Ngang nhiên ra nhiều văn bản sai thẩm quyền
Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã ký các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông là thực hiện triển khai Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy, địa chỉ số 2 ngõ 233 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh (NTV) |
Theo đó, các Thông tư liên tịch nêu trên đã quy định danh mục các chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh nghề nghiệp, đồng thời hướng dẫn việc bổ nhiệm vào hạng và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông.
Các giáo viên muốn đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì nhất thiết phải có chứng chỉ tiếng Anh A2 và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
Xét thấy, nhu cầu của cán bộ giáo viên là cần thiết, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ký kết với nhau hợp đồng bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh (A2) và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
Sau khi hợp đồng được ký kết, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ủy quyền cho Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy là đơn vị trung gian trong việc tuyển sinh cũng như tổ chức các lớp học cho người có nhu cầu.
Cùng với đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ra Văn bản số 1305/ĐHSPHN do GS, TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ký với nội dung:
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng ý phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy tổ chức các lớp đào tạo và thi cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
Đối tượng tuyển sinh là học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức, công chức. Địa điểm học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy và học vào các buổi tối.
Sau khi có thông báo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy đã lấy đó làm “bùa hộ mệnh” gửi cho các phòng giáo dục quận, huyện trên địa bàn Hà Nội mang tính chất “mệnh lệnh hành chính” nhằm mục đích tuyển sinh.
Chỉ là đơn vị sự nghiệp nhưng Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy đã ngang nhiên ra văn bản gửi Phòng giáo dục đào tạo quận Bắc Từ Liêm đề nghị phối hợp rà soát những cán bộ, giáo viên chưa đạt điều kiện nâng ngạch. Ảnh (TH). |
Cụ thể, ngày 27/10/2016 và ngày 02/11/2016, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy lần lượt ra các Văn bản số: 27, 31/CV-GDTXCG về việc phối hợp mở các lớp bồi dưỡng thi và cấp chứng chỉ kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và Tiếng Anh bậc 2 (A2) gửi Phòng giáo dục đào tạo quận Bắc Từ Liêm, Phòng giáo dục đào tạo quận Tây Hồ do ông Đỗ Phú Việt - Giám đốc Trung tâm ký với nội dung:
"Nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục trực thuộc quận đạt tiêu chuẩn về điều kiện chức danh nghề nghiệp, nâng lương, nâng ngạch bậc, bổ nhiệm theo đúng qui định hiện hành.
Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy kính đề nghị:
Chỉ có 10 cơ sở giáo dục dưới đây đủ thẩm quyền cấp chứng chỉ ngoại ngữ A2 |
Phòng giáo dục quận Bắc Từ Liêm đồng ý để Trung tâm được phối hợp rà soát những cán bộ, giáo viên chưa đạt điều kiện nâng ngạch được tổ chức bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh bậc 2 (A2) và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản do Trung tâm phối hợp với Trường đại học sư phạm Hà Nội tổ chức.
Trung tâm rất mong nhận được sự đồng ý, tạo điều kiện của Phòng giáo dục quận Bắc Từ Liêm".
Ngoài các công văn gửi cho Phòng Giáo dục quận Bắc Từ Liêm, Phòng giáo dục quận Tây Hồ thì Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy còn gửi công văn tới các phòng giáo dục quận, huyện khác như: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, huyện Đông Anh…
Được biết, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy chỉ là một đơn vị giáo dục sự nghiệp không phải là một cơ quan quản lý nhà nước thì việc ra văn bản đề nghị một đơn vị khác rà soát hay yêu cầu liệu có đúng luật?
"Cầm đèn chạy trước ô tô"
Tại Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó quy định rõ, Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, chỉ đạo.
Theo hợp đồng liên kết đào tạo giữa Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì việc bồi dưỡng, thi và cấp chứng đã được triển khai (từ ngày 10/10/2016 đến ngày 30/10/2016) nhưng mãi đến ngày 27/10/2016, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy mới có Công văn số 25/CV-GDTXCG về việc phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và tiếng Anh bậc 2 (A2) gửi tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do ông Đỗ Phú Việt ký.
Công văn báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội việc tuyển sinh bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và tiếng Anh bậc 2 (A2) được Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy thực hiện khi sắp kết thúc khóa học. Ảnh (TH). |
Nội dung công văn nêu: Trong quá trình triển khai Trung tâm báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về công tác quản lý đào tạo, thực hiện tiến độ, nội dung, chương trình bồi dưỡng thi và cấp chứng chỉ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rất mong nhận được sự đồng ý, tạo điều kiện của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội.
Qua việc làm trên, chúng ta có thể thấy rõ Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy đã cố tình “tiền trảm, hậu tấu”, “cầm đèn chạy trước ô tô”, làm xong mới báo cáo lãnh đạo, điều này không chỉ làm người dân bức xúc mà đó còn là hành vi coi thường cấp trên của lãnh đạo trung tâm này.
Giáo viên không cần chạy đôn, chạy đáo học chứng chỉ ngoại ngữ |
Để có thông tin khách quan về vấn đề này, từ ngày 26/12/2016, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ đặt lịch làm việc với Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn không hề nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía trung tâm.
Chủ động liên hệ qua điện thoại với ông Đỗ Phú Việt, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy, ông này cho biết: “Hiện nay, trên Sở họ đang thành lập đoàn công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ về việc tôi làm. Khi nào có kết luận cụ thể tôi sẽ làm việc với anh”.
Trước những sai phạm diễn ra tại Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội làm rõ việc có hay không lợi ích nhóm và trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy trong việc ra văn bản sai thẩm quyền, vượt mặt cấp trên?