Phát biểu tại buổi làm việc với các cơ quan thi hành án thuộc các bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp ngày 17/2/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu:
“Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo đảm hoạt động thi hành án cả về hình sự, dân sự, hành chính chính xác, khách quan, đúng pháp luật, tích cực góp phần phòng, chống tội phạm...”.
Thi hành án là khâu cuối cùng trong chuỗi hoạt động tư pháp: “khởi tố điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án” vì thế việc thi hành án không thể tách rời các khâu khởi tố, truy tố và xử án.
Nếu việc điều tra, ra cáo trạng và xử án được tiến hành nghiêm minh thì việc thi hành án sẽ không có nhiều khó khăn, ngược lại sẽ dẫn đến việc kêu oan, việc phải hủy bản án đã có hiệu lực thi hành và tiến hành điều tra lại.
Những vụ án oan đối với các công dân Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, và gần đây là vụ án nghi oan “chìm tàu Cần Giờ khiến 9 người chết” liên quan đến ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc công ty Công nghệ Việt - Séc cho thấy hoạt động tố tụng có nhiều vấn đề cần phải bàn luận.
Trong khuôn khổ bài viết chỉ xin nêu một số sự kiện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 18/12/2014, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an Thành phố Hồ Chí Minh,… về tình hình oan, sai và việc bồi thường oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Cần phải thẩm tra tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Ngọc Hải |
Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Plo.vn) tường thuật buổi giám sát như sau:
“Báo cáo trước đoàn, lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết từ năm 2011 đến nay, ngành tòa án thành phố không kết tội oan trường hợp nào…
Công an TP.HCM cho biết trong ba năm qua không trường hợp nào yêu cầu cơ quan này bồi thường oan”.
Về phía Viện Kiểm sát thành phố, chỉ có ba trường hợp phải bồi thường oan sai nhưng “trong ba trường hợp này không có trường hợp nào những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự để xảy ra oan, sai phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền bồi thường oan”. [1]
Cứ theo báo cáo đã trình bày thì hoạt động tư pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt đến độ trong sạch gần như tuyệt đối, dù khắt khe đến mấy, khó tính đến mấy thì đoàn giám sát của Quốc hội cũng không có gì phải phàn nàn?
Thế nhưng có một điều “bé bằng cái móng tay” mà không để ý thì không thể nhận thấy, đó là đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân đã nói thay cho cả Tòa án và Điều tra, rằng “không có trường hợp nào những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự để xảy ra oan, sai”?
Hiểu đúng bản chất câu nói này có nghĩa là nếu có oan sai thì đều do cấp dưới, do nhân viên chứ không phải do người “có thẩm quyền”.
Nếu thế thì khi có oan sai chỉ có thể kỷ luật cấp dưới chứ cấp trên hoàn toàn trong sạch?
Khi cả ba cơ quan tham gia tố tụng đều “hòa âm, phối khí” ăn ý như vậy thì đương nhiên bản giao hưởng “oan, sai” sẽ chỉ là sự tưởng tượng của người dân, và các cơ quan tham gia tố tụng mới chính là đối tượng bị “oan, sai” bởi dư luận cứ “đổ thừa” cho các cơ quan này làm oan người vô tội?
Vậy dư luận “đổ thừa” như thế nào?
Riêng với bên Điều tra, Báo Plo.vn thống kê:
“Có năm trường hợp bị khởi tố tạm giam, sau đó chuyển xử lý hành chính do hành vi không cấu thành tội phạm. Có hai vụ đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội.
Có 22 bị can được đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm. Có tám bị can được đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội.
Có 59 bị can được đình chỉ điều tra do miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1, khoản 2 Điều 25 BLHS…”. [1]
Cộng sơ sơ là gần trăm trường hợp phải đình chỉ điều tra do người dân không phạm tội, do kết tội sai hoặc do hết thời hạn điều tra mà không… điều tra được.
Liệu bên Kiểm sát có bị “đổ thừa” hay không? Trả lời câu hỏi này chỉ cần đọc loạt mấy chục bài báo trên Giaoduc.net.vn, Vietnamnet.vn,… liên quan đến vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số các bài viết, bài “Xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội – liệu chỉ có một người?” hiện vẫn được lưu trên nhiều trang báo.
Nếu Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công tâm, làm hết trách nhiệm thì không có chuyện Hội đồng xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết và tiến hành thủ tục khởi tố đối tượng người nước ngoài Yee Lip Chee là chủ mưu vụ án ngay tại tòa.
Vụ án này liên quan trực tiếp đến đến trách nhiệm của ông Dương Ngọc Hải, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (chúng tôi sẽ phân tích sự liên quan và trách nhiệm của ông này trong các số báo tới).
Kể từ sau khi có buổi báo cáo “tuyệt vời” trước đoàn giám sát của Quốc hội năm 2014, tình hình án oan, sai tại Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?
Thông tin trên báo chí cho thấy, vụ án oan thứ 3 trên địa bản huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) sau hai vụ “Cà phê Xin Chào” và vụ “Lều vịt” vừa được kết luận, đó là vụ buôn bán máy phát điện liên quan đến ông Nguyễn Văn Thành, ngụ tại quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 10/2/2017, Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh và phúc thẩm của TAND TP.HCM, đồng thời đình chỉ vụ án.
Kết luận cuối cùng Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao là ông Nguyễn Văn Thành không phạm tội kinh doanh trái phép. [3]
Chỉ trong vòng một năm (2016-2017), chỉ trên địa bàn một huyện (Bình Chánh) đã phải đình chỉ ba vụ án oan đối với công dân là ít hay nhiều?
Cũng tại Bình Chánh, báo chí còn nêu một vụ án hy hữu khác gọi là “vụ án ba không” được Tòa án nhân dân Bình Chánh đưa ra xét xử vào tháng 9 năm 2014.
"Không chứng minh được, Viện KSND TP. Hồ Chí Minh nên dũng cảm đình chỉ vụ án” |
Phiên tòa được tiến hành xét xử và kết án khi “không có bị cáo, không người liên quan, không người làm chứng”? [4]
Thế nhưng dù là “phiên tòa 3 không”, Hội đồng xét xử TAND huyện Bình Chánh vẫn kết tội và tuyên án sáu tháng tù (cho hưởng án treo) đối với ông Văn Công Bình (một người bị cụt cả hai chân) vì ông Văn Công Bình phạm tội “đánh người thi hành công vụ (là một chiến sĩ công an)”.
Một trong những nguyên nhân về án oan sai được tổng kết trong bài: “Nhìn từ các vụ án oan: Sai sót đều bắt nguồn từ nhục hình, bức cung” đăng trên Vov.vn ngày 13/8/2016. [5]
Tuy nhiên, đối chiếu với các vụ án nêu trên ở huyện Bình Chánh thì vấn đề lại không phải như vậy, trong các vụ án này không xảy ra chuyện bức cung, nhục hình nhưng vì sao vẫn oan sai?
Có thể chỉ ra một số nguyên nhân khác liên quan đến tình trạng này:
Thứ nhất: người thừa hành công vụ trình độ nghiệp vụ yếu kém, nhận thức pháp luật có vấn đề, điều này đã được minh chứng bởi sự thừa nhận của một cựu đại tá - ông Nguyễn Văn Quý (nguyên Trưởng Công an huyện Bình Chánh), rằng:
“Sau khi nhận được quyết định tạm đình chỉ công tác, tôi nhận thấy cần có nhiều điều phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
Những sai sót của mình trong các vụ án chỉ là do nhận thức sai về quy định pháp luật, không có động cơ cá nhân”.
Có thật do “nhận thức sai về quy định pháp luật” mà chỉ trong một thời gian ngắn, địa bàn công an Bình Chánh quản lý dưới sự lãnh đạo của ông Quý liên tục xảy ra án oan, sai?
Vậy làm thế nào một người liên tục “nhận thức sai về quy định pháp luật”, liên tục thực hiện các vụ án oan, sai lại có thể trở thành sĩ quan cao cấp trong ngành, đứng đầu lực lượng công an một huyện lớn trên địa bàn thành phố quan trọng bậc nhất cả nước chỉ sau thủ đô Hà Nội?
Vấn đề không còn là của một cá nhân (theo ngành dọc) mà là của cả hệ thống chính trị địa phương.
Không thể không đặt câu hỏi về vai trò của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp huyện, của các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các tổ chức quần chúng, đặc biệt là Mặt trận tổ quốc.
Liệu có thể khẳng định trong suốt thời gian xảy ra các vụ án oan, sai, không có tiếng kêu cứu của người dân, tất cả các đối tượng bị oan sai trong các vụ án đã nêu đều “giữ quyền im lặng” mà không đề đạt ý kiến với người hoặc cơ quan lãnh đạo địa phương?
Sự việc xảy ra có hệ thống như vậy chỉ có thể xuất phát từ sự liên kết của một số người mà ta quen gọi là “nhóm lợi ích”, bắt đầu từ khâu đề bạt cán bộ (thiếu năng lực), tiếp đến là chỉ đạo, thực thi pháp luật.
Một khi “nhóm lợi ích” bao gồm đầy đủ “bộ tứ” thì cuộc chiến đòi công lý của người dân có bao nhiêu phần trăm thắng lợi?
Khi một người được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật - như ông nguyên đại tá Quý - tự nhận mình “nhận thức sai về quy định pháp luật” thì không loại trừ sẽ có người làm lãnh đạo “nhận thức sai về vai trò lãnh đạo” hay người làm công tác quần chúng “nhận thức sai về vai trò của quần chúng”,…?
“Nhận thức sai về vai trò lãnh đạo” sẽ làm mất uy tín “lãnh đạo”, còn “nhận thức sai về vai trò quần chúng” sẽ làm “mất quần chúng”.
Nhận thức sai vai trò được giao chính là cách tự “đánh mất mình”, đó cũng chính là nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà Trung ương đã khẳng định.
Thứ hai: nguyên nhân thứ hai của oan sai là sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, công chức tham gia quá trình tố tụng, bắt đầu từ khâu khởi tố vụ án, điều tra, ban hành cáo trạng cho đến khâu xét xử tại tòa.
Vụ án chìm ca nô tại vùng biển Cần Giờ đã được công an Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng hoàn tất điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố quyết định truy tố chỉ vì tổn thất nhân mạng quá lớn và phải có ai đó chịu trách nhiệm?
Tuy nhiên dư luận xã hội, bao gồm các luật sư, các phương tiện truyền thông đều cho rằng cả hai cơ quan Điều tra và Kiểm sát đã mắc những lỗi không thể chấp nhận.
Những câu hỏi cần Viện kiểm sát TP.HCM trả lời trong vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết |
Bài viết trên báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam nhận định: “Dư luận không bắt lỗi nặng về hành vi làm sai, mà việc sửa sai như thế nào để lần sau không mắc phải mới là vấn đề quan trọng.
Đối với vụ việc này, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM nên đình chỉ vụ án và tổ chức xin lỗi, bồi thường oan cho ông Đảo và ông Quyết theo quy định của pháp luật sẽ lấy lại uy tín và lòng tin của nhân dân cả nước nói chung, và nhân dân TP.HCM nói riêng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng”. [6]
Không chỉ dư luận xã hội mà ngay cả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng chưa được cơ quan tố tụng Thành phố Hồ Chí Minh tôn trọng.
Vov.vn ngày 19/12/2016 trong bài “Thủ tướng yêu cầu báo cáo về vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” viết:
“Nhiều đơn thư kiến nghị của các tổ chức, của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ ngành… gửi đến cơ quan tố tụng Trung ương, cơ quan tố tụng của TP.HCM đốc thúc giải quyết vụ án dựa trên cơ sở pháp luật nhưng đến nay tất cả ý kiến trên vẫn chìm trong im lặng”.
Có lỗi không dám nhận, cố tình dây dưa kéo dài để hành dân, phớt lờ cả chỉ đạo của cấp trên, phải chăng đó là tiêu chuẩn đạo đức của người thừa hành công vụ?
Thứ ba: vấn đề “thượng tôn pháp luật”.
Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự đều nêu nguyên tắc: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Tuy nhiên, nguyên tắc Hiến định và luật định này trước đây và hiện nay vẫn còn nhiều biểu hiện vi phạm.
"Đâu đó có hiện tượng xâm phạm vào hoạt động tư pháp xét xử của Hội đồng xét xử bằng nhiều cách thức tác động vào kết quả diễn biến tại phiên tòa, áp đặt lên phần phán quyết của Hội đồng xét xử…
Còn có những chỉ đạo về đường lối xét xử, nghĩa là đã được ấn định trước là có tội hay không có tội, thậm chí xử án treo hay án giam, xử tù với thời gian bao lâu, thậm chí xử tù có thời hạn hay không thời hạn, tử hình hay không tử hình”. [7]
Trong bốn nguyên nhân gây nên oan sai, có ba nguyên nhân liên quan đến công chức được giao nhiệm vụ tham gia tố tụng: “bức cung, nhục hình; trình độ chuyên môn; tư cách đạo đức”.
Nguyên nhân thứ tư thuộc về thể chế, về cách thức can thiệp quá trình tố tụng của một số cá nhân, tổ chức (chính quyền, đoàn thể), nổi bật là một cơ cấu mà chính các các cơ quan bảo vệ pháp luật gọi là “liên ngành tư pháp”.
Chính vì cả ba ngành Điều tra, Kiểm sát và Tòa án đều có chung khẳng định “không có oan sai” (như báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội năm 2014) nên “oan sai” mới có đất sống, mới trở thành nỗi ám ảnh người dân khi có việc liên quan đến pháp luật.
Số lượng các vụ án oan, sai tại Bình Chánh vừa bị phát hiện liệu đã chấm dứt hay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?
Các quận huyện khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung có giống như Bình Chánh?
Đến bao giờ thì án oan, sai mới không còn là vùng xám trong hoạt động tố tụng của các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam, trả lời câu hỏi này chỉ có thể là chính những người trong cuộc.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://plo.vn/thoi-su/hang-chuc-vu-sau-khi-khoi-to-phai-dinh-chi-517191.html
[3] http://plo.vn/phap-luat/binh-chanh-lai-co-them-an-oan-duoc-dinh-chi-682088.html
[4] http://plo.vn/phap-luat/them-mot-nghi-an-oan-la-ky-o-binh-chanh-660368.html
[5] http://vov.vn/phap-luat/nhin-tu-cac-vu-an-oan-sai-sot-deu-bat-nguon-tu-nhuc-hinh-buc-cung-539873.vov
[6] http://vov.vn/vu-an/thu-tuong-yeu-cau-bao-cao-ve-vu-an-chim-ca-no-o-huyen-can-gio-578614.vov