Sức hút Donald Trump

03/03/2017 14:07
Ngọc Việt
(GDVN) - Sự tác động mạnh mẽ của hiệu ứng Trump khiến việc té nước theo mưa của những nhà đầu cơ cơ hội hết tác hiệu.

Chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục kể từ khi tỷ phú Trump đắc cử 

Truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh và lập kỷ lục mới sau khi Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội.

Điều này khiến cho thị trường vốn của Mỹ nối dài chuỗi phá kỷ lục liên tục kể từ khi vị tỷ phú bất động sản thắng cử và trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Theo đó chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 300 điểm, lần đầu vượt mốc 21.000 điểm, S&P500 tăng 1,5%, có thời điểm vượt 2.400 điểm trong khi chỉ số Nasdaq cũng vọt tăng 1,4%.

Như vậy là thị trường chứng khoán Mỹ đã thiết lập mức kỷ lục mới, khi ghi nhận sự tăng điểm mạnh mẽ của cả 3 chỉ số chính là Dow Jones, S&P500 và Nasdaq. [2] 

Cũng nên nhắc lại rằng, vào đầu phiên giao dịch ngày ngày 9/11 – sau khi ông Trump được tuyên bố thắng cử - trên thị trường chứng khoán Mỹ, cả ba chỉ số chính đồng loạt giảm điểm trong thời gian ngắn.

S&P 500 có lúc giảm 0,8%, Dow Jones giảm 0,31%. Tuy nhiên sau đó các chỉ số đồng loạt tăng điểm trở lại và tăng đều đặn khi khoảng thời gian giao dịch dần kết thúc.

Tổng thống Donald Trump, ảnh: Getty Image.
Tổng thống Donald Trump, ảnh: Getty Image.

Chốt phiên giao dịch đầu tiên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 57, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 256,95 điểm tương đương 1,4% lên 18.589,69 điểm.

Chỉ số S&P 500 tăng 23,70 điểm tương đương 1,11% lên mức 2.163,26 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 57,58 điểm tương đương 1,11% lên 5.251,07 điểm.

Điều đó cho thấy tình hình không ảm đạm như dự báo trước đây.

Tình hình lạc quan khiến thị trường chứng khoán Mỹ tiếp đà tăng điểm và đạt mức kỷ lục sau hai tuần ông Trump được bầu làm Tổng thống, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones trên sàn chứng khoán Mỹ đã đạt trên mức 19.000 điểm trong phiên giao dịch hôm 22/11/2016.

Đây là lần đầu tiên Dow Jones chạm mức kỷ lục 19.000 điểm trong lịch sử 131 năm của chỉ số này. 

Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 67,18 điểm, tương đương với 0,4%, lên mức 19,023.87 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 4,76 điểm, tương đương 0,2%, chốt phiên giao dịch ở 2202,94 điểm.

Chỉ số Nasdaq tăng 17,49 điểm, tương đương 0,3%, lên 5.386,35 điểm. Dow Jones lập kỷ lục 6 lần chỉ trong vòng 2 tuần khiến nhiều chuyên gia tài chính ngạc nhiên. [1] 

Xu thế này trái với những xáo trộn, thậm chí là có phần hỗn loạn trong đời sống chính trị cũng như đời sống xã hội Mỹ phản ứng tiêu cực sau khi ông Trump đắc cử và với những quyết định đầu tiên của ông trong vai trò Tổng thống Mỹ.

Những nhà đầu tư đã quyết định đặt niềm tin vào vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ. Đó có phải là những quyết định mạo hiểm?

Giới đầu tư không còn niềm tin vào truyền thông và chính trị truyền thống Mỹ – những tác nhân quan trọng với môi trường đầu tư

Có lẽ việc giới truyền thông Mỹ không chỉ đánh mất niềm tin của ông chủ Nhà Trắng mà nhiều người Mỹ, trong đó có những nhà đầu tư Mỹ, cũng không còn niềm tin vào giới truyền thông xứ cờ hoa.

Điều đó một phần do giới truyền thông tại Mỹ luôn gắn liền quyền lợi với giới tinh hoa của nước Mỹ - những người không xem chiến thắng của ông Trump là đáng tự hào cho Hoa Kỳ.

Sức hút Donald Trump ảnh 2

Trung Quốc đạo diễn vở kịch “nghiêm trọng hóa” giảm quỹ dự trữ ngoại hối

(GDVN) - Trung Nam Hải cứ té nước theo mưa, cảnh báo nguy hại do CNY giảm và tiếp tục tung tiền cứu, từ đó cố kéo dài thời gian hưởng lợi trước khi Trump ra đòn.

Từ đó giới truyền thông đã không theo kịp những đổi thay trong đời sống xã hội Mỹ khi ông Trump chính thức tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.

Điều đó khiến truyền thông Mỹ bị việt vị khi ông Trump thắng cử. Không hân hoan với chiến thắng của vị tỷ phú bất động sản, giới truyền thông thậm chí đã quay lưng với vị Tổng thống 45 của nước Mỹ.

Từ việc tung thông tin đến phân tích xu thế của đời sống xã hội Mỹ, trong những ngày đầu tiên sau khi ông Trump chiến thắng cũng như những ngày đầu tiên của triều đại Trump, giới truyền thông Mỹ đều khai thác khía cạnh tiêu cực, thậm chí ảm đạm hoá tình hình.

Tình hình bất ổn do những người phản đối Trump gây ra tại Mỹ, có tác động không nhỏ từ giới truyền thông.

Giới truyên thông Mỹ đi đầu là CNN, The New York Times đã cổ vũ, thậm chí tham gia, việc tái điều tra những yếu tố bị xem là có tác động tới bầu cử Mỹ mà nhờ đó ông Trump thắng cử.

Tuy nhiên, khi thực tế chứng minh ông Trump được dân Mỹ lựa chọn và kế hoạch hành động của Trump là vì “nước Mỹ vĩ đại trở lại” thì giới truyền thông Mỹ đã nhận ra mình lố quá đà.

Còn giới chính trị truyền thống Mỹ - lực lượng nòng cốt của giới tinh hoa Mỹ - cho dù nghi ngờ chiến thắng của Trump, nghi ngại khả năng điều hành đất nước của Trump cũng đã dần thấy mình hụt hơi, cho dù họ có công cụ hữu hiệu – hệ thống luật pháp – để kiềm chế Trump.

Điều đó cho thấy giới tinh hoa Mỹ ngày càng lệch pha với phần đông cộng đồng người dân Mỹ. Đó là những thực tế tác động không nhỏ tới giới đầu tư Mỹ.

Với những người đầu cơ cơ hội – chủ yếu làm giàu cho cá nhân, tổ chức mình – điển hình như tỷ phú George Soros thì đã thất bại trước hiệu ứng Trump tạo ra trong đời sống chính trị và đời sống xã hội Mỹ.

Sự tác động mạnh mẽ của hiệu ứng Trump khiến việc té nước theo mưa của những nhà đầu cơ cơ hội hết tác hiệu.

“Tỷ phú G. Soros đã mất gần 1 tỷ USD bởi hiệu ứng không thể dự báo trên thị trường chứng khoán Mỹ, do nhận định sai về cuộc bầu cử Tổng thống.

Ông nhận diện sai hiệu ứng từ phong vũ biểu – thị trường chứng khoán – sau khi cuộc bầu cử có kết quả.

Vì vậy ông Soros bị thua lỗ rất đậm, đến cuối năm 2016 ông Soros phải thoát vốn ở một số hạng mục để tránh thua lỗ thêm”.[3]

Nhưng với những nhà đầu tư thực sự - kết hợp làm giàu cho bản thân với làm giàu cho xã hội, đất nước Mỹ - điển hình như tỷ phú Bill Gates thì họ nhìn thấy sự đổi thay mà Trump tạo ra trong đời sống chính trị và đời sống xã hội Mỹ.

Tỉ phú Bill Gates, ảnh: MSNBC.
Tỉ phú Bill Gates, ảnh: MSNBC.

Đó là xu thế tất yếu với nước Mỹ trong giai đoạn phát triển hiện nay. Do vậy họ có niềm tin vào việc quản lý và điều hành đất nước của Trump. AFP dẫn lời ông Gate khi trò chuyện với MSNBC:

"Cũng giống như cách mà Tổng thống Kennedy đã nói về sứ mệnh của nước Mỹ trong việc chính phục không gian, tôi nghĩ rằng cho dù đó là giáo dục, hay ngăn chặn dịch bệnh…thì đã nhận diện được một thông điệp rất lạc quan từ phương cách quản lý mà Trump sẽ tổ chức”.[4]

Cơ sở khiến giới đầu tư tin tưởng ở Trump

“Thị trường đang đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những nhà đầu tư nên thận trọng, bởi tới thời điểm này, tất cả mới chỉ dừng lại ở những lời hứa và cam kết.

Những điều chỉnh về chính sách của ông Trump cần phải được Quốc hội thông qua trước khi đi vào thực hiện”.[2]

Như vậy là niềm tin của giới đầu tư vào chính quyền Trump chỉ ở những lời hứa hẹn, những sự cam kết của chính quyền Trump hay ở thông điệp lạc quan từ cách quản lý của Trump như tỷ phú Bill Gates đã nhận diện được?

Cá nhân người viết cho rằng giới đầu tư đặt niềm tin vào Trump là có cơ sở, chứ không chỉ là ở những kỳ vọng mà thôi.

Trong quá trình tranh cử cũng như khi nắm quyền lực, Tổng thống Donald Trump luôn xem việc “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng lợi ích Mỹ, chứ không phải bằng sức mạnh Mỹ hay giá trị Mỹ.

Và để gia tăng lợi ích Mỹ thì với vị Tổng thống doanh nhân là phải lấy lại cho nước Mỹ những gì đã bị đối thủ, đối tác, đồng minh “cướp mất”.

Có thể nhân diện, theo quan điểm của ông Trump, lợi ích của nước Mỹ bị “cướp mất” dưới ba hình thức, đó là bị đối thủ lấy mất ngay tại nước Mỹ, lấy ra khỏi nước Mỹ và ngăn cản dòng lợi ích chảy vào nước Mỹ.

Sức hút Donald Trump ảnh 4

Trung Quốc cứu chiến lược "Made in China 2025" trước nguy cơ phá sản

(GDVN) - Tư duy hàng giá rẻ vẫn chi phối ngay cả ở tầm hoạch định chiến lược tại Bắc Kinh.

Đến giờ phút này người đứng đầu nhà nước Mỹ đã có những hành động, động thái cụ thể nhằm đảm bảo cho lợi ích Mỹ không bị mất trong cả ba hình thức đó.

Thứ nhất, khi nhận diện nước Mỹ là nơi để những người khác đến làm giàu cho cá nhân họ, Tổng thống Trump đã khuyến khích doanh nghiệp Mỹ quay về hoặc gia tăng đầu tư tại Mỹ.

Bên cạnh đó là mở đường cho những nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Mỹ theo phương châm hai bên cùng có lợi, song luôn phải bị điều chỉnh bởi mục đích “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Từ Ford đến Apple, từ Softbank đến Toyota, từ Alibaba đến Samsung…đều đã có kế hoạch gia tăng đầu tư, tạo thêm việc làm tại Mỹ như một lời “Chào mừng Tổng thống Trump”. [5]

Từ việc cam kết đầu tư 100 tỷ vào Mỹ của Softbank đến cam kết tạo ra một triệu việc làm cho người dân Mỹ của Alibaba đều là “người thật việc thật” và bước đầu các kế hoạch đã được triển khai. 

Thứ hai, khi nhận diện những đối thủ lấy lợi ích của người Mỹ mang ra khỏi nước Mỹ, Tổng thống Trump đã xây dựng các hàng rào nhằm ngăn chặn động thái đó.

Từ hàng rào thuế quan xây dựng qua văn bản đến hàng rào xây dựng trên mặt đất đều được ông Trump xem trọng trong việc giữ lại cho nước Mỹ những lợi ích vốn đã bị cướp mất trước đây.

Dù các hàng rào chưa được dựng lên vì nhiều lý do, song những lợi ích rời khỏi nước Mỹ đã giảm dần.

Việc hàng tấn vàng mà Đức rút khỏi Mỹ hay vài tỷ USD mà doanh nghiệp Mexico rút khỏi thị trường Mỹ, không là gì so với những chính sách của các đối tác, đối thủ khi phải gia tăng lợi ích cho nước Mỹ, như cam kết của chính phủ Nhật hay Trung Quốc. [6]

Thứ ba, khi nhận diện nước Mỹ bị thiệt hại vì các đối thủ - thậm chí ngay cả người Mỹ - tạo nhiều rào cản với dòng lợi ích chảy về Mỹ, vị Tổng thống doanh nhân của nước Mỹ đã tìm cách phá rào trong bối cảnh quyền lực của ông còn bị bó tứ bề.

Có thế thấy rằng, đây là một trong những khác biệt lớn nhất giữa Trump so với những người tiền nhiệm của mình.

Khi chính quyền Obama áp trừng phạt Moscow, doanh nghiệp Mỹ phải đứng nhìn doanh nghiệp các nước khác – có cả Trung Quốc và EU - khai thác lợi ích từ xứ sở bạch dương.

Trước bối cảnh đó, chính quyền Trump đã nới lỏng một số trừng phạt để doanh nghiệp Mỹ tại Nga có thể nhập những máy móc, thiết bị quan trọng phục vụ sản xuất kinh doanh, đó là quyết định vì nước Mỹ. [7]

Rõ ràng, thực tế cho thấy Tổng thống Trump đã có những hành động cụ thể nhằm gia tăng lợi ích mà giới đầu tư đã nhận diện được – chứ không phải như giới truyền thông cảnh báo thận trọng.

Vì vậy sau mỗi sự kiện quan trọng liên quan đến quyền lực và việc thực thi quyền lực của Trump thì niềm tin của giới đầu tư lại tăng lên. Và khi đó thì thị trường chứng khoán Mỹ - phong vũ biểu của nền kinh tế Mỹ - lại tiếp tục lập những kỷ lục mới tại xứ cờ hoa.

Tài liệu tham khảo :

[1]http://www.reuters.com/article/us-usa-stocks-weekahead-idUSKBN1632A1

[2]http://www.telegraph.co.uk/business/2017/03/01/ftse-100-breaks-7300-markets-digest-trump-address-congress-fed/

[3]https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-01-12/soros-lost-nearly-1-billion-after-trump-election-wsj-reports

[4[http://www.straitstimes.com/world/united-states/bill-gates-urges-donald-trump-to-inspire-americans-like-jfk-did

[5]http://www.bloomberg.com/politics/articles/2016-12-06/japan-s-softbank-to-invest-50-billion-in-the-u-s-trump-says

[6]http://vneconomy.vn/the-gioi/my-tiep-tuc-cam-ket-bao-ve-nhat-sau-cuoc-gap-trump-abe-20170211074210800.htm

[7]http://www.reuters.com/article/us-usa-cyber-russia-idUSKBN15H244

Ngọc Việt