Thời gian vừa qua, dư luận đang bất bình về việc làm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa vi phạm các quy định của pháp luật trong gói thầu “Mua sắm bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong nhà cho học sinh 5 tuổi các trường mầm non năm 2016”.
Dù đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về việc khắc phục các sai phạm trong lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lần 1, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục triển khai, vi phạm các điều cấm trong Luật Đấu thầu khi làm công tác đấu thầu lại lần 2.
Việc khắc phục các sai phạm trong lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lần 1 chưa xong, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục vi phạm pháp Luật, vi phạm các điều cấm trong luật đấu thầu khi làm công tác đấu thầu lại lần 2 (ảnh MC) |
Cụ thể, ngày 28/07/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu “Mua sắm bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong nhà cho học sinh 5 tuổi các trường mầm non năm 2016”. Thời hạn nộp Hồ sơ dự thầu vào ngày 18/08/2016. Đây là gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Trong quá trình triển khai gói thầu, hai nhà thầu tham gia mua hồ sơ mời thầu gồm Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức và Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Nam Hoa có phản ánh về việc nhiều điều bất hợp lý trong cách lập hồ sơ mời thầu.
Những điểm bất hợp lý đó là, tại hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu phải có ít nhất 6 nhân viên có trình độ Đại học ngành mầm non và cơ khí, và đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Nếu không đủ 6 người, hồ sơ dự thầu sẽ lập tức bị loại.
Có thể nói, đây là một yêu cầu mang tính thách đố, gây khó khăn cho nhà thầu, trong khi đó việc này cũng không hẳn là bắt buộc?
Tiếp đó, chủ đầu tư lại vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu khi lập hồ sơ mời thầu.
Thể hiện ở việc chủ đầu tư tiếp tục yêu cầu về thiết bị tivi phải có giấy cam kết bảo hành của nhà sản xuất.
Với yêu cầu trên, nếu chiếu theo khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu: “Hồ sơ mời thầu chỉ được yêu cầu giấy phép bán hàng, giấy cam kết bảo hành của nhà sản xuất khi hàng hóa có tính chất đặc thù chuyên bịệt, không phải là hàng hóa thông dụng trên thị trường” thì các sản phẩm tivi, đầu đĩa DVD là hàng hóa phổ thông và không cần phải có giấy cam kết của nhà sản xuất.
Lấy đâu ra doanh thu hơn 500 tỷ đồng/năm cho “siêu dự án” công viên văn hóa?(GDVN) - "Đây chỉ là con số ước lệ để nhà đầu tư tham khảo. Nếu nhà đầu tư đồng ý theo quy hoạch thì họ phải tính toán lại chứ không thể áp dụng con số đó được". |
Không những vậy, chủ đầu tư còn yêu cầu các nhà thầu phải chuẩn bị bộ mẫu thiết bị để khi có yêu cầu phải mang đến trình tại sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa (một yêu cầu đã từng mắc sai lầm trong hồ sơ mời thầu năm 2012)
Vào năm 2012, yêu cầu trên đã từng bị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt ra Công văn số 6646/UBND/THKH, ngày 17/09/2012 gửi đến Sở Giáo dục tỉnh Thanh Hóa yêu cầu hủy kết quả gói thầu “Thiết bị mầm non năm 2012” vì lý do hồ sơ mời thầu không đảm bảo tính cạnh tranh.
Trong lần mời thầu ngày 18/11/2016 (lần 2), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa không tiếp thu những sai lầm đã từng vướng phải mà còn tiếp tục đưa ra những yêu cầu bất hợp lý nhằm hạn chế nhà thầu, không khách quan trong việc cạnh tranh trong đấu thầu.
Cụ thể, tại trang 28, mục CDNT 5.3, bảng dữ liệu đấu thầu, chương II, trong Hồ sơ mời thầu lần 2 có ghi rõ yêu cầu :
Đối với hàng hóa chào thầu (Không bao gồm Tivi và Đầu đĩa), Nhà thầu phải cung cấp các tài liệu sau :
Đối với Tivi chào thầu, Nhà thầu phải cung cấp tài liệu sau: Giấy xác nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất phù hợp tiêu chuẩn TCVN 6385-1998.
Trên thực tế, yêu cầu về tiêu chuẩn này đã không còn phù hợp và bị hủy bỏ vào ngày 31 tháng 12 năm 2009 và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn mới TCVN 6385-2009 để thay thế.
Đối với các thiết bị như: Tủ, Giá, Kệ, Bàn, Ghế, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu cung cấp bản sao chứng thực giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia TCVN 6238-1:2011, TCVN6238-2:2008, TCVN6238-3:2011 về an toàn đồ chơi trẻ em còn hiệu lực đối với các thiết bị Tủ, Giá, Kệ, Bàn, Ghế của nhà sản xuất.
Trong khi đó, quy định tại tiêu chuẩn TCVN 6238-2:2008 về an toàn đồ chơi trẻ em và yêu cầu chống cháy có ghi rõ, tiêu chuẩn này chỉ áp dụng đối với các vật liệu dễ cháy bị cấm trong tất cả các loại đồ chơi.
Theo đó, những yêu cầu có liên quan đến tính dễ bốc cháy của một số đồ chơi nhất định khi đặt chúng vào một nguồn cháy nhỏ gồm có:
Đồ chơi mang trên đầu như: râu, ria, tóc giả v.v, được làm từ tóc, lông hoặc vật liệu có những đặc điểm tương tự, mặt nạ đúc và mặt nạ bằng vải; mũ trùm đầu, mũ kiểu v.v, các chi tiết rủ xuống của đồ chơi mang trên đầu, loại trừ các loại mũ làm bằng giấy hay được dùng trong lễ hội; Quần áo hóa trang đồ chơi và đồ chơi để trẻ mặc vào khi chơi; Đồ, chơi để trẻ chui vào; Đồ chơi nhồi mềm (con thú hoặc búp bê, v.v.) có bề mặt có lông tuyết hoặc bề mặt bằng vải…
Vì vậy, tiêu chuẩn trên không thể áp dụng đối với các thiết bị Tủ, Giá, Kệ, Bàn, Ghế như yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.
Với những điểm bất hợp lý trong gói thầu, trước đó, ngày 17/08/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 9204/ UBND-VX về việc đình chỉ đấu thầu đối với gói thầu số 2 mua sắm bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong nhà cho học sinh 5 tuổi các trường mầm non 2016.
Tại công văn này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo trực tiếp đối với Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu đình chỉ đấu thầu đối với gói thầu 02 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư do gói thầu này đã vi phạm quy định tại khoản 2 ,điều 123, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, ngày 26/06/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo lập, thẩm định, phê duyệt lại hồ sơ mời thầu của gói thầu số 02 nêu trên để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.
Công văn 9204/UBND-VX về việc đình chỉ dấu thầu đối với gói thầu số 2 của UBND tỉnh Thanh Hóa (ảnh MC) |
Tiếp đó, ngày 16/01/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa lại có Công văn số 582/UBND-CN về việc giải quyết kiến nghị hủy bỏ hồ sơ mời thầu (lần 2) gói thầu số 2 của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tạm dừng thực hiện các bước tiếp theo của quá trình lựa chọn nhà thầu. Rà soát lại hồ sơ mời thầu và quá trình tổ chức đấu thầu, báo cáo kết quả về Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 25/1/2017.
Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa vẫn để nhà thầu tiến hành các bước tiếp theo. Thể hiện tại biên bản nghiệm thu ngày 21/1/2017 giữa công ty TNHH thiết bị giáo dục và đồ chơi Tràng An cùng 2 trong số đơn vị thụ hưởng là Trường mầm non Đông Tân và Trường mầm non Quảng Đông (TP. Thanh Hóa).
Công văn số 582/UBND-CN về việc giải quyết kiến nghị hủy bỏ hồ sơ mời thầu (lần 2) gói thầu số 2 (ảnh MC) |
Bên cạnh đó, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa không thông báo kết quả theo quy định tại Điều 43, khoản 2, Luật Đấu thầu và khoản 6, Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, ngày 6/6/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cương, Trưởng phòng kế hoạch tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa) cho biết, gói thầu trên vẫn tiếp tục triển khai bình thường.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai bình thường thôi, còn có vấn đề gì anh cứ sang Sở Kế hoạch và Đầu tư, họ đã trả lời là không có vấn đề gì cả", ông Lê Văn Cương, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết.
Trước những biểu hiện sai phạm trong quá trình tổ chức đấu thầu, làm ngơ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý những sai phạm của chủ đầu tư (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa).