Để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không đã được Cục Hàng không Việt Nam “gợi ý” đưa máy bay về đậu qua đêm tại các sân bay Cần Thơ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Mai Trọng Tuấn - tác giả đường bay vàng cho rằng, thay vì giảm tải bằng việc chuyển máy bay đi đậu qua đêm tại các sân bay lân cận, ngành hàng không cần nhanh chóng triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Nâng cấp, mở rộng sẽ giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất - ảnh nguồn Cục Hàng không Việt Nam. |
Chậm vì đâu
Ông Mai Trọng Tuấn cho biết, dư địa đất trong sân bay Tân Sơn Nhất còn rất nhiều, phần lớn được giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Điều lạ lùng là trong khi hàng không cần đất để mở rộng sân bay, xây dựng thêm điểm đỗ, nhà ga thì đất tại đây lại sử dụng làm sân golf, sân bóng đá, nhà kho chứa hàng.
“Đúng là sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, nhưng quá tải là do ngành giao thông và do điều hành quản lý. Tại sao không mở rộng sân bay vào diện tích đang được cho thuê làm nhà kho chứa hàng, vào diện tích đất sân golf, đất sân bóng đá, hay đó là vùng cấm?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Với tư cách một cựu phi công quân sự, ông Mai Trọng Tuấn khẳng định, nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ an ninh quốc phòng ở thời kỳ nào cũng phải đặt lên hàng đầu. Nhưng không thể cứ lấy danh bảo vệ an ninh quốc phòng để giữ đất rồi sử dụng vào việc không cần thiết trong khi đất phục vụ phát triển kinh tế đang thiếu.
Theo ông Tuấn, các đơn vị quân đội trong sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể di chuyển về sân bay Biên Hòa để trả lại toàn bộ diện tích đất tại Tân Sơn Nhất phục vụ mục đích nâng cấp sân bay này có thêm nhà ga, bãi đỗ tàu bay.
Ông Mai Trong Tuấn cho rằng hoàn toàn có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vì quỹ đất trong sân bay vẫn còn rất lớn - ảnh H.Lực. |
“Lâu nay cứ nói đến đất quốc phòng là mọi người ngại ngần, nhưng cần phải hiểu đất là sở hữu của toàn dân do Nhà nước đứng ra quản lý. Không phải đất của bộ này hay ngành kia mà của tất cả người dân và phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước”, ông Tuấn nói.
Ngoài diện tích đất đang được dùng làm sân golf, ông Tuấn đặt ra câu hỏi: Vừa qua Bộ Quốc phòng có trả 21 ha để đầu tư nâng cao năng lực khai thác sân đỗ tàu bay, đường lăn và nhà ga, nâng công suất hệ thống nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vậy đã triển khai chưa? Tắc ở đâu?
“Theo thông tin đăng tải trên các báo với 21ha được Bộ Quốc phòng giao lại sẽ sử dụng xây thêm điểm đỗ, nhà ga và nâng công suất hệ thống nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Vậy việc này tại sao chưa triển khai, lỗi nguyên nhân từ đâu, rất cần làm rõ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thiệt hại lớn nếu phải đưa máy bay về Cần Thơ
Bày tỏ quan điểm về “phương án nghiên cứu” đưa tàu bay đến đậu qua đêm tại sân bay Cần Thơ, đại diện một hãng hàng không cho rằng nếu thực hiện phương án này chắc chắn sẽ làm tăng thêm chi phí cho hãng hàng không.
Cụ thể, để thực hiện chuyến bay nhiên liệu chiếm chi phí lớn nhất, tiếp đó chi phí cho phi hành đoàn, đội ngũ kỹ thuật. Bố trí nơi ăn nghỉ cho phi hành đoàn, trả tiền thuê điểm đậu máy bay.
Những "chỉ đạo lạ" có thể cản bước phát triển hàng không |
Vì vậy, khi đưa tàu bay về sân bay Cần Thơ thì chắc chắn các hãng sẽ phải bù thêm một khoản chi phí rất lớn, do lượng khách từ địa phương này ít.
Hệ quả xảy ra gần nhất là khi chi phí đội lên thì không thể tránh được việc giá vé cũng sẻ tăng theo, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của hàng triệu người dân, các hãng hàng không, mà xa hơn còn làm chậm sự phát triển của ngành hàng không.
Bình luận về ý tưởng đưa tàu bay “ngủ qua đêm” tại sân bay Cần Thơ của lãnh đạo Cục Hàng không, ông Mai Trọng Tuấn ví von, điều hành như vậy chẳng khách nào điều hành bến xe khách.
Ông Tuấn phân tích, nếu vì bến xe chật chội đơn vị vận tải phải đưa xe đi các điểm để đỗ qua đêm. Điều này phát sinh chi phí nhưng bù lại trên cung đường từ điểm đỗ đến bến xe, xe khách vẫn có thể bắt khách trước khi về bến.
Nhưng trong hàng không thì khác, việc tàu bay cất cánh muốn đón khách phải hạ cánh xuống sân bay, hạ cánh xuống không phải đón khách là đi ngay mà cần phải có thời gian tiếp nhiên liệu. Khi đó sẽ phát sinh thêm chi phí.
Theo ông Tuấn, khi tàu bay cất cánh vì lý do thời tiết không thể hạ cánh phải bay vòng trên trời hay thậm chí quay về sân bay cất cánh. Những sự cố đó đều phát sinh chi phí và các hãng hàng không phải chi trả.
“Yêu cầu hãng hàng không phải đưa tàu bay về sân bay Cần Thơ chỉ vì thiếu chỗ đậu là hết sức vô lý. Nếu thiếu chỗ đậu phải nhanh chóng nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Trách nhiệm này thuộc về ngành giao thông vận tải”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Mai Trọng Tuấn, quan điểm cho rằng do việc tăng số lượng tàu bay, tăng chuyến bay làm quá tải sân bay Tân Sơn Nhất và bây giờ tìm cách hạn chế lại là tư duy phi thị trường.
Việc các hãng tăng thêm số lượng chuyến bay, tăng tàu bay là do nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các dịch vụ hàng không giá rẻ phát triển mạnh giúp người dân có cơ hội đi lại bằng hàng không nên lượng khách tăng lên nhanh trong thời gian qua.
Thị trường có nhu cầu phát triển là tín hiệu rất tốt, do đó điều cần làm lúc này là phải tìm mọi biện pháp thúc đẩy, tạo điều kiện cho các hãng hàng không hoạt động tốt hơn. Suy cho cùng, các hãng hàng không phát triển thì người dân cũng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
"Hàng năm, ngành giao thông vận tải đều có nghiên cứu dự báo lượng khách tăng trưởng thì tại sao nhìn thấy trước nguy cơ quá tải lại không triển khai mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất?
Chính sự chậm trễ trong điều hành như thế này dẫn đến quá tải Tân Sơn Nhất và đó cũng là bài học cho các sân bay khác", ông Tuấn cho hay.