Thừa - thiếu giáo viên đang ở mức mất cân bằng rất nghiêm trọng

16/01/2017 08:39
Bài và ảnh: Linh Hương
(GDVN) - Tổng số giáo viên ở hệ thống trường công lập trong cả nước đang dôi dư gần 27.000 người; trong khi đó vẫn thiếu hơn 45.000 người.

Tình trạng giáo viên hiện nay vừa thiếu, vừa thừa

Tại hội nghị với 63 Giám đốc Sở GD&ĐT ngày 14/1 diễn ra tại Hà Nội, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế đặc biệt là vấn đề tuyển dụng, bố trí và sử dụng đội ngũ. 

Đáng lưu ý, tình trạng dôi dư, thừa thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông.
 
Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195.

Trong khi đó, một số nơi lại thiếu - đặc biệt là tiểu học như Hà Nội (2.696), Sơn La (1.133), Gia Lai (1.196)...

Tính chung trong toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551).

Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794).

Lý giải nguyên nhân thừa thiếu, dôi dư giáo viên cục bộ, ông Hoàng Đức Minh -Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) thừa nhận:

Do một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực; nhiều địa phương ký hợp đồng với giáo viên tràn lan, không đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Việc bố trí giáo viên dôi dư ở cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông xuống dạy ở cấp học mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học, trong đó tỉnh Thanh Hóa là một điển hình. 

Ngoài ra, trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn ngoại ngữ ở Tiểu học chưa phải là môn bắt buộc nên nhiều địa phương không bố trí biên chế, chỉ cho phép hợp đồng đối với giáo viên dạy ngoại ngữ (tiếng Anh). 

Và do chúng ta thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên do việc phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu công nghiệp;

Hơn nữa, giảm tỷ lệ sinh trong giai đoạn những năm trước năm 2000 nên dẫn đến số học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông giảm; việc nới lỏng sinh con thứ 3 giai đoạn sau năm 2000 và những năm gần đây dẫn đến gia tăng tỷ lệ học sinh tiểu học và trẻ mầm non…

Việc bố trí đội ngũ giáo viên thừa, thiếu đang là một khó khăn, bất cập

Nhìn nhận về tình trạng bố trí đội ngũ giáo viên thừa thiếu, tại hội nghị, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa thừa nhận, đây là vấn đề “nóng” của ngành giáo dục Thanh Hóa.

Do Bộ Nội vụ yêu cầu không tăng chỉ tiêu biên chế nên buộc tỉnh phải điều chuyển giáo viên từ nơi thừa tới nơi thiếu, hơn nữa, do số lượng trẻ ở độ tuổi mầm non tăng quá nhanh dẫn đến tình trạng dôi dư giáo viên ở bậc THCS và THPT. 

Bà Phạm Thị Hằng (đứng)- Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nêu bất cập của chuyện tuyển dụng giáo viên.
Bà Phạm Thị Hằng (đứng)- Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nêu bất cập của chuyện tuyển dụng giáo viên.

Tuy nhiên, bà Hằng cũng chỉ ra rất nhiều bất cập liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm đội ngũ của ngành.

Theo bà Hằng, thực tế là ngành GD&ĐT hiện nay không có quyền về đội ngũ và tài chính. Con người thì do ngành Nội vụ nắm, tiền thì ngành Tài chính nắm và phân bổ còn ngành giáo dục thì phải chịu trách nhiệm về chất lượng. 

Điều này đã gây khó khăn cho các Sở GD&ĐT, suốt từ năm 2007 Thanh Hóa giao quyền quản lý đội ngũ từ mầm non đến THCS cho chủ tịch huyện; giao chỉ tiêu biên chế, thanh tra kiểm tra về đội ngũ là Sở Nội vụ; phân bổ tài chính là Sở Tài chính. 

Ngay việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học hay THCS cũng do chủ tịch huyện bổ nhiệm; hoặc bổ nhiệm trưởng phòng GD&ĐT thì Giám đốc Sở GD&ĐT cũng không biết, bổ nhiệm hiệu trưởng trường THPT Giám đốc Sở GD&ĐT cũng không có quyền”, bà Hằng dẫn chứng.
 
Bà Hằng cũng cho biết, từ năm 2011 - 2016 chỉ tiêu biên chế của Thanh Hóa “đóng băng”, trong khi số lượng học sinh thì biến động tăng giảm.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết thêm, việc Sở Nội vụ làm chưa hết trách nhiệm, chủ tịch huyện hợp đồng sai quy định dẫn đến hiện tại Thanh Hóa có 5.000 giáo viên hợp đồng, thừa giáo viên THCS, thiếu giáo viên tiểu học và mầm non.

Đây là nguyên nhân dẫn đến lạm thu vì lấy hết kinh phí chi thường xuyên cho các trường hợp hợp đồng…

Để giải quyết tình trạng thừa thiếu, tỉnh này cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt việc điều chuyển giáo viên THCS xuống tiểu học và mầm non. Mới đây, các huyện lập danh sách gửi về Sở có hơn 200 giáo viên THCS xuống dạy mầm non.

Hiện tỉnh này đang giao cho Đại học Hồng Đức xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng các giáo viên được điều chuyển xuống dạy tiểu học và mầm non để trình lên Sở Tài chính cấp kinh phí. Tuy nhiên, theo bà Hằng, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt.

Giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên vẫn đang là câu hỏi lớn của ngành giáo dục

Trước tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học từ mầm non tới phổ thông, tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây không phải là vấn đề của riêng Thanh Hóa, ông rất chia sẻ với các sở GD&ĐT về tình trạng này. 

Bộ trưởng cho hay, trong một thời gian dài mặc dù đã có nhiều biện pháp quy hoạch, nhưng do nhiều lý do khách quan như: biến động về dân số, di cư, các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên…nên số lượng học sinh ở các bậc học có thay đổi nên việc giải quyết vấn đề thừa thiếu cục bộ như thế nào vẫn đang là một câu hỏi lớn đặt ra cho ngành giáo dục. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng xác nhận, đã có một số địa phương sốt ruột và triển khai rất nhanh việc chuyển chỗ thừa vào chỗ thiếu. 

Đây cũng là một biện pháp, nhưng không căn cơ” – Bộ trưởng lưu ý.
 
Bộ trưởng tiết lộ, Bộ GD&ĐT đang giao cho các trường sư phạm xây dựng chương trình văn bằng 2, trong đó có những môn có tính liên thông, thực hành tốt để nhanh chóng triển khai trên toàn quốc, khắc phục thừa thiếu cục bộ.

Bộ trưởng khẳng định sẽ chỉ đạo thống nhất một chương trình bồi dưỡng chuyên môn trên toàn quốc dành cho các giáo viên điều chuyển, tránh tình trạng mỗi trường đưa ra một chương trình.

Ngoài ra, kế hoạch chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông tới đây của Bộ cũng sẽ dẫn đến rất nhiều thay đổi với các thầy cô.

Tới đây, theo hướng chỉnh sửa chương trình và sách giáo khoa thì sẽ thừa giáo viên phổ thông nhưng lại thiếu giáo viên định hướng nghề nghiệp.

Nếu không có dự báo từ bây giờ để các trường sư phạm vào cuộc sớm, bồi dưỡng các giáo viên định hướng nghề nghiệp thì chúng ta lại rơi vào tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay”, Bộ trưởng cho biết. 

Bài và ảnh: Linh Hương