |
Theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền về xử phạt là các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ trung ương tới địa phương; lực lượng quản lý thị trường; công an và UBND các cấp.
Hơn nữa, công dân có quyền yêu cầu không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút.
Mỗi người cũng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút; phản ánh hoặc tố cáo cơ quan thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá…
Với những quy định cụ thể như vậy, hy vọng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá lần này sẽ đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao, nâng cao được ý thức người bán và người hút thuốc lá, giảm thiểu được tác hại của thuốc lá đối với mọi người….
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được áp dụng đã hơn 3 năm, chúng tôi từng đến nhiều điểm công cộng ở tỉnh Quảng Ngãi như: bến xe Quảng Ngãi, ga Quảng Ngãi và bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi để nắm bắt thực tế thì thấy tình hình vẫn như cũ, không có gì thay đổi.
Nghĩa là có rất nhiều người, già có, trẻ có vẫn thản nhiên phì phèo điều thuốc trên miệng, mặc dù nơi đây có treo, cắm nhiều biển hiệu cấm hút thuộc nơi công cộng.
Đi thực tế và qua kênh thông tin đại chúng, chúng tôi được biết nhiều nơi khác trong cả nước cũng nằm trong tình trạng tương tự. Người hút thì cứ hút. Người bị “tra tấn” bởi khói cứ phải cắn răng chịu đựng.
Sau hơn 3 năm, chúng ta vẫn chưa thấy trường hợp nào bị xử phạt vì hành vi hút lá không đúng nơi quy định.
Càng không thấy trường hợp nào dám tố cáo, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử phạt người vi phạm.
Trong khi đó, các nước ban hành Luật tương tự như ở ta, ý thức chấp hành của mọi người, công tác thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, tinh thần đấu tranh, tố giác hành vi trái Luật… rất cao, tình hình có chuyển biến tốt.
Còn ở ta thì "ôi thôi".
Nhiều người từng than đúng, không đâu luật lệ lại kém hiệu lực, kém khả thi như ở Việt Nam ta. Luật Phòng chống tác hại hút thuốc lá là một minh chứng cụ thể.
Thiết nghĩ, để Luật bảo vệ sức khỏe con người và cộng đồng này đi vào cuộc sống, không thể trông đợi một sớm, một chiều mà đòi hỏi mọi người, nhiều lực lượng cùng tham gia, cùng vào cuộc với những biện pháp đồng bộ, thường xuyên:
Cần quy định rõ thêm những địa điểm dành riêng cho người có thói quen hút thuốc và chưa thể quen ngay với những địa điểm cấm hút thuộc như khu vực cách ly của sân bay, khách sạn, nhà ga…
Cùng với áp dụng chế tài xử phạt, cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền bằng các hình thức như phát tờ rơi, dùng loa phóng thanh… để người dân tự nhận thấy tác hại của thuốc lá và những hành vi liên quan đến thuốc lá, từ đó tự điều chỉnh hành vi của mình, nhất là những nơi công cộng. (vì nhiều người hút thuốc lá vẫn chưa biết gì về quy định của Luật).
Đối với những nơi buôn bán, kinh doanh thuốc lá, cần hướng dẫn và cho họ làm cam kết theo đúng luật quy định, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát, xử phạt những hành vi liên quan đến vi phạm về buôn bán, kinh doanh thuốc lá.
Các cơ quan có thẩm quyền về xử phạt là các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ trung ương tới địa phương; lực lượng quản lý thị trường; công an và UBND các cấp cần có sự phối hợp tốt, thường xuyên, hiệu quả.
Việc kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan chức năng, có ngay những biện pháp xử lý triệt những cá nhân, đơn vị chỉ nói mà không làm, “giỏi” báo cáo rất hay.
Nếu mà làm theo kiểu mùa vụ, đến hẹn lại lên thì chỉ tác dụng nhất thời, đâu lại vào đấy, vì nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi của nhiều người Việt ta rất chậm, không muốn nói là quá tệ.