LTS: Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, thầy giáo Trần Trí Dũng chia sẻ bài viết về lịch sử, ý nghĩa của ngày lễ ngày.
Ngoài ra, tác giả cũng bày tỏ một số suy ngẫm cá nhân của mình liên quan đến ngày 8/3.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trước đây, qua hàng nhiều thế kỷ, do tục “trọng nam khinh nữ “ nên thân phận người phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi.
Lịch sử đấu tranh cho phụ nữ mới chỉ bắt đầu từ Thời cổ Hy Lạp, khi mà Lysistrata vào cuộc tranh đấu chống lại nam giới để chấm dứt chiến tranh.
Tuy nhiên, lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 chỉ được bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ.
Vào cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Khi nền kỹ nghệ phát triển đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp.
Bọn chủ tư bản đã lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em rất cực khổ, điêu đứng.
Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New York (nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm.
Ý nghĩa của ngày 8/3 là để nhớ lại lịch sử cuộc đấu tranh của phụ nữ cuối thế kỷ 19. (Ảnh: Vietq.vn) |
Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ.
Đến tháng 2 năm 1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức "Ngày phụ nữ" để mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Tại New York đã có 3000 chị dự cuộc họp phản đối chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.
Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.
Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơlare Zet-Kin (người Đức) và bà Rôdaluya Xăm-Bua (người Ba Lan).
Hai bà đã phối hợp với bà Nadezhda Krupskaya (vợ của Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.
Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới, ngày 26 và 27/8/1910, đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Đan Mạch).
Về dự có 100 nữ đại biểu của 17 nước, Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, môn phụ nữ người Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.
Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, đó là ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Sau đó, ngày 8/3 đã được Liên hợp quốc chính thức hóa là ngày Quốc tế phụ nữ vào ngày 8 tháng 3 năm 1977.
Trong một thế kỷ qua, người phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật, trong hầu hết các lĩnh vực ở hầu hết các nước trên thế giới.
Cho đến nay, người phụ nữ vẫn không ngừng tranh đấu vì quyền bình đẳng giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm Châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú.
Nội dung ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới là "Phát triển"và "Giới".
Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới.
Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc.
Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc.
Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Việt Nam, để thể hiện sự tôn vinh những người phụ nữ, một nửa thế giới, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và tổ chức thường tổ chức mừng lễ rất trang trọng, tràn ngập quà hoa và những lời chúc tốt đẹp.
Ngày 8/3 cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu quý.
Trong 365 ngày của một năm, phụ nữ có riêng một ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống.
Họ luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa kia còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình.
Vì thế, vào ngày 8/3 hàng năm, những người phụ nữ trong cả nước thường được tặng hoa, tặng quà hoặc tổ chức những buổi lễ kỷ niệm để thể hiện sự quan tâm, ngợi ca và bày tỏ niềm tôn vinh, kính trọng.
Trong gia đình, người đàn ông thường tặng hoa hoặc quà cho người phụ nữ.
Đó được coi như một ngày bù đắp cho những vất vả của những người bà, người mẹ, người chị tảo tần cho gia đình và xã hội, và những người vợ đảm đang, vun vén dựng xây tổ ấm gia đình.
Nhiều người vẫn nghĩ phụ nữ không giữ được chức vụ cao trong xã hội |
Tuy nhiên về mặt tâm lý, vào ngày này cũng không ít người, đặc biệt là những người đàn ông lại băn khoăn không biết tặng gì cho người phụ nữ.
Tuy thế, cũng có những người phụ nữ lại không muốn được tặng hoa trong ngày 8/3.
Thậm chí, có quan điểm cực đoan còn đề nghị nhà nước cấm phong trào tặng hoa nói chung.
Trên thực tế, tục “trọng nam khinh nữ” đã không còn tồn tại ở nhiều nơi. Phong trào về bình đẳng giới đã phát triên đáng kể ở nhiều nước trên thế giới.
Vai trò của người phụ nữ ngày càng được đề cao, thoát ra khỏi khuôn khổ gia đình.
Nếu như trước đây phổ biến một quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thì ngày nay người phụ đã tham gia nhiều các công việc khác nhau, thể hiện nhiều vai trò quan trọng trong xã hội.
Theo một kết quả thống kê, hiện nay ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất thì phụ nữ chiếm tới 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá là "Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới".
Việt Nam có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95% và tiến sĩ 25,96%.
Như thế, càng ngày vai trò của người phụ càng được đề cao. Và thế kỷ XXI còn được dự báo là thế kỷ của người phụ nữ.
Hiện nay, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhiều phụ nữ đã giữ những chức vụ cao, quan trọng trong xã hội, thậm chí làm Tổng thống của một quốc gia.
Nếu như trước đây một số lĩnh vực chủ yếu do nam giới đảm trách thì nay phần việc đã được chia sẻ cho người phụ nữ.
Sự phát triển tột bậc trong khả năng và vai trò của người phụ nữ đã khẳng định, phụ nữ là một nửa của thế giới theo nghĩa đầy đủ nhất.
Vì thế, quan niệm về ngày 8/3 cũng có phần nhẹ đi không mà không nặng hình thức như trước.
Tuy nhiên, nếu nói rằng nên bỏ tặng hoa trong các ngày lễ thì đó là quan điểm ấu trí và thiển cận.
Mùng 8/3, tôi chả cần hoa hay quà, đi chơi hoặc ăn với nhau một bữa là được! |
Vì đó là một nét đẹp văn hóa, thể hiện không chỉ ở hành động của người tặng mà còn thể hiện ý nghĩa thông hoa những loài hoa được tặng.
Trong thời hiện đại ngày nay, không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ.
Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người.
Vì thế, phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.
Nói về việc tặng hoa hay quà cho người phụ nữ, khi được hỏi, có người đàn ông còn nói vui rằng: “Tôi đã tặng cho bà ấy cả cuộc đời tôi rồi còn gì nữa”.
Tuy là một câu nói vui nhưng ít nhiều cũng để lại cho ta những điều suy ngẫm, bởi nhiều người biết được “thế yếu” của phụ nữ nên thường chia sẻ, gánh vác những công việc nặng nhọc và bù đắp về những nỗi vất vả cho người phụ nữ trong cuộc đời.
Ngày nay, vị trí và vai trò của người phụ nữ đã được đề cao, cùng với sự phát triển của dân trí và nền văn minh nên sự bình đẳng giữa người phụ nữ và nam giới được thể hiện trong nhiều mặt của đời sống xã hội.
Vì thế, cả hai giới đều cùng nhau gánh vác những công việc chung, từ những việc nuôi dạy con cái, công việc gia đình đến những việc cần những quyết định quan trọng. Vấn đề ở đây là nhận thức và ý thức chung của mọi người.
Thay vì chỉ đến ngày 8/3 mới tôn vinh, quan tâm, chăm sóc thể hiện sự sẻ chia đối với người phụ nữ thì, trong cuộc đời cả hai giới đều cần có sự quan tâm và san sẻ chung, cùng nhau hướng mình về phía trước.
Vì thế, ngày 8/3 cũng còn là ngày để mọi người suy nghĩ và nhận thức lại mình, để cùng hoàn thiện và phát triển.
Tuy thế, trong ngày này, để giữ nét đẹp văn hóa, khẳng định phụ nữ là đại diện của phái đẹp, tại gia đình người đàn ông nên trang hoàng lại nhà cửa, sắm một lọ hoa tươi và hãy luôn giữ cho không khí gia đình được ấm cúng vui vẻ, tránh mọi sự hình thức, khách sáo và sáo rỗng khi thể hiện tình cảm đối với một nửa của mình.
Tuy nhiên, vấn đề là không chỉ có một ngày người đàn ông cần quan tâm hơn đến người phụ nữ, mà quan trọng hơn bao giờ hết là sự bình yên, hạnh phúc và phát triển cuộc sống dài lâu nên luôn cần sự đóng góp, nỗ lực của cả hai giới với những thiên chức đã cho của tạo hóa.
Từ đó, trân trọng nhau trong cuộc sống để luôn có được những điều tốt đẹp nhất.
Thay cho lời kết, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin gửi đến những người phụ nữ Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên mọi lĩnh vực để luôn xứng đáng tám chữ vàng mà Bác Hồ khen tặng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Tài liệu tham khảo:
1. http://infonet.vn/nhip-song/
2. http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/