LTS: Kỉ niệm 86 năm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10/1930 – 20/10/2016, và 1.976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hãy cùng nhìn lại những cái đầu tiên và cái nhất của phụ nữ Việt Nam trong buổi đầu dựng nước và quá trình xây dựng đất nước...
Bài viết "Phụ nữ Việt Nam - những cái nhất và đầu tiên" do Giảng viên Lương Đức Hiển (Khoa, Lý luận Chính trị, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên).
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Người phụ nữ đầu tiên cùng chồng đặt nền móng phát triển thương nghiệp
Mối lương duyên trời định giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử với công chúa Tiên Dung dưới thời Hùng Vương thứ 6 gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi, khai phá vùng đất đồng bằng phì nhiêu châu thổ Sông Hồng.
Bên cạnh đó, hình ảnh nàng Tiên Dung cùng chồng vượt biển, giao lưu buôn bán với cư dân các nước xung quanh, được coi là người đặt nền móng đầu tiên cho phát triển thương nghiệp.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (ảnh: Báo Hưng Yên). |
Mở đầu là việc mở chợ buôn bán và nhờ doanh thương mà xây dựng được sự nghiệp từ một hoàn cảnh nghèo khổ đến không còn nổi một chiếc khố, phải xin ăn ở bến sông.
Với việc tu luyện Phật pháp thì chỉ cần cây gậy chiếc nón (vật dụng của kẻ hành khất, và cũng là vật dụng của nhà sư đi khất thực) cũng có thể làm nên sự nghiệp kinh tế lớn lao.
Trong sự nghiệp doanh thương, vai trò người vợ, người phụ nữ là vô cùng lớn lao. Điều này những ghi chép của các nhà buôn phương tây thế kỉ XVII đến Việt Nam cho ta thấy rõ hơn.
Nữ tướng mở đầu cho cuộc đấu tranh chống 1000 năm Bắc thuộc
Chính sách cai trị của phong kiến phương Bắc qua 1000 năm Bắc thuộc không thể đồng hóa được dân tộc Việt vì vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân ta.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (ảnh minh họa trên Báo Congluan.vn). |
Mở đầu cho cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, năm 40 (sau công nguyên), Trưng Trắc – Trưng Nhị là dõng dõi Vua Hùng, tập hợp quân sĩ, phất cờ khởi nghĩa, chống lại quân Đông Hán.
Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên toàn diện, rộng khắp của nhân dân Âu Lạc, chống lại thế lực phong kiến phương Bắc.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, mở đầu cho truyền thống chống giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại độc lập cho đất nước.
Người phụ nữ hy sinh lợi ích dòng họ, nhường ngôi của con vì lợi ích dân tộc
Năm 979 Đinh Bộ Lĩnh bị giết hại, Triều đình nhà Đinh đứng trước nguy cơ rối loạn, bên ngoài quân Tống đang lăm le bờ cõi nước ta.
Trước nguy cơ họa xâm lăng, Thái hậu Dương Vân Nga đã cử Thập đại tướng quân Lê Hoàn lên ngôi, chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ và thái bình cho xã tắc.
Tượng Thái hậu Dương Vân Nga tại đền vua Lê ở Hoa Lư. Ảnh tư liệu đăng trên Vnexpress.net. |
Sách Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã ghi lại sự kiện này: “…Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho?
Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”.
Việc làm đó của Thái hậu Dương Vân Nga thật đáng ghi nhận.
Người phụ nữ đầu tiên thay chồng nhiếp chính vương triều
Thái hậu Nguyên Phi Ỷ Lan (1044 – 1117) là người phụ nữ tài cao, sắc sảo và có bản lĩnh. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đưa quân tiến đánh phương Nam. Vua tin cẩn giao cho Thái hậu Ỷ Lan nhiếp chính vương triều, nghĩa là bà gần như làm vua khi vua vắng mặt.
Nguyên Phi Ỷ Lan (Ảnh minh họa đăng trên Báo An Giang). |
Cũng ngay năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống.
Sử cũ chép rằng: "Bà Nguyên Phi Ỷ Lan trị nước rất giỏi, khiến dân tâm hòa hiệp, cõi nước thanh bình.”
Năm 1072, Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 7 tuổi. Triều Lý không tránh khỏi rối ren, Ỷ Lan đã kêu gọi Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt bỏ mọi hiềm khích cá nhân, cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ đất nước trước họa ngoại xâm.
Vị vua nữ duy nhất trong lịch sử dân tộc
Đó là vị vua cuối cùng của vương triều Lý tên gọi là Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng (1218 – 1278) là vị vua nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử vương triều phong kiến Việt Nam.
Bà lên ngôi vua lúc 6 tuổi khi cơ nghiệp triều Lý rơi vào buổi “xế chiều”.
Tượng thờ "Vua Bà" Lý Chiêu Hoàng tại đền Rồng (ảnh đăng trên báo điện tử Kienthuc.net.vn). |
Vị vua này trị vì đất nước trong vòng 2 năm trước khi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Vua Trần Thái Tông).
Cuộc đời của vị vua duy nhất triều Lý “chìm, nổi” trong tiếng rèm pha của thiên hạ. Bà bị coi là người để mất ngôi nhà Lý, mang tội với dòng họ.
Dưới thời Trần, bà bị giáng chức làm hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh. Vì những âm mưu chốn hậu cung, một lần nữa bà bị giáng xuống làm công chúa.
Lý Chiêu Hoàng dù xuất thân hoàng tộc cao quý nhưng cuộc đời đầy sóng gió, đau thương. Chính bà là nạn nhân tiêu biểu của những thế lực chính trị muốn chiếm đoạn ngai vàng lúc bấy giờ.
Nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt nam
Tên bà là Nguyễn Thị Duệ (1574 - ?) là nữ tiến sĩ đầu tiên của khoa bảng phong kiến Việt Nam.
Năm Giáp Ngọ (1594) nhà Mạc mở khoa thi Hội, sĩ tử tham dự rất đông, bà đỗ thủ khoa với cái tên giả nam Nguyễn Du, khi vừa tròn 20 tuổi.
Tượng nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ trong khám thờ ở hậu cung Văn miếu Mao Điền (Hải Dương). |
Vua Mạc Cung Kính rất coi trọng bà, phong là “Diệu Huyền Sao Sa” nghĩa chữ là “Tinh phi” (sao sa) rồi đưa vào cung. Bà được vua sủng ái, giao cho việc dạy bảo các phi tần.
Dưới thời Chúa Trịnh, bà vẫn được quần thần nể trọng, mời vào cung, phong cho các chức vụ khác nhau như Cung Trung Giáo Tập, rồi Lễ Nghi Học Sĩ để trông coi việc dạy học trong vương phủ. Người dân kính trọng, tôn sùng gọi bà là Nghi ái Quan.
Nữ sĩ nữ có nhiều bài thơ Nôm độc đáo nhất
Theo những tư liệu đáng tin cậy gần đây nhất thì nữ sĩ Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Sĩ Danh (1706 – 1783), em cùng cha với Hồ Sĩ Đống, nguyên quán làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Hồ Xuân Hương là một chân dung độc đáo vào bậc nhất trong thi ca Việt Nam. Nhà thơ Xuân Diệu tôn bà lên ngôi vị “Bà chúa thơ Nôm”.
Thơ Xuân Hương cũng rắc rối, phức tạp như chính cuộc đời bà. Số bài thơ còn lại cho đến nay chủ yếu nhờ vào sự lưu truyền, bảo vệ của nhân dân nên có nhiều dị bản.
Số thơ Nôm lâu nay được coi là của nữ sĩ khoảng năm mươi bài. Ðây là tập thơ Nôm luật Ðường xuất sắc của nền văn học dân tộc (Tập thơ Xuân Hương thi tập)...
Nhiều nhà phê bình văn học cho rằng, dưới ngòi bút của bà, tiếng Việt được thăng hoa một lần nữa và có sức sống bền bỉ hơn.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (ảnh minh họa đăng trên Báo Cà Mau). |
Tài liệu tham khảo
1. http://khoavanhoc.edu.vn/nghiencuu-dangian/1504-ch-d-ng-t-v-thanh-t-c-a-doanh-thuong
2. Nguyễn Phúc Lai, Hưng Yên vùng phù sa văn hóa, Nhà xuất bản Trẻ năm 2009, Tr122- 133, 224-231.