Philstar ngày 10/3 đưa tin, phát biểu với báo chí tại Hội nghị Quốc phòng - an ninh năm 2017 do Học viện Quốc phòng quốc gia tổ chức tại Trại Aguinaldo, thành phố Qeazon ngày 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết:
Tàu khảo sát Trung Quốc không chỉ nghiên cứu hải dương học ở bãi Cỏ Rong trên Biển Đông, mà chúng còn xuất hiện ở rãnh Benham bờ biển phía Đông Philippines.
Lần sau tàu Trung Quốc còn bén mảng, hải quân phải đuổi đi
Ông Delfin Lorenzana cho biết, Manila đặc biệt quan tâm đến các động thái mới nhất của Trung Quốc trên các vùng biển xung quanh Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã ra lệnh cho hải quân, nếu còn phát hiện các tàu khảo sát Trung Quốc ở rãnh Benham, phải xua đuổi chúng khỏi vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, ảnh: Philippines Star. |
Năm ngoái, tàu khảo sát Trung Quốc cũng đã hiện diện tại khu vực này trong 3 tháng, trong đó có những tàu cung cấp dịch vụ hậu cần neo đậu ở đó cả tháng trời mà không làm gì cả.
Nhưng Manila tin rằng, Bắc Kinh đang khảo sát đáy biển rãnh Benham nhằm mục đích tìm kiếm nơi ẩn nấp cho tàu ngầm Trung Quốc, ông Delfin Lorenzana cho biết.
Rãnh Benham được cho là có tiềm năng phong phú về khoáng sản và khí đốt tự nhiên. Năm 2012, Ủy ban Liên Hợp Quốc về ranh giới thềm lục địa đã công nhận rãnh Benham là một phần "lãnh thổ không tranh cãi" của Philippines, Philstar viết.
Manila cũng đã phản đối hành động này thông qua con đường ngoại giao sau mỗi động thái xâm phạm của tàu Trung Quốc. Tất nhiên đại sứ quán Trung Quốc bác bỏ thẳng thừng.
Bộ trưởng Delfin Lorenzana bình luận, dù thế nào đi nữa Manila vẫn phải tiếp tục phản đối thông qua con đường ngoại giao:
"Bạn biết đấy, chúng ta phải phản đối bởi vì chúng tôi phải thể hiện cho những người trong chúng ta vẫn còn hoài nghi, không biết những vùng biển ấy có phải thuộc về chúng ta hay không, rằng:
Trung Quốc đang cố gắng tìm cách tiêu hao lực lượng, làm kiệt sức chúng tôi để sau này, một vài năm qua đi, các thế hệ Philippines mới ra đời sẽ chấp nhận rằng, Biển Đông và rãnh Benham thuộc về họ".
Bởi vậy dù có "nhàm tai" thì Philippines vẫn luôn luôn phải sử dụng con đường ngoại giao để đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, quyền lợi của mình, dù chỉ là những phản đối ngoại giao lặp đi lặp lại. [1]
Chỉ có Mỹ mới ngăn được Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, quân sự hóa Scarborough
Cùng đưa tin về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, The Manila Times ngày 10/3 cho biết, năm ngoái Trung Quốc đã toan bồi đắp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Scarborough, may mà có Mỹ ngăn lại.
3 Bộ trưởng trong Nội các Tổng thống Rodrigo Duterte được mời thăm tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson trên Biển Đông, từ trái qua phải: Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre II, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, và Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez III. Ảnh: Rappler. |
Tháng 5 năm ngoái, Mỹ đã lặng lẽ ép Trung Quốc không được bồi đắp đảo nhân tạo ở Scarborough, trong khi Bắc Kinh đã có kế hoạch nạo vét, xây dựng đảo nhân tạo. Ông Lorenzana cho biết:
"Trong thực tế, chúng tôi đã nhận được một báo cáo của Mỹ cho biết, có nhiều sà lanTrung Quốc tập kết vật liệu xây dựng ở Scarborough, nhưng Mỹ đã nói với Trung Quốc: không được làm việc đó. Vì một số lý do, Bắc Kinh đã dừng lại.
Hai nước có kênh riêng để nói chuyện với nhau. Cấm xây dựng bất kỳ cấu trúc nào ở Scarborough là giới hạn đỏ của Hoa Kỳ".
Cuối tuần qua, ông Delfin Lorenzana cùng 2 thành viên Nội các khác đã được Mỹ mời lên tàu sân bay USS Carl Vinson đang tuần tra ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ghi nhận rằng, các cấu trúc Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa là rất rộng:
"Họ đã bồi lấp được diện tích có lẽ khoảng 500 héc ta mặt bằng. Nhưng điều thú vị là, người Mỹ cho chúng tôi biết, 7 cấu trúc Philippines đang chiếm đóng (trái phép) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) đều là đảo, không phải các bãi cát ngầm". [2]
Trung Quốc vừa là bạn, vừa là mối đe dọa
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết, Trung Quốc thừa hiểu rằng họ sẽ thua trong vụ kiện tại Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 do Philippines khởi xướng, đó là lý do tại sao Bắc Kinh quyết định không tham gia:
"Vấn đề đối với Trung Quốc bây giờ là, họ có rất ít lựa chọn pháp lý để có thể theo đuổi. Họ có thể làm những gì chúng ta đã thấy là bởi vì họ nghĩ mình đúng.
Họ có sức mạnh ở đây, họ nghĩ rằng Philippines không đủ sức để đấu với họ, cho nên chúng tôi tiếp tục theo dõi các diễn biến, tuần tra thường xuyên trên Biển Đông do Bộ Tư lệnh Miền Tây phụ trách".
Sau khi Tòa Trọng tài ra Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016, ông Lorenzana đã kiến nghị với Tổng thống Rodrigo Duterte và nội các:
Cần ngay lập tức thông báo với Trung Quốc rằng Manila sẽ điều tàu hải quân ra Scarborough và đuổi tàu Trung Quốc khỏi đây.
Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau |
Tuy nhiên sau một vài cuộc thảo luận, Tổng thống Rodrigo Duterte nói với ông rằng, Philippines không nên khoe khoang về chiến thắng pháp lý, chỉ nên quản lý xung đột chứ đừng khiêu khích Trung Quốc:
"Đó là lý do tại sao trong tháng 9 năm ngoái, tôi đã tháp tùng Tổng thống thăm Trung Quốc và nói chuyện với (Chủ tịch Trung Quốc) Tập Cận Bình.
Sau đó khi chúng tôi về nước, ngư dân của chúng ta đã có thể trở lại Scarborough đánh bắt cá như bao đời nay họ vẫn làm".
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết, có những quan niệm sai lầm cho rằng ông Rodrigo Duterte đã gạt Phán quyết Trọng tài sang một bên:
"Đó không phải là sự thật. Ông ấy đã nói điều này rất nhiều lần với chúng tôi. Chúng ta chỉ quản lý các xung đột với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc để ngư dân Philippines đánh bắt, đảm bảo nguồn sinh kế cho họ". [2]
Bình luận về những diễn biến mới nhất này, tờ South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông hôm 9/3 cho rằng:
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đang gửi đến Trung Nam Hải một thông điệp: có những giới hạn cho tình bạn mới giữa hai nước.
South China Morning Post dẫn lời ông Lorenzana nói, gần đây Tổng thống Duterte đã bảo ông: một khi Trung Quốc bắt đầu thăm dò, kéo giàn khoan ra Scarborough, ông ấy sẽ "nói chuyện" phải quấy với Trung Quốc.
Tờ báo Hồng Kông này cho biết, trong cuộc trò chuyện với báo giới, ông Delfin Lorenzana đã xác định Trung Quốc vừa là bạn, vừa là một mối đe dọa đối với Philippines. [3]
Bắc Kinh sẽ còn bành trướng xuống Biển Đông
Trong một động thái khác có liên quan, Tân Hoa Xã ngày 9/3 dẫn lời ông Vương Duy Minh, Chuẩn Đô đốc - Phó Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc nói với truyền thông bên lề kỳ họp Quốc hội nước này đang diễn ra tại Bắc Kinh:
"Gần đây một số quốc gia triển khai cái gọi là hoạt động tự do hàng hải, nhiều lần phái chiến hạm đến Biển Đông.
Trong phạm vi chúng tôi phụ trách, gặp tàu lạ sẽ bám theo, gặp máy bay lạ sẽ ngăn chặn, lúc nào cũng đề cao cảnh giác địch tình, luôn luôn duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng trước bất kỳ khả năng bất ngờ nào có thể xảy ra".
Tướng Vương Duy Minh, ảnh: sdclyz.cn. |
Ông Minh nói, tới đây hải quân Trung Quốc sẽ mở rộng và tăng cường hoạt động tuần tra hải - không quân, tăng cường sức mạnh phòng thủ, bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia. [4]
Như vậy có thể thấy, "một số quốc gia" tướng Minh ám chỉ ở đây chính là Hoa Kỳ, ngoài ra có thể bao gồm cả Nhật Bản hay quốc gia nào có ý định tham gia tuần tra bảo vệ tự do, an toàn hàng hải hàng không ở Biển Đông.
Cái khó của ông Rodrigo Duterte
Theo The Philippines Inquire Daily ngày 9/3, về các mối đe dọa an ninh và âm mưu lật đổ Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Delfin Lorenzana nói:
"Trong quân sự, chúng tôi đã hỏi cộng đồng tình báo, không có chuyện này. Tôi không biết trong các cơ quan dân sự có chuyện đó hay không.
Tôi không nói là hoàn toàn không, nhưng với những gì tôi theo dõi trên mặt báo hàng ngày thì cũng giống như quân đội, không có chuyện đó.
Sự chỉ trích với Tổng thống không phải chuyện gì bất ổn. Chúng tôi phải chấp nhận rằng sẽ có những lời chỉ trích với bất kỳ điều gì chúng tôi làm, cho dù chúng tôi làm đúng, làm tốt đi nữa.
Vẫn sẽ có những lời chỉ trích. Hãy chấp nhận chuyện đó. Trong thực tế, chúng ta nên xem điều này như cách góp ý với những gì chúng tôi đang làm". [5]
Nước cờ của Philippines "ra mặt" lo ngại Trung Quốc quân sự hóa Scarborough |
Cá nhân người viết đánh giá cao những phát biểu thẳng thắn của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana về thực chất các hoạt động bành trướng của Trung Quốc nhắm mục tiêu độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.
Không chỉ nhìn thấy bản chất vấn đề, Tổng thống Rodrigo Duterte và cộng sự đã có những nước cờ sáng suốt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình gắn liền với hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhưng không để Philippines biến thành con tốt trên bàn cờ giữa Bắc Kinh và Washington.
Ông Delfin Lorenzana đã không ngại nhìn thẳng, nói thẳng bản chất vấn đề tương quan lực lượng quá chênh lệch giữa Philippines với Trung Quốc, đồng thời xác định rõ mối quan hệ này: Bắc Kinh "vừa là bạn, vừa là mối đe dọa" đối với Manila.
Chỉ bằng cách đó mới có thể xóa dần những hoài nghi trong nội bộ dư luận xã hội Philippines, tạo nên đoàn kết thống nhất để chống lại những âm mưu xâm phạm từ đối thủ không cân sức.
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng cũng phần nào giúp dư luận hiểu được thế khó của ông Rodrigo Duterte, cũng như thế khó của chính Philippines trong quan hệ với Trung Quốc.
Ứng xử với một nước lớn nhiều tiền, sẵn vũ khí và đầy tham vọng không phải chuyện đơn giản. Tất cả những gì ông Duterte đang làm không nằm ngoài mục đích bảo vệ lợi ích cho quốc gia dân tộc trước những tình huống ngặt nghèo.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.philstar.com/headlines/2017/03/10/1679698/china-survey-ships-spotted-benham-rise
[2]http://www.manilatimes.net/us-halts-chinas-island-reclamation/316395/
[4]http://news.xinhuanet.com/mil/2017-03/09/c_129505761.htm
[5]http://newsinfo.inquirer.net/879233/criticism-against-duterte-is-not-destabilization-says-lorenzana