Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin từ người dân cung cấp cho biết, tại Trung tâm học tập cộng đồng của phường Cầu Kho, quận 1 (591/4 đường Trần Hưng Đạo) có tổ chức cho giáo viên thuê phòng dạy thêm.
Tối thứ 3 (10/1), chỉ trong vòng từ 18h48 đến hơn 19h, có mặt tại địa chỉ nói trên, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận, cảnh phụ huynh đến đón con tan ca học thêm rất tấp nập. Học sinh từ trên lầu đi xuống, được giáo viên dắt trao trả tận tay phụ huynh.
Trung tâm học tập cộng đồng phường Cầu Kho nằm trong hẻm rất nhỏ, chỉ đủ 2 xe gắn máy đi (ảnh: P.L) |
Rất nhiều học sinh tiểu học tan ca học thêm vẫn còn mặc trên người bộ đồng phục của nhà trường. Nếu học sinh nào chưa có người đón, sẽ có 1 giáo viên đứng trông, chờ người thân đến.
Gần 19h, phụ huynh vội vã đến đón con em học thêm tại đây (ảnh: P.L) |
Theo thông tin ban đầu cho biết, tại Trung tâm học tập cộng đồng này cho giáo viên thuê phòng dạy rất nhiều lớp, nhiều cấp học khác nhau. Đặc biệt, phần lớn trong số đó là dạy thêm cho cấp tiểu học, và đa số là học sinh của Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1.
Nhằm làm rõ thông tin mà người dân phản ánh, sáng ngày 11 và 12/1/2017, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến UBND phường Cầu Kho, quận 1 đăng ký làm việc với lãnh đạo phường.
Nếu học sinh nào chưa có người đón sẽ được ngồi chờ bên trong trung tâm, giáo viên quản lý (ảnh: P.L) |
Thế nhưng, trong cả 2 buổi sáng nói trên, cả Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho Vũ Xuân Việt, và thư ký (tên Linh) của bà Châu Phụng Chi – Chủ tịch UBND phường đều đòi phải có giấy giới thiệu viết chi tiết, thông báo cho biết trước nội dung cần chất vấn lãnh đạo để chuẩn bị.
Dù rằng, khi đến liên hệ, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu từ tòa soạn.
Ông Vũ Xuân Việt đã tự thừa nhận rằng, mình không thể nắm Luật Báo chí mới bằng anh em phóng viên, và ông Việt cũng nói quy trình tiếp các phóng viên như vậy là do mình được đi tập huấn trên quận về, nên mới áp dụng.
Học sinh đi học thêm còn mặc nguyên bộ đồng phục ở trường tiểu học, cặp nặng trĩu (ảnh: P.L) |
Cũng cần phải nhắc lại rằng, theo một nguồn tin mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có được, ông Việt chính là cũng là Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng của phường, nơi đang bị người dân phản ánh.
Một Phó Chủ tịch phường ở Quận 1 tự nhận nắm bắt pháp luật kém |
Trước cách làm việc quan liêu, cứng nhắc, đặt ra nhiều yêu cầu gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của báo chí, sáng ngày 12/1, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã chuyển toàn bộ các câu hỏi liên quan đến nội dung này cho bà Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Chủ tịch UBND quận 1 (qua thư ký).
Thế nhưng, khi sự việc vẫn chưa được giải quyết rõ ràng, tối cùng ngày, quay trở lại Trung tâm học tập cộng đồng phường Cầu Kho, phóng viên nhận thấy Trung tâm “bỗng nhiên” không còn cho thuê phòng dạy thêm nữa.
Một khung cảnh hoàn toàn vắng vẻ, rất yên lặng và trái ngược hoàn toàn với khung cảnh của chỉ mới 2 ngày trước.
Như vậy, tới nay, dư luận không thể không đặt ra câu hỏi: Phải chăng vì bị sợ liên lụy trách nhiệm, nên lãnh đạo phường Cầu Kho mới vội vã ngưng việc cho thuê phòng dạy thêm tại Trung tâm học tập cộng đồng?
Chính quyền địa phương cứ buông lỏng và đối phó kiểu như vậy, thì đến bao giờ tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, tiêu cực mới có thể chấm dứt tại TP.Hồ Chí Minh?
Câu trả lời, chúng tôi xin dành cho lãnh đạo UBND phường Cầu Kho, cũng như lãnh đạo và chính quyền Quận 1.