Theo con số mà Bộ GD&ĐT thống kê, cả nước hiện thiếu khoảng 45.000 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu hơn 32.000 người. Trong khi đó, bậc tiểu học đến THPT lại dôi dư khoảng 27.000 thầy cô.
Được biết, tình trạng thừa giáo viên xảy ra tại nhiều địa phương, ở tất cả cấp học từ tiểu học đến THPT. Thanh Hóa là tỉnh thừa nhiều giáo viên nhất, hơn 2.000 người. Trong khi đó, tỉnh này cũng thiếu gần 2.200 giáo viên mầm non.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, một số địa phương đã điều chỉnh giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non, song đây chỉ là giải pháp tình thế.
Về lâu dài, giải pháp này khiến nhiều người lo lắng bởi nó tiềm ẩn những rủi ro về mặt chất lượng do bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt.
Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho biết ông không đồng tình với việc chuyển giáo viên dôi dư từ bậc phổ thông sang dạy mầm non. Ông cho rằng ngành học mầm non có yêu cầu đặc thù và giáo viên phải được đào tạo bài bản.
Tình trạng giáo viên vừa thừa, vừa thiếu: Vì đâu nên nỗi? (Ảnh: vtv.vn) |
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng lo ngại nếu chúng ta làm không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng học sinh không được học đúng chương trình, giáo viên cũng gặp ức chế.
Trước những lo ngại này, tại buổi làm việc với các trường Đại học Sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết để giải quyết tình trạng thừa giáo viên phổ thông và thiếu giáo viên mầm non, Bộ đưa ra giải pháp đó là thống nhất xây dựng một chương trình đào tạo cử nhân mầm non, cao đẳng mầm non từ các chương trình đào tạo giáo viên THCS, THPT để nhanh chóng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ dôi dư để bù vào bộ phận thiếu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu việc điều chuyển giáo viên phải được tiến hành một cách bài bản, khoa học, đồng bộ, không tự phát, cảm tính.
Giải quyết bài toán dôi dư giáo viên bằng cách nào?
Hiện Bộ đã giao Đại học Sư phạm Hà Nội thiết kế khung chương trình đào tạo cho những giáo viên này. Thay vì chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trong vài tháng như trước đây, sắp tới, những giáo viên đó phải học thêm văn bằng hai trước khi sang dạy bậc học khác.
Chia sẻ với phóng viên về chương trình đào tạo này, GS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội (đơn vị được Bộ GD&ĐT giao chủ trì chương trình) cho biết đề xuất bổ sung thêm 54 tín chỉ đối với chương trình cử nhân mầm non và được chia thành 3 học kỳ, gói gọn trong một năm học.
Thừa - thiếu giáo viên đang ở mức mất cân bằng rất nghiêm trọng(GDVN) - Tổng số giáo viên ở hệ thống trường công lập trong cả nước đang dôi dư gần 27.000 người; trong khi đó vẫn thiếu hơn 45.000 người. |
Nhìn nhận về số lượng giáo viên thừa thiếu ở các bậc học, GS.Nguyễn Văn Minh cho rằng, sau giải phóng, do thiếu giáo viên nên chúng ta mở các khóa học cấp tốc 9+1, 9+2, sau này chúng ta phải trả giá rất nặng nề.
Tuy nhiên, theo ông Minh, ở các nước, đào tạo giáo viên cho bậc học đầu đời rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lâu dài, và các trường đã nhận thức rất rõ điều này.
Và đối với lứa tuổi mầm non chúng ta chăm sóc và dạy dỗ là chính nên nó đặt ra yêu cầu khác với bậc học khác.
Do vậy, ông Minh cho rằng, giải quyết dôi dư từ bậc học này sang bậc học khác là giải pháp tình thế, chúng ta chỉ làm trong một giai đoạn nhất định.
GS. Minh nêu thực tế, các giáo viên ở bậc phổ thông chủ yếu được đào tạo đơn ngành (ví dụ Vật lý, Toán, Hóa...) hoàn toàn khác với việc được đào tạo để dỗ trẻ.
Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định chương trình đào tạo bổ sung sẽ thống nhất toàn quốc, không có chuyện mỗi địa phương một chương trình. Trong đó 80% chuẩn chung toàn quốc, 20% linh hoạt theo vùng miền là tốt nhất.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng giao cho Đại học Sư phạm Hà Nội trong tháng 1/2017 phải hoàn thiện được đề án chương trình đào tạo bổ sung để trình Bộ.