LTS: Trước câu hỏi về việc học sinh Việt Nam giỏi Toán và Khoa học nhưng ít người theo đuổi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các chuyên gia trên toàn cầu đã thảo luận và đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy niềm yêu thích khoa học cho học sinh.
Tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ tóm tắt những nội dung chính mà các nhà khoa học khuyến cáo cho nền giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trong Hội thảo quốc tế về “Chuẩn bị cho học sinh thành công trong cách mạng 4.0” do OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) tổ chức ngày 23 tháng 1 năm 2017, với hơn 100 đại diện các nước tham dự cùng với 80 Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Việt Nam với thành tích trong việc dạy và học khoa học đã được đề cao và trở thành một ví dụ để các nước nghiên cứu [1].
Như trong bài viết “Câu hỏi của OECD về giáo dục khoa học của Việt Nam”, OECD đã nêu ra một câu hỏi thú vị về việc:
“Tại sao học sinh Việt Nam đạt được những thành tích cao trong học Toán và Khoa học, nhưng lại có rất ít nhà nghiên cứu khoa học, ít học sinh theo đuổi học và nghiên cứu khoa học kỹ thuật? Điều gì mà chúng ta đã bỏ qua trong quá trình dạy và học?”
Với rất nhiều chia sẻ và ý kiến tham luận trong hơn hai tiếng đồng hồ, các chuyên gia giáo dục toàn cầu đã thống nhất có mấy nhóm giải pháp cơ bản có thể hỗ trợ các nước thúc đẩy học sinh yêu thích học khoa học hơn nữa.
Và chắc chắn, những “quả ngọt” cho phát triển khoa học tiên tiến sẽ là nền tảng cho bất kỳ xã hội nào đi vào cách mạng công nghệ 4.0.
Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. (Ảnh: Wikipedia) |
Tôi xin được tóm tắt mấy nhóm ý chính sau đây.
1. Muốn khích lệ học sinh “ham học” và yêu thích khoa học, hãy bắt đầu bằng chính sách cho khoa học và giáo dục khoa học
Tất cả các thành viên OECD tham gia chương trình đánh giá PISA cũng như đại diện của 100 nước tham gia hội thảo đều thống nhất về việc phải có một chính sách quốc gia về khoa học, phát triển khoa học và giáo dục khoa học ở tất cả các cấp.
Ở các nước phát triển, Mỹ là một ví dụ điển hình cho một chính sách xuyên suốt nhiều thập kỷ về kỹ thuật.
Gần đây hơn, chương trình học và nghiên cứu STEM là một trong chương trình giáo dục được cấp nhiều ngân sách ở Mỹ [2].
Ở châu Á, các con rồng châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều là những nước coi việc phát triển khoa học kỹ thuật như vấn đề sống còn của họ [3].
Sự thần kỳ của Nhật Bản và Hàn Quốc sau hơn 20-30 năm phát triển khoa học kỹ thuật dựa hoàn toàn trên nền tảng học tập và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, dù họ cũng phải trải qua quá trình học hỏi Mỹ trong nhiều năm để có thể tạo dựng nền khoa học kỹ thuật tiên tiến và độc lập.
Xin lưu ý là chỉ số về phát triển khoa học kỹ thuật không chỉ đo lường bởi số tiền ngân sách chi cho giáo dục và nghiên cứu khoa học, mà còn đo lường dựa trên những sáng chế, phát minh, tính thương mại hóa các nghiên cứu được thực hiện bởi các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học [4].
Nói đến chính sách vĩ mô về phát triển khoa học kỹ thuật, hầu như thực tiễn của các nước thành công trong xây dựng khoa học kỹ thuật là họ đều gắn chặt từ chính sách vĩ mô đến tất cả các ngành giáo dục – khoa học công nghệ - thương mại, cùng thực thi để đạt cùng mục tiêu.
Đó là lý do tại sao các trường đại học trên thế giới đều mở cửa đối với các học sinh phổ thông đến tham gia học, quan sát và cùng phát triển năng lực nghiên cứu khoa học kỹ thuật từ rất sớm.
Ba phẩm chất của công dân toàn cầu, Giáo dục Việt Nam đã nghĩ hay chạm tới chưa? |
Giáo dục và khoa học kỹ thuật luôn đi song hành trên từng hoạt động, nhằm đảm bảo các học sinh từ phổ thông phải được học và tiếp thu những kiến thức khoa học được cập nhật nhất.
2. Xây dựng mô hình và “thời khắc Sputnik” (Sputnik moment) cho khoa học
Trên thế giới, mô hình thành công về khoa học kỹ thuật của mỗi nước một khác.
Tuy nhiên, sau thế chiến lần thứ 2, các nước châu Á thành công trong việc xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, hầu như đều học mô hình Mỹ.
Ngay bản thân nước Mỹ, trong lịch sử sau thế chiến thứ 2 và sau năm 1957 khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo, họ đã đối mặt với “Thời điểm Sputnik” [5] để có được nền khoa học phát triển như bây giờ.
Việc Liên Xô đưa vệ tinh vào vũ trụ đã đánh thức người Mỹ, khoa học Mỹ và giáo dục Mỹ tập trung mọi nguồn lực cho phát triển khoa học.
Và đến năm 1969, Neil Armstrong đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, với câu nói nổi tiếng “Bước đi nhỏ bé của con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại” [6].
3. Minh chứng hiệu quả thực tế trong hiện tại và tương lai cho những lợi ích của việc học/ nghiên cứu khoa học
Cho dù yêu thích khoa học đến đâu, hầu hết học sinh và các cá nhân nhà khoa học đều mong muốn nhìn thấy thành tựu, hiệu quả của việc học hỏi, đam mê của mình, cống hiến của mình cho tiến bộ xã hội.
Với học sinh ở các cấp học, hầu hết các em chỉ có thể đam mê khi có được người khơi gợi niềm yêu thích, có môi trường khuyến khích đọc, học, hỏi và hành những kiến thức khoa học này.
Điều mà nếu cha mẹ các em chưa ý thức gợi nên quan tâm và sự tò mò của trẻ, nhà trường và thầy cô chính là những người mang trọng trách phát triển tiềm năng, yêu thích và đam mê nghiên cứu khoa học.
Chúng ta có GS. Vũ Hà Văn, Ngô Bảo Châu trong mảng toán học, có lẽ do bởi cha mẹ đã tạo dựng đam mê toán học cho họ, hay chúng ta có GS. Lưu Lệ Hằng, Trịnh Xuân Thuận về thiên văn học, GS. Trần Thanh Vân, Đàm Thanh Sơn về vật lý.
Tất cả đều là những tấm gương sáng về việc theo đuổi đam mê và thành tựu trong những nghiên cứu khoa học của mình.
Nếu nói đến tính thực tiễn và hiệu quả, Mỹ là ví dụ khá rõ nét. Học sinh học ngành STEM có được nhiều ưu ái khi học (nhiều học bổng, nhiều công việc trong trường, nhiều đề án nghiên cứu), khi ra trường và đi làm, lại có lương cao hơn hẳn so với các ngành khác [7].
Bạn đã chuẩn bị gì cho con em mình trước cách mạng công nghiệp 4.0? |
Vậy nên, nếu ai tính học ngành gì ra trường dễ xin việc làm, dễ có lương cao đều chọn STEM, đặc biệt là học sinh nước ngoài ở Mỹ (trừ sinh viên Việt Nam).
4. Giáo viên – giáo viên có chất lượng – giáo viên có nghiên cứu khoa học
Câu chuyện về thành công trong khoa học kỹ thuật được xuất phát từ nền giáo dục coi trọng khoa học và nghiên cứu khoa học.
Giáo viên là nền tảng cho mọi câu chuyện thành công, từ việc dạy khoa học ở các cấp phổ thông đến nghiên cứu ở các đại học và viện nghiên cứu.
Việc tuyển dụng và đào tạo giáo viên khoa học phải được coi trọng hàng đầu.
Trong một số lĩnh vực đặc thù, bản thân những chuyên gia chuyên ngành thường dành thời gian thích hợp để tham gia giảng dạy từ cấp phổ thông hoặc tham gia đào tạo giáo viên bộ môn.
Kết hợp chặt chẽ giữa trường học các cấp với đại học nghiên cứu hay trung tâm nghiên cứu, để giúp học sinh có được quan tâm, say mê khoa học từ nhỏ.
Nói đến khoa học là nói đến trang thiết bị, phòng thí nghiệm, là đi thực nghiệm địa phương hay địa hình cần nghiên cứu.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của Nhật Bản, họ gắn kết các vấn đề của địa phương, khu vực mà trường học đang hoạt động để “đặt hàng” trường học (từ cấp 2 đến đại học).
Việc này nhằm đưa học sinh và các hoạt động của trường gắn bó với địa phương, tham gia giải quyết các vấn đề của địa phương, đặc biệt cho các hoạt động nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp thực tế cho địa phương hoặc cho doanh nghiệp trên địa bàn đó.
Điều này giúp cho các học sinh, từ lớp nhỏ, có ý thức với công việc khảo sát, tìm hiểu vấn đề và giải quyết vấn đề, đan xen cùng việc ứng dụng kiến thức học ở lớp vào thực tế.
Học khoa học từ nhỏ, tìm hiểu vấn đề từ nhỏ, yêu thích các công việc nghiên cứu để chia sẻ và giúp đỡ cộng đồng, tất cả đều là những hoạt động học thiết thực, không “nói to, làm nhỏ”, không “thi lấy điểm”, không tổ chức học sinh giỏi khoa học…
Người Nhật đã giáo dục cho con trẻ của họ tính yêu lao động, yêu khoa học, tính kỷ luật cao xuất phát từ những việc nhỏ như vậy.
Để giúp đỡ giáo viên truyền cảm hứng và kiến thức cho học sinh trong thời đại “số hóa” này, việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng khá quan trọng, mặc dù không thể thay thế được vai trò của người thầy.
Vậy, Việt Nam chúng ta cần làm gì để khích lệ học sinh yêu thích học khoa học? Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ chúng ta có thể làm được 3 việc:
Tìm kiếm mô hình dạy học và nghiên cứu khoa học kỹ thuật của một nước mà Việt Nam thấy phù hợp cho chiến lược phát triển của mình.
Chúng ta đi sau nhiều so với các nước, chúng ta cần có mô hình đã minh chứng tính hiệu quả, chúng ta cần có “mentor” (người hướng dẫn) và tạo ra “tinh thần Armstrong” trong học tập và nghiên cứu khoa học, nhằm tránh mất thời gian và tiền bạc cho những đổi mới không đi đến đâu trong giáo dục hơn 20 năm qua;
Tuyển chọn chặt và đào tạo giáo viên dạy khoa học với yêu cầu cao.
Các giáo viên dạy ở phổ thông hay đại học đều cần có thời gian cập nhật kiến thức chuyên ngành, tham gia nghiên cứu với các trường đại học hoặc viện nghiên cứu, nhằm hướng tới thế hệ học sinh có khả năng làm nghiên cứu khoa học cùng thầy từ cấp phổ thông;
Chính sách giáo dục và chính sách khoa học, ngân sách và chương trình hành động cho các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học cần được thống nhất phối hợp.
Không nên tách riêng lẻ ra đây là phần của giáo dục hay khoa học, dễ dẫn đến lãng phí ngân sách [8] khi công việc được làm đi làm lại và do hai Bộ nắm chương trình, hai dự toán, và có khi cho cùng một mục tiêu là phát triển nghiên cứu khoa học, đặc biệt cho những đề án do các trường hoặc viện nghiên cứu thực hiện.
Nên tập trung vào một số cơ sở có năng lực và tạo ra khả năng đột phá, rồi lan tỏa, hơn là chỗ nào cũng có đầu tư, cũng có hoạt động nghiên cứu khoa học, học khoa học rồi cuối cùng, không đạt được thành tựu gì cụ thể.
Với nước Mỹ, “thời khắc Sputnik” luôn nhắc nhở họ phải phấn đấu, phải nỗ lực học và nghiên cứu, thu hút nhân tài khoa học trên toàn thế giới.
Với Việt Nam, hơn bao giờ hết, vì sự nghiệp phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, giáo dục khoa học cho con trẻ phải được đặt trong “thời khắc Sputnik”.
Không thể khác được, chúng ta đã chậm hơn thế giới ít nhất 2 cuộc cách mạng công nghệ rồi!
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.youtube.com/watch?v=pYKH-SKKbkM&t=5281s; http://www.slideshare.net/OECDEDU/preparing-students-for-the-4th-industrial-revolution-implications-for-science-education
[2] https://obamawhitehouse.archives.gov/blog/2016/02/11/stem-all; https://www.aip.org/fyi/2015/fy-2016-appropriations-stem-education-programs-mostly-funded-flat
[3] http://www.nature.com/news/why-south-korea-is-the-world-s-biggest-investor-in-research-1.19997; https://www.nap.edu/read/5850/chapter/8#80; http://www.rand.org/pubs/technical_reports/TR714.html
[4] http://www.wipo.int/pressroom/en/articles/2016/article_0008.html
[5] https://www.wsj.com/articles/SB10001424052748704156304576003871654183998
[6] https://vi.wikipedia.org/wiki/Neil_Armstrong
[7] http://www.businessinsider.com/stem-majors-earn-a-lot-more-money-after-graduation-2014-7; https://www.forbes.com/pictures/efkk45ekgkh/no-1-petroleum-engineer/#4cf6152a5828