LTS: Tòa soạn trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Phần 2 bài viết mới nhất của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) về vấn đề quyền lực và kiểm soát quyền lực.
Phần 1: "Chỉ sau một cuộc bỏ phiếu, có người bỗng khệnh khạng, oai vệ và bề trên hơn”
Trong phần 1, tôi đã nói về lý do phải kiểm soát quyền lực. Trong phần 2 này, tôi xin góp bàn về quyền lực cần được kiểm soát như thế nào, bằng cách nào?
Ông Vũ Ngọc Hoàng. |
Trước tiên phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm quyền lực tối cao thuộc về nhân dân.
Lời ấy không phải là hô khẩu hiệu, mà phải được thấm sâu trong hệ thống chính trị và trong cộng đồng nhân dân.
Mọi người phải ý thức rõ ràng và đầy đủ về quan điểm ấy, thường xuyên thể hiện bằng hành động thực tế.
Bảo đảm việc lập hiến là của toàn dân (thông qua cử tri toàn quốc), nhân dân phải trực tiếp quyết định những vấn đề cơ bản của Hiến pháp (chứ không phải là nhân dân góp ý để Quốc hội xem xét).
Phải trưng cầu dân ý đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Tiến tới Chủ tịch nước phải do nhân dân trực tiếp bầu (chứ không phải Quốc hội).
Kiểm soát bằng chính quyền lực Nhà nước
Tiếp theo, quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực Nhà nước, quy định trong Hiến pháp và các luật liên quan về cơ cấu và chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, trong đó có sự phân quyền giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, các nhánh ấy độc lập tương đối với nhau, giám sát chéo và điều chỉnh lẫn nhau, nhằm hạn chế sai lầm, hoặc khi có sai lầm thì được phát hiện và điều chỉnh, khắc phục sớm nhất.
Tản mạn về cánh đồng, mặt trời và con đường(GDVN) - Cánh đồng không thể cho mùa màng bội thu nếu thiếu mặt trời, nhưng cánh đồng cũng có thể lụi tàn nếu mặt trời luôn thiêu đốt. |
Nói chung, các Nhà nước phong kiến chưa giải quyết được việc kiểm soát quyền lực, mặc dù có lúc đã có một số quy định tiến bộ, manh nha của kiểm soát quyền lực.
Luật lệ của triều đình có những quy định cấm các quan không được làm.
Một số triều đại đã từng có các quan ngự sử ghi chép trung thực, khách quan mọi việc liên quan đến các quyết định và ứng xử của nhà vua, của triều đình để lịch sử đánh giá, phán xét công, tội.
Vua cũng không được kiểm duyệt các ghi chép này.
Có các gián quan để can gián vua không làm việc sai; có trống để thần dân kêu oan; có “quan tòa” liêm chính để phán xử đúng sai…
Tuy nhiên, về cơ bản vẫn chưa giải quyết được vấn đề kiểm soát quyền lực.
Nguyên nhân là do quyền lực tập trung vào tay vua và hoàng tộc, vua bảo chết thì phải chết, ý vua là ý trời, ý vua là pháp luật, còn nhân dân chỉ là đối tượng bị cai trị, không có quyền tự do, kể cả quyền sống, trái ý vua thì tùy theo mức độ và sự nóng giận của vua mà bị trị tội, kể cả tru di tam tộc.
Thời kỳ đầu của chế độ tư bản cũng vậy, quyền lực tập trung vào tay những người giàu có và cũng không được kiểm soát.
Khi chế độ tư bản phát triển đến một mức độ nhất định, đáng kể, có những bước tiến quan trọng về dân chủ xã hội, cộng với sự phát triển của các hệ tư tưởng, nhất là lĩnh vực triết học, làm thay đổi nhận thức và tư duy chính trị, thì quyền lực mới được kiểm soát đáng kể, và ngày nay vẫn đang phải tiếp tục hoàn thiện.
Phương pháp tiếp cận của nước ta lâu nay đối với vấn đề này chưa phải đã tốt, quyền lực nhìn chung chưa được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí không ít trường hợp hầu như không có kiểm soát, và trên thực tế, việc lạm dụng quyền lực đã rất nhiều.
Chính nó đã tạo nên sự tha hóa đến độ rất phức tạp.
Gần đây Tổng Bí thư nói nhiều lần về việc kiểm soát quyền lực.
Ngẫm về bài viết của ông Trương Tấn Sang trên Báo Nhân dân(GDVN) - Không tin dân, chưa dám tin dân dẫn đến “sợ dân” chính là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. |
Chúng ta có thể không dùng cụm từ “Tam quyền phân lập”, không tiếp thu theo kiểu bê nguyên, rập khuôn máy móc mô hình này của các nước phương Tây, vì mỗi quốc gia có đặc điểm văn hóa và ở giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng riêng về vấn đề kiểm soát quyền lực trong đó thì rất nên nghiên cứu một cách thật nghiêm túc.
Đồng thời với việc phân quyền một cách khoa học giữa ba nhánh nói trên, còn có sự phân công và kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận trong cùng một nhánh, nhất là hành pháp và tư pháp.
Thật sự tạo điều kiện để nhân dân hạnh phúc
Tiếp theo, kiểm soát quyền lực thông qua việc thực thi rộng rãi quyền dân chủ; kể cả hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; thông qua chế độ tranh cử, đề bạt và miễn nhiệm cán bộ; minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được giao quyền lực; sự giám sát của công luận, của nhân dân; tự do tư tưởng và tự do ngôn luận để thể hiện chính kiến của những con người tham gia làm chủ đất nước.
Trong đó, cần phát huy tốt vai trò của xã hội dân sự lành mạnh.
Ở đây, cần hiểu cho đúng xã hội dân sự với tư cách là các tổ chức và phong trào lành mạnh, hợp pháp, do nhân dân tự giác và tự nguyện lập ra.
Nó không phải là một hình thái kinh tế - xã hội nào mà là một bộ phận hợp thành của xã hội hiện tại; không phải là tổ chức của nhà nước mà ngân sách phải cấp kinh phí và cũng không phải là đơn vị kinh tế hoạt động vì mục đích lợi nhuận.
Các tổ chức này ra đời và tồn tại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội; nó là phương thức rất quan trọng để thực thi quyền dân chủ của nhân dân.
Nó đã từng tồn tại và đang tồn tại trong xã hội Việt Nam truyền thống trước đây và trong xã hội Việt Nam hiện tại, tất nhiên là chưa hoàn chỉnh, chưa hiện đại.
Nhân dân có quyền chất vấn, yêu cầu cơ quan Nhà nước phải giải trình; có quyền phản đối những việc làm mà nhân dân cho là sai trái; có quyền yêu cầu cán bộ từ chức hoặc bị cách chức…
Các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm lắng nghe, điều tra xác minh, tiếp thu, trả lời, giải trình, không được ngăn cản cấm đoán nhân dân thể hiện chính kiến một cách ôn hòa.
Phải khuyến khích công luận lên tiếng phê phán, phản đối những việc sai trái (kể cả của lãnh đạo) để tăng sức đề kháng của cơ thể xã hội.
Ở đâu và khi nào mà công luận bị hạn chế, ngăn cản thì ở đó và lúc ấy cơ thể xã hội đang giảm sức đề kháng (đến một lúc bệnh nặng dần, trở thành liệt kháng - đó chính là căn bệnh HIV chết người).
Trong một xã hội tiến bộ, việc minh bạch thông tin có vị trí rất quan trọng, mọi người dân đều có quyền tiếp cận thông tin, không ai được bưng bít thông tin, giống như “ánh sáng ban ngày” thay cho “đêm tối”, để cái xấu, cái ác không còn nơi ẩn nấp, phải lộ rõ nguyên hình.
Lâu nay ở Việt Nam ta còn rất nhiều việc chưa được minh bạch, kể cả việc nhỏ và việc lớn, kể cả những chủ trương, quyết định và những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, sai lầm.
Chính sự không minh bạch này đã làm cho nhân dân nghi ngờ, mất lòng tin. Nghi ngờ dung túng, bao che, cùng “lợi ích nhóm”.
Nhiều việc được cho là “nhạy cảm” để lấy cớ đó mà không minh bạch thông tin.
Chính việc không minh bạch ấy đã làm hạn chế hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng và “lợi ích nhóm”, nếu như không muốn nói rằng nó cản trở các công việc ấy.
Một nhà nước của dân, cớ sao không báo cáo đầy đủ cho nhân dân biết? Nếu lãnh đạo không có ai dính dáng gì tiêu cực trong đó thì tại sao lại sợ minh bạch?
Muốn minh bạch thông tin thì lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải mở rộng hành lang hơn nữa cho tự do ngôn luận và báo chí, còn bản thân báo chí cũng phải dũng cảm, bản lĩnh và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhà báo dám dấn thân cho lẽ phải và không để bị mua chuộc.
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, khi minh bạch thông tin về các vụ việc thì nhân dân sẽ mất lòng tin hơn nữa. Tôi không nghĩ như vậy?
Nhận diện nhóm lợi ích "bán nước, hại dân”(GDVN) - Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ "bán nước, hại dân"? |
Không minh bạch mới làm mất lòng tin. Ai cũng có quyền nghi ngờ cả. Và người lãnh đạo tốt cũng mang tiếng lây. Không dám minh bạch vì sợ mất lòng tin thì đó là thứ lòng tin bị đánh lừa, lòng tin nhầm lẫn.
Văn học nghệ thuật cũng cần phải tích cực tham gia “trừ gian” để góp phần “tải đạo” theo các giá trị nhân bản và phương pháp nghệ thuật phù hợp.
Để thực thi dân chủ, việc đầu tiên là thật sự tạo điều kiện cho nhân dân được mở miệng. Đó là cách nói mộc mạc dễ hiểu nhưng là chân lý của Hồ Chí Minh.
Nhà nước rất cần nghiên cứu chỉnh sửa các điều luật về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” để cho nhân dân với tư cách là “ông chủ” được tự do phê bình đối với bộ máy và cán bộ phục vụ nhân dân, không để cho “đầy tớ” lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ mà quy chụp, tống giam “ông chủ”, làm thay đổi bản chất của nhà nước nhân dân.
Tất nhiên đồng thời phải chống loạn ngôn, chống vu cáo và xúc phạm các cá nhân và tổ chức, vi phạm tự do của người khác, kể cả nhân dân và người lãnh đạo.
Còn rất nhiều việc chưa được minh bạch, kể cả những chủ trương, quyết định và những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, sai lầm. |
Lãnh đạo chủ chốt phải qua tranh cử
Công tác cán bộ lâu nay, bên cạnh những mặt làm được, nhìn chung trong hệ thống chính trị chưa tuyển chọn và sử dụng được nhân tài. Lịch sử nước ta đã nhiều lần lặp đi lặp lại như vậy.
Trong chiến tranh, với sức mạnh thiêng liêng của hồn nước, nhân tài tụ về dưới cờ khởi nghĩa để chiến đấu vì mẹ hiền Tổ quốc. Đến khi hòa bình thì nhân tài, trung thần thưa vắng dần, còn nịnh thần thì chui vào ngày càng nhiều trong triều chính, dẫn đến tha hóa quyền lực và sụp đổ.
Cách làm công tác cán bộ chủ yếu là sắp đặt theo ý chí và cách tư duy còn nhiều chủ quan của người lãnh đạo.
Không ít trường hợp sắp xếp cán bộ theo quan hệ, hậu duệ, “lợi ích nhóm”; bị đồng tiền chi phối, thậm chí đồng tiền đã quyết định trong nhiều trường hợp; đề bạt con cháu, đồ đệ và những người ăn cánh.
Nhóm lợi ích có thể vô hiệu hóa và đứng trên pháp luật? |
Từ xưa tới nay, chế độ và triều đại nào cũng vậy, nạn mua bán chức quan là một trong các biểu hiện tha hóa quyền lực nguy hại nhất.
Ở Việt Nam, nhiều năm rồi, cụm từ “buôn quan”, “buôn vua” đã xuất hiện, tồn tại và lan truyền. Ngôn ngữ không ngẫu nhiên mà có. Nó ra đời để phản ánh một thực trạng trong đời sống chính trị - xã hội.
Đến nay nạn chạy chức, chạy quyền đã trở nên khá phổ biến, có những trường hợp cứ như là đương nhiên, rất đáng lo ngại, kể cả ở những lĩnh vực hệ trọng.
Công tác cán bộ chưa có được một cơ chế khoa học để tuyển chọn và sử dụng được nhân tài, tư tưởng phong kiến còn ảnh hưởng nặng nề và những năm gần đây lại cộng với mặt trái của cơ chế thị trường và sự tha hóa quyền lực.
Cần đổi mới mạnh mẽ và căn bản công tác cán bộ theo hướng cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải qua tranh cử trong môi trường thật sự tôn trọng ứng cử tự do và đề cử của các tổ chức chính trị - xã hội; chọn cán bộ chuyên môn phải qua thi tuyển, thực chất và nghiêm túc, khách quan, vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Đó cũng là cách để nhân dân và đông đảo cán bộ tham gia giám sát quyền lực trong việc giao quyền lực cho cán bộ.
Nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp lựa chọn những người có năng lực và bản lĩnh làm đại biểu chân chính và xứng đáng của nhân dân, dám nói tiếng nói trung trực đấu tranh bảo vệ lợi ích của nhân dân.
Khi các đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đã được nhân dân bầu chọn thì phải toàn tâm toàn ý, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, lắng nghe nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân, biểu quyết vì nhân dân.
Tiến tới công khai cho nhân dân biết các đại biểu ấy biểu quyết thế nào đối với những công việc mà nhân dân bức xúc quan tâm, để giám sát sự trung thành với dân.
Tổ chức Đảng phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực
Nếu các đại biểu ấy là đảng viên thì càng phải gương mẫu thức hiện ý dân, coi lòng dân là sơ sở quan trọng nhất để hành động - đó là nguyên tắc cao nhất.
Tổ chức Đảng đã giao cho đảng viên nhiệm vụ làm đại biểu chân chính của nhân dân, đảng viên cứ thế mà hành động; tổ chức Đảng không cầm tay chỉ việc, không yêu cầu đảng viên phải biểu quyết và phát ngôn cụ thể theo ý kiến cấp ủy.
"Hỗn quan - Quan hỗn" |
Trung thành với nguyện vọng của dân, nói tiếng nói của dân - đó chính là nhân cách và ý thức đảng viên chân chính.
Đảng vì nhân dân mà hành động chứ không vì cái gì khác, không để cho “nhóm lợi ích” chi phối và thao túng.
Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng lâu nay không ít trường hợp đã sử dụng biện pháp hành chính và quyền lực, thậm chí đã trở thành cơ quan quyền lực cao nhất trên thực chất, và cũng chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Với cách này, nếu kéo dài thì tổ chức Đảng sẽ bị quyền lực làm tha hóa, vừa hỏng công việc lãnh đạo đất nước, vừa hỏng bản thân tổ chức Đảng.
Cần đổi mới một cách căn bản nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng Đảng không làm thay, không chồng chéo với công việc Nhà nước, nhất là việc sử dụng quyền lực, mà chuyển mạnh sang lãnh đạo chủ yếu bằng các giá trị văn hóa, từ chủ trương hợp lòng dân đến noi gương và thuyết phục, không áp đặt một chiều bằng biện pháp tổ chức, hành chính và quyền lực.
Đảng phải đại diện chân chính và xứng đáng nhất cho ngọn cờ dân chủ; phát hiện và chọn lựa cho được các hiền tài để giới thiệu với nhân dân. Đó cũng là cách làm truyền thống mà trước đây, trong điều kiện chưa cầm quyền, Đảng đã từng sử dụng để trở thành một Đảng lãnh đạo của nhân dân.
Bản thân trong tổ chức của Đảng cũng cần phải có cơ quan do đại hội cử ra để giám sát cán bộ lãnh đạo về nhân cách và việc sử dụng quyền lực.
Tổ chức Đảng không đứng lệch về phía quyền lực và sử dụng quyền lực Nhà nước, mà nghiêng về phía nhân dân, tập trung lãnh đạo và làm nòng cốt trong kiểm soát quyền lực, thực hành dân chủ rộng rãi và phát huy vai trò các tổ chức của xã hội dân sự lành mạnh để tham gia xây dựng, bảo đảm cho nhà nước thật sự là Nhà nước của nhân dân - là mục tiêu xây dựng Nhà nước mà Đảng nói lâu nay.