Một số vấn đề nổi cộm trong quản lý giáo dục

18/03/2017 07:29
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
(GDVN) - Chất lượng chủ yếu được tạo nên từ cơ sở đào tạo. Tự chủ đại học là việc quan trọng cần tiếp tục triển khai thực hiện.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết cuối cùng trong loạt 6 bài của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương gửi riêng độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Độc giả, Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chân thành cảm ơn ông đã cất công chắp bút viết ra những điều gan ruột nhất, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục mà Đảng ta đã quán triệt trong Nghị quyết 29.

Những vấn đề ông nêu ra cùng với những phân tích thấu đáo, khách quan là những nội dung cốt lõi, mang tính định hướng.

Nhân dịp này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hy vọng nhận được các ý kiến, bình luận, phản hồi từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức xã hội nghề nghiệp về giáo dục; từ các thầy cô giáo; các chuyên gia giáo dục cả trong và ngoài nước; các nhà quản lý...

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin được làm cầu nối, diễn đàn cho các ý kiến, trao đổi này.

Bài viết này, tôi xin nêu ra một số vấn đề liên quan đến quản lý giáo dục. Nói đến quản lý thì rất rộng, phần này chỉ đề cập một số ít vấn đề chứ chưa phải tất cả. 

Thi cử

Có ý kiến cho rằng, nên duy trì một cuộc thi quốc gia để tuyển sinh đại học, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đại học, còn tốt nghiệp phổ thông thì không thi quốc gia nữa mà giao cho các địa phương tự tổ chức. 

Tôi nghĩ, nếu vậy thì coi chừng là làm ngược, lại quản lý đầu vào chứ không phải quản lý đầu ra. 

Phổ thông là giai đoạn quan trọng nhất của giáo dục. 

Cuối phổ thông rất cần có cuộc thi quốc gia, đó là quản lý đầu ra, đánh giá chất lượng với mặt bằng chung trên toàn quốc, và cũng từ đó mà xem xét để bổ sung, điều chỉnh chương trình sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. 

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ảnh do tác giả cung cấp.

Nói là cuộc thi quốc gia nhưng vẫn có thể và nên tổ chức một cách nhẹ nhàng, không phải nặng nề tốn kém.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề thi, quy định khung điểm, quy chế thi và tổ chức chấm thi. Còn việc thực hiện giao cho cấp địa phương tổ chức. 

Hằng ngày ngồi học ở đâu thì thi cũng tại đó, không cần phải gom địa điểm để phức tạp việc đi lại và gây tốn kém cho phụ huynh. 

Mỗi năm ngoài một lần thi chính vào cuối cấp trung học phổ thông, có thể có thêm một lần bổ sung cách đó khoảng nửa năm đối với những em lần trước thi chưa đạt yêu cầu. 

Đề thi nên sớm thực hiện theo hướng kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra trí nhớ theo lối học thuộc lòng. Học sinh có thể mang theo tài liệu vào phòng thi nếu muốn. 

Một số vấn đề nổi cộm trong quản lý giáo dục ảnh 2

Tính hệ thống trong nền giáo dục nước ta đang bị chặt khúc, thiếu liên kết

Quan trọng nhất là phải biết vận dụng các kiến thức cốt lõi, cơ bản, được tổng hợp lại để giải quyết vấn đề. Đó cũng là bám theo chương trình giáo dục mới – chương trình phát triển năng lực học sinh. 

Nên mở rộng khung điểm để nhìn thấy rõ hơn việc phân hóa năng lực của học sinh trên từng bộ môn, lĩnh vực, từ đó mà cung cấp thông tin cho việc sơ tuyển đại học. 

Còn việc tuyển sinh đại học và cao đẳng thì do các trường tự quyết định, kể cả chuẩn đầu vào và cách tuyển chọn, có thể tự làm hoặc nhờ dịch vụ.

Bộ không cần phải đứng ra tổ chức trực tiếp một cuộc thi quốc gia để tuyển sinh đại học. 

Thả đầu vào, thắt chặt đầu ra

Nếu muốn thì nhiều trường có thể cùng thống nhất sử dụng chung kết quả do một trường hoặc một trung tâm dịch vụ nào đó thực hiện “kiểm tra để tuyển chọn”, cũng có thể là thi hoặc một cách kiểm tra nào đó.

Giáo dục đại học cần tự chủ. Hình minh họa: Báo Nhân Dân.
Giáo dục đại học cần tự chủ. Hình minh họa: Báo Nhân Dân.

Nói chung về nguyên tắc, học sinh đã tốt nghiệp phổ thông thì hoàn toàn có quyền tham gia vào học tại các trường đại học, nếu muốn. 

Nước ta nên mở thoáng đầu vào đối với việc tuyển sinh đại học, tạo điều kiện cho các học sinh đã tốt nghiệp phổ thông nếu có nguyện vọng học đại học thì thuận lợi và có nhiều cơ hội hơn. 

Tôi ủng hộ cách làm gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều nước đã ghi danh đăng ký học. Nhưng đầu ra thì quản lý chặt về chất lượng.

Có học sinh vào đại học rồi, nhưng phải kéo dài thời gian học nhiều năm mà vẫn không tốt nghiệp được do không đạt yêu cầu chất lượng. 

Ở ta lâu nay thì ngược lại, phải đi thi vất vả mới vào đại học, mặc dù đã tốt nghiệp phổ thông, nhưng khi đã vào được trường đại học thì nói chung là thế nào cũng sẽ tốt nghiệp, dù các kiểu chất lượng rất khác nhau. 

Nhưng việc mở thoáng đầu vào phải song song với việc tổ chức hệ thống và công việc kiểm định chất lượng đầu ra. Cần có cả các tổ chức kiểm định độc lập, của các hiệp hội, các tổ chức xã hội và kể cả của tư nhân. 

Một số vấn đề nổi cộm trong quản lý giáo dục ảnh 4

Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học

Kết quả kiểm định cần được công khai rộng rãi. Thậm chí công việc kiểm định chất lượng phải đi trước một bước so với việc mở thoáng đầu vào trong công tác tuyển sinh. 

Còn nhà nước thì lo việc kiểm định các tổ chức kiểm định, bảo đảm các đơn vị ấy có đủ năng lực, chất lượng và hoạt động khách quan, phản ảnh đúng kết quả thực chất.

Chất lượng chủ yếu được tạo nên từ cơ sở đào tạo. Tự chủ đại học là việc quan trọng cần tiếp tục triển khai thực hiện. Việc tự chủ được giao cho tập thể hội đồng trường chứ không phải cho cá nhân hiệu trưởng. 

Chính phủ đã có chỉ đạo đúng trong vấn đề này. Hội đồng trường phải thực chất là cơ quan quyền lực. Hội đồng quyết định chọn hiệu trưởng chứ không phải hiệu trưởng quyết định hội đồng trường như lâu nay nhiều nơi đã làm.

Để thực hiện đúng tự chủ đại học, ngoài việc tự chủ về tài chính và nhân sự, cần phải có tự chủ về chương trình, trong đó bao hàm một phần về tự do học thuật, và bải bỏ cơ chế có cơ quan chủ quản. 

Khi nào còn cơ quan chủ quản là cấp trên hành chánh của trường đại học thì thực chất chưa có tự chủ đại học.

Đã có những văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước nói là “ sẽ tiến đến”, “tiến đến” tự chủ…Tất nhiên tự chủ cũng là một quá trình, phải có chuẩn bị, nhưng “sẽ” và “tiến đến” đều là lời hứa hẹn ở thì tương lai, chẳng biết đến khi nào.

Các trường đại học nói rằng đã nhiều năm rồi chẳng thấy “đến”, cách ra văn bản kiểu ấy chẳng qua là nhằm bảo đảm an toàn cho người ký, chứ không phải để thực hiện.

Nên sớm khắc phục sự khác nhau về cơ chế quản lý giữa các trường đại học công lập và đại học ngoài công lập, nhằm tạo sự bình đẳng giữa hai khu vực này. 

Hiện tại giữa công lập và ngoài công lập đang có sự vênh nhau, sự chưa bình đẳng về vấn đề tự chủ (ngoài công lập đang tự chủ cao hơn công lập) và cơ hội tiếp cận nguồn lực cũng như chính sách xã hội (ngoài công lập đang bị kém hơn công lập). 

Việc phân cấp quản lý về mặt nhà nước đối với các trường đại học cũng cần tính lại, để có điều chỉnh phù hợp.

Không nên phân cấp giữa trung ương và địa phương quản lý theo chế độ sở hữu, công lập và ngoài công lập, mà nên theo loại công việc. 

Những việc gì mà chính quyền địa phương sát hơn, có thể giải quyết kịp thời hơn, thì giao cho chính địa phương, còn việc gì ở tầm của cấp trung ương có thể đáp ứng tốt hơn thì do trung ương quản lý, không kể đối với trường công lập hay ngoài công lập.

(Còn nhiều vấn đề cụ thể về chính sách nữa, cần có chuyên đề bàn riêng, sâu hơn trong chuyện này).

Đổi mới quản lý tài chính, ngân sách giáo dục

Riêng góc độ quản lý tài chính, ngân sách, theo tôi nghĩ, nên có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau đầu tư vào giáo dục.

Ví dụ có những khoản đầu tư nào đó vào giáo dục thì được tính vào chi phí trước thuế thu nhập chẳng hạn. 

Với cách làm đó ta có thể huy động thêm các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cho giáo dục mà không làm mất động lực kinh tế khi mở rộng thuế thu nhập để giảm phân hóa giàu nghèo. 

Việc ngân sách nhà nước cấp chi phí thường xuyên cho các trường đại học công lập có thể sửa đổi thành chính sách học bổng hoặc cho sinh viên vay không lãi để đóng học phí theo các đối tượng nhà nghèo hoặc học giỏi, không phân biệt trường công lập hay trường ngoài công lập. 

Tức là chi phí ấy hướng trực tiếp đến đối tượng được thụ hưởng, chứ không phải cấp cho nhà trường. Đối tượng được hưởng đang học ở trường nào thì khoản ngân sách ấy chuyển về trường đó, bất kể là trường công lập hay trường tư thục. 

Tất cả trường công cũng tự cân đối thu chi như trường ngoài công lập. Không có lý do gì để nói rằng các trường công lập không thể tự cân đối thu chi, trong khi họ đang có điều kiện tốt hơn các trường ngoài công lập. 

Một số vấn đề nổi cộm trong quản lý giáo dục ảnh 5

Thầy phải là người bạn lớn, bình đẳng, đồng hành cùng học trò đi tìm chân lý

Song song với chính sách đó, cần có lộ trình mở dần về cơ chế thu tiền học phí, khắc phục tình trạng một nền giáo dục đại học giá rẻ nhưng muốn chất lượng cao.

Hiện nay, trường Đại học Tôn Đức Thắng ở thành phố Hồ Chí Minh thu học phí chỉ bằng 1/25 so với Rmit Sài gòn, nhưng chất lượng thì chênh nhau không nhiều, có mặt thua có mặt hơn. 

Lãnh đạo trường Tôn Đức Thắng cho biết nếu học phí gấp đôi hiện nay thì có thể bảo đảm chất lượng không thua gì Rmit ở tất cả các mặt. Mà gấp đôi hiện nay thì cũng chỉ bằng 2/25 so với mức học phí của Rmit. 

Từ chuyện này còn có thể suy nghĩ nhiều điều nữa về dư địa để đầu tư vào giáo dục đại học ở Việt Nam đang còn nhiều, các trường đại học của ta thì chưa đủ cơ chế mở để phát triển.

Trong khi đó các trường nước ngoài đến Việt Nam phát triển theo xu hướng “thương mại hóa” thì có môi trường thuận lợi.

Trên đây là một số ý kiến về chuyện đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay, xin được mạnh dạn nêu lên để bạn đọc tham khảo. Chắc chắn sẽ có những ý kiến không đồng ý với tôi. Và việc đó là bình thường. 

Tôi mong muốn các cơ quan có trách nhiệm nên tổ chức các diễn đàn để các nhà khoa học và quản lý cùng tham gia thảo luận rộng rãi và nhiều lần về việc đổi mới giáo dục nhằm thực hiện thành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như tinh thần cơ bản của Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11. 

Hà Nội tháng 2/2017

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng