Lấy đâu ra doanh thu hơn 500 tỷ đồng/năm cho “siêu dự án” công viên văn hóa?

26/02/2017 07:24
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Đây chỉ là con số ước lệ để nhà đầu tư tham khảo. Nếu nhà đầu tư đồng ý theo quy hoạch thì họ phải tính toán lại chứ không thể áp dụng con số đó được".

Nhiều câu hỏi cần lời giải đáp

Đã rất nhiều lần dư luận, báo chí cảm thấy “giật mình” khi nhắc tới cụm từ “hội chứng xây dựng công trình nghìn tỷ” có sử dụng tiền ngân sách. 

Thực tế, hiệu quả khai thác nhiều công trình, trong đó có cả công trình văn hóa, lịch sử chưa xứng tầm thậm chí tỉ lệ nghịch với quy mô và tổng vốn đầu tư dự án.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh giá mô hình công viên văn hóa xứ Thanh (ảnh: Thanhhoa.gov.vn)
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh giá mô hình công viên văn hóa xứ Thanh (ảnh: Thanhhoa.gov.vn)

Nếu xét về mục đích, ý tưởng dự án công viên văn hóa xứ Thanh, có dự toán mức đầu tư theo dự toán hơn 2.000 tỷ đồng (hai nghìn tỷ đồng) có lẽ chẳng mấy ai phản đối vì, theo lãnh đạo tỉnh này: “Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa; là điểm nhấn về văn hóa, du lịch cho cả tỉnh”.

Và cũng có thể nó sẽ trở thành “công trình nghìn tỷ mang tầm thế kỷ” mà chỉ Thanh Hóa mới có, như ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh này đánh giá.

Nhưng dư luận cũng không phải không có cái lý của họ, thậm chí nhiều người lo lắng rằng, nếu nhìn vào số vốn khái toán theo thiết kế (hơn hai nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 700 tỷ là tiền ngân sách) thì ngân sách nhà nước khó mà đáp ứng được.

Đó là chưa nói đến việc Thanh Hóa còn là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Nhiều năm trở lại đây, Thanh Hóa thường xuyên có công văn xin gạo cứu đói từ Trung ương, thậm chí ngân sách nhà nước phải “viện trợ” vì thu không đủ chi.

Nói một cách dễ hiểu hơn, không ai cấm người nghèo đi vào những siêu thị hạng sang để xem những món đồ đắt tiền, nhưng chuyện họ có đủ tiền mua đồ hay không thì lại là chuyện khác.

Một thống kê rất đáng chú ý, năm ngoái, Thanh Hóa có 9 huyện và 15.400 hộ dân xin hỗ trợ 650 tấn gạo. Câu hỏi đặt ra là, nhân dân liệu có thể “bóp bụng”, dành tiền đi chơi ở những nơi mà chỉ có người có tiền mới dám đến?

Trong trường hợp này, tác giả bài viết cho rằng, đây rõ ràng là vấn đề cấp bách mà lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu, tính toán kỹ nếu có chủ trương xin/dùng tiền ngân sách để đầu tư dự án trong thời điểm hiện tại.

Mặt khác, nếu xét về góc độ kinh tế, thì công trình này không thể hiện rõ nét hiệu quả. Cho nên, khi đề cập tới hiệu quả kinh tế (lợi nhuận) theo tính toán của chủ đầu tư (dự kiến chi phí hoạt động mỗi năm cho khu công viên văn hoá này rơi vào khoảng 375 tỷ và sẽ thu được 540 tỷ đồng từ tiền bán vé dịch vụ tham quan và các nguồn thu khác) rõ ràng chưa có gì đảm bảo nếu không muốn nói là viễn vông, bất khả thi.

Hay nói cách khác, nhà đầu tư chẳng dại gì bỏ nghìn tỷ để đầu tư dự án nếu chỉ căn cứ vào dự toán doanh thu (540 tỷ) được đơn vị thiết kế “vẽ” ra, trong khi cơ sở khoa học, tính khả thi dự án chưa được đánh giá một cách cụ thể, chi tiết.

Một hạng mục của công viên văn hóa xứ Thanh. Ảnh: Quốc Toản.
Một hạng mục của công viên văn hóa xứ Thanh. Ảnh: Quốc Toản.

Nhưng công bằng mà nói, xét về mặt tổng thể, dự án công viên văn hóa Thanh Hóa cũng là một ý tưởng hay, bởi có một nguyên tắc cơ bản luôn đúng trong thực tế rằng, muốn cho người khác nhớ đến mình thì bản thân phải tạo ra ấn tượng hoặc điểm nhấn cụ thể.

Trong trường hợp này, đó là sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh về không gian văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách du lịch, kích cầu đầu tư.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận việc công trình nếu được triển khai, thực hiện, hoàn thành thì lợi thế về việc tạo việc làm, thu nhập cho lao động; việc cải thiện nhận thức về văn hóa trong cộng đồng cho cư dân khu vực lân cận sẽ được cải thiện đáng kể.

Hay nói theo cách nói của ông Ngô Văn Tuấn: “Phải táo bạo để có những công trình mang tầm thế kỷ, tạo điểm nhấn để hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút khách du lịch cho tỉnh nhà”. 

Và đôi khi trong suy nghĩ của không ít người dân thì việc “tạo điểm nhấn” có khi chỉ xuất phát sự ganh tỵ giữa tỉnh này với tỉnh nọ chỉ vì “tỉnh ông có mà tỉnh tôi chưa có”,

Cũng cần nói thêm rằng, thực tế, trên thế giới, không ít

Lấy đâu ra doanh thu hơn 500 tỷ đồng/năm cho “siêu dự án” công viên văn hóa? ảnh 3

Tỉnh nghèo Thanh Hoá lại định xây công viên văn hoá hơn 2.000 tỷ đồng

trung tâm văn hóa lớn (Trung tâm văn hóa thế giới King Abdulaziz của SNØHETTA ở Dhahran, Saudi Arabia, Trung tâm văn hóa Stavros Niarchos, Renzo Piano Ở Hy Lạp...) đã ghi điểm trong lòng du khách bởi sức hút từ sự tráng lệ, đồ sộ, nguy nga của những công trình này.

Chả nói đâu xa, công trình Nhà hát lớn, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, lăng Chủ tịch Hồ Chính Minh (Hà Nội)… là những công trình kiến trúc, văn hóa, là điểm nhấn về văn hóa, du lịch, mang tầm vóc của Việt Nam.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là, địa phương tính toán phương án đầu tư, và đầu tư như thế nào cho có hiệu quả? Trong khi thực tế cho thấy, rất nhiều công trình văn hóa trên phạm vi cả nước có “tuổi thọ” không cao, một số công trình có hiệu quả khai thác thấp. 

Việc Thanh Hóa muốn tạo điểm nhấn về văn hóa du lịch là cần thiết, nhưng điểm nhấn đó có gì đặc biệt với các địa phương khác để người ta nhớ tới, chứ không phải khách chỉ đến một lần rồi thôi?

Hay nói cách khác, nếu công viên văn hóa xứ Thanh không có gì đặc biệt về kiến trúc văn hóa so với các vùng miền, hay chí ít là không đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, tham quan, học tập của người dân thì những tính toán về doanh thu của dự án sẽ trở nên phi thực tế hơn bao giờ hết.

Ý tưởng tốt, nhưng…

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc Thanh Hóa đưa ra ý tưởng về công trình văn hóa là việc tốt.

Tuy nhiên để quy mô dự án phù hợp với tình hình ngân sách (nếu có), đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình đầu tư, vận hành, quản lý là điều cần phải xem xét cụ thể.

“Một số địa phương có điều kiện về ngân sách như Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì chuyện xây dựng công trình có quy mô, vốn đầu tư lớn có sử dụng ngân sách không phải là vấn đề đáng bận tâm cho lắm!

Đối với Thanh Hóa, tôi ủng hộ ý tưởng có tính táo bạo của lãnh đạo tỉnh.

Nhưng việc táo bạo phải gắn với hiệu quả và trách nhiệm của lãnh đạo khi thực hiện chủ trương đầu tư, hiệu quả đầu tư trong trường hợp sử dụng tiền ngân sách.

Do đó, địa phương nên cân nhắc sử dụng kinh phí từ ngân sách (nếu có) trong điều kiện kinh tế của tỉnh cũng như ngân sách nhà nước thời điểm hiện tại.

Bài học cho thấy rất nhiều công trình văn hóa có sử dụng vốn ngân sách nhưng hiệu quả đầu tư không cao vẫn còn nguyên giá trị để tham khảo", PGS.TS Bùi Thị An cho hay.

PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang).
PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang).

Vị nguyên Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, trong trường hợp, nếu dự án sử dụng phần vốn do ngân sách thì địa phương cần có giải pháp quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư để trong quá trình thực hiện dự án tránh bị thất thoát.

"Trong trường hợp này (phương án dùng tiền ngân sách), lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần thiết phải cam kết chịu trách nhiệm về việc quản lý nguồn vốn, hiệu quả của dự án, tránh trường hợp “cha chung không ai khóc”, hoặc rơi vào tình trạng công trình nghìn tỷ nhưng tuổi thọ chỉ đếm trên đầu ngón tay”, PGS.Bùi Thị An nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích thêm: “Nói về như cầu, thì việc xây dựng công viên là cần thiết bởi đó là không gian sinh hoạt văn hóa công cộng đồng...

Nhưng nếu nhận định dự án văn hóa tạo động lực thu hút đầu tư thì chưa chuẩn, bởi chủ đầu tư không phải vì điều này mà họ đưa ra quyết định đầu tư.

Quan trọng là phải xem chủ đầu tư cần gì? mặt bằng, hệ thống giao thông đã đảm bảo chưa?

Với những công trình có tổng vốn đầu tư lớn (theo dự toán), chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ hiệu quả sinh lời dự án, chứ không thể căn cứ vào con số khái toán nói trên để đưa ra quyết định đầu tư được”, ông Liêm nói.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cam kết không dùng tiền ngân sách làm dự án

Cần phải nhắc lại rằng, còn quá sớm để nói về vấn đề quản lý nguồn vốn, hiệu quả đầu tư dự án nghìn tỷ này.

Tuy nhiên những bài học nhãn tiền với hàng loạt các công trình nghìn tỷ đắp chiếu, có sử dụng vốn ngân sách, khiến không ít người băn khoăn, lo lắng về tuổi thọ của những “siêu dự án” đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Trong thời điểm ngân sách có hạn, liệu Thanh Hóa có đáp ứng được nhu cầu khi thực hiện dự án này?

Về việc này, hôm 25/2, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa

Lấy đâu ra doanh thu hơn 500 tỷ đồng/năm cho “siêu dự án” công viên văn hóa? ảnh 5

Vì sao lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa muốn có công trình nghìn tỷ, mang tầm thế kỷ?

khẳng định lại rằng, địa phương sẽ không dùng tiền ngân sách như trong dự toán thiết kế đưa ra.

“Chủ trương của tỉnh là không dùng tiền ngân sách.

Theo đó, chủ đầu tư phải tự bỏ tiền và khai thác kinh doanh nếu dự án được duyệt, triển khai.

Trường hợp, nếu khi chọn xong phương án kiến trúc trên có sở sự đóng góp ý kiến của nhân dân, và chủ đầu tư thấy tính khả thi của dự án, thì chúng tôi sẽ cho họ làm.

Theo quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), luật xây dựng, luật đấu thầu, tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét lựa chọn nhà đầu tư, thông qua đấu thầu dự án.

Ai nộp được nhiều ngân sách cho nhà nước người đó sẽ được làm.

Quan điểm của tỉnh là “lấy nó nuôi nó”, tức là cho phép doanh nghiệp đầu tư, quản lý khai thác, sử dụng công trình sau khi hoàn thiện. Đây là hình thức doanh nghiệp bỏ tiền ra để đầu tư, kinh doanh theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu”. 

Cái quan trọng nhất là chủ đầu tư tính toán được phương án đầu tư, hiệu quả kinh doanh.

Còn việc anh khai thác như thế nào từ công trình đó để đảm bảo hiệu quả kinh tế là việc của anh. Tỉnh chỉ quản lý về kiến trúc và quy hoạch’, ông Tuấn nói.

Vị Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định, dự án sẽ được thực hiện dù sớm hay muộn vì đã nằm trong quy hoạch chung, được Thủ tướng phê duyệt.

Một vấn đề đáng lưu ý khác, theo tính toán của chủ đầu tư, dự kiến chi phí hoạt động mỗi năm cho khu công viên văn hoá này rơi vào khoảng 375 tỷ và sẽ thu được 540 tỷ đồng từ tiền bán vé dịch vụ tham quan và các nguồn thu khác.

Vậy việc tính toán này dựa trên cơ sở khoa học nào?

Trả lời vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, đây là số liệu mang tính tham khảo: “Con số này là do đơn vị thiết kế đưa ra.

Quan điểm của tỉnh là không trưng bày mô hình dự án để xin ý kiến về tiền. Chỉ khi dự án được phê duyệt thì mới tính toán được cụ thể số tiền đầu tư.

Đó là cả một bài toán về kinh tế lớn chứ không thể nói chừng như vậy được. 

Giải thích rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tùng, Trưởng ban quản lý dự án quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng Thanh Hóa) cho biết, số vốn đầu tư theo tổng dự toán chỉ là số liệu tổng dự toán và doanh thu chỉ là ý tưởng khi thiết kế.

“Đó là giải trình của tác giả/nhà thiết kế đối với ý tưởng của họ. 

Việc tính toán kinh phí cho các hạng mục đầu tư đang ở dạng ý tưởng. Ý tưởng này được “bốc thuốc” theo đơn giá các hạng mục đầu tư quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phần doanh thu và chi phí khi công trình vận hành khai thác là do nhà thiết kế tự tính toán và đưa ra ước tính.

Tuy nhiên cần phải tính toán lại tổng dự toán và hiệu quả sinh lời dự án vì có thể còn nhiều điểm chưa sát với thực tiễn. 

Mặt khác, đây chỉ là con số đưa ra để nhà đầu tư tham khảo. Nếu nhà đầu tư đồng ý theo quy hoạch thì họ phải tính toán lại chứ không thể áp dụng con số đó được.

Bởi lẽ, khi nhà đầu tư bỏ tiền tỷ để thực hiện dự án, họ sẽ tính toán lại vốn, hiệu quả kinh tế dự án”, ông Tùng cho biết.

QUỐC TOẢN