Pháo hoa, dân nghèo và tiếng chuông

07/01/2017 08:07
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Là những người “cầm cân nảy mực”, một cử động nhẹ nhàng thôi cũng đủ mang lại diễm phúc hoặc tai họa cho triệu người...

LTS: Suy nghĩ về việc thành phố Hà Nội có kế hoạch rung chuông các nhà thờ, đền, chùa để đón giao thừa thay cho pháo hoa để tiết kiệm ngân sách, tác giả Trương Khắc Trà cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, hợp với lòng dân.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Như thường lệ, chương trình truyền hình chủ đạo tối cuối năm là “Táo quân”, sau đó màn ca nhạc mừng Đảng, mừng xuân rồi đến những tràng pháo hoa được phóng lên ngay thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới hòa vào giai điệu ngọt ngào của ca khúc “Happy new year”. 

Và không thể thiếu những điểm cầu truyền hình kết nối không khí rộn ràng trên mọi miền Tổ quốc.

Ở những thành phố lớn người ta nườm nượp đổ về khu trung tâm chỉ để mục sở thị những tràng pháo hoa bung nở rợp trời mà báo chí đã góp phần làm “nóng” trước đó cả tháng.

Và vậy sau đêm giao thừa, “hoa trên trời” chỉ lóe lên và tắt trong chốc lát nhưng hoa dưới đất ở lại chịu lời đắng cay!

Năm nào cũng vậy, từ khóa “chen lấn đêm giao thừa” luôn “hot” vào đầu năm mới, những công viên tiêu điều xơ xác, những bãi cỏ tan hoang vì giẫm đạp, nhiều ngôi chùa sáng ra không còn cái cây nào không bị vặt lá, bẻ cành, bờ Hồ Gươm ngập rác, phố phường như vừa trải qua “cơn bão” hiếu kỳ.

Pháo hoa là sản phẩm của văn hóa Trung Hoa, thuở xưa nó chỉ dành cho giới thượng lưu có đẳng cấp trong xã hội. 

Ngày nay pháo hoa vẫn là thú chơi tốn kém, chẳng biết bao nhiêu năm qua chỉ chờ đón mấy mươi phút giao thừa mà người ta sẵn sàng “đốt” đi không biết bao nhiêu tỷ đồng. 

Hiệu quả thu lại là gì?

Ngắm pháo hoa có làm cái dạ dày bớt kêu than?

Không những thế pháo hoa chỉ phục vụ cho mấy chục ngàn người dân đô thị có mặt trực tiếp chứng kiến! 

Còn mấy chục triệu người ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo xa xôi lo cái ăn chưa đủ lấy đâu ra thảnh thơi.

Thành phố Hà Nội có kế hoạch thực hiện rung chuông tại các nhà thờ, đền, chùa để đón giao thừa. (Ảnh minh họa, nguồn: VnExpress.net)
Thành phố Hà Nội có kế hoạch thực hiện rung chuông tại các nhà thờ, đền, chùa để đón giao thừa. (Ảnh minh họa, nguồn: VnExpress.net)

Trước khi bắn pháo hoa giao thừa bị “tuýt còi”, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, Tô Văn Động cho biết, Thành phố Hà Nội đã quyết định bắn pháo hoa dịp Tết âm lịch với 6 điểm tầm cao, 24 điểm tầm thấp, chi phí khoảng 10 tỷ đồng [1].

Tức là năm nay ngân sách thành phố không phải giải ngân 10 tỷ đồng, hãy tưởng tượng số tiền này sẽ lớn như thế nào với những địa phương nghèo.

Số tiền này có thể sẽ mua được nhiều phần quà Tết mỗi phần trị giá 500.000 đồng, hoặc hàng ngàn cái áo ấm cho trẻ em vùng cao, hoặc xây được 10 ngôi trường mầm non, hay có thể làm 10 cây cầu ở vùng nông thôn…

Những ích lợi này không phải ai đó không tính ra nhưng vì sao nhiều năm qua cứ phớt lờ để lao vào thú chơi tốn kém trong khi nhà nước phải đi vay tiền và tìm nguồn viện trợ sau đó đánh đổi bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường!?

Có phải vì những khoản để “bắn lên trời” thì dễ thổi bung để kiếm chác?

Nhìn phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long dùng túi xách trị giá 11 USD trong chuyến thăm Mỹ thì nhiều người đã có cho mình câu trả lời vì sao Singapore từ một làng chài cách đây 40 năm giờ trở thành trung tâm tài chính của thế giới, nhìn thấy cả nước Nhật hối hả lao vào công việc người ta mới biết đó là lý do của cái gọi là “thần kỳ Nhật Bản”.

Không bắn pháo hoa dịp Tết nhiều người lo ngại không biết chơi đâu, một sự lo ngại rất đáng… lo ngại!

Cái sự ăn sự chơi ở xứ ta nó muôn hình vạn trạng, bởi chẳng có một đất nước công nghiệp nào dám nghĩ chơi cả tháng. Giờ giấc “cao su”, năm bè bảy mảng là đặc trưng của tư duy nông nghiệp.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết “năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. 

Như vậy, mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại.

Pháo hoa, dân nghèo và tiếng chuông ảnh 2

Toàn văn chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết Nguyên Đán 2017

(GDVN) - "Các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách".

Ngoài ra, năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia”[2].

Những con số đáng ra phải được “rung chuông”, “đánh trống” liên hồi để thức tỉnh để biết chúng ta đang bị bỏ lại xa như thế nào. Cần thiết phải như vậy!

Chẳng ai biết 10 tỷ tiết kiệm được có đem ra chia cho người nghèo hay không hay là đang ấp ủ những “dự án” khác nhưng dẫu sao tiền cũng chưa bị “đốt” đi mà chẳng mang lại lợi ích gì đáng kể.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, trong báo cáo có tên “Xu hướng bất bình đẳng về mức sống ở Việt Nam trong 20 năm đổi mới”, công bố ngày 3/12/2015 cho thấy:

Người giàu chiếm khoảng 20% dân số, chiếm 54,4% tổng thu nhập toàn quốc, trong lúc nhóm trung bình ở giữa với 60% dân số chiếm 40,9% thu nhập toàn quốc, còn lại là các hộ nghèo, tức 20% dân số còn lại, chỉ chiếm 4,7% tổng thu nhập toàn quốc mà thôi” [3].

Những con số cho thấy chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam đang tạo ra cái hố ngày càng khó khỏa lấp, ở đây có sự bất bình đẳng về phân phối lợi ích trong xã hội và rõ ràng người nghèo là nhóm dễ bị tổn thương nhất, họ cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong chuỗi phân phối lợi ích.

Chỉ đơn cử, ngành trồng trọt lúa nước đang mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước, làm trụ cột cho cả ngành nông nghiệp nhưng tại sao người nông dân đa số vẫn nằm trong tốp nghèo trong khi doanh nghiệp, thương lái và nhà nước thu nguồn lợi hàng tỷ đô la?

Nói vậy để thấy rằng, người nghèo luôn là lực lượng yếu thế nhất trong xã hội cần phải được chăm lo, không những phải tắt pháo hoa trên trời mà còn nhiều việc khác cần phải làm dưới mặt đất để tiết kiệm nguồn lực. Không bắn pháo hoa cũng là khoan thư sức dân.

Hà Nội đã có kế hoạch “rung chuông” nhưng không phải rung để cảnh tỉnh sự tụt hậu mà rung chuông để đón giao thừa thay cho pháo hoa như một cách tiết kiệm ngân sách theo chỉ đạo của Ban Bí thư.

“Nhằm góp phần đánh thức thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới”, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa rung chuông tại thời điểm giao thừa” [4].

Tiếng chuông thay cho pháo hoa, hai phạm trù có vẻ khó ăn nhập vào nhau nhưng chung quy lại làm nên một quyết sách hợp lòng dân nghèo, tốt thôi!

Khoảnh khắc giao thừa được nghe tiếng chuông mang đến sự thanh tịnh, nhẹ nhàng còn hơn phải chen lấn xô đẩy.

Là những người “cầm cân nảy mực”, một cử động nhẹ nhàng thôi cũng đủ mang lại diễm phúc hoặc tai họa cho triệu người, hãy vì dân để không phải khắc khoải lúc về hưu.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/khong-ban-phao-hoa-dip-tet-ha-noi-tiet-kiem-10-ty-dong-3517932.html       

[2]http://vneconomy.vn/thời-sự/23-người-việt-có-năng-suất-lao-động-bằng-1-người-singapore-2016122811513577.htm

[3]http://tinhhoa.net/phan-hoa-giau-ngheo-o-viet-nam-ngay-cang-tang-nhanh.html

[4] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dung-ban-phao-hoa-ha-noi-van-dong-rung-chuong-dem-giao-thua-3522975.html

Trương Khắc Trà