LTS: Ngày nay, trẻ chứng kiến những lời nói dối từ chính cha mẹ và thầy cô của mình. Không những thế, một số đứa trẻ còn được “người lớn” dạy cho phải nói dối như thế nào.
Cô giáo Đỗ Quyên phản ánh thực trạng đáng buồn này đang diễn ra tại nhiều gia đình và trường học.
Liệu những đứa trẻ lớn lên trong sự dối trá như vậy thì tương lai sẽ như thế nào và giải pháp của vấn đề này là những điều tác giả nêu lên trong bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trẻ luôn được người lớn dạy rằng “Nói dối là xấu”, thế nhưng không ít cha mẹ, thầy cô vẫn hàng ngày nói dối trẻ một cách tự nhiên.
Bị vây hãm trong những “gọng kìm” giáo dục như thế, những đứa trẻ lớn lên cũng sẽ trở thành “bản sao” của chính người lớn.
Trẻ được dạy nói dối cả khi ở nhà và trên lớp. (Ảnh: Tuoitre.vn) |
Ở gia đình
Trong gia đình, ba mẹ vẫn thường xuyên nói dối con cái ngay từ khi các em còn bé tí. Chẳng hạn để muốn con ăn nhanh, nhiều mẹ thường dụ dỗ con “Ăn xong mẹ sẽ chở đi công viên”; hay “Mẹ sẽ mua đồ chơi đẹp”…
Và ngày này qua ngày khác, những lời hứa suông của mẹ chẳng bao giờ thực hiện.
Có mẹ còn khoe việc nói dối của mình với con như một “chiến tích”. Một chị bạn kể rằng, hôm chị chở cậu con trai 4 tuổi đi uống cà phê về trễ, sợ chồng la, chị đã dặn con:
“Nếu về, ba có hỏi đi đâu đừng nói mẹ đi uống cà phê nhé. Con cứ nói mẹ đi làm việc”.
Vừa về đến nhà, cậu con trai chạy lại bên bố bi bô: “Ba ơi! Con không nói sáng nay mẹ đi uống cà phê đâu ạ”.
Một người mẹ khác nghe điện thoại, không biết đầu dây bên kia nói gì, chỉ nghe chị trả lời: “Chị không có nhà em ạ, chị đang đi làm việc nên không tới được”.
Cô con gái ngồi bên nhìn mẹ thắc mắc “Mẹ ở nhà sao lại nói đi làm? Người lớn nói dối là xấu lắm đấy”. Chị gạt phắt mắng con “Con nít biết gì mà nói”.
Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện ba mẹ nói dối con, ba mẹ nói dối nhau trước mặt con cái.
Tới trường
Lớn lên khi bé đến trường, không ít thầy cô cũng dạy trẻ nói dối. Thôi thì đủ kiểu nói dối mà giáo viên áp dụng. Có thể kể ra những chuyện điển hình nhất như việc thanh tra dự giờ.
Vì không muốn bị đánh giá giờ học không đạt nên giáo viên thường đưa ra một số câu hỏi để tập cho các em trả lời, có người dạy luôn bài học ấy, có người đưa ra một số tình huống để các em hỏi giáo viên trong tiết dạy…
Nói chung, các em đã được học trước và chỉ việc diễn lại trong tiết dự giờ như mới học lần đầu.
Ngay từ lớp 2, học sinh đã được học viết đoạn văn ngắn tả người thân trong gia đình. Có thể nói để hướng dẫn các em viết được một đoạn văn không phải dễ, nhiều học sinh không thể viết nổi được vài ba dòng.
Do áp lực về chỉ tiêu chất lượng học tập, một số giáo viên đã cho các em học thuộc văn mẫu để chép lại. Thế mới có chuyện, ba, mẹ chỉ là nông dân nhưng được các em tả là kĩ sư, là phi công hay là thầy cô giáo.
Hoặc bà nội, bà ngoại của nhiều em tuổi chỉ tầm 40 nhưng các em tả trong bài phải hơi 70 tuổi, ăn trầu, răng rụng móm mém, quấn khăn, mặc quần áo bà ba…
Vì muốn có thành tích cho trường trong các kì thi Violympic không ít giáo viên đã làm thay bài cho trò để các em đủ điều kiện đi thi.
Những cuộc thi như sáng tạo trẻ thơ phần lớn sản phẩm thiết kế ra cũng do giáo viên tự làm mà học sinh chỉ việc đứng tên.
Không ít giáo viên dạy thêm lén lút, sợ bị phát hiện đã dặn dò các em “Ai hỏi có đi học thêm không phải nói là không có nghe chưa?”
Hay tới lớp học thêm được thầy cô cho giải đề na ná đề sẽ kiểm tra trên lớp, thầy cô thường dặn trò đừng để cho ai biết.
Một số giáo viên sợ lớp chủ nhiệm bị tụt hạng nên thường dặn học sinh che dấu những khuyết điểm mà một vài thành viên trong lớp mắc phải như đi trễ, nghỉ học không lý do, không mang khăn quàng…
Những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã được giáo dục trong một môi trường không tốt, đã thấy những việc làm của cha mẹ, thầy cô như thế thì liệu chúng có đủ bản lĩnh để tự thoát ra khỏi vòng vây của sự dối trá? Câu trả lời là rất khó.
Ai cũng biết, nói dối là một thói quen xấu trong cuộc sống cần được khắc phục, nhưng khắc phục như thế nào cho hiệu quả trong khi chính người lớn vẫn thường xem chuyện nói dối của mình là bình thường?
Để thay đổi điều này phải bắt đầu từ những người lớn.