Trung Quốc cứu chiến lược "Made in China 2025" trước nguy cơ phá sản

21/02/2017 09:36
Ngọc Việt
(GDVN) - Tư duy hàng giá rẻ vẫn chi phối ngay cả ở tầm hoạch định chiến lược tại Bắc Kinh.

Chiến lược "Made in China 2025" – mâu thuẫn nội tại và nguy cơ phá sản

Như người viết đã từng phân tích, dù chiếm lĩnh kênh hàng giá rẻ của thế giới nhưng lợi ích thực sự mà kinh tế Trung Quốc có được từ thị trường này không nhiều.

Hàng giá rẻ chỉ giúp kinh tế Trung Quốc lớn chứ không mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là giá trị vô hình chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong cấu thành giá trị của sản phẩm. [3]

Điều đó được ví như “người Trung Quốc không những đã làm không công mà còn phải bỏ tiền ra phục vụ người nước ngoài”.

Chính vì vậy khi tái cơ cấu nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc cũng đồng thời tìm cách làm gia tăng giá trị vô hình cho hàng hoá Trung Quốc, qua đó thay đổi vị thế cho người Trung Quốc trong cả sản xuất cũng như tiêu dùng.

Để hiện thực hoá được ước mong đó, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược mang tên "Made in China 2025". 

Hình minh họa: The Malaysian Times.
Hình minh họa: The Malaysian Times.

Theo đó công nghệ sản xuất hàng giá rẻ sẽ dần được thay thế bằng công nghệ cao của Trung Quốc, với tỷ lệ thay thế đạt 40% vào năm 2020. Đến năm 2025 thì hàm lượng công nghệ cao phải chiếm tới 70% trong sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. [1]

Hai mũi nhọn của chiến lược "Made in China 2025" là phát kiến kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

Trong đó mũi nhọn thứ nhất là phát huy khả năng sáng tạo của người Trung Quốc, từ phát minh sáng chế đến nghiên cứu cải tiến kỹ thuật. Mũi nhọn thứ hai là khai thác những thành quả công nghệ cao của các nước tiên tiền và vận dụng vào quy trình sản xuất tại Trung Quốc.

Mỗi mũi nhọn đều có những lợi thế, ưu điểm riêng biệt. Tuy nhiên cả hai có một điểm chung là, thời gian để có thành quả không thể xác định được. 

Trong khi chiến lược "Made in China 2025" đã xác định thời gian phải cho kết quả và lộ trình cho việc áp dụng hiệu quả chiến lược, điều đó khiến ngay từ xây dựng, chiến lược "Made in China 2025" đã có mâu thuẫn nội tại.

Điều đó có thể nhận diện bởi hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất là sự nóng vội của những nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc trước bối cảnh thiệt hại do hàng giá rẻ quá lớn với kinh tế Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tái cơ cấu đang chuyển kinh tế Trung Quốc từ lớn về quy mô sang mạnh về thực lực. 

Thứ hai là người Trung Quốc xây dựng chiến lược sản xuất hàng công nghệ cao với tư duy sản xuất hàng giá rẻ. 

Đây được xem là nguyên nhân chính khiến cho một chiến lược tầm cỡ như một cuộc cách mạng trong khoa học và kỹ thuật, nhưng nó lại chỉ được xem như việc thay đổi một thói quen trong đầu tư sản xuất tại Trung Quốc.

Trung Quốc cứu chiến lược "Made in China 2025" trước nguy cơ phá sản ảnh 2

Cần cảnh giác với ma trận phá hoại kinh tế Việt Nam từ Trung Quốc

(GDVN) - Trung Quốc dựa hơi người Thái, mượn tay người Nhật phân phối hàng hoá Trung Quốc đang bị tẩy chay dưới danh nghĩa hàng hoá đang được ưa chuộng.

Hiện nay, thời điểm cho mục tiêu thứ nhất – hàm lượng công nghệ cao phải chiếm 40% trong công nghiệp sản xuất tại Trung Quốc – đang đến gần nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn, chưa thể đáp ứng được mức đại trà trong công nghiệp sản xuất. 

Điều này khiến cho chiến lược "Made in China 2025" đối mặt với nguy cơ phá sản.

Trong khi đó, chủ nghĩa biệt lập trong kinh tế đang được Tổng thống Mỹ Donald Trump khích lệ dần trở thành một xu hướng đối lập với toàn cầu hoá – xu hướng hướng mà Trung Quốc đã được lợi rất nhiều từ việc tạo ra bất bình đẳng trong sân chơi bình đẳng trong kinh tế toàn cầu.

Điều này là một sự cảnh báo tai hại cho cà ba mũi nhọn chiến lược trong “Tái cơ cấu” của ông Tập Cận Bình.

M&A by Chinese cứu chiến lược "Made in China 2025" khỏi nguy cơ phá sản

Thực tế nguy hại với chiến lược "Made in China 2025" đặt ra yêu cầu phải làm sao có thể đi tắt đón đầu, đảm bảo cho chiến lược "Made in China 2025" tránh được phá sản và thậm chí phải về đích sớm hơn dự kiến.

Có thể nhận diện một kế hoạch “Made for China” đã được Bắc Kinh xây dựng và thúc đẩy để cứu nguy cho chiến lược "Made in China 2025".

Theo đó hàng hoá của Trung Quốc không những không phải được sản xuất tại Trung Quốc, bởi người Trung Quốc, mà sẽ được sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc, bởi người nước ngoài.

Nhưng tất cả thành quả, kết quả đều thuộc quyền sở hữu của người Trung Quốc. Đó chính là nhiệm vụ được trao cho những M&A by Chinese ở nước ngoài.

Hiện nay, Mỹ và Đức là hai quốc gia có quy mô công nghiệp sản xuất, chế biến bởi công nghệ cao hàng đầu thế giới và người Trung Quốc được cho là đã tập trung thực hiện M&A mạnh ở hai thị trường này. 

Có thể nhận diện đây là hướng đi chuẩn xác của giới lãnh đạo Bắc Kinh trong việc hiện thực hoá kế hoạch “Made for China”.

“Người Trung Quốc đánh giá cao các doanh nghiệp Đức, bởi Đức là nền kinh tế mạnh nhất châu Âu.

Hàng hóa "Made in Germany" có thương hiệu tốt, lao động ở Đức chất lượng cao, được đào tạo tốt và có kỷ luật cao, ít đình công. 

Trung Quốc cứu chiến lược "Made in China 2025" trước nguy cơ phá sản ảnh 3

Tập Cận Bình thực hiện "Trung Quốc mộng" qua BRICS, AIIB

(GDVN) - Phát hành trái phiếu xanh – làm xanh đồng CNY mới là mục đích quan trọng nhất khi Tập Cận Bình cho thành lập AIIB.

Hơn nữa, các doanh nghiệp Đức thường dẫn đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tế, nắm giữ nhiều bằng sáng chế”. [2]

Trong khi đó nền kinh tế Đức lại đang vận hành đúng nghĩa theo cơ chế thị trường tự do, còn giới kinh tế Đức lại ủng hộ đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp Đức.

Đây là là cơ hội cho các nhà đầu tư của Trung Quốc, vốn được sự hậu thuẫn của chính phủ nước này, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, từ đó mang lại những lợi ích lớn hơn cho mình. 

Như vậy, hệ thống các doanh nghiệp mục tiêu tại Đức có quá nhiều tiêu chí hấp dẫn để các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện những phi vụ “M&A by Chinese” cho mục đích tìm kiếm công nghệ cao. 

Thậm chí điều đó còn có thể giúp Bắc Kinh gây sức ép cho những vấn đề khác như việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí hay trao quy chế  thị trường tự do cho kinh tế Trung Quốc.[2]

Điều đó cho thấy cả doanh nghiệp và nhà nước Trung Quốc cùng thúc đẩy kế hoạch “Made for Chinese” nhằm cứu nguy cho chiến lược "Made in China 2025". 

“Sau khi mua các công ty của Đức, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn giữ nguyên mọi thứ, từ địa điểm đến nhân sự.

Trung Quốc giữ lại bộ máy quản lý có từ trước và các công nhân lành nghề, và thậm chí tạo thêm việc làm thông qua việc mở thêm các công ty con để hình thành nên mạng lưới các công ty phụ trợ”.[2]

Có thể thấy rằng, với kế hoạch “Made for Chinese”, sản phẩm được sản xuất bởi công nghệ cao tại các doanh nghiệp “mình ong xác ve” sẽ nhanh chóng chiếm tỷ trọng đáng kể trong hàng hoá của Trung Quốc.

Chỉ có điều quy trình vận dụng, áp dụng không diễn ra tại Trung Hoa đại lục. Và trong tình huống này thì người Trung Quốc chỉ có thể làm chủ sở hữu chứ chưa hẳn làm chủ được những quy trình công nghệ cao ấy.

Như vậy là chiến lược "Made in China 2025" đã có thể thoát khỏi nguy cơ phá sản nhờ những sàn phẩm với hàm lượng công nghệ cao có được từ kết quả của những “M&A by Chinese” mang lại. 

Tuy nhiên, việc đi tắt đón đầu như vậy thì không thể được xem là thành công của một chiến lược mang tầm cỡ một cuộc cách mạng khoa học kỹ - thuật, mà nguyên nhân chính là do tư duy hàng giá rẻ vẫn chi phối ngay cả ở tầm hoạch định chiến lược tại Bắc Kinh.

Tài liệu tham khảo

[1]https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-02-15/from-made-in-china-to-made-by-china-for-china

[2]http://bnews.vn/trung-quoc-o-at-mua-doanh-nghiep-duc/32039.html

[3]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ke-sach-tham-sau-cua-Tap-Can-Binh-post169296.gd

Ngọc Việt