LTS: Hiện nay, nhiều nhà giáo lựa chọn im lặng trước tiêu cực, thậm chí là im lặng trước những chủ trương được đưa ra để bàn bạc, lấy ý kiến.
Tại sao lại có những hiện tượng như vậy? Bài viết sau đây của cô giáo Đỗ Quyên sẽ giúp độc giả hiểu rõ được nguyên nhân của vấn đề.
Tác giả cũng đưa ra một số biện pháp góp phần cải thiện tình trạng trên nhằm nâng cao tính dân chủ trong trường học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Giáo viên trong các trường học, phần lớn họ chọn lối sống an phận, không tranh đấu dù thấy bất bình. Ai cũng lo tìm cho mình một vỏ bọc an toàn.
Bởi thế, “sao quả tạ” chiếu xuống đầu ai người đó sẽ tự gánh chịu mà không có được bất cứ sự bảo vệ nào từ đồng nghiệp, nói gì đến việc bảo vệ một học sinh.
Trước hết, chính các Hiệu trưởng cũng luôn giữ im lặng trước cấp trên của mình. Còn cấp trên lại sợ cấp trên nữa…
Trong một hội nghị trực tuyến về Thông tư 30 của ngành giáo dục cách đây 2 năm, với sự có mặt của 700 Hiệu trưởng các trường học ở Hà Nội nhưng tuyệt nhiên không có một ý kiến đề xuất hay phản hồi nào (trong khi Thông tư 30 đang là điểm nóng tranh luận vì tạo quá nhiều áp lực cho giáo viên trên các diễn đàn).
Những giáo viên dám lên tiếng đưa ra ý kiến trái ngược với lãnh đạo thường bị thiệt thòi. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Chẳng phải họ im lặng là đồng ý mà im lặng để bảo vệ mình. Ai cũng hiểu một điều “Nói ra có được gì không hay lại chuốc vạ vào thân?”.
Ngay như trong giảng dạy, việc áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” Ban giám hiệu nhiều trường học cũng nhìn thấy rõ hiệu quả thấp vì nó chưa thật sự phù hợp với học sinh và điều kiện học tập của ta.
Nhưng những hạn chế ấy chỉ được chụm đầu nói với nhau hay nói bên lề các cuộc họp. Trong các bản báo cáo, bản thu hoạch lại vẫn tràn ngập những lời khen có cánh về tính hiệu quả…
Rồi việc áp dụng mô hình trường học mới VNEN vào dạy, dù Ban giám hiệu nhà trường cũng thấy rõ chất lượng học sinh lao dốc nhưng trước cấp trên, chẳng ai dám nói một lời về những mặt hạn chế, những điều chưa được ngoài những lời khen, lời tung hô…
Ban giám hiệu còn thế, thử hỏi giáo viên nào lại dám lên tiếng với những điều mình cho là chưa đúng?
Cả tập thể đồng lòng im lặng, một cá nhân dám nói thẳng sẽ trở thành “ngang bướng, cứng đầu, cứng cổ…” chẳng khó khăn gì để không “bị văng” ra khỏi guồng quay vốn đang rất trật tự.
Câu chuyện về việc Hiệu trưởng đi xe tắc xi vào trường làm gãy chân học sinh ở Hà Nội thời gian vừa qua (mà phần lớn giáo viên đều biết nhưng họ đã giữ im lặng, nhắm mắt làm ngơ chí ít là trong một thời gian dài) là minh chứng cho lối sống an phận ‘không phải việc của mình’ của đa phần các giáo viên hiện nay.
Sự việc ồn ào này đã được báo chí phản ánh cách đây hơn 2 tháng nhưng tuyệt nhiên không một giáo viên nào của trường dám đứng ra nói lên sự thật đang được giấu kín kia.
Nhiều người giải thích hoàn toàn không biết việc này nhưng thực tế chẳng phải đơn giản như thế.
Chỉ có thể giải thích rằng dù rất nhiều thầy cô giáo của trường biết việc này, trong số đó có rất nhiều người cũng bất bình, cũng bức xúc vì việc làm không đàng hoàng của vị Hiệu trưởng nhưng các thầy cô buộc phải im lặng vì “sợ tai bay vạ gió” khi mọi chuyện qua đi sẽ bị chính cấp trên của mình ra tay xử lý.
Chuyện “trả thù” như thế vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi trong các trường học và phần thiệt thòi luôn về phía những người “thấp cổ bé họng” là giáo viên.
Trong các bản tổng kết ở các trường học không thể thiếu kết luận “Thực hiện tốt dân chủ trường học…”.
Trong các cuộc họp hội đồng, bao giờ cũng có phần dành riêng để giáo viên có ý kiến. Dù thế, câu trả lời vẫn là 100% giáo viên nhất trí.
Theo iết lộ của một Hiệu trưởng “Ý kiến giáo viên cũng chỉ để thăm dò, mọi kế hoạch được lên cứ theo đấy mà thực hiện”, sự thăm dò mang nhiều hàm ý, trước là xem kế hoạch của Hiệu trưởng có nhận được sự đồng tình của giáo viên hay không?
Sau là xem (cái này mới quan trọng) giáo viên nào có ý kiến, ý kiến như thế nào để xem chừng và đề phòng.
Cách nào phát huy dân chủ trường học?
Trong nhà trường, những giáo viên thẳng thắn hay tranh đấu với những điều sai để bảo vệ sự đúng đắn thường bị thua thiệt.
Câu nói “Đấu tranh tránh đâu” vẫn còn nguyên giá trị. Ở trường họ bị liệt vào diện “cứng đầu cứng cổ” nên luôn “được” Ban giám hiệu săn sóc rất kĩ, bị soi mỗi khi làm điều gì đó sơ xuất…
Sống làm người bình thường đã khó nói gì đến việc tiến thân? Dù những giáo viên này có chuyên môn cứng cỡ nào, phẩm chất nổi trội bao nhiêu thì con đường “quan lộ” cũng coi như chấm dứt.
Hàng năm khi lên danh sách chuyển trường tên những thầy cô giáo ấy đương nhiên cũng nằm “tốp đầu” phải chuyển mà sẽ chuyển đi trường xa hơn trước.
Đấu tranh đòi công bằng đâu chỉ riêng mình mà cho cả tập thể, thế nhưng “tai bay vạ gió” đương nhiên chỉ mình gánh chịu, đồng nghiệp dù có thương cũng chẳng dám ra lời.
Hạn chế tình trạng này chỉ còn cách giảm bớt quyền lực nơi Ban giám hiệu như quyền thanh kiểm tra hồ sơ sổ sách, quyền dự giờ giáo viên đột xuất, quyền đánh giá xếp loại công chức hàng năm, quyền đề cử giáo viên chuyển trường…
Ngược lại giáo viên cũng được tăng quyền hạn đánh giá nhận xét Ban giám hiệu hàng năm (phiếu đánh giá quy định đánh máy, tránh tình trạng dò chữ truy ra người viết như cách làm hiện nay).
Có như vậy, dân chủ trong trường học mới có cơ hội thực hiện tốt.