Đã 29 năm trôi qua, hình ảnh về 64 liệt sỹ hy sinh anh dũng trong trận hải chiến tại đảo Gạc Ma vẫn in rõ trong tâm trí của những người đồng đội.
Những cựu binh Gạc Ma và mẹ Hồ Thị Đức thắp hương tưởng nhớ đồng đội. (Ảnh: X.T) |
Đúng ngày này 29 năm trước, máu xương của 64 liệt sỹ đã nằm lại tận biển sâu, thế nhưng khí thế chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn vang mãi.
Trong số 64 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến này, Quảng Bình là nơi có nhiều liệt sỹ nhất với 13 liệt sỹ, sau đó là Đà Nẵng 9 liệt sỹ, Thanh Hóa và Nghệ An mỗi nơi 8 liệt sỹ...
Tất cả họ đều còn rất trẻ, ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Họ lên đường nhập ngũ giữa thời bình, không ai ngờ rằng lại có một ngày họ nằm lại giữa lòng biển cả.
Sự hy sinh của 64 liệt sỹ trong trận chiến Gạc Ma sẽ mãi được nhắc nhớ (Ảnh: X.T) |
Cũng như nhiều năm qua, sáng ngày 14/3, nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) lại khói hương nghi ngút.
Chuyện hôm nay của những người lính trở về từ Gạc Ma (Kỳ 2): Lao tù Trung Quốc |
Quanh mộ anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương - người trước lúc hy sinh khi bị quân Trung Quốc tấn công đã vang lên câu nói“Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”, 64 ngọn nến được thắp lên sáng rực, những cựu binh may mắn sống sót trở về lại tập trung tới đây để tưởng niệm, tri ân đồng đội đã mất. Họ lặng lẽ nắm tay nhau ngồi quanh ngôi mộ liệt sỹ Trần Văn Phương để nối lại “vòng tròn bất tử”.
Bên cạnh các đồng đội, còn có nhiều cán bộ, đoàn viên thị đoàn Ba Đồn; UBND phường Quảng Phúc cùng rất đông người dân đến để tri ân, tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma (Quần đảo Trường Sa) để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Dù đi đâu, làm gì, cứ đến ngày 14/3 hàng năm, những cựu binh (quê ở Quảng Bình, Hà Tĩnh) trở về từ trận chiến Gạc Ma lại tập trung tới trước phần mộ liệt sỹ Trần Văn Phương để tưởng nhớ đồng đội (Ảnh: X.T) |
Mỗi năm cứ đến ngày này, nhìn thấy đồng đội con mình, mẹ Hồ Thị Đức - mẹ liệt sỹ Trần Văn Phương lại xúc động, nước mắt rơi đầm đìa.
Mẹ bảo: “Gần 30 năm rồi ngày con mẹ nằm lại ngoài biển đảo, nhưng vẫn có rất nhiều người về tưởng niệm như thế này làm mẹ thấy ấm lòng lắm”.
Chuyện của người lính trở về từ Gạc Ma (kỳ cuối): Những ngôi mộ gió Trường Sa |
Cựu binh Nguyễn Văn Lục (quê ở xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), một người may mắn sống sót trở về từ Gạc Ma chia sẻ: “Mỗi năm cứ đến ngày này, chúng tôi lại thấy nhớ đồng đội của mình đến da diết. Mọi chuyện cứ như mới diễn ra hôm qua thôi, chỉ trong chốc lát mà đã có sự mất mát quá lớn, những người anh em, đồng đội của chúng tôi đã mãi nằm lại giữa biển đảo.
Vì vậy, chúng tôi luôn dặn lòng, đến ngày này dù có bận việc gì, ở tận đâu thì cũng phải cố gắng về đây với anh em, đồng đội, để họ ở dưới kia thấy ấm lòng hơn”.
Mỗi nén hương, mỗi ngọn nến được thắp lên như một lời tri ân sâu sắc tới những anh hùng đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma (Ảnh: X.T) |
Sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988 đã lùi lại vào quá khứ, nhưng nó mãi là vết hằn đau thương để nhắc nhớ thế hệ trẻ rằng: “Tổ quốc luôn là vĩnh cửu, không có sự hy sinh nào cao cả bằng sự hy sinh vì Tổ quốc”.