LTS: Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên cho học sinh học thêm hay không, thầy giáo Nguyễn Văn Lự cho rằng mọi người nên thử vài ngày trải nghiệm theo đúng lịch trình học thêm của học sinh để tự mình tìm ra câu trả lời.
Những cảnh tượng học sinh vừa đi học vừa ăn vội trên đường, vừa ngồi học vừa ngủ gật… liệu có khiến chúng ta xót xa?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Cuộc tranh luận về học thêm chưa biết bao giờ kết thúc. Không ít lãnh đạo, giáo viên và phụ huynh thống nhất rằng: “có học thêm vẫn hơn không, không học thêm sao lên lớp được; nhu cầu học thêm, dạy thêm rất chính đáng…”.
Duy chỉ có học sinh là kẻ mừng, người lo. Học thêm có làm thay đổi được chất lượng đào tạo học sinh hay chỉ là vòng xoáy “lợi ích nhóm” trong nhà trường phổ thông hiện nay?
Học thêm có đúng là nhu cầu thiết thực của tất cả học sinh hay chỉ một số nhỏ khá giỏi hay yếu kém? Xin quý vị hãy cùng vi hành học thêm một lần.
Thời gian biểu của tiểu siêu nhân
Học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông hầu hết đã học cả ngày ở nhưng nơi có điều kiện thuận lợi.
Thời gian biểu của một học trò chăm ngoan: sáng dậy từ 5 giờ, đến trường 6 giờ 40, học đến 11 giờ 15, về nhà, 13 giờ 15 học chiều đến 17 giờ; 19 giờ học thêm đến 21 giờ; 22 giờ ngồi học bài, 23 giờ 30, ngủ. Sáng mai, 5 giờ dậy, lặp lại như thế, ngày/tuần/tháng/năm.
Nếu học bù, nếu học thêm chủ nhật, học thêm đội tuyển, nếu học thêm hai ca/tối thì còn dư ra giờ phút nào cho con trẻ sống cho mình?
Học sinh phải vất vả học trên lớp rồi học thêm tối ngày. (Ảnh minh họa: P.L) |
Chúng ta xót xa các con vừa đi học vừa ăn, đến trường tranh thủ ăn; vừa ngồi học vừa ngủ gật, vừa vào lớp vài phút đã lơ tơ mơ…
Chúng ta nghĩ gì khi biết 12 năm học, các con được nghe khoảng hơn 10.000 lần “nhanh lên, muộn rồi, đi thôi”(mỗi ngày 2 lần).
Ở nhà cha mẹ giục đi học, đến trường thầy cô bảo về nhà học, học thế chưa đủ, cần phải học thêm, cần phụ đạo, cần bồi dưỡng thêm không thì... không thì…!
Thầy cô bảo thương bố mẹ phải cố mà học; bố mẹ bảo đừng phụ công thầy cô, cố mà học; bạn bè bảo học cũng lên lớp, không học cũng đỗ hết, cố mà chơi…
Chúng ta hãy nghĩ rằng con mình là tiểu thần thánh xương đồng da sắt với trí tuệ nhân tạo, sức lực phi thường!
Chúng ta hãy nghĩ rằng con mình là cỗ máy vĩnh cửu hoàn hảo, bộ não siêu việt, trí nhớ siêu nhân!
Nếu không phải thế, làm sao con mình có thể chịu đựng được mệt mỏi, đói khát và căng thẳng cả ngày cả tuần suốt 11 tháng trời (chỉ được nghỉ hè 1 tháng) trong 12 năm học phổ thông?
Nếu không phải thế, làm sao con mình ngồi nghe thầy cô giảng sáng 5 tiết, chiều 4 tiết, tối 2 tiết và 2 tiết tự học, mỗi ngày 13 tiết, mỗi tuần 6 ngày ròng rã không kể nắng hay mưa, nóng bức hay giá rét, không kể lúc khỏe lúc ốm, không kể lúc no lúc đói bụng?
Nếu không phải thế, con mình làm sao vì lo bài không học, không thuộc để từ bỏ tuổi thơ, từ bỏ vui chơi bè bạn đến lớp học đúng giờ, chăm chỉ học đủ môn, đủ bài, học đủ thầy giỏi cô giỏi xa gần?
Vòng luẩn quẩn không của riêng ai
Cấp chiến lược vĩ mô, lâu nay cải cách liên hồi với những lộ trình, quy trình lúc nào cũng đúng, rồi thấy chưa đúng, rồi điều chỉnh, rồi thay thế!
Tư duy phổ biến chỉ tiêu, thành tích, kết quả nhảy múa chứng khoán với các con số rất an toàn, rất vinh quang để bỏ rơi việc dạy gì, học gì; dạy thế nào, học thế nào, kiểm tra đánh giá thế nào và sử dụng sản phẩm thế nào!
Đó có phải là sự nguy hại của tư duy chiến lược giáo dục chỉ tin vào những con số biết nói, biết khen, biết tự hào, những con số đẹp hơn cả trong báo cáo?
Cấp chiến lược cơ sở, cứ theo điều A, mục B; đề án X, dự án Y; chương trình M, kế hoạch K… cụ thể chi tiết thêm để cấp vi mô thực hiện.
Các phong trào, các đợt ra quân, các cuộc thi, các đợt tập huấn cứ rầm rộ như năm trước, khó khăn đâu tháo gỡ đấy, phấn đấu đừng để tụt xuống…(có văn bản gửi xuống sao y nguyên năm trước, người ta cố ý hay quên không sửa năm!?).
Cấp chiến lược vi mô, việc theo mùa vụ, theo kế hoạch làm cho xong; tháng nào việc gì, thi gì, báo cáo thế nào…
Học sinh cứ học, giáo viên cứ dạy; các đầu việc đều làm đủ, tham gia hết, miễn sao đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, đảm bảo báo cáo đúng và kịp thời gian yêu cầu của công văn.
Học sinh điểm kém nhiều, các đồng chí xem lại cách dạy, xem lại đề thi, xem lại việc chấm và rút kinh nghiệm…
Học sinh yếu kém cần phụ đạo, bồi dưỡng thêm để lớp phụ trách không còn trò yếu kém, không để lưu ban, không để bỏ học...
Cần có giải pháp hiệu quả, tăng cường thế nào, cải tiến phương pháp thế nào, nêu cao trách nhiệm, tình thương thế nào, kiên quyết và làm ngay... Những câu từ như thế có lẽ đã đủ điều kiện trong bài hát “giáo dục ca” chăng?
Cấp chiến lược gia đình, con học cả ngày ở trường chưa đủ hiểu bài, chưa thuộc bài; học thầy cô này chưa chuẩn, chưa hiểu bằng thầy cô kia; học một buổi/tuần/môn chưa đáp ứng yêu cầu thi vào lớp chọn, vào trường B;
Học thế làm sao bằng con nhà C, nhà D; học thêm để thầy cô quản cho; con người ta đi học thêm con mình không đi thì sợ… Người ta làm được, cớ gì mình không đưa đón được…
Vòng luẩn quẩn bắt đầu từ con số điểm bài thi, điểm tổng kết và từ chính người dạy, từ chính phụ huynh.
Đôi khi vì lẽ này lẽ khác (giản dị như lỡ viết nhầm, tính nhầm), em A điểm thấp hơn em B mà người lớn đặt vấn đề rất quan trọng, cực kỳ cấp thiết, nếu không học thêm thì cháu thế này thế nọ.
Chỉ có cha mẹ nào vô trách nhiệm, thầy cô nào vô trách nhiệm là không lo lắng và nghĩ cách làm thế nào để con em mình tiến bộ.
Học thêm, học thêm và phải học thêm bằng mọi giá!
Bố mẹ, gia đình cuốn theo con, công việc và sinh hoạt gia đình cuốn theo con, cả nhà như vào “trận đánh lớn” kéo dài năm này qua năm khác tự bao giờ không biết!
Vòng luẩn quẩn ai cũng biết nhưng đâu phải ai cũng hiểu bản chất nên hoặc bất lực làm ngơ, hoặc ráo riết thực hành.
Thầy cô, cha mẹ, các lãnh đạo giáo dục và nhân dân thử hóa thân làm học trò, vi hành đi học như con mình, một lần thôi, sẽ cảm nhận được.
Người lớn và cả thầy cô đi học, đi tập huấn vài buổi rất nhẹ nhàng mà còn kêu khổ quá, không chịu nổi.
Học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày lo (chứ không phải là một ngày vui): lo bài vở chưa xong; lo đối phó kiểm tra; lo điểm bài cao thấp; lo tiền chưa nộp đủ; lo bạn bè; lo đi đường, lo muộn giờ, lo thầy cô báo tin cho bố mẹ… Lo học sáng, lo học chiều, lo học thêm.
Ngày nào cũng đều đặn thời gian biểu, chính xác và nghiêm túc, ngày nào cũng lo. Triền miên mệt mỏi đầu óc, mệt mỏi sức lực; triền miên đói bữa; triền miên thiếu ngủ, liên tục từ khi học lớp 1.
Việc tiếp thu bài học trên lớp cả sáng cả chiều khi tâm thần ngơ ngơ, sức khỏe rã rời, nên không hiểu bài này, bài sau lại không hiểu, thành thử ngồi học mà không biết gì.
Khi học thêm, cũng lơ mơ thế, thầy cô hướng dẫn và đọc/giải cho chép, xong rồi về.
Thế là con yên tâm, bố mẹ cũng yên tâm, thầy cô dạy thêm cũng yên tâm. Cả nhà ăn tối, tắm rửa ngon lành, ngồi học mấy môn, môn nào cũng quan trọng nên nhiều bài tập.
Nếu không học không làm ngày mai lại bị điểm kém, lại phê bình, kiểm điểm, bố mẹ lại biết; vài lần như thế, các con sợ và hoặc đối phó bằng cách tìm tài liệu chép đại vào cho kịp, cho đủ, cho xong, hoặc bỏ hết ôm điện thoại chơi, hoặc ngủ luôn trên bàn.
Mai sáng lại đến lớp, lại vừa học vừa lo, vừa đói bụng, vừa đói ngủ; rồi tối lại đến nhà thầy cô học, về nhà…
Mai lại đến trường, cứ thế, học sinh không còn thời gian để nghỉ ngơi, không còn thời gian tự học bài.
Thưa quý vị, phần lớn học sinh càng học càng không biết gì, càng học càng sút kém; các em đến trường chỉ thích vui chơi, thích giờ ngoại khóa, thích được hoan hô khi thầy cô ốm không dạy được; giờ kiểm tra không ít em ngồi đề không muốn đọc, không tỏ ra suy nghĩ, không làm bài, cuối giờ tìm cơ hội chép hoặc bỏ kệ.
Học sinh chúng ta thông minh lắm nhưng học chính khóa, học buổi chiều, học buổi tối liên tục như thế khác gì nước đổ lá khoai!
Bảng điểm sau những giờ học chuyên đề. (Ảnh Văn Lự) |
Chỉ những học sinh có ý thức, nhanh nhẹn và tự giác học tập; chỉ những học sinh nỗ lực mới vượt qua được những khó khăn; chỉ những học sinh không dựa dẫm vào học thêm nhà thầy cô mới có kết quả thật sự đúng với năng lực bản thân.
Mấy năm qua, biết bao thủ khoa đầu vào đại học là những em không có điều kiện học thêm, chỉ nỗ lực tự học!
Giả sử, nếu sự học thêm hiệu quả, chắc chắn con số học sinh ngu ngơ cả kiến thức và kỹ năng không khủng khiếp như trên diễn đàn thông tin xã hội công bố sau mỗi kỳ thi.
Học thêm vi hành
Điều kiện vi hành đều thuận lợi của một học sinh lớp 10 đang vào giữa kỳ 2 năm học 2016-2017.
Buổi sáng, vội vã đến trường. Dậy muộn, mua đồ nhưng chưa kịp ăn, thiếu ngủ, ngồi nghe giảng mà cứ nghĩ đến trong ba lô. May không bị kiểm tra bài cũ và vở bài tập, tự nhủ mai phải học bài tốt hơn.
Tiết 2, 3, 4 no bụng lại buồn ngủ, ghi chép nguệch ngoạc. Tiết 5 bụng réo, nghe giảng mà không hiểu gì.
“Dạy thêm học thêm tràn lan làm cho học sinh không có thời gian ăn, ngủ” |
Buổi chiều, không kịp nghỉ, lên xe đến trường sớm 10 phút. Chép vội của bạn 2 bài giải bài tập.
Đùa vui với bạn nhưng vào ngồi học buồn ngủ suốt ca 1, ca 2 chẳng muốn nghe vì cô giáo giảng nhanh, chép không kịp. Có đứa rủ trốn học tối.
Giúp mẹ vài việc nhà, việc cá nhân, ăn cơm xong 18 giờ 40.
Vào giờ học, thầy bảo mở vở làm bài tập hôm trước, không hiểu gì, mấy đứa cũng lắc đầu. Thầy hướng dẫn, thấy dễ quá, làm xong luôn. Ghi bài tập, kiến thức cần học, tan ca.
Đến nhà 21 giờ 20, chuẩn bị sách vở ngày mai. Học bài môn thầy cô kiểm tra gắt, bài môn thầy ít kiểm tra, môn vừa học thêm, bỏ qua.
Chuẩn bị thi khảo sát đề của Sở, bài kiểm tra định kỳ nên môn nào cũng dồn bài tập.
Loay hoay làm mãi không được, hỏi bạn, tìm tài liệu chép bài giải nhưng chưa xong hết, xem tin nhắn xong, 23 giờ buồn ngủ quá. Nhiều bạn chắc vẫn như mình, thôi để mai xem thế nào.
Chuông reo, không muốn mở mắt. Mẹ lại gọi. Ăn sáng, đến trường học, trống tan, ào ào bạn bè tíu tít; đến trường học chiều, ra về vui vẻ; đến học thêm tối, rồi về; học bài, ngủ rồi lại dậy...
Cha mẹ tranh thủ cho con ăn ngoài đường cho kịp giờ học thêm ở TP.Hồ Chí Minh, ảnh trên báo Người Lao Động của tác giả Tấn Thạnh |
Tối thứ bảy, bạn bè hẹn gặp nhau tào lao, xả hơi chút nhưng không biết bố mẹ có cho đi không?
Dù rằng, cấp Tiểu học đã loại bỏ nhiều cuộc thi; dù Bộ Giáo dục đã có nhưng chỉ đạo mới hợp lòng dân, đã quyết liệt đổi mới thi và tuyển sinh; dù nhiều bậc phụ huynh đã nhận ra cử nhân thất nghiệp; dù đã xác định con mình sẽ làm công nhân nhưng việc học thêm dạy thêm vẫn chưa thể giảm bớt.
Trường nào ít cũng học 3 buổi chiều và nhiều thì hết tuần cho tất cả học sinh toàn trường nhưng kết quả khảo sát vẫn làm chúng ta không thể yên tâm.
Học thêm ở trường đã nhiều, đã đủ và học thêm buổi tối mấy buổi, mấy môn chính, mà toàn thầy cô chuẩn cả mà sao vẫn không thay đổi được là bao kết quả học tập của con?
Có lẽ đọc đến đây, câu trả lời là của bạn!