Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, liên quan đến vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết mà Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã truy tố có nhiều dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Báo cũng đã có nhiều bài phản ánh, nêu ra các dấu hiệu bất thường trong quá trình xử lý vụ việc của cơ quan điều tra; đặc biệt là của cán bộ Kiểm sát mà trực tiếp là ông Dương Ngọc Hải, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM.
Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu báo cáo; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã yêu cầu "làm rõ" nhiều chứng cứ buộc tội bị cáo...Tuy nhiên, ông Dương Ngọc Hải vẫn không lắng nghe.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhiều lần đề nghị làm việc trực tiếp nhưng ông Hải không phản hồi, hoặc từ chối.
Xoay quanh vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, xin gửi trân trọng gửi tới bạn đọc.
Phóng viên: Nhiều lần cơ quan tố tụng yêu cầu “làm rõ hành vi gian dối” nhưng Cơ quan CSĐT, Viện Kiểm sát TP. Hồ Chí Minh tiếp tục không cung cấp được chứng cứ. Theo Luật sư, vai trò của chứng cứ và cách thu thập chứng cứ của Cơ quan CSĐT trong vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm: Theo quy định tại Điều 64, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì: “1.Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
2. Chứng cứ được xác định bằng:
a) Vật chứng;
b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
c) Kết luận giám định;
d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.”
Như vậy, xét về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.
Qua theo dõi vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết, tôi thấy việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, kết luật giám định, vật chứng, lời khai của các người liên quan, người làm chứng, các đồ vật và tài liệu khác....chưa khách quan, chưa toàn diện, chưa đầy đủ, thiếu sót nhiều vật chứng.
Ví dụ như: các tài liệu mà cơ quan CSĐT thu thập tại Công ty L&M Việt Nam “đều không có chữ ký của bất cứ ai” thì không thể coi là tài liệu hợp pháp?
Nếu không hợp pháp thì không thể xem đây là chứng cứ trong vụ án được.
Thứ 2, vật chứng phạm tội trong vụ án là gì?
Nếu nói làm giả chữ ký, con dấu thì Cơ quan CSĐT phải thu thập được con dấu, chữ ký chứ? Ai quản lý và sử dụng những con dấu, chữ ký giả này? Có bằng chứng chứng minh bị cáo sử dụng hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội. |
Phóng viên: Nhiều lần Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh phải trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng có văn bản cho rằng: “Vụ án có một số nội dung chưa được làm rõ…Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hồ Chí Minh có vướng mắc, không thống nhất được thì báo cáo Lãnh đạo Liên ngành Trung ương để chỉ đạo giải quyết”.
Tuy nhiên, trong Kết luận điều tra và Cáo trạng gần đây nhất, cả Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đều không chứng minh được hành vi gian dối của bị cáo, nhiều yêu cầu của cơ quan tố tụng đều không được giải quyết. Luật sư đánh giá như thế nào về việc này?
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm: Điều 10, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về việc Xác định sự thật của vụ án như sau:
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Việc cơ quan công tố (Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh) yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ kết luận điều tra vì chưa thuyết phục, chưa đảm bảo đầy đủ yếu tố cần thiết để buộc tội, chưa chứng minh được hành vi phạm tội, chưa đủ căn cứ buộc tội.
Việc Cơ quan CSĐT tiếp tục không chứng minh được theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng (Viện KSND, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh và cả Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) chứng tỏ quá trình điều tra, thu thập chứng cứ là có vấn đề, không đáp ứng được các yêu cầu, quy định của pháp luật.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Hồ Chí Minh vẫn không thể chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nhưng ông này vẫn dùng quyền hành của Nhà nước và nhân dân giao phó để tạm giam công dân hơn 800 ngày. Ảnh: VKSND TP.HCM |
Phóng viên: Sau 800 ngày bắt giam bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, đến nay Viện KSND TP. Hồ Chí Minh mà trực tiếp là ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng vẫn không thể chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nhưng ông này vẫn dùng quyền hành của Nhà nước và nhân dân giao phó để tạm giam công dân.
Theo Luật sư, việc giam giữ bị cáo trong vụ án một thời gian dài nhưng Cơ quan tiến hành tố tụng lại không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải xử lý thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm: Theo khoản 3, Điều 23, Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Trong vu án này, cả Tòa án và Viện Kiểm sát đã nhiều lần trà hồ sơ để cơ quan CSĐT điều tra lại, điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra vẫn không chứng minh được đầy đủ hành vi phạm tội.
Nếu cứ tiếp tục kéo dài sẽ có nguy cơ rất cao làm oan người vô tội, hậu quả không thể khắc phục được đối với bị cáo và gia đình.
Đồng thời, cứ tiếp tục sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm - là nguyên nhân chính xảy ra nhiều vụ án oan sai những năm gần đây.
Để ngăn chặn ngay những hậu quả nghiêm trọng và oan sai trong vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh cần căn cứ vào Điều 36, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát như sau:
Quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án để trả tự do cho bị cáo Tuyết.
Một lần nữa tôi nhấn mạnh, cả Cơ quan CSĐT và Viện KSND TP. Hồ Chí Minh nhiều lần “không làm rõ” được vụ án, nghĩa là “không đủ căn cứ buộc tội”.
Vì vậy, ngay lúc này đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh phải đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, không thể giam mãi người không phạm tội được.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn luật sư đã dũng cảm lên tiếng bảo vệ công lý, lẽ phải.