Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau

04/03/2017 07:00
TS Trần Công Trục
(GDVN) - Nếu không có “hệ miễn dịch” cực mạnh chống lại những đại dịch “Hán hóa” thì dân tộc Việt Nam đã không còn tồn tại và phát triển rực rỡ đến ngày hôm nay.

Ngày 2/3, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết "Nhà báo Trung Quốc lý giải tại sao người Việt yêu mến Nhật Bản hơn", dịch lại một bài bình luận của nhà báo Trung Quốc, đồng thời có làm rõ những ẩn ý sâu xa đằng sau một bài báo tưởng như bình thường ấy. [1]

Cá nhân tôi khi đọc bài viết này có một cảm nhận, đây không chỉ là câu chuyện chính trị hóa, lập trường hóa các vấn đề khoa học lịch sử hay pháp lý.

Trong đó còn những vấn đề mấu chốt hơn có lẽ cần cùng trao đổi để làm sáng tỏ những nguyên nhân được nhà báo Triệu Linh Mẫn (Trung Quốc) nêu ra và nhà báo Hồng Thủy (Việt Nam) đã trao đổi lại một cách thẳng thắn nhân chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu.

Bà Triệu Linh Mẫn đã luận giải tại sao người Việt Nam rất thiện cảm, yêu mến Nhật Bản nhưng lại hoài nghi, ác cảm với Trung Quốc và trích dẫn kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ năm 2015 làm minh họa. 

Có lẽ đó là một nghịch lý, nếu không muốn nói là một kết quả bất ngờ, chua chát, theo nhận thức của những người Trung Quốc hay Việt Nam có chung một lý tưởng là những người đồng chí, anh em, láng giềng “núi sông liền một dải”.

Đã nói thì cũng xin nói rõ đầu đuôi một lần, để tránh những hiểu lầm hay âm mưu reo rắc, bắt đúng bệnh thì mới mong bốc đúng thuốc.

Bởi tình cảm và lòng tin của cả một cộng đồng, quốc gia, dân tộc này với cộng đồng, quốc gia, dân tộc khác không phải chuyện sớm chiều mà có được, càng không thể đổi thay chỉ bởi một vài bài báo tuyên truyền có động cơ chính trị…

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Do đó, cá nhân tôi xin góp thêm đôi lời kiến giải về vấn đề bà Triệu Linh Mẫn nêu ra, không phải khoét sâu thêm hận thù - mâu thuẫn.

Tôi mong muốn thông qua việc nhìn thẳng vào những vấn đề bà Mẫn nêu ra để thấy đúng nguyên nhân, ngõ hầu tìm ra giải pháp, góp thêm tiếng nói củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các nước, trong đó có Trung Quốc.

Bởi suy cho cùng, không có người dân nào lại muốn chiến tranh, xung đột hay phải luôn luôn sống trong hận thù, chia rẽ, chém giết lẫn nhau.

Tất nhiên vẫn phải loại trừ những băng đảng giang hồ hay một số nhà cầm quyền còn mang nặng tư tưởng bành trướng, coi mình là trung tâm thiên hạ, còn nước khác chỉ là man di, mọi rợ.

Những người này thường tìm cách gây thêm thù hận, tiếp tục xoáy vào những vết thương chưa lành của quá khứ với những hành động hết sức cực đoan để phục vụ cho động cơ chính trị của họ.

Tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược đều phi nghĩa và cần lên án

Nguyên nhân đầu tiên bà Triệu Linh Mẫn đưa ra để giải thích tại sao người Việt Nam thiện cảm với Nhật Bản nhưng lại ác cảm với Trung Quốc là:

Tội ác chiến tranh chủ nghĩa quân phiệt Nhật gây ra cho Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng "ít hơn, nhẹ hơn" so với những gì Trung Quốc, Hàn Quốc (bán đảo Triều Tiên) phải gánh chịu.

Điều này tác giả Hồng Thủy cũng đã bác bỏ.

Cá nhân tôi xin nhấn mạnh thêm, tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược đã, đang hay có thể sẽ xảy ra, đều là những cuộc chiến phi nghĩa và cần phải lên án, phải khắc cốt ghi xương trong lịch sử nhân loại để đừng lặp lại….

Không thể đơn giản dùng con số thương vong, quy mô hay thời gian cuộc chiến để so sánh nỗi đau của các dân tộc bị ngoại bang xâm lược, áp bức hay đô hộ.

Bởi máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau.

Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này, vì cho đến nay thế giới vẫn không im tiếng súng, cho dù nhân loại đã bước vào thế kỷ 21 với rất nhiều thành tựu to lớn về khoa học công nghệ.

Nhưng đâu đó trên thế gian này vẫn tồn tại những “gen hiếu chiến, xâm lược, bành trướng”, “gen thích làm bá chủ thiên hạ”…

Những “gen trội dị thường” này vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong huyết quản của một số người khi nắm được quyền lực lãnh đạo một quốc gia, muốn thâu tóm hay khuất phục quốc gia khác.

Hơn nữa, trong phần lập luận của bà Triệu Linh Mẫn còn một ẩn ý tuy không nói trắng ra, nhưng bạn đọc có thể thấy nhà báo Trung Quốc này dường như còn muốn nói rằng:

Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau ảnh 2

“Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”!

(GDVN) - Đánh giá lại cuộc xâm lăng Biên giới Việt Nam 1979-1989 mà Trung Quốc tiến hành, cần đặt nó vào khung pháp lý quốc tế để xác định nguyên nhân, tìm ra bài học.

Người Việt Nam thiện cảm với Nhật Bản hơn vì ghét phương Tây, ghét Mỹ, vì Pháp và Mỹ cũng từng xâm lược Việt Nam và gây ra tội ác.

Điều đó phản ánh tư duy, nhận thức của một bộ phận không nhỏ trong giới truyền thông, nghiên cứu của một số quốc gia vì lối tuyên truyền áp đặt một chiều, cho rằng Mỹ bao giờ cũng là nguyên do của mọi nguyên do dẫn đến bất ổn trong khu vực và thế giới.

Nhưng rõ ràng đó là những logic mang màu sắc chính trị, quan điểm, lập trường, không phản ánh thái độ khoa học, khách quan và cầu thị trước các vấn đề lịch sử hay pháp lý trong quan hệ bang giao giữa các quốc gia. 

Tôi xin nêu ra đây một vài kiến giải của mình, hy vọng trao đổi thêm với bạn đọc, nhất là các bạn làm công tác nghiên cứu ở Trung Quốc đương đại, ngõ hầu làm sáng tỏ vấn đề, tránh chiến tranh và xung đột, bảo vệ hòa bình và hữu nghị lâu dài.

Tư tưởng “ăn trên ngồi trốc” thiên hạ, âm mưu đồng hóa dân tộc khác khiến người ta ác cảm, cảnh giác với Trung Quốc

Cá nhân tôi cho rằng, sở dĩ đa số người dân Việt Nam có thiện cảm với Nhật Bản trong khi lại cảnh giác, không thiện cảm với Trung Quốc (như trích dẫn và nhận xét của bà Triệu Linh Mẫn) thì có nguyên nhân lịch sử sâu xa, chứ không đơn giản vì một vài cuộc chiến gần đây.

Đúng là Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã từng tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cuộc chiến nào cũng đẫm máu, để lại nhiều đau thương mất mát.

Nhưng khách quan mà nói, Pháp, Nhật Bản hay Hoa Kỳ khi mang quân xâm lược Việt Nam, họ không nhằm mục đích đồng hóa, xóa sổ dân tộc, đất nước này khỏi bản đồ thế giới.

Âm mưu và thủ đoạn đồng hóa dân tộc, xóa bỏ quốc gia khác đã có ngay từ những ngày đầu của thời phong kiến, khi các triều đại Trung Hoa xâm lược các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Điều này đã được chính sử sách Trung Hoa ghi lại và cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước bàn đến xưa nay, nên xin không đi sâu.

Người viết chỉ muốn lưu ý rằng, chính sách đồng hóa tuy đã có từ thời Tần, Hán, nhưng đỉnh điểm thâm độc phải nhắc đến triều đại nhà Minh.

Bao nhiêu sách vở, thư tịch của người Việt Nam đã bị quân xâm lược đốt sạch hoặc mang về Trung Quốc. Bao nhiêu công trình văn hóa của người Việt đã bị Bắc triều hủy hoại.

Cũng xin lưu ý rằng, suốt thời kỳ phong kiến, Trung Quốc cũng từng bị 2 dân tộc thiểu số thống trị, là triều đại nhà Nguyên và nhà Thanh.

2 triều đại này từng cất quân xâm lược Việt Nam và bị đánh bại, nhưng dấu ấn đồng hóa của họ không rõ rệt như những triều đại phong kiến do người Hán cai trị.

Phải chăng đó là nội hàm của tư tưởng “Đại Hán” đang còn lẩn khuất đâu đó trong xã hội Trung Quốc đương đại?

Phải chăng chính tư tưởng Đại Hán và những âm mưu, thủ đoạn đồng hóa dân tộc khác mà giai cấp lãnh đạo Trung Hoa qua các triều đại, thời kỳ khác nhau đã thực thi đối với các quốc gia, dân tộc mà họ xâm lược hay thiết lập quan hệ chính trị, ngoại giao đã khiến cho người Việt Nam, cũng như các cộng đồng khác trong khu vực và quốc tế, luôn cảnh giác cao độ, cũng như phải trang bị cho mình  những "kỹ năng chống đồng hóa"?

Bà Triệu Linh Mẫn, ảnh: viewpoint.inewsweek.cn.
Bà Triệu Linh Mẫn, ảnh: viewpoint.inewsweek.cn.

Nếu không có “hệ miễn dịch” cực mạnh chống lại những đại dịch “Hán hóa” thì dân tộc Việt Nam đã không còn tồn tại và phát triển rực rỡ đến ngày hôm nay.

Người Việt yêu mến Nhật Bản vì tinh thần quân tử Samurai

Có thể nói rằng, văn minh Hoa Hạ đã sản sinh ra nhiều học thuyết chính trị tư tưởng có ảnh hưởng, chi phối đời sống tinh thần của cả Đông Á, đặc biệt là Nho giáo, trong đó tinh thần "quân tử" được thể hiện rõ rệt hơn cả.

Tuy nhiên dưới các triều đại phong kiến Trung Hoa, Nho giáo đã bị biến thành công cụ để củng cố quyền lực thống trị trong nước, đồng hóa và nô dịch các dân tộc khác.

Điều này dẫn đến một nghịch lý, chính con cháu Khổng Tử, Mạnh Tử lại đi ngược lại các giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà các nhà tư tưởng này suốt đời phấn đấu, hoằng dương nó.

Như đã nói ở trên, Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều đã từng xâm lược Việt Nam, nhưng không giống như Trung Quốc, 3 nước này không có chính sách đồng hóa thâm độc nhằm xóa sổ hẳn một dân tộc.

Ngược lại, chính bà Triệu Linh Mẫn đã thừa nhận rằng trong thời gian chiếm đóng, người Nhật cũng đã "làm được vài việc tốt", hay biết cân bằng giữa khai thác (vơ vét) tài nguyên với phát triển thuộc địa.

Người Pháp và người Mỹ cũng vậy, duy Trung Quốc thì không.

Cá nhân tôi xin lưu ý rằng, đánh giá khách quan công - tội của chủ nghĩa thực dân, đế quốc với các thuộc địa không phải là biện minh cho những cuộc chiến xâm lược.

Nhưng người Trung Quốc như bà Triệu Linh Mẫn còn thấy được chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản vẫn "làm được một số việc tốt" trong khi chiếm đóng Đông Nam Á và Việt Nam, thì không cớ gì chúng ta lại phủ nhận "một số việc tốt" ấy.

Phủ định sạch trơn hay ngụy biện cho hành vi xâm lược đều là 2 thái cực nguy hiểm như nhau, chúng cực đoan và cần tránh.

Với người Nhật, tinh thần "quân tử" đã được phát triển thành đặc trưng riêng có, tinh thần Samurai. 

Tinh thần quân tử Nhật Bản Samurai làm nên sức mạnh và sức hút cho đất nước Mặt Trời mọc, ảnh minh họa: Strategy.vn.
Tinh thần quân tử Nhật Bản Samurai làm nên sức mạnh và sức hút cho đất nước Mặt Trời mọc, ảnh minh họa: Strategy.vn.

Vì vậy, cho dù chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã từng gây tội ác, nhưng họ không có những tính toán lắt léo, mưu mô thâm độc, không “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”.

Trong hành xử, Nhật Bản xưa nay vẫn rất quân tử, đàng hoàng và khiêm nhường. 

Tinh thần nhân ái, đoàn kết thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau để vượt qua các cơn phong ba bão tố, động đất, sóng thần… mà cả thế giới đều đã từng rơi nước mắt khi chứng kiến và ngưỡng mộ.  

Người Nhật Bản họ coi trọng danh dự hơn tính mạng. Theo cá nhân tôi, những điều này mới chính là lý do tại sao người Việt Nam yêu mến và ngưỡng mộ dân tộc Nhật Bản. 

Hơn nữa, người Việt Nam không chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ Nhật Bản, mà còn xem dân tộc, đất nước Mặt Trời mọc là tấm gương sáng để mình noi theo, giúp mình vượt qua những khó khăn, yếu kém trong nhiều mặt của đời sống xã hội sau những cuộc binh đao, chiến tranh khói lửa để vươn lên.

Có lẽ đó cũng là nguyên nhân và động lực giúp Nhật Bản vươn lên thành một siêu cường Đông Á từ đống tro tàn chiến tranh.

Cũng bằng tinh thần Samurai ấy, người Nhật đã làm nên thương hiệu toàn cầu, nhắc đến Nhật Bản là nhắc tới "chất lượng - uy tín", nếu xét trên góc độ làm ăn kinh tế, thương mại, hợp tác.

Trung Quốc đã rất thành công với chính sách sản xuất hàng giá rẻ và thu về nguồn ngoại tệ vô cùng lớn.

Nhưng mặt trái của nó là họ đã tự định hình trong con mắt cộng đồng khu vực và thế giới về vấn đề chất lượng và độ độc hại trong các sản phẩm, công nghệ của họ.

Còn trong quan hệ bang giao và xử lý những tranh chấp phức tạp với các nước láng giềng, một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hầu như vẫn theo  tư duy "sức mạnh là lẽ phải". 

Họ tự giải thích luật pháp quốc tế theo ý mình, phục vụ các mục tiêu chính trị và ý đồ chiến lược của mình, không cần biết người khác nghĩ sao.

Lựa chọn, ứng xử của Trung Quốc với vụ kiện trọng tài Biển Đông mà Philippines khởi xướng là một minh chứng.

Phát biểu công khai vỗ mặt "các nước nhỏ" của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc trong một cuộc họp tại Singapore tháng 7/2010 là ví dụ:

"Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế". [2]

Phản ứng của Trung Quốc với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam là ví dụ rõ ràng cho thấy, mọi công cụ kể cả những giao dịch kinh tế - thương mại đơn thuần đều có thể được nước này sử dụng cho các mục đích chính trị mà không cần quan tâm nhiều đến luật pháp, thông lệ quốc tế đương đại…

Cá nhân tôi đưa ra một số kiến giải này do nhận thức được rằng, trong ứng xử, “sự thật” thường “mất lòng”, nhưng có điều “thuốc đắng” mới "giã tật".

Người viết chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn nghiên cứu Trung Quốc, hay nếu có thể là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rằng, cần nhìn thẳng vào quá khứ bằng thái độ hết sức khách quan, cầu thị, bình tĩnh, ôn hòa trên tinh thần thượng tôn pháp luật để rút ra bài học cho tương lai.

Lòng tin không thể có một sớm một chiều, uy tín không thể xây dựng trên nền tảng của những toan tính hai mặt.

"Cộng đồng chung vận mệnh" hay “sáng kiến một vành đai, một con đường” chỉ có thể đi vào thực tiễn nếu nó được xây dựng trên cơ sở hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.

Mọi toan tính, âm mưu đằng sau, nếu có, sẽ sớm bị bóc trần, bởi chính những gì Trung Quốc đã từng làm trong quá khứ đã hình thành nên một hệ miễn dịch chống đồng hóa cho dân tộc Việt Nam, và không ít dân tộc khác trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Nha-bao-Trung-Quoc-ly-giai-tai-sao-nguoi-Viet-yeu-men-Nhat-Ban-hon-post174754.gd

[2]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thai-do-nuoc-lon-se-lam-Trung-Quoc-kho-lon-trong-mai-nha-nhan-loai-van-minh-post170199.gd

TS Trần Công Trục