Phải thay đổi tư duy về quản lý dạy thêm – học thêm

23/10/2016 07:00
Tạ Quang Sum
(GDVN) - Mặc dù các cơ quan chủ quản đã ban hành nhiều quyết định và Thông tư, chỉ thị nhằm quản lý dạy, học thêm, nhưng xem ra đều không có mấy tác dụng.

LTS: Vấn đề dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành điểm nóng được dư luận cả nước quan tâm do bộc lộ nhiều tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung ở các trường học.

Hãy nghe thầy giáo Tạ Quang Sum (Nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo, thành phố Cam Ranh) lý giải về quá trình phát triển và những tác động tiêu cực này, qua đó đề ra những giải pháp góp phần đẩy lùi những ảnh hưởng xấu đó.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Dạy thêm – học thêm đang là câu chuyện dài khó có hồi kết của ngành Giáo dục và toàn xã hội.

Nhìn toàn cục hiện nay dễ nhận ra dạy thêm, học thêm không chỉ là một phần – một mảng – một bộ phận, mà nó đang chiếm lĩnh một nửa toàn bộ bức tranh Giáo dục Việt Nam, phạm vi chi phối ngày càng lớn và ảnh hưởng làm biến dạng mục tiêu Giáo dục Quốc gia là không nhỏ.

Thủa xưa khi đất nước còn rất nhiều khó khăn, dạy thêm, học thêm chỉ gói ghém trong hoạt động phụ đạo bất vụ lợi cá nhân dành cho học sinh yếu kém – bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong hoàn cảnh đó giáo viên tự nguyện làm nghĩa vụ với nhà trường, học sinh và xã hội.

Học sinh đến lớp học thêm vì nhu cầu tự thân và hoàn toàn tự nguyện, nhưng theo thời gian và từ khi đất nước hội nhập, chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường thì dạy thêm, học thêm phát triển ồ ạt, trở thành một hoạt động kinh tế mũi nhọn cho các trường và cá nhân.

Một lớp dạy thêm bên ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: tuoitre.vn).
Một lớp dạy thêm bên ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: tuoitre.vn).

Nhờ tổ chức dạy thêm các trường có khoản thu khổng lồ ngoài kinh phí được cấp gọi là quỹ tự có, nhiều giáo viên trở nên giàu có với mức thu nhập sánh ngang các hoạt động kinh tế nóng bỏng khác.

Dạy thêm đã trở nên một thị trường béo bở, vì vốn đầu tư ban đầu rất thấp, khách hàng rất đông, nhu cầu rất lớn và thường xuyên.

Bởi thế suốt ngày dài đến đêm thâu nhiều lớp dạy thêm mọc tràn lan khắp nơi từ trong nhà trường ra ngoài xã hội, lực lượng con người tham gia – không gian sử dụng – thời lượng chiếm lĩnh, ngang ngửa với hoạt động chính khóa ở nhiều cấp học.

Tất nhiên mọi hiện hữu đều có nguyên nhân, dạy thêm, học thêm cũng có tính dự bị và bổ sung hữu ích cho hoạt động chính khóa:

Một số học sinh phải đến các lớp học thêm để tăng cường khả năng khai thác kiến thức chuyên sâu và cao; một số cần nâng cao kỹ năng học tập mà trong lớp chính khóa chưa tiếp thu được hết.

Nhưng cũng có khá nhiều học sinh đi học do hội chứng đám đông – do phải tự nguyện theo chỉ đạo của nhà trường, xem đó là nơi dễ tìm được bình yên về kết quả học tập mà không phải tốn nhiều công sức.

Nhiều phụ huynh lại xem chỗ học thêm như nơi giữ con trẻ vì bận công việc làm ăn và cũng không thể quản lý con cái ở nhà, ngoài giờ đến trường; học thêm trở thành một phong trào được bảo hộ bởi chính các nhà trường.

Giáo viên rất cần có việc làm thêm để cải thiện đời sống, làm thêm với nghiệp vụ của mình thì chính đáng, nhưng đã có nhiều nơi với nhiều giáo viên, việc dạy thêm đã vượt lằn ranh lương tâm để tiếp cận với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng kinh doanh, tìm mọi cách trục lợi từ dạy thêm bất chấp những méo mó về tâm lý giáo dục, điều đó thật đáng trách.

Bên cạnh lợi ích có tính cục bộ và ngắn hạn thì hệ quả khủng hoảng lâu và sâu lớn hơn rất nhiều: nhiều mục tiêu giáo dục toàn diện không có cơ hội thực hiện vì các trường học không còn thời gian triển khai và tâm lý tiếp nhận.

Ngoài việc thực hiện chương trình năm học qua dạy chữ bộ môn, nhiều nhà trường chỉ triển khai lấy lệ các hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục kỹ năng cho học sinh, thời gian phần lớn dành cho các lớp dạy thêm.

Phải thay đổi tư duy về quản lý dạy thêm – học thêm    ảnh 2

Dạy thêm là một hoạt động kinh tế ngầm, cần phải cấm!

Tổ chức thanh thiếu niên trường học gần như đã thoát ly chức năng cơ hữu của đội hậu bị, tự chuyển hóa thành bộ phận quản lý học sinh chứ không còn là môi trường phấn đấu để trưởng thành nhiều mặt cho thanh thiếu niên.

Đại bộ phận học sinh mất đi khả năng tự học, tiếp theo lớp học chính là sự nhắc lại ở lớp học thêm, người học chỉ nhằm làm hài lòng người dạy trong quan hệ thầy trò và đối phó thi cử - người dạy tìm mọi cách khai thác người học vì lợi nhuận.

Sự phân biệt môn chính môn phụ, mâu thuẫn giữa môn và người được dạy thêm với môn và người không được dạy thêm đã lên đỉnh điểm.

Cơ sở trường học và giáo viên là nhân tố quyết định việc thực hiện các chiến lược giáo dục, nhưng nhiều nhà trường và giáo viên ngại đổi mới phương pháp dạy học vì ảnh hưởng đến dạy thêm, học thêm làm giảm thu nhập… đó là những thực tế tồn tại mà ai cũng thấy nhưng không thể nói ra.

Mặc dù các cơ quan chủ quản đã ban hành nhiều quyết định và Thông tư, chỉ thị về việc chấn chỉnh – ngăn cấm nhằm quản lý dạy thêm, học thêm, nhưng xem ra không có mấy tác dụng.

Thậm chí có nhiều địa phương tổ chức bắt dạy thêm như bắt buôn lậu, nhưng đâu lại vào đấy, quy mô biến tướng và tốc độ tăng phát triển của nó càng lớn, rất nhiều nơi đã cấm rồi phải mở vì phản ứng của dư luận do đụng chạm đến công việc làm ăn của rất nhiều người.

Dù ai cũng thấy cái bất hợp lý ở chỗ cùng một bài học ấy – nội dung ấy – trong phạm vi chương trình ấy mà học sinh phải trả đến hai lần tiền cho cùng một sản phẩm, nhưng thói quen hiện hữu quá lâu, lợi nhuận và sức ép đã tạo nên nguồn động lực quá lớn huy động được nhiều người tham gia dạy thêm, học thêm.

Nó đủ sức đè bẹp các chủ trương khác, đến nỗi nhiều giải pháp hiện hành chỉ đạt mục đích trấn an nhau rằng các lớp học thêm đều có đơn cá nhân tự nguyện….

Như vậy vấn đề đặt ra ở đây không thể chỉ dừng lại ở những giải pháp nhằm quản lý dạy thêm, học thêm như hiện nay, không nên chỉ lo đối phó và cực đoan tìm cách triệt tiêu nó.

Nhìn sâu – rộng – xa hơn, chúng ta phải có những chiếc lược nhằm từng bước trả nó về vị trí “thêm” đúng nghĩa, nghĩa là phải khôi phục những cái chính để cái thêm không lấn át cái chính.

Sau đây xin đưa ra một số giải pháp cho vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay:

1. Việc cải tổ chương trình giáo dục phải nhanh và tích cực hơn nữa, không thể chờ 5 năm cho bậc Tiểu học – 4 năm cho Trung học Cơ sở – 3 năm cho Trung học Phổ thông, mà phải bổ sung ngay trong một năm bằng kiến thức tiền đề có tính nền tảng, rồi sau đó tiếp tục chỉnh lý cho hoàn thiện lớp và bậc học. 

Phải thay đổi tư duy về quản lý dạy thêm – học thêm    ảnh 3

Cho phép dạy thêm trên tinh thần tự nguyện, nhưng thế nào là tự nguyện?

Giảm bớt nội dung các bộ môn, tránh trùng lặp, không sa đà lý thuyết hàn lâm mà đi sâu vào thực hành làm tăng tính thực dụng cho người học.

Kiến thức trong Sách giáo khoa cũng nên là khung, người khai thác dạy và người học lấy đó làm bậc thềm để vào sâu hơn bên trong nhờ mạng truyền thông.

Việc đổi mới phương pháp dạy học phải cụ thể, có chương trình tập huấn trung và dài hạn cho giáo viên bằng các lớp tái đào tạo tại các trường Sư phạm.

Tránh tình trạng thả lỏng cho giáo viên tự tìm tòi, hoặc Bộ tập trung các chuyên viên sở tập huấn 10 ngày – Sở tập huấn cho trường 3 ngày – trường nói lại với giáo viên 1 ngày – giáo viên thì không mặn mà đổi mới.

Do đó, đòi hỏi phải kết nối có hiệu quả giữa chương trình dạy – bài giảng – mạng thông tin, làm tăng khả năng nghiên cứu và truy cập của cả người dạy cùng người học.

2. Phải có một chương trình sinh hoạt học đường với nội dung phong phú, cùng với phương cách tổ chức sinh động ngang bằng chương trình dạy chữ bộ môn.

Tổ chức tập huấn trang bị kiến thức xã hội và kỹ năng sinh hoạt đủ cho mỗi giáo viên trở thành một thủ lĩnh thanh thiếu niên. Tạo điều kiện về phương tiện cho giáo viên cập nhập thông tin để việc giáo viên kỹ năng như là phần việc giao lưu thầy – trò gắn liền với tiết dạy bộ môn.

Các trường học nên giảm dần đến chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm, ngoài các tiết học chính khóa, không gian và thời gian của trường học phải dành để phục vụ cho học sinh:  vui chơi – giải trí – sinh hoạt tập thể - đọc sách – truy cập thông tin mạng – múa hát dân gian – tiếp cận với các mô thức khởi nghiệp và lập thân…

3. Trong điều kiện công nghệ thông tin được phát triển hiện nay cần thiết phải có một kênh truyền hình chuyên ngành giáo dục, hàng ngày trên kênh này có nhiều chương trình phục vụ cho mọi người liên quan đến giáo dục như:

Những bài giảng chạy song song với bộ môn thực hiện ở trường học các cấp, Khoa học Tâm lý Giáo dục dành cho giáo viên và cha mẹ học sinh, các cuộc thi đố vui để học, các lớp học ngoại ngữ, các bài học về nữ công gia chánh, các chủ đề về hội họa và âm nhạc, các tác phẩm văn học, các bài ôn luyện vào các kỳ thi…

Kênh truyền thông này chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều người quan tâm đến giáo dục, trong đó lực lượng học sinh sẽ xác lập và khôi phục được tập tính tự học tự rèn luyện, thì nhu cầu học thêm như hiện nay sẽ giảm.

4. Việc thay đổi thang lương cho ngành Giáo dục cũng cần phải tính đến vì giáo dục gắn liền với phát triển mọi mặt của quốc gia; không nên để lực lượng giáo viên có mức sống thấp, lại càng không nên cổ súy cho triết lý rằng "làm nghề dạy học thì phải chấp nhận nghèo".

Phải thay đổi tư duy về quản lý dạy thêm – học thêm    ảnh 4

Dạy thêm tại trường, tự nguyện hay ép buộc tự nguyện?

Không thể không thừa nhận phần tích cực của dạy thêm – học thêm, nhưng không thể dửng dưng bàng quang khi độ lớn và bề ngang của dạy thêm, học thêm đang khuynh loát không gian trường học, làm suy giảm mục tiêu và nội dung giáo dục quốc gia.

Những người có trách nhiệm quản lý phải tìm mọi cách vực dậy các hoạt động chính khóa trong trường học, đừng để cơn lốc tài chính tạo nên những vách ngăn sự phát triển lành mạnh.

Chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải diễn ra quyết liệt và nghiêm cẩn, đó là sự tồn tại và thăng tiến quốc gia.

Phải tái cấu trúc hoạt động giáo dục để tạo lực và thế cho công cuộc phát triển đất nước, không nên cứ loay hoay với những giải pháp tình thế. Nếu tạo ra sự đồng thuận và liên kết toàn xã hội, chắc chắn hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ đi vào ngã rẽ, vị trí của nó là dự bị và bổ sung.

Tạ Quang Sum