Cổ phần hóa mà không chịu lên sàn, phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu

04/02/2017 07:55
Như Hải
(GDVN) - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Hiện nay, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3%, nhưng phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%".

Theo kế hoạch, năm nay, Chính phủ sẽ tập trung để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, trong đó trọng tâm là tăng tỉ lệ vốn Nhà nước bán ra thay vì hầu hết cổ phần hóa chỉ về “vỏ”, còn về “chất” là tỉ lệ Nhà nước nắm còn rất cao sau khi cổ phần hóa như giai đoạn trước đây.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo ( Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo ( Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều tối 3/2, trước câu hỏi của phóng viên về biện pháp để thực hiện chủ trương trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng, cho biết: 

Chủ trương cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước năm nay khác với mọi năm ở chỗ tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là phải quyết liệt cổ phần hóa.

Hiện nay, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% nhưng phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%, như vậy là hoàn toàn tỉ lệ ngược với số doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Cổ phần hóa mà không chịu lên sàn, phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu ảnh 2

Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân khi thực hiện thoái vốn nhà nước

"Từ tinh thần đấy, về nguyên tắc sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán, đây là yêu cầu bắt buộc.

Nếu doanh nghiệp cổ phần hóa không lên sàn thì yêu cầu các cơ quan bộ, ngành xem xét đánh giá người đứng đầu tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước", ông Dũng nhấn mạnh.

Thứ hai, trên tinh thần chỉ đạo những doanh nghiệp cần nắm giữ phần vốn Nhà nước, những doanh nghiệp chủ đạo của nền kinh tế, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà Nhà nước phải nắm phần vốn để chỉ đạo.

Còn lại những doanh nghiệp không cần nắm giữ sẽ được bán 100%, có thể bán cả lô, bán cả gói cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần công khai minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư.

"Tinh thần là đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, tránh thất thoát, tránh lợi ích nhóm, tránh tiêu cực trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng đã thành lập một Ban Chỉ đạo và trực tiếp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo việc này.

Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ đều bàn, đưa ra vấn đề tiến độ cổ phần hóa, bán cổ phần vốn của Nhà nước nắm giữ", ông Dũng thông tin.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị nêu rõ, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.

Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2011 - 2015 đạt được nhiều kết quả quan trọng;

doanh nghiệp Nhà nước đã giảm mạnh về số lượng, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt để kinh tế Nhà nước định hướng điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô;

hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên.

Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ.

Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, số lượng vốn Nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp;

hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ.

Một số cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ban hành chậm so với kế hoạch đề ra.

Như Hải