LTS: Bàn về vai trò của các tổ chức Công đoàn trong nhà trường hiện nay, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng tổ chức này chưa thực sự phát huy hết vai trò của mình.
Thực tế, bản thân cán bộ Công đoàn cũng không dám lên tiếng đấu tranh bảo vệ quyền lợi của giáo viên vì họ còn lo cho bản thân mình, vì họ sợ mang vạ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn.
Thế nhưng tổ chức này trong các trường học hiện nay phần lớn chưa thật sự phát huy hết vai trò của mình.
Chăm lo đời sống
Trường học nào cũng có tổ chức Công đoàn gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và ban nữ công.
Trong từng tổ chuyên môn gồm: Tổ trưởng và các Công đoàn viên. Có thể nói về cơ cấu, về hình thức tổ chức đã đảm bảo đúng yêu cầu nhưng về hoạt động của Công đoàn lại chưa thể hiện rõ vai trò cần phải có.
Vai trò của Công đoàn trường chưa thực sự được phát huy. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Chẳng thế mà không ít người thốt lên “Công đoàn ở các nhà trường chỉ là tổ chức bù nhìn” vì họ thật sự không có quyền hành gì cả.
Công việc mà Công đoàn làm chủ yếu hiện nay là việc thăm hỏi Công đoàn viên và người nhà của họ đau ốm, chuyện ma chay, tổ chức tham quan, kỉ niệm các ngày lễ trong năm, các buổi tiệc tùng nhà trường tổ chức, hay chuyện tổ chức thăm hỏi khi gia đình công đoàn viên gặp khó khăn…
Né tránh những chuyện bức xúc
Trong trường, mỗi khi giáo viên, công nhân viên có chuyện bức xúc, bất bình, công đoàn phải đứng ra giải quyết sao cho ổn thỏa.
Với vai trò của mình, công đoàn phải là chỗ dựa vững chắc cho giáo viên, nhân viên. Thế nhưng phần lớn Công đoàn các trường học lại đứng hẳn về phía Ban giám hiệu.
Trong trường học lại có rất nhiều chuyện cần đến Công đoàn như: việc phân công chuyên môn đầu năm sao cho hợp lý, phân công các chức danh trong trường như Tổ trưởng, Thư ký, Văn thể… chuyện phân công tiết dạy, ngày nghỉ trong tuần, việc bốc thăm lớp…
Có Hiệu trưởng khi dự kiến phân công chuyên môn còn mời Công đoàn tham dự để mang tính dân chủ.
Nhưng không ít Ban giám hiệu phớt lờ sự có mặt của Công đoàn.
Khi giáo viên có bức xúc vì cho rằng mình bị xử ép, Công đoàn cũng chẳng thể lên tiếng vì chính họ cũng đang lo cho chính bản thân mình.
Nhiều trường học, Ban giám hiệu lộng quyền, chà đạp giáo viên nhưng Công đoàn vẫn làm ngơ và chẳng có phản ứng gì.
Có Chủ tịch Công đoàn còn khuyên giáo viên cố nhịn cho xong việc. Họ cũng phải nhìn thái độ, sắc mặt Ban giám hiệu để không làm phật lòng …
Có những trường, Ban giám hiệu quản lý cả Công đoàn như: việc tổ chức sinh hoạt các ngày lễ cho giáo viên ở đâu? Tổ chức liên hoan ăn uống cái gì? …
Tất tật Chủ tịch Công đoàn phải lên kế hoạch và xin ý kiến Hiệu trưởng đồng ý mới thực hiện.
Vì sao lại có chuyện Công đoàn né tránh, không dám đấu tranh để bảo vệ cái đúng?
Chia sẻ vấn đề này, một Chủ tịch Công đoàn nhà trường lâu năm lên tiếng “Công đoàn không có thực quyền, mình đấu tranh có khi chính mình bị mang vạ”.
Rồi chị dẫn chứng, vài năm trước “thấy chuyện bất bình chẳng tha” thế rồi, Ban giám hiệu sử dụng quyền của mình tìm mọi sơ hở để thị uy như việc thi thoảng vào lớp ngồi dự giờ, kiểm tra hồ sơ sổ sách bất kì lúc nào, giờ nào hay phân công cho dạy lớp có học sinh khuyết tật, có nhiều học sinh yếu kém nhất trường…
Chủ tịch Công đoàn sợ đụng chạm với Ban giám hiệu thì chính bản thân mình sẽ bị thiệt thòi, hỏi làm sao có đủ dũng khí để đấu tranh vì quyền lợi chung cho mọi người?
Bởi thế, giáo viên vẫn sẽ tự ‘bơi”, vẫn cô độc đấu tranh khi bản thân mình bị xử ép.