LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết thứ 2 trong loạt bài của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI; nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nội dung xuyên suốt của loạt bài này là các góp ý, mong mỏi của ông cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà.
Tòa soạn xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong cũng như nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt.
Tiếp theo mạch bài trước, đánh giá lại 4 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong bài viết hôm nay trước tiên xin trao đổi một số ý kiến liên quan đến triết lý và mục tiêu giáo dục.
Đành rằng công việc đổi mới giáo dục cuối cùng thì phải rất cụ thể và thiết thực, chứ không phải là những lý thuyết chung chung trừu tượng, nói không sai nhưng không biết làm thế nào cho đúng.
Tuy nhiên, một số vấn đề thuộc về triết lý và mục tiêu giáo dục mà nếu không làm rõ, không nắm chắc thì cuộc đổi mới dễ mất phương hướng.
Thậm chí là mất công sức và tốn tiền bạc để thay đổi đủ thứ, rối cả lên, vừa đi xuôi vừa đi ngược, cuối cùng thì mục đích vẫn không đạt được, và cuộc đổi mới không thành công. Dân tộc này, đất nước này lại tiếp tục mất cơ hội.
Phương pháp xác định triết lý, mục tiêu giáo dục
Hàng nghìn năm nay, các nhà triết học, văn hóa và giáo dục đã nhiều lần bàn, và nay vẫn tiếp tục bàn chứ không phải đã xong.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ảnh do tác giả cung cấp. |
Câu hỏi đầu tiên thường được nêu ra là: “Mục đích của giáo dục để làm gì?”. Giáo dục để hình thành “con người”, sản phẩm của giáo dục là “con người” – điều đó thì hầu như ai cũng thống nhất.
Nhưng cần tạo ra “con người như thế nào” thì từ xưa đến nay vẫn luôn có những ý kiến khác nhau. Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể và do góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau, nên đã có rất nhiều quan điểm không giống nhau.
Và nhờ sự không giống nhau ấy mà ta có cách nhìn đa chiều, phong phú và sâu sắc thêm, liên tục hoàn thiện tư duy trên con đường đi tìm chân lý, trong một thế giới, một thời đại vận động không ngừng, liên tục biến đổi và tiến lên.
Nói điều này cũng để thấy rằng, không phải nói một lần, với ý kiến của ai đó, thế là xong rồi, là chân lý mãi mãi rồi, cứ thế mà quán triệt, ghi nhớ và làm theo, không phải mất thì giờ bàn nữa.
Đây là việc cần có cách nhìn mở, cần có phản biện và thảo luận thẳng thắn, thông tin nhiều chiều.
Trong bất kỳ thời đại nào cũng vậy, ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, đã là con người thì vẫn có, đều có những đặc tính nhất định giống nhau, ổn định bền vững, bởi đó là “con người”, chứ không phải là con gì khác.
Đồng thời, trong mỗi thời đại, con người còn có những đặc điểm riêng mang dấu ấn của thời đại ấy. Thời đại khác nhau thì nhất định sẽ có con người khác nhau.
Đương nhiên rồi, nhưng không riêng thời đại đâu, mà cộng đồng dân tộc, môi trường tự nhiên và văn hóa, điều kiện xã hội khác nhau cũng hình thành nên con người khác nhau.
Mặt khác, trong cấu tạo tự nhiên ở các vùng vỏ não của con người nói chung không ai giống ai.
Vậy nên, tư duy cực đoan muốn bắt con người nhất định phải thế này hoặc thế kia, phải giống nhau đồng loạt, phải theo một ý muốn từ bề trên nào đó tạo ra, đều là sai lầm, đều làm mất động lực tiềm ẩn và lớn lao nhất, đều là kìm hãm sự phát triển của con người.
Có nhà nghiên cứu cho rằng không có học sinh kém mà chỉ có học sinh giỏi việc này và không giỏi việc khác. Nhiệm vụ của người thầy là phát hiện cho được ở em nào đang tiềm ẩn năng lực có thể giỏi thứ gì để giúp cho nó phát triển tốt nhất theo hướng ấy.
Từng học sinh cần phải được phát triển một cách tự nhiên, “tự do”, không bị gò ép theo tư duy chủ quan của người khác.
Ngược lại, nếu cho rằng, con người cứ phát triển một cách tự phát, tùy hứng, không cần có những giá trị chung (làm chuẩn) về nhân cách thì cũng sẽ là sai lầm “chết người”, vì chính sự tự phát ấy sẽ phá vỡ nền tảng văn hóa, cơ sở tồn tại và phát triển của xã hội.
"Nhà nước của dân, cớ sao không báo cáo đầy đủ cho dân biết?" |
Mỗi con người là một thế giới riêng, không ai giống ai; và mặt khác, họ đều là thành viên của một cộng đồng cùng loại.
Triệt tiêu hoặc làm lu mờ vai trò của cá nhân sẽ làm mất động lực phát triển. Quên tư cách thành viên của cộng đồng sẽ làm hư hỏng hoặc rạn nứt nền tảng văn hóa.
Từ những cá nhân được hoàn toàn giải phóng, được hoàn toàn tự do, phát triển tối đa theo các thế mạnh của mình, cộng lại sẽ có một cộng đồng dân tộc với sức mạnh của cấp số nhân.
Mặt khác, như chúng ta đã biết, con người khi mới sinh ra là một thực thể tự nhiên, sau đó nhờ cộng đồng, sống và gắn bó với cộng đồng, mà họ trở thành Người.
Bài học kinh nghiệm từ phương Tây, Nhật Bản
Xã hội phương Đông, với hàng nghìn năm chế độ phong kiến, con người cá nhân bị kìm hãm, không được giải phóng, đó là nguyên nhân quan trọng hàng đầu làm đất nước tụt hậu.
Trước đó, phương Tây đã có thời kỳ chìm trong chế độ thần quyền, có nhiều mặt phát triển kém phương Đông, ai nói khác giáo hội có thể bị đưa lên dàn hỏa thiêu.
Nhưng sau đó, phương Tây đã biết thế tục hóa, “phục hưng” và “khai sáng”, giải phóng tự do cá nhân, họ phát triển vượt lên phía trước, bỏ phương Đông lại phía sau, cách xa họ cả một nền văn minh.
Trong giai đoạn sau đó của lịch sử, một số nước ở phương Đông đã ý thức được điều đó và họ đã quyết tâm triển khai những cuộc cải cách lớn theo hướng tích cực và chủ động tiếp thu có chọn lọc những yếu tố hợp lý từ phương Tây.
Những nước phương Đông ấy cũng đã phát triển vượt lên. Một trường hợp đáng nghiên cứu tham khảo là nước Nhật.
Vào giữa thế kỷ 19, Nhật Hoàng và các nhà lãnh đạo thông minh của nước Nhật nhận thức sâu sắc được tình hình và nguyên nhân tụt hậu so với phương Tây, đã đi đến một quyết định lịch sử mạnh mẽ là tiến hành một cuộc đại cải cách để phát triển nước Nhật.
Công cuộc ấy đã bắt đầu bằng việc cho dịch, in, phát hành các tác phẩm nổi tiếng của phương Tây bàn về tự do và cử đoàn chuyên gia gồm nhiều người tài giỏi của nước Nhật đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm phát triển của Châu Âu, nhất là kinh nghiệm của nước Đức.
Qua những điều vừa trình bày, tôi mong muốn được chuyển đến bạn đọc để tham khảo một ý kiến rằng, trong công cuộc đổi mới căn bản nền giáo dục hiện nay, việc quan trọng hàng đầu là giải phóng con người khỏi các tư duy lạc hậu, kìm hãm tự do cá nhân, để thật sự trở thành người tự do, có thể phát triển tối đa những năng lực tiềm ẩn, trên cơ sở kế thừa và tiếp thu tinh hoa của văn hóa dân tộc và nhân loại.
Năng lực Người, nền tảng của triết lý giáo dục
Đặc tính quan trọng hàng đầu cần có ở con người là gì? Đó là tính trung thực, lòng nhân ái và năng lực (tư duy và hành động).
Văn hóa là những giá trị thuộc về con người. Không trung thực sẽ không có tự trọng và không biết xấu hổ. Khi con người biết xấu hổ là lúc văn hóa bắt đầu. Nhờ biết xấu hổ mà con người đã dùng lá nho để che thân. Từ đó, văn minh bắt đầu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 16/11/2016, trong đó có Đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi về triết lý giáo dục của Việt Nam, ảnh: Báo Chính phủ. |
Trong một gia đình, một tập thể, một cộng đồng mà bao gồm nhiều con người sống không trung thực thì thật đáng sợ. Trong một môi trường trung thực và minh bạch sẽ không có chỗ ẩn nấp của các thói xấu và các thủ đoạn.
Lòng nhân ái cũng là nền tảng của văn hóa cộng đồng. Văn hóa là sống. Sự sống của con người. Cách sống và cuộc sống.
Con người ta sống với nhau trước tiên là bằng lòng nhân ái. Khi lòng nhân ái không còn thì đó là môi trường phát triển của cái ác, con người sẽ không còn là con người, sẽ không phải là bạn của nhau.
Năng lực tư duy và năng lực hành động là cái cần thiết để con người nhận thức và cải tạo thế giới. Năng lực và sự sáng tạo là bạn đồng hành. Năng lực là để sáng tạo. Và sự sáng tạo làm cho năng lực phát triển hơn lên.
Năng lực là cái tự nó. Không thể ban phát, không thể vay mượn, không thể áp đặt. Khi nói đến năng lực Người, theo nghĩa của chữ Người viết hoa, là bao hàm cả phẩm chất, trong đó có tính trung thực và lòng nhân ái.
Như phần đầu đã nói, sản phẩm của giáo dục là con người. Nói cô đọng và cụ thể hơn, đó là năng lực Người.
Cần tạo ra những con người thật sự có năng lực của chính mình, để họ tự quyết định mọi thứ, chứ không phải là tạo ra những con người chỉ biết thừa hành như một công cụ của người khác, do người khác áp đặt tư duy.
Đổi mới giáo dục cần giải quyết cho được những vấn đề “nhạy cảm” một cách khoa học, thực chứng
Để năng lực Người có thể phát triển một cách tự nhiên, không bị biến dạng, thì người học và người dạy đều phải là những con người tự do. Tự do thật sự. Tự do với chính mình. Tự do trước người khác. Tự do trước quyền lực và mọi sự áp đặt.
Trong tự do, trước nhất là tự do tư tưởng và tự do ngôn luận để thể hiện chính kiến của mình. Không có tự do thật sự thì con người chẳng những không phát triển được năng lực, mà cũng không thể xây dựng được tính trung thực.
Khoa học tâm lý đã từng cho biết, nói dối trong rất nhiều trường hợp cũng là một “cơ chế tự vệ” khi con người không có quyền tự do.
Khi không có tự do, con người sẽ không thể phát triển đầy đủ năng lực tư duy độc lập. Khi không có tư duy độc lập thì con người cũng thiếu sức đề kháng về văn hóa, trở thành thụ động, dễ bị các thói hư tật xấu xâm nhập và hủy hoại.
Chính điều này đã cho thấy vai trò to lớn của tự chủ đại học và tự do học thuật trong công cuộc đổi mới giáo dục.
Đối với những quốc gia có một nền giáo dục đại học phát triển, thì tự do học thuật là chuyện rất bình thường, đương nhiên, như vốn có của giáo dục đại học theo đúng nghĩa.
Ở Việt Nam ta, chuyện tự do học thuật đến nay vẫn chưa quen, thậm chí còn không ít ý kiến khác nhau, kể cả cho rằng có cần thiết hay không cần thiết.
Chưa quen thì phải làm quen! Đây là việc rất cần thiết, nếu muốn dân tộc ta phát triển.
Cũng có ý kiến ngại đụng đến những vấn đề “nhạy cảm” trong chính trị, nếu như mở rộng tự do học thuật.
Đó là cách tư duy sai lầm. Giống như ngại ánh sáng. Trong khi ánh sáng mới chính là nguồn sống và sự phát triển của tư duy khoa học.
Cái gì đã đúng, đã có cơ sở khoa học, thì trong tự do học thuật nó càng được khẳng định, càng có sức sống. Cái gì chưa đủ cơ sở khoa học thì trong tự do học thuật nó sẽ sớm được phát hiện, được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp hơn, tránh được những sai lầm.
Những vấn đề “nhạy cảm” chính là những vấn đề mà cuộc sống đang cần, đang đòi hỏi phải sớm có câu trả lời. Xác định vấn đề “nhạy cảm” không phải là để tránh né nó, mà ngược lại là để “xông vào”, hiểu nó đến cùng, và có lời giải để đáp ứng cho yêu cầu của cuộc sống.