Sử dụng đúng mục đích thuế bảo vệ môi trường
Việc Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000-8000 đồng so với khung thuế cũ là 1.000-4.000 đồng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Việc Bộ Tài chính đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức 3.000 – 8.000 đồng/lít cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Khi tăng thu thuế như vậy, liệu môi trường có sạch hơn?
Khoản tiền thu được từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1000 đồng lên 3000 đồng vào năm tháng 5/2015 cho tới nay là bao nhiêu và sử dụng như thế nào đối với việc bảo vệ môi trường?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu ở mức 8.000 đồng/lít thì so với giá bán hiện nay thuế bảo vệ xăng dầu chiếm đến 50% giá bán.
Việc nâng mức thuế bảo vệ môi trường như dự thảo sẽ khiến giá xăng có thể tăng lên đến 20.000 đồng/lít, trong khi giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng cũng sẽ tiếp tục tác động tới giá xăng dầu trong nước.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái đề nghị nếu tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng phải đưa vào quỹ riêng phục vụ cho vấn đề môi trường không hòa vào ngân sách chi tiêu chung - ảnh H.Lực |
GS.Nguyễn Quang Thái cho biết, hiện nay trên thế giới nhiều nước cũng áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng tuy nhiên mức thuế chỉ chiếm 3%-4% giá bán xăng.
Các nước cũng quy định mức thuế bảo vệ môi trường chỉ ở giá trị tương đối, có nghĩa chiếm bao nhiêu phần trăm giá bán chứ không quy định số tiền cụ thể như cách làm hiện nay của chúng ta.
Mặt khác, khi giá tăng với lý do "thuế bảo vệ môi trường", GS.Nguyễn Quang Thái đặt câu hỏi: Có quản lý bằng một quỹ riêng hay hòa vào ngân sách để tiêu?
Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên 8000 đồng/lít là quá sức chịu đựng người dân |
“Khi tăng thuế bảo vệ môi trường phải bỏ riêng vào quỹ, quỹ đó chỉ dùng cho việc bảo vệ môi trường, nghiên cứu giải pháp bảo vệ môi trường chứ không thể đưa vào ngân sách để chi tiêu”, GS.Thái nêu quan điểm.
Theo GS. Nguyễn Quang Thái, tăng thuế môi trường bao nhiêu cần phải tính toán để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Mặt khác, tăng nhưng phải theo Luật ngân sách phải sử dụng vào đúng mục đích.
“Đồng ý tăng thu để bảo vệ môi trường nhưng chỉ được dùng cho mục đích bảo vệ môi trường không thể đưa vào ngân sách để chi tiêu phục vụ một bộ máy cồng kềnh như hiện nay. Minh bạch vấn đề này dù tăng mức thuế người dân vẫn chấp nhận”, GS. Thái cho hay.
Cũng theo GS.Nguyễn Quang Thái, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng tăng theo thị trường chung của thế giới cộng với việc giá điện thời gian tới sẽ điều chỉnh tăng vì thế khi đưa dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường với khung mức như Bộ Tài chính đưa ra sẽ không dễ để Quốc hội thông qua.
Nếu áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường như dự thảo Luật bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, giá xăng chắc chắn sẽ phải tăng. Liệu có thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân? ảnh nguồn: TTXVN |
Ảnh hưởng lớn doanh nghiệp vận tải?
Tăng mức thuế bảo vệ môi trường có nghĩa một lít xăng bán ra sẽ phải “cõng” thêm phần phí và thuế như vậy chắc chắn giá xăng sẽ tăng mạnh, có thể dẫn tới gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.
Lo lắng giá xăng tăng khi mức thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng xăng được điều chỉnh, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, nếu mức khung điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng được phê duyệt như dự thảo chắc chắn giá xăng sẽ tăng trong thời gian tới.
Theo ông Liên việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng được xem là hành động thiết thực và tiên phong của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường.
Dù vậy, cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng, tính toán xem có nên tăng hay không, tăng vào thời điểm nào và mức tăng bao nhiêu để không gây sốc cho thị trường.
“Dù biết mức thuế bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính đưa ra mới chỉ là dự kiến chưa áp dụng, tuy nhiên doanh nghiệp vận tải lúc này đã lo lắng giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh”, ông Liên cho biết.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, mức thuế bảo vệ môi trường tăng sẽ khiến giá xăng tăng, khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn - ảnh H.Lực. |
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, doanh nghiệp vận tải những năm vừa qua đang gặp khó khăn khi gánh quá nhiều phí và thuế từ phí bảo trì đường bộ, phí BOT… nếu giá nhiên liệu tăng thì doanh nghiệp vận tải chắc chắn phải đối diện với nhiều khó khăn hơn.
“Xăng là mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế. Nếu giá xăng tăng không chỉ doanh nghiệp vận tải mà cả nền kinh tế bị ảnh hưởng, giá xăng tăng kéo giá vận tải tăng dẫn đến giá cả hàng hóa tăng”, ông Liên cho biết.
Ông Bùi Danh Liên khẳng định, chủ trương tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là đúng nhưng tăng ở mức nào và tăng thời điểm nào cần phải tính toán kỹ.
“Lúc này sức mua người dân còn yếu, nếu giá xăng tăng do thuế bảo vệ môi trường tăng thì không nên vội áp khung thuế bảo vệ môi trường như trong dự thảo thay vào đó cần có lộ trình tăng phù hợp”, ông Liên cho biết thêm.