Chuyện hôm nay của những người lính trở về từ Gạc Ma (Kỳ 2): Lao tù Trung Quốc

13/03/2016 05:00
Thủy Phan
(GDVN) - Mỗi lần cầm tờ giấy ấy trên tay, ký ức về trận chiến Gạc Ma bi hùng, về những ngày trong lao tù lại hiện hữu trong các anh như mới chỉ hôm qua thôi.

Chuyện lao tù Trung Quốc

Sau khi nổ súng chiếm đảo Gạc Ma và bắn chìm tàu HQ 604 vào rạng sáng 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đã bắt giữ nhiều chiến sỹ của ta sống sót trôi dạt trên biển về làm tù binh, giam giữ hơn 3 năm ở bán đảo Lôi Châu để tra hỏi.

Gần 30 năm trôi qua, cựu binh Mai Xuân Hải (ở thôn Tân Hội, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn không thể nào quên được trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 và những năm tháng lao tù ở Trung Quốc.

Đầu năm 1988, anh Hải cùng hơn 300 người con Quảng Bình tình nguyện vào Hải Quân, lên tàu ra Trường Sa để xây dựng và bảo vệ biển đảo Tổ quốc. 

Rạng sáng ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng chiếm đảo Gạc Ma và đã bắn chìm tàu HQ 604.

Khi bị Trung Quốc bắn xối xả, tàu HQ 604 bốc cháy rồi từ từ chìm xuống biển, nhiều chiến sỹ trúng đạn đã hy sinh, còn tôi bám được vào một khúc gỗ trôi dạt trên biển, nhưng đến sáng hôm sau thì bị Trung Quốc phát hiện và bắt giữ”, anh Hải nhớ lại.

Anh Hải cho biết, bị bắt trói lên tàu Trung Quốc lúc đó tất cả có 9 người, trong đó có hai người đồng hương với anh là anh Nguyễn Văn Thống ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình; anh Lê Văn Đông ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch cùng sáu đồng đội ở những địa phương khác nữa.

Chuyện hôm nay của những người lính trở về từ Gạc Ma (Kỳ 2): Lao tù Trung Quốc ảnh 1
Bức ảnh các cựu binh Nguyễn Văn Thống (đeo kính, đứng thứ 3 từ trái qua); Mai Xuân Hải (ngồi thứ 2 từ phải qua) chụp cùng các đồng đội (Ảnh: Thủy Phan)

Sau gần một ngày trôi dạt trên biển, đói và khát nhưng phía Trung Quốc không cho những chiến sỹ của ta ăn uống mà chỉ cho uống một ít nước để mọi người cầm hơi. 

Dù lúc đó anh Hải bị thương, máu chảy khắp người, nhưng lính Trung Quốc vẫn đấm đá anh túi bụi, rồi xích chân anh lại ở một góc riêng, không cho ngồi chung với đồng đội.

Sau ba ngày, ba đêm, tàu Trung Quốc mới đưa các tù binh bắt được về giam cầm ở bán đảo Lôi Châu. Những chiến sỹ của ta bị Trung Quốc nhốt biệt lập mỗi người một phòng.

Anh Hải kể: “Hai tháng đầu, chúng liên tục tra hỏi những đơn vị khác của mình đóng ở đâu, ai chỉ huy... 

Nhưng chúng tôi đều nói không biết, chúng tôi chỉ là những người lính, chỉ biết nhiệm vụ được giao là xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngoài ra không biết gì nữa.

Vì tra hỏi mãi vẫn không khai thác được gì, nên sau đó chúng không còn hỏi nữa
”.

Lúc bị bắt giữ, tôi bị thương rất nặng, ngất lịm đi nên không còn biết gì. Khi những người lính Trung Quốc đưa tôi vào viện điều trị, thấy những vết thương ở chân tay tôi bị hoại tử nên họ đòi cắt bỏ đi. Nhưng tôi thà chịu chết chứ kiên quyết không để bị cưa hết chân tay”, cựu binh Nguyễn Văn Thống (ở xã Nhân Trạch, Huyện Bố Trạch, Quảng Bình) nhớ lại.

Trở về trong sự ngỡ ngàng

Ở phía bên kia, những người lính Gạc Ma phải sống trong cảnh lao tù ở Trung Quốc, còn nơi quê nhà, gia đình của các anh đau đớn khi nhận được giấy báo tử từ đơn vị, những tấm bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma ở quân cảng Cam Ranh cũng đã khắc tên họ.

Chuyện hôm nay của những người lính trở về từ Gạc Ma (Kỳ 2): Lao tù Trung Quốc ảnh 2
Giấy báo tử của cựu binh Nguyễn Văn Thống (Ảnh: Thủy Phan)

Đầu năm 1991, đúng 3 năm, 5 tháng, 15 ngày, những người lính Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giữ được trao trả về Việt Nam. Họ trở về quê hương trong sự ngỡ ngàng, mừng tủi của gia đình, làng xóm. 

Anh Mai Xuân Hải nhớ lại: “Khi tôi về tới, cả làng đã chạy đến hỏi thăm, trong nhà ngoài sân đều chật kín người. Nhiều người đang ăn cơm cũng bỏ bữa để chạy đến xem, đến lúc về thì không còn cơm ăn nữa vì đã bị chó ăn hết”.

Nhớ lại giây phút khi được trở về nhà sau bao năm sống trong chốn lao tù, mắt anh Thống như sáng lên khi kể cho chúng tôi nghe.

Chuyện hôm nay của những người lính trở về từ Gạc Ma (Kỳ 2): Lao tù Trung Quốc ảnh 3
Cựu binh Mai Xuân Hải (Ảnh: Thủy Phan)

Anh Thống nói: “Tôi nhớ mãi cái ngày đó, cả làng đến hỏi thăm, động viên tôi, nhớ lại vẫn cảm thấy xúc động.

Khi về đến nhà rồi, nhìn lên bàn thờ tôi vẫn thấy di ảnh của mình trên đó. Tôi hỏi mẹ, con đã về rồi sao mẹ chưa dọn bàn thờ đi thì mẹ nói muốn để tự tay tôi dọn
”.

Đến tận bây giờ, anh Hải, anh Thống, anh Đông... vẫn luôn giữ tờ giấy báo tử bên mình. Mỗi lần cầm tờ giấy ấy trên tay, ký ức về trận chiến Gạc Ma bi hùng, về những ngày trong lao tù lại hiện hữu trong các anh như mới chỉ hôm qua thôi. Nhiều đêm, các anh nhớ đồng đội đến rơi nước mắt.

Thỉnh thoảng, các anh lại đến nhà nhau thăm lại đồng đội cũ, rồi cùng ôn lại những kỷ niệm trong chốn tù đày Trung Quốc, ôn lại trận hải chiến Gạc Ma để nhắc nhớ thế hệ sau không quên sự hy sinh của thế hệ trước để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thủy Phan