Ba câu chuyện bàn về sự tử tế trong giáo dục của Mỹ hôm nay

14/02/2017 06:52
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Phương Tây hay phương Đông, sự vĩ đại của bất kỳ cá nhân nào, dân tộc nào cũng sẽ được nhân dân đánh giá, thế hệ sau đánh giá...

LTS: Quan sát và nghiên cứu về giáo dục, nghiên cứu sinh giáo dục Mỹ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ ba câu chuyện liên quan đến sự tử tế trong giáo dục Mỹ.

Đặc biệt, giáo dục tại Mỹ đang đứng trước những thách thức khi xảy ra mâu thuẫn giữa những giá trị về sự tử tế mà nhà trường muốn truyền đạt đến học sinh với những thực tế mà cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 mang đến.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tử tế là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể nhìn – Mark Twain
Tử tế là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể nhìn – Mark Twain

Năm 2016, tôi có một vinh dự lớn là được gặp gỡ và nói chuyện với nhà làm phim Trần Văn Thủy, đạo diện bộ phim “Chuyện tử tế” nổi tiếng những năm 1985-1990 [1].  

Cuộc gặp đã giúp tôi hiểu thêm nhiều điều một người tử tế theo đuổi những chuẩn mực đạo đức làm nghề (qua Chuyện nghề của Thủy [2]) mà tự ông đặt ra cho mình.

Cuối năm 2016, ở Mỹ có bầu cử Tổng thống và có rất nhiều câu chuyện xảy ra trước và sau bầu cử, tôi lại có cơ hội chiêm nghiệm về “tử tế” theo tinh thần Mỹ. Xin được chia sẻ mấy chuyện về tử tế trong giáo dục Mỹ.

Chuyện thứ nhất: Thư ngỏ gửi Tổng thống và Bộ Trưởng Bộ Giáo dục được chỉ định – GS. Mark Tucker

Mark Tucker là Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Quốc gia về Giáo dục và Kinh tế (NCEE). (Ảnh: NCEE)
Mark Tucker là Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Quốc gia về Giáo dục và Kinh tế (NCEE). (Ảnh: NCEE)

Mark Tucker là Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Quốc gia về Giáo dục và Kinh tế (NCEE). Ông là một nhà nghiên cứu hoàn toàn độc lập với bất kỳ cơ quan chính quyền Mỹ.  

Tuy nhiên, suốt cuộc đời mình, Mark đã nghiên cứu và đóng góp những phản biện và ý kiến cho xây dựng giáo dục giáo dục phổ thông của Mỹ qua những báo cáo trung thực về những thách thức và những giải pháp để giải quyết.  

Ông là một chuyên gia có uy tín về phát triển giáo dục và kinh tế, không chỉ ở Mỹ, mà ở toàn thế giới, với những kinh nghiệm nghiên cứu về 10-20 nước phát triển nhất về giáo dục [3]. 

Trước và sau bầu cử Mỹ vào tháng 11/2016, Mark có hai bức thư ngỏ gửi Tổng thống [4].

Trong những bức thư này, ông chỉ ra những vấn đề của giáo dục Mỹ hiện tại, những trọng tâm cần giải quyết trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống sắp tới, và những gì mà tổ chức NCEE và cá nhân ông tin tưởng cần làm cho giáo dục Mỹ, cho nước Mỹ.  

Toàn văn những thư ngỏ này được đăng tải rộng rãi trên hầu hết các phương tiện truyền thông Mỹ để chia sẻ ý tưởng và kêu gọi tất cả mọi người quan tâm đến giáo dục đóng góp ý kiến.

Tương tự với thư ngỏ gửi Tổng thống của Mark Tucker, hầu hết các tổ chức nghiên cứu giáo dục Mỹ, nhà giáo và phụ huynh Mỹ đều tập hợp ý kiến và viết thư ngỏ, đưa ra những câu hỏi cho bà Betsy Devos, người được chỉ định vào chức Bộ Trưởng Bộ Giáo dục Mỹ [5].  

Trước khi bà này được phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng, bà đã phải trải qua nhiều giờ “điều trần” trước Quốc hội Mỹ để chứng minh được sự hiểu biết và năng lực giải quyết những thách thức của giáo dục Mỹ trong nhiệm kỳ của bà.  
Cho đến hôm nay (26/1/2017), chức danh của bà vẫn chưa được phê chuẩn do những trình bày chưa thuyết phục về giải pháp giáo dục bà dự kiến thực hiện, đồng thời với những vướng mắc về tài chính và đạo đức cá nhân theo yêu cầu về đánh giá đạo đức của bà chưa được chấp thuận. 

Chuyện thứ 2: Nhân cách một người Thầy – GS. Phillip Altbach (Boston College)

Phillip Altbach - người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Giáo dục Đại học ở Boston College. (Ảnh: bc.edu)
Phillip Altbach - người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Giáo dục Đại học ở Boston College. (Ảnh: bc.edu)

Phillip Altbach là một trong số ít những giáo sư hàng đầu thế giới và là những nhà nghiên cứu đầu tiên của Mỹ nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục đại học.  

Ông là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Giáo dục Đại học ở Boston College (CIHE) và hiện là Giáo sư của Trung tâm [6].

Cá nhân tôi, một học sinh chân ướt chân ráo đến Mỹ năm 2014, tôi không có gì để ông phải quan tâm, nhưng với những câu hỏi rất ngu ngơ của một học sinh Việt Nam quan tâm đến các bài viết và sách của ông, dù là sách xuất bản từ 1970s, ông đều cố gắng dành thời gian trả lời thư tôi.  

Nhân cách một người thầy của Phillip, với tôi, có lẽ ở những chia sẻ luôn trung thực và chân thành nhất, với những gì ông hiểu và ông tin tưởng, dù đó không phải là ý kiến của số đông hay ý kiến của cơ quan lãnh đạo giáo dục của Mỹ.  

Từ những năm 1980s – 1990s, cuốn sách “Giáo dục đại học tại các quốc gia đang phát triển” [7] hay “Khủng hoảng phân biệt chủng tộc trong Đại học Mỹ” [8] thực sự gây chấn động trong giới học thuật và buộc tất cả các giới lãnh đạo Mỹ phải đưa những vấn đề này vào trong trọng tâm nghiên cứu về chính sách quốc gia Mỹ. 

Gần đây hơn, trong buổi chia sẻ về “Cải cách học thuật toàn cầu: Điều này có ý nghĩa gì với nước Mỹ” (The Global Academic Revolution: What does it mean for US) [9], rất chân thành, Phillip nói về việc nước Mỹ không nên “xuất khẩu” giáo dục và tư tưởng Mỹ đi đâu cả.

Và thay vào đó, nước Mỹ nên giúp đỡ những nước nào cần đến những nền tảng, kinh nghiệm mà giáo dục Mỹ đã làm tốt trong hệ thống của mình.  

Tinh thần này hoàn toàn khác với “America First”, “American arrogance” (tạm dịch, sự ngạo mạn của Mỹ), mà Thượng Nghị sĩ J. William Fulbright đã cảnh báo trong cuốn sách của mình từ năm 1966 [10].  

Ba câu chuyện bàn về sự tử tế trong giáo dục của Mỹ hôm nay ảnh 4

“Thời khắc Sputnik” cho giáo dục khoa học trong thời đại 4.0

Phillip là một người Thầy, một công dân Mỹ thật kỳ lạ khi ông đã dám đưa ra nhận định về “việc chấm dứt (tạm thời) chủ nghĩa quốc tế của Mỹ” [11] sau khi bầu cử Mỹ 2016 có kết quả!

Nhân cách của một người thầy Mỹ thật đáng trân trọng.  

Tôi tự thấy ông là một người Thầy, một người hướng dẫn trong suốt 3 năm tôi học ở Mỹ, dù tôi chưa một lần được gặp.

Chuyện thứ 3: Những bàn luận về cách dạy “tư duy phản biện” với học sinh về “chống bắt nạt” trong lớp học trước, trong và sau bầu cử Mỹ

Nước Mỹ tranh luận cả trước, trong và sau bầu cử năm 2016. Đối với giáo viên và những nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ, quan ngại về việc làm sao chia sẻ và dạy “chống bắt nạt” trong trường học được hiệu quả, đúng tinh thần giáo dục, khi thực tế bầu cử Mỹ năm 2016 đang đưa ra những thực tế trái ngược với tinh thần này [12].

Harvard và nhóm nghiên cứu của mình đã đưa ra những trường hợp cụ thể để chia sẻ nghiên cứu về ‘chống bắt nạt” trong lớp học, trong tình hình, khi hàng ngày, trên tivi và báo chí, các em được chứng kiến những tuyên bố, những tranh luận rất “bắt nạt”, không tôn trọng người đối diện, với thái độ hung hăng và trái với những quyền dân sự được Hiến pháp công nhận.  

Theo các nhà nghiên cứu Harvard, các nhà giáo nên lắng nghe những chia sẻ trong từng câu chuyện “bắt nạt” với tinh thần đặt mình vào vị trí của học sinh, thừa nhận thực tế với học sinh là trong cuộc sống này, có nhiều người lớn, nhiều người có vị trí lãnh đạo cao đã có hành vi bắt nạt, hành vi trái luật pháp, vậy chúng ta sẽ làm gì để phản đối lại những hành vi sai trái đó?  

Với những câu hỏi khuyến khích học sinh tư duy và tự tìm ra những điều thiết thực cho bản thân, giáo viên và học sinh cùng chia sẻ ý kiến, cùng suy nghĩ “phản biện” để đề xuất nếu chúng ta là người bị bắt nạt, bị đối xử trái luật, chúng ta sẽ làm gì để bảo vệ quyền hợp pháp.  

Theo nghiên cứu lâu nay của Mỹ, giáo dục Mỹ đã bỏ quên “dạy” quyền công dân (civic education) cho học sinh của mình trong hơn mấy thập kỷ [13], và theo đó, tiếng nói của nhân dân, tiếng nói của học sinh đã bị “yếu” đi nhiều phần so với những năm 1970s.

Ba câu chuyện bàn về sự tử tế trong giáo dục của Mỹ hôm nay ảnh 5

Ở Mỹ, người ta dạy đạo đức thế nào?

Dẫu vậy, rất nhiều bài nghiên cứu đã chia sẻ, cần cảm ơn cuộc bầu cử vừa qua, vì nó đã “buộc” dân Mỹ thức tỉnh về quyền tham gia chính trị, quyền được lên tiếng, dù đấy là tiếng nói từ những người làm nghiên cứu khoa học [14]. 

Theo tôi quan sát, đây chính là sức mạnh bí ẩn của nước Mỹ.

Sự vĩ đại của nước Mỹ, không nằm ở những sức mạnh về kinh tế hay quân sự, sự vĩ đại này thuộc về những con người “tử tế” của nước Mỹ.

Mà đơn giản là họ sống đúng với nhân cách của một công dân Mỹ: dám nói lên sự thật, dù đó là sự thật không hề dễ chịu với lãnh đạo đất nước, với sếp của họ, với đồng nghiệp và cả với học sinh của họ (“truth to power”) và sẵn sàng tham gia vào lãnh đạo đất nước khi cần thiết, nhằm đảm bảo giá trị Mỹ mà họ theo đuổi.

Vậy là, từ Trần Văn Thủy năm 1985 đến nước Mỹ năm 2016, giá trị và chuẩn mực của tử tế, của con người tử tế không hề thay đổi.

Đó là sự thật và hành động vì sự thật, đúng với vị thế, tâm trí của con người có tri thức, con người biết đồng cảm và chia sẻ trách nhiệm với nhân dân và đất nước.  

Và dù là phương Tây hay phương Đông, sự vĩ đại của bất kỳ cá nhân nào, dân tộc nào cũng sẽ được nhân dân đánh giá, thế hệ sau đánh giá. Lịch sử luôn công bằng trong đánh giá, dẫu là một trăm năm hay một nghìn năm sau. 

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả. 

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/Chuy%E1%BB%87n_t%E1%BB%AD_t%E1%BA%BF

[2] http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20130526/chuyen-nghe-cua-thuy---ky-1-tai-hoa-kho-luong/550344.html

[3] http://ncee.org/; http://ncee.org/marcs-blogs/

[4] http://ncee.org/2016/11/dear-president-elect-trump/; http://ncee.org/2016/04/a-presidential-agenda-for-the-americans-left-behind/

[5] https://edexcellence.net/articles/20-questions-for-betsy-devos; https://www.theatlantic.com/education/archive/2017/01/delving-into-one-of-the-questions-betsy-devos-couldnt-answer/513941/; https://www.washingtonpost.com/news/answer-sheet/wp/2017/01/16/teachers-have-some-tough-questions-for-trumps-education-nominee-betsy-devos/

[6] http://www.bc.edu/research/cihe/

[7] https://catalog.hathitrust.org/Record/001764741

[8] The Racial Crisis in American Higher Education – Phillip Altbach và Kofi Lomotey – 1991 -https://books.google.com/books?hl=en&lr=&id=II2TzWlr5m0C&oi=fnd&pg=PR7&dq=Higher+Education+1974+Philip+Altbach&ots=a3jqhia4dK&sig=jp-UzTB-BEjkntiedm7JrT1w9yg#v=onepage&q=Higher%20Education%201974%20Philip%20Altbach&f=false

[9] https://www.youtube.com/watch?v=lD00evPr4Uk;

[10] http://foreignpolicy.com/2012/05/25/the-arrogance-of-power/

[11] http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20161110203906750

[12] http://www.gse.harvard.edu/news/uk/17/01/politics-front-and-center

[13] https://edexcellence.net/articles/civics-education-now-or-never

[14] https://www.theatlantic.com/science/archive/2017/01/thanks-to-trump-scientists-are-planning-to-run-for-office/514229/

Nguyễn Thị Lan Hương