Sống còn giật gấu vá vai nhưng vẫn phải hoành tráng

18/01/2017 08:47
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Nhiều thanh niên dù đang ăn bám nhưng trong túi vẫn có con “dế” bóng mượt, không hiếm người nai lưng chịu lãi suất cắt cổ để trả góp lên đời Iphone...

LTS: Văn miếu Quốc tử giám được "khoác lên mình bộ quần áo mới" khiến nhiều người lạ lẫm.

Người dân cảm thấy tiếc nuối khi những di tích lịch sử hiện nay mất đi những dấu vết lịch sử.

Tác giả Trương Khắc Trà chia sẻ vấn đề này và bàn đôi điều về "bệnh hoành tráng" trong xã hội.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Anh bạn tôi, một người kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực thiết bị di động tếu táo rằng nếu có một cái lễ tri ân khách hàng thì tập đoàn Apple phải tổ chức ở Việt Nam mới đúng! 

Nghĩ cũng chẳng sai, bởi rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam dù thiếu thốn trăm bề nhưng vẫn phải “giật gấu vá vai” tậu cho được cái iPhone.

Nhiều thanh niên dù đang ăn bám bố mẹ nhưng trong túi vẫn có con “dế” bóng mượt mang lô-gô trái táo cắn dở, không hiếm người nai lưng chịu lãi suất cắt cổ để trả góp, lên đời iPhone…

Cái "bệnh sĩ diện" của người Việt vốn thâm căn cố đế có tuổi thọ ngang ngửa với lịch sử nền văn minh lúa nước, có lẽ đó là một phần không thể thiếu của tư duy nông nghiệp chăng? 

Bất cứ cái gì người Việt cũng muốn thật to, thật nhiều, thật mới, thật đẹp… để lòe thiên hạ, con gà còn ganh nhau tiếng gáy huống chi người!? Ước muốn ấy chẳng có gì sai trái nhưng hầu hết bị đặt nhầm chỗ.

Đi ăn tiệc – một khung cảnh nhốn nháo, lốp đốp tiếng cụng ly, hô hào bắt ép nhau “sạch sẽ” trong ly, rồi thì thừa mứa nghiêng ngả, chính vì không ít người cho rằng càng thừa mứa càng hoành tráng càng chứng tỏ “đẳng cấp” của gia chủ!?

Bộ phim “Hai lúa” đã soi chiếu trọn vẹn mọi ngóc ngách trong tư duy tiểu nông và "căn bệnh sĩ diện" của người dân xứ ta vốn lắm nỗi bi hài, cười ra nước mắt. 

Những thành tích tự phong như “đòn bánh tét dài nhất Việt Nam”, “bánh chưng lớn nhất Việt Nam”, “tô phở to nhất Việt Nam”, “chùa lớn nhất khu Đông Nam Á”, “đền lớn nhất Đông Dương”, còn có cả nhưng cái “lớn nhất Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam”… chẳng biết để làm gì!

Những “kỷ lục” vốn chỉ xoay quanh chuyện ăn chuyện uống, lặt vặt, những cái cần lớn thì mãi không “lớn”, có chuyện cần nhỏ nhưng mãi chẳng “nhỏ”. 

Sống còn giật gấu vá vai nhưng vẫn phải hoành tráng ảnh 1

Pháo hoa, dân nghèo và tiếng chuông

"Căn bệnh hoành tráng" dường như đã thấm vào máu ăn vào thịt nhiều người, không những dân đen mà cả tầng lớp “mũ cao áo dài” cũng không ngoại lệ.

Mấy hôm nay thiên hạ kháo nhau về con rồng “pikachu” ở thành phố Hải Phòng, bởi theo nhiều người, rồng… chẳng giống rồng mà giống một nhân vật có tên pikachu trong bộ phim hoạt hình của Nhật Bản. 

Quả thật cho đến giờ phút này chưa ai tận thấy con rồng bằng xương bằng thịt nhưng sánh rồng Hải Phòng với rồng thời Lý, thời Trần thì thật hổ thẹn về cả hình thức lẫn nội dung.

Cái “được” lớn nhất là độ dài thuộc dạng khủng, màu vàng rực rỡ và có lẽ giành luôn giải con rồng nhận được sự quan tâm sâu sắc nhất trong lịch sử, cũng thật sự ngỡ ngàng bởi chi phí lên tới tiền triệu cho một hình thù uốn lượn chẳng biết đặt tên gì cho hay. 

Trước đó, dư luận cả nước chưa nguôi niềm vui sau sự kiện ngừng bắn pháo hoa để tiết kiệm tiền thì con rồng bất đắc dĩ này cùng với chi phí trang trí khác chẳng biết vô tình hay hữu ý thổi bay số tiền gấp 6 lần chi phí mà Hà Nội tiết kiệm được nhờ “tắt hoa trên trời”! 

Đúng là “bòn lúa chét nhét hũ voi” ông bà ta nói cấm sai.

Mặc dù Hải Phòng là thành phố “ẩn mình” bấy lâu nay với hoa phượng đỏ, thuốc lào, kẹo lạc nhưng năm nay đã làm cả nước giật mình bởi dự án nhạc nước trị giá 200 tỷ đồng [1] chỉ để sử dụng một lần rồi thôi như kiểu… mỳ lon!

Đây lại là công trình nhạc và nước có kích cỡ thuộc dạng “số má” trong khu vực. Vô lý đến nỗi đính kèm với sự “khai tử” của nó là 03 vị lãnh đạo bị xem xét kỷ luật [2].

Có người hài hước bảo ở Việt Nam sẽ mở thêm ngành “hiện đại hóa di tích”, người dân Hà Nội “sau một đêm thức dậy” đã thấy Văn Miếu Quốc Tử Giám khoác lên mình bộ áo mới – nó đã được sơn lại mới toanh, chẳng biết nên vui hay buồn, chỉ thấy Văn Miếu nay bóng loáng hơn, e rằng những con thạch sùng cũng hết đường sống vì độ bóng mịn của lớp sơn phủ ngoài.

Văn Miếu Quốc Tử Giám được quét vôi mới, mất đi vẻ cổ kính vốn có. (Ảnh: nld.com.vn)
Văn Miếu Quốc Tử Giám được quét vôi mới, mất đi vẻ cổ kính vốn có. (Ảnh: nld.com.vn)

Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa - PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng “Trước đây Hà Nội bị phản đối kịch liệt khi sơn lại Tháp Rùa. Đó là một bài học lớn chẳng lẽ Hà Nội đã quên. 

Và bây giờ, tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu khi họ phủ màu lên di tích Văn Miếu cổ kính, một di tích lớn của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng
”[3].

Vì sao có vô số công trình độ sộ trên thế giới nhưng chỉ có số ít được UNESCO công nhận là di sản?

Hóa ra là nó phải mang trên mình các nội hàm “văn hóa”, “lịch sử” chứ chẳng phải cứ to, cứ hoành tráng, cứ mới toanh là được. Hà Nội có nhiều thứ cần “làm mới” chứ chưa phải là Văn Miếu.

Thành cổ Sơn Tây – Hà Nội cũng lâm vào tình cảnh tương tự, người ta đã nhẫn tâm “bê-tông hóa”, cạy tung gạch lát đường giống như ông già mặc phải chiếc áo trẻ con. 

Chẳng biết sự “nhiệt tình” cải tạo Thành Sơn Tây được thôi thúc bởi cái gì? Phải chăng lại là một dự án mang tính kinh tế hơn là ý nghĩa tái hiện lại lịch sử oai hùng của dân tộc? 

Sống còn giật gấu vá vai nhưng vẫn phải hoành tráng ảnh 3

Xếp hạng 13 di tích quốc gia đặc biệt

Làng cổ Đường Lâm sẽ không còn là chính nó nếu thiếu cây đa, bến nước, sân đình, thiếu những tấm ngói thủ công nhuốm rêu phong, thiếu những bức tường gạch nung đượm màu thời gian, cũng giống như vậy Thành cổ Sơn Tây, Văn Miếu sẽ mất đi giá trị khoa học, nhân văn nếu cứ “tô son trát phấn”.

Xưa nay người ta thường hay dùng cụm từ “phục hồi di tích” chứ chẳng ai dám “hiện đại hóa di tích”.

Bởi lẽ những tác động mù quáng thô bạo sẽ phá hoại di sản cha ông để lại, chẳng ai muốn đến thăm di tích khi mà nó chẳng khác gì những công trình mọc khắp phố xá.

Người ta có thể quăng cái điện thoại “cục gạch” để sắm “smartphone” đó là xu thế, nhưng không thể nào đánh đồng cái “smartphone” với cái “cục gạch”, bởi cái “cục gạch” đại diện cho một giai đoạn mà cái “smartphone” dù có thông minh cỡ nào cũng không thể!

Vậy động cơ của sự “nhiệt tình” hoành tráng hóa này là gì? Chắc chắn chúng ta ai cũng đã có cho mình câu trả lời chính xác đến mười mươi. 

Nguyên tắc của sự phát triển là biến cái bất hợp lý thành cái hợp lý chứ không phải biến cái hợp lý thành bất hợp lý.

Xem ra “bệnh hoành tráng" của chúng ta vẫn chưa có cách nào để trị, vì vậy ngày càng có nhiều công trình, dự án không mền chiếu nào “đắp”, “trùm” xuể vì… quá lớn! 

“Bệnh hoành tráng" còn hoành hành trong những bản báo cáo thành tích, nào là “phát triển vượt bậc”, “thắng lợi to lớn”, “đột phá”, “đời sống nhân dân được nâng lên”… đủ mọi lĩnh vực.

Dịp Tết Nguyên đán này đã có 12 tỉnh vác rá ra Trung ương xin gạo cứu đói, trong số đó không ít tỉnh từng làm thiên hạ choáng váng vì những công trình đồ sộ. 

Mới cách đây 02 năm, tỉnh Quảng Ngãi thu ngân sách đạt 27.200 tỷ đồng, bằng 109,6% dự toán [4] nhưng năm nay vẫn xin hơn 1.700 tấn gạo… hay như Hà Nam, Thanh Hóa Nghệ An… vẫn muốn kêu cứu Trung ương.

Xin cứu trợ chẳng có gì là xấu hổ, nhất là Miền Trung vừa mới trải qua 4 lần lũ chồng lũ nhưng cái người ta thắc mắc là độ trung thực của các báo cáo và căn bệnh thành tích “nói như rồng leo làm như mèo mửa”.

Căn “bệnh hoành tráng" là sản phẩm của lối tư duy nông nghiệp đậm màu sĩ diện tốn kém nhiều hơn hiệu quả, hoàn toàn trái ngược với tư duy công nghiệp vốn thực dụng nhưng đặt hiệu quả lên hàng đầu. 

Đổi mới là quá trình xảy ra từ trong tư duy chứ không phải ở thực tại.

Tài liệu tham khảo:

[1],[2] http://vnexpress.net/photo/thoi-su/du-an-nhac-nuoc-200-ty-khien-3-lanh-dao-bi-xem-xet-ky-luat-3435138.html

[3] http://news.zing.vn/se-phu-son-mau-tram-de-tra-lai-ve-co-kinh-cua-van-mieu-post712537.html

[4] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2014-09-10/quang-ngai-du-kien-thu-ngan-sach-nha-nuoc-tang-109-nam-2014-13212.aspx

Trương Khắc Trà