Tài sản nhà nước nếu bị mất, rơi vào túi ai?

09/02/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là cần thiết nhưng cần lường trước nguy cơ mất vốn.

Hệ lụy chậm cổ phần hóa

Gần đây, Thủ tướng liên tục có chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm các dự án thua lỗ, đồng thời cũng phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đi kèm là yêu cầu bắt buộc lên sàn chứng khoán, nhằm minh bạch mọi hoạt động. 

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công khẳng định, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là chủ trương rất đúng được đưa ra từ lâu.

Cổ phần hóa thực chất là tư nhân hóa, có nghĩa biến tài sản từ của chung của nhà nước chuyển sang cho xã hội, cho tư nhân.

Mặt tích cực cổ phần hóa là xác lập cơ sở, nguyên tắc của kinh tế thị trường. Tài sản phải thuộc tư hữu, công hữu không thể làm nên kinh tế thị trường. 

16 doanh nghiệp thuộc sự quản lý của Bộ Xây dựng sẽ cổ phần hóa thời gian tới, trong đó có Lilama. ảnh minh họa: Lilama.
16 doanh nghiệp thuộc sự quản lý của Bộ Xây dựng sẽ cổ phần hóa thời gian tới, trong đó có Lilama. ảnh minh họa: Lilama.

“Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhiệm kỳ nào cũng nói cần phải làm ngay nhưng vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn nợ từ nhiệm kỳ trước sang nhiệm kỳ sau, thậm chí có lúc thoái trào.

Trải qua thời kỳ dài cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trì trệ, bước sang nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề cổ phần hóa đã có bước chuyển mạnh mẽ hơn. Bằng chứng cuối năm 2016 những doanh nghiệp như Sabeco, Habeco lên sàn chuẩn bị cho quá trình thoái vốn”, ông Thọ nhận định.

Theo PGS. Phạm Quý Thọ việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn chậm đã dẫn đến thiệt hại lớn cho nhà nước, đặc biệt qua các dự án thua lỗ yếu kém của ngành công thương được phát hiện vừa qua.

Hầu hết các doanh nghiệp yếu kém có các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng của ngành công thương được chỉ ra gần đây đều nằm trong diện phải cổ phần hóa, phải thoái vốn. 

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng quá trình cổ phần hóa chậm gây thiệt hại lớn cho kinh tế đất nước - ảnh H.Lực
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng quá trình cổ phần hóa chậm gây thiệt hại lớn cho kinh tế đất nước - ảnh H.Lực

Nhưng việc chậm trễ trong cổ phần hóa, đổi mới phương cách quản lý dẫn đến điều hành kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, đưa ra dự án thiếu hiệu quả kinh tế gây thất thoát nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

“Nếu các doanh nghiệp được cổ phần hóa sớm hơn thì chắc chắn 12 dự án ấy sẽ có phương thức quản lý, điều hành khác, chứ không thua lỗ trầm trọng như vậy. Những dự án 'bánh vẽ' như vậy không thể tồn tại với các doanh nghiệp cổ phần hóa thực sự, tức là bán phần lớn cổ phần hoặc bán hết cho tư nhân.

Tài sản nhà nước nếu bị mất, rơi vào túi ai?  ảnh 3

"Quyết liệt xử lý những cán bộ nhà nước nhũng nhiễu doanh nghiệp"

Khi có sự tham gia của tư nhân thì những dự án thiếu tính khả thi sẽ bị loại bỏ ngay từ đầu hoặc giả sử có triển khai thì cũng sẽ sớm được dừng lại, cắt lỗ, chứ không gây thiệt hại tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng như vậy”, PGS. Thọ đánh giá.

Rõ ràng, tiền trình cổ phần hóa "ì ạch" trong thời gian dài đã gây ra những hệ lụy quá lớn với nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa và coi đó là một trong những nhiệm vụ điều hành trọng tâm của năm 2017.

“Thông điệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng là 'Chính phủ không bán bia, bán sữa', điều này có nghĩa mọi lĩnh vực kinh tế ngoại trừ an ninh quốc phòng còn lại tư nhân đều được tham gia, còn quản lý nhà nước chỉ tập chung vào hoạch định chính sách”, PGS. Thọ nói.

Cần thiết nhưng không vội vàng

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ lúc này buộc phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đặc biệt ở các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ như xây dựng, giao thông.

“Mới đây, Chính phủ yêu cầu thoái vốn 16 doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn 2016 -2020 là chủ trương rất đúng đắn. Xây dựng không phải lĩnh vực cốt yếu nhà nước phải giữ nếu thoái vốn, cổ phần hóa giúp doanh nghiệp xây dựng có điều kiện phát triển và nhà nước không phải nai lưng gánh khoản đầu tư thua lỗ nếu có”, PGS. Phạm Quý Thọ cho biết.

Tài sản nhà nước nếu bị mất, rơi vào túi ai?  ảnh 4

Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân khi thực hiện thoái vốn nhà nước

Tài sản nhà nước nếu bị mất, rơi vào túi ai?  ảnh 5

Định giá doanh nghiệp thiếu chính xác sẽ gây thất thoát vốn nhà nước

Dù khẳng định chủ trương thoái vốn doanh nghiệp xây dựng là cần thiết, nhưng ông Phạm Quý Thọ cho rằng cần thận trọng bởi 16 doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa, thoái vốn của Bộ Xây dựng đang nắm giữ khối tài sản rất lớn, diện tích đất đai rộng với hàng chục vạn lao động.

Vì thế không thể vội vàng để tránh nguy cơ mất vốn nhà nước, ảnh hưởng đời sống người lao động.

Ông Phạm Quý Thọ cho rằng, nguy cơ mất vốn nhà nước có thể diễn ra trong bất cứ khâu nào của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Mất vốn nhà nước do hai yếu tố: Thứ nhất, do chính sách hiện có chưa hoàn chỉnh; Thứ hai, do thực thi không đúng.

Ông Thọ phân tích, trong hai nguyên nhân trên thì mất vốn chủ yếu xảy ra trong quá trình thực hiện. Từ lâu nay quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm do nhóm lợi ích tìm cách ngăn cản. Khi cổ phần hóa thì những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là người bị "thiệt" nhiều nhất.

Một nhóm lợi ích trong doanh nghiệp nhà nước trì hoãn quá trình cổ phần hóa, hoặc nếu tiến hành cổ phần hóa tìm cách kiếm lợi ở khâu định giá, bán cổ phần.

“Mất tài sản nhà nước khi cổ phần hóa thường xảy ra khi định giá, việc định giá không đúng giá trị tài sản dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Có Đại biểu Quốc hội từng dẫn chứng cổ phần hóa doanh nghiệp ở địa phương do Sở Tài chính chủ trì. Doanh nghiệp được thực hiện định giá, đánh giá tài sản cũng do Sở Tài chính chỉ định, lựa chọn.

Việc định giá trước khi công bố được báo cáo Sở, giá trị còn lại ví dụ xác định là 100 tỷ đồng, Sở nói "làm gì mà cao thế, chỉ khoảng 70 tỷ đồng”, PGS. Thọ cho biết.

Cũng theo ông Phạm Quý Thọ, trong quá trình định giá bên cạnh yếu kém về chuyên môn của đơn vị định giá, cơ quan định giá thì sai lầm lớn nhất trong định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa chính là bỏ quên yếu tố thị trường cung và cầu.

Đánh trúng tâm lý thị trường khi thị trường cần việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất dễ và ngược lại.

Vì thể để tăng tài sản thu về từ việc thoái vốn, theo PGS. Phạm Quý Thọ, cần phải lựa chọn thời điểm bán cổ phần khi thị trường có nhu cầu lớn.

Ông Thọ chốt lại: "Cần rà soát lại nguyên nhân dẫn đến mất vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần trước đây để tìm ra nguyên nhân. Đồng thời phải lường trước khả năng mất vốn do đâu để kịp thời ngăn chặn.

Tài sản nhà nước thất thoát khi cổ phần hóa chính là tiền thuế của dân, nó rơi vào túi ai? Tài sản đó vào túi của rất nhiều người, những người tham gia cổ phần hóa, từ người được mua cổ phần, ngươi được chia cổ phần, rơi vào túi người có quyền lực, con cháu người có quyền thực hiện cổ phần hóa”.

Mai Anh