Sau khi Cục Hàng không Việt Nam có văn bản gửi các hãng hàng không nghiên cứu kế hoạch đưa tàu bay từ sân bay Tân Sơn Nhất về đậu qua đêm tại sân bay Cần Thơ đã gặp phải phản ứng từ các chuyên gia nghiên cứu kinh tế và chuyên gia hàng không.
Nhân sự kiện này, ông Trần Đình Bá – Hội viên hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, người đã từng thực tế nghiên cứu tại sân bay Quốc tế Riga Latvia 1988 -1989có bài viết phân tích về vấn đề nghịch lý này.
Tắc nghẽn tại sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam là Tân Sơn Nhất đã đến mức báo động, tới mức mà phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau chuyến đi thị sát, làm việc với Bộ Quốc phòng và Sân bay Tân Sơn Nhất đã đánh giá “tắc cả trên trời – dưới đất, tắc cả trong và ngoài” và đã có những chỉ đạo trực tiếp cho cả Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải.
Vậy tại sao cho đến bay giờ ngành hàng không vẫn đang lúng túng với việc làm các sân đỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất?
Ông Trần Đình Bá - Chuyên gia nghiên cứu giao thông |
Không có chuyện chậm trễ sân đỗ vì chập phê duyệt quy hoạch sân bay lưỡng dụng!?
Việc mở rộng sân đỗ cho Tân Sơn Nhất có thể xúc tiến triển khai sớm dự án bãi đậu máy bay quy mô 37 chỗ, hiện đã được Bộ Quốc phòng giao 21ha đất.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, nếu dự án này được triển khai ngay và hoàn tất sớm, sân bay Tân Sơn Nhất có thể đậu thêm nhiều máy bay thay vì phải đậu qua đêm ở các sân bay khác.
Đây là đất sạch, có thể triển khai nhanh được nhưng các bên liên quan vẫn đang bàn tới bàn lui mà chưa khởi động dự án.
Nguyên nhân dự án mở rộng nhà ga sân bay lưỡng dụng để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất (quy mô 10 triệu hành khách/năm), tổng số vốn thực hiện hơn 2.100 tỉ đồng, đã được Bộ Quốc phòng bàn giao 10ha và dự kiến hoàn thành sau 18 tháng kể từ khi được phê duyệt.
Đáng tiếc là sau nhiều năm được triển khai, đến nay dự án vẫn đang chờ... cấp phép.
Theo một nguồn tin khác, các phương án về vốn, nhân lực, thiết kế... đã được Công ty CP hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) - đơn vị được giao thực hiện - giải trình xong từ lâu nhưng dự án chưa triển khai vì chưa được... phê duyệt.
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ GTVT – ông Nguyễn Nhật cho biết Bộ Quốc phòng đã bàn giao đất cho dự án đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, dự án vẫn đang lấy phương án thiết kế, quy hoạch tổng thể để xin cấp phép triển khai.
Còn theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không: Cơ quan này đã thẩm định thông qua thiết kế cơ sở của dự án mở rộng nhà ga lưỡng dụng nhưng đang chờ Bộ Quốc phòng đồng ý để triển khai, đưa vào khai thác sau 12 tháng thi công.
Nếu xây dựng xong nhà ga lưỡng dụng và cải tạo hai nhà ga hiện có, công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nâng lên đáng kể.
Rõ ràng rằng việc mở rộng sân đỗ cho máy bay vướng vào nhà ga hàng không lưỡng dụng. Tại sao lại có chuyện “chưa sinh cha mà đã sinh con”, hãng hàng không lưỡng dụng là ai và là gì mà để cho cả một dự án mở rộng sân đỗ máy bay quan trọng như thế phải xếp hàng chờ?
Các chuyên gia nghiên cứu hàng không phản đối việc đưa máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất về "ngủ đêm" tại sân bay Cần Thơ. ảnh: An ninh Thủ đô. |
Nghịch cảnh hàng không lưỡng dụng Vietstar Airlines chưa được khai sinh mà đã có nhà ga
Vụ “chạy nước rút” ồ ạt cấp phép hàng không Vietstar Airlines đã được báo giới phơi bày. Đó là tháng 3/2016, Bộ GTVT có tờ trình đề nghị chấp thuận hồ sơ cấp phép cho Vietstar Airlines với báo cáo tài chính đã được kiểm toán thay thế cho văn bản xác nhận vốn.
Tờ trình xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) của bộ GTVT dưới sự tham mưu của Cục Hàng không Việt Nam “ưu ái” đề xuất số vốn tối thiểu (47,3 tỷ đồng) mà Vietstar Airlines còn thiếu sẽ được công ty này “bổ sung sau khi đi vào hoạt động”.
Điều hành sân bay mà giống bến xe, thiệt hại sẽ rất lớn |
Theo đề xuất của Bộ GTVT và cục Hàng không Việt Nam thì hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP “Về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung”.
Theo Bộ GTVT giải trình thì Công ty CP Ngôi sao Việt chỉ nộp được bổ sung hồ sơ cấp phép báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 và đề nghị sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán để thay thế văn bản xác nhận vốn theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, vì “việc phong tỏa tài khoản để xác nhận vốn theo quy định là không thực hiện được, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”.
Không chỉ đề xuất được “lách luật”, Bộ GTVT còn đề xuất: “Do công ty đã dùng nguồn vốn để chi cho các hoạt động trong giai đoạn đầu vận hành nên còn thiếu vốn tối thiểu (47,3 tỷ đồng) theo quy định của Nghị định 30. Công ty cam kết sớm bổ sung đủ số vốn tối thiểu là 700 tỷ theo đúng quy định”.
Sự nôn nóng đến khó hiểu của Bộ GTVT – do Cục Hàng không Việt Nam tham mưu làm dấy lên dư luận: Phải chăng Bộ này đang tranh thủ chạy nước rút để ồ ạt cấp phép chui kinh doanh hàng không?
Thế nhưng , Bộ Tài chính có đôi “mắt thần” phát hiện ra khuất tất và có văn bản cho rằng Công ty Ngôi sao Việt chưa đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 30/2013 - NĐ-CP.
Bộ Tài chính dẫn Điều 9 của Nghị định này và nêu rõ: Về văn bản xác nhận vốn, đối với hãng hàng không đang khai thác, có thể sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn phù hợp.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ GTVT tại Công văn số 12277 thì việc xác nhận vốn của Công ty Ngôi sao Việt do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thực hiện là chưa phù hợp. Nói cách khác, công ty này phải có văn bản xác nhận vốn theo đúng quy định.
Trước động thái “tự nhận” này của Vietstar Airlines, trao đổi với phóng viên báo chí, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng cho rằng, đây là hành động lợi dụng uy tín của quân đội.
Ông nói rất thẳng thắn: “Tôi đề nghị Bộ Quốc phòng cần cho kiểm tra lại ngay, tránh sự việc như Công ty đa cấp Liên kết Việt làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Bộ Quốc phòng”.
Ông cũng nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần cho thẩm tra làm rõ vấn đề lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm việc sai trái hoặc danh nghĩa Bộ Quốc phòng để “đánh bóng” tên tuổi nhằm thu hút nhà đầu tư, thu hút hành khách.
Vì sao Bộ GTVT “ưu ái”, nôn nóng cấp phép cho Vietstar Airlines và động cơ nào khiến Vietstar Airlines phải “tự nhận” mình là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòn
Càng không thể có khái niệm sân bay lưỡng dụng trong Tân sơn Nhất
Ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – ông Nguyễn Nhật chủ trì cuộc làm việc giữa Bộ này và Bộ Quốc phòng, đánh giá tình hình quản lý, phối hợp điều hành bay hàng không dân dụng và quân sự trong thời gian qua.
Tại đây, Thiếu tướng Hoàng Viết Quang - Phó cục trưởng Cục Tác chiến cho biết, Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng đồng ý việc chuyển các hoạt động bay huấn luyện quân sự thường xuyên của không quân từ 3 sân bay lớn là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất đến các sân bay khác.
Đó là để tạo điều kiện cho hoạt động hàng không dân dụng tại Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng đã đưa toàn bộ Trung đoàn Không quân 917 về sân bay Biên Hòa trong tháng 3/2016 để huấn luyện.
Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo kiểm đếm tài sản, xác định ranh giới, dồn dịch máy bay cũ, hỏng, thống nhất phương án với các cơ quan liên quan của ngành Hàng không để sớm bàn giao 21 ha sân đỗ quân sự ở Tân Sơn Nhất cho bộ GTVT.
Rõ ràng rằng, mọi vấn đề giải tỏa ,khai thông cho hoạt động tại sân bay Tân Sơn nhất đã được giải quyết ổn thỏa và đã được khai thông từ mọi phía. Nay vì cớ gì mà Cục Hàng không Việt Nam lại vô cớ đưa ra “luật trời” để bắt ép các hãng hàng không phải đi “ngủ đêm” tại Cần Thơ?
Tính ra mỗi máy bay phải mất chi phí từ 8000 USD đến 9000 USD “qua đêm”. Vậy chi phí tổn thất này đổ lên vai hành khách hay các hãng hàng không?
Có chuyên gia hàng không đã lên tiếng rằng, khoa hãy bàn đến vấn đề tiền nong mà hãy nghĩ đến an toàn, mỗi lần cất hạ cánh trong hàng không là thời khắc “sinh tử” cho phi hành đoàn và hành khách . An toàn hàng không phải được đặt lên hàng đầu và “không cho phép sai lầm dù chỉ là một lần” .
Vì sao lại có chuyện tréo ngoe: “Các phương án về vốn, nhân lực, thiết kế... đã được Công ty CP hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) - đơn vị được giao thực hiện - giải trình xong từ lâu nhưng dự án chưa triển khai vì chưa được... phê duyệt”.
Đó là câu hỏi dành cho lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải.